GDVN - "Nhưng Bộ trưởng cũng phải chuẩn bị tinh thần trước, tôi khuyên Ngài như vậy, để không bị sốc nếu gặp phải quá nhiều lời lẽ chê bai, đôi khi cũng có những lời chê trách hơi khó nghe, thậm chí có phần thô tục. Thưa Bộ trưởng, mong Ngài bỏ quá cho họ, vì họ đang cảm thấy bức bối khi nhìn đâu cũng thấy phí. Bây giờ cái gì cũng tăng giá hết cả, từ điện, nước, xăng dầu, tiền thuê nhà… cái gì cũng tăng giá tuốt tuồn tuột, rồi từ đầu tháng 6 tới đây, người dân lại phải gánh thêm cả phí bảo trì đường bộ; trong khi ấy vì các khoản chi phí cho đời sống lại tăng cao nên số tiền thực kiếm được của chúng tôi chẳng những không tăng lên được mà còn bị giảm đi trông thấy..."
*
Sau khi có thông tin phí bảo trì đường bộ sẽ có hiệu lực từ tháng
6/2012, một lần nữa vấn đề thu phí “lưu hành phương tiện cá nhân” mà Bộ
GTVT đã đề xuất lại trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Đã có hàng nghìn ý
kiến gửi về tòa soạn bày tỏ ý kiến về đề nghị thu phí “lưu hành phương
tiện cá nhân” hay nói cách khác là “phí hạn chế phương tiện giao thông
cá nhân” mà Bộ trưởng Đinh La Thăng mới đề nghị đổi tên. Báo Giáo dục
Việt Nam xin đăng tải một trong những tâm sự gửi tới Bộ trưởng Bộ GTVT.
*
Thưa Bộ trưởng Đinh La Thăng – Bộ trưởng Bộ GTVT, mặc dù sự thật mếch lòng, nhưng tôi vẫn phải nói thật rằng, đây là lần cuối cùng tôi gửi tâm tư tới Ngài. Tôi đã viết thư gửi tới Báo Giáo dục Việt Nam cách đây 2 tháng 18 ngày, mong muốn những suy tư của dân lái xe sẽ may mắn tới được với Ngài. Nhưng có lẽ, tôi đã hơi ảo tưởng, vì chắc Ngài còn bận họp hành, còn bận với những kế hoạch khác… nên chẳng hơi sức đâu mà lắng nghe nỗi thống khổ của những người cầm vô lăng, lái taxi.
Tôi chẳng biết là Ngài có thời gian lướt qua những dòng tâm tư này của tôi hay không, nhưng thôi thì cứ viết, cứ gửi vậy. Dân lái xe chúng tôi vốn thẳng thắn cũng như dân xây dựng, cho nên tôi chẳng ngại để nói rằng, Ngài đang đối xử bất công với cánh lái xe taxi đấy. Ai cũng bảo, xe taxi là phương tiện vận tải công cộng. Nó chỉ khác xe bus ở chỗ là chở được ít người hơn và Nhà nước chẳng phải bù lỗ. Ấy vậy mà taxi lại bị coi là xe cá nhân và bị buộc cho được cái trách nhiệm phải nộp “phí lưu hành”, nói cách khác là “phí chống ùn tắc”. Mà kể cũng lạ, nếu là chống ùn tắc thì không hiểu mấy cái taxi gây ra hậu họa gì đây khi mà Sở GTVT thành phố Hà Nội đã cấm tiệt, không cho chúng tôi lai vãng trên 17 phố vào giờ cao điểm rồi, thưa Bộ trưởng? Giờ cao điểm chúng tôi không chạy thì chẳng còn là nguyên nhân gây tắc, vậy mà chúng tôi lại phải cò cổ ra nộp phí “hạn chế phương tiện giao thông cá nhân”.
Nghề lái taxi luôn phải đối mặt với nhiều hiểm họa
Cấm! Đương nhiên chúng tôi phải làm theo rồi, vì nếu thò cổ ra đường vào giờ ấy thì ăn biên bản là cái chắc, rồi lại thủng cả nồi cơm của vợ con thì chẳng ra sao cả. Chẳng được chạy vào giờ cao điểm, cũng có nghĩa là chúng tôi mất đi khối khách hàng, mất một phần thu nhập đáng kể. Nhiều khi tôi cứ nghĩ, đúng là thấp cổ bé họng nên chẳng nói được với ai. Chẳng ai muốn nghe mình.
Chắc có lẽ, nhiều người mặc nhiên coi dân lái xe tụi tôi là loại ít học, nên ban phát cho thế nào thì biết vậy thôi. Nhưng ít học như tôi cũng đã thấy câu chuyện thu phí chẳng tìm đâu ra cái lý cho hợp thì hẳn là những người có trình độ sẽ thấy nhiều thứ còn thú vị hơn. Ngài Bộ trưởng cứ thử vào google và nhập các từ khóa, tôi chắc chắn là Ngài sẽ nhìn thấy ngay dư luận người ta phản ứng thế nào với đề xuất thu “phí lưu hành” của Ngài.
Cái gì cũng cần có sự đóng góp của nhân dân, nhất là chuyện xây dựng hạ tầng. Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm. Từ bao đời nay, nhân dân ta chung sức đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ gìn nền độc lập. Nhân dân ra làm ra hạt thóc, hạt gạo nuôi cả đất nước này. Nhân dân ta chung sức xây dựng và phát triển đất nước. Nhân dân sẵn sàng ủng hộ những chính sách đúng, chỉ có điều, đóng góp thế nào, mức độ đóng góp ra sao mới chính là chuyện cần phải bàn. Quan trọng hơn cả, nó phải hợp lòng dân, tức là phải được người dân ủng hộ.
Kể từ những ngày đầu Ngài trình phương án thu phí lưu hành phương tiện cá nhân, tôi cũng đã gửi tâm thư tới Ngài để trình bày về cuộc sống khó khăn của gia đình tôi, mà nó cũng là cảnh sống của hàng trăm, hàng nghìn lái xe khác ở Thủ đô. Ngài là một Bộ trưởng, còn trước đó là người đứng đầu những doanh nghiệp lớn, không biết có khi nào Ngài đằm mình vào cuộc sống nghèo khổ như chúng tôi hay không?
Thưa Ngài Bộ trưởng, không biết có bao giờ Ngài đi taxi không nhỉ? Chắc là có, nhưng rất hiếm, vì Ngài có xe riêng. Nhưng tôi vẫn hy vọng, một ngày đẹp trời nào đó Ngài thấy nổi hứng và kêu một chiếc taxi, lúc ấy rất mong Ngài hãy hỏi han người lái xe vài câu về cuộc sống của anh ta. Và, Ngài sẽ cảm nhận được những nỗi cơ cực mà dân lái xe (phần nhiều là người đến từ các tỉnh lẻ) đang phải vất vả vượt qua.
Tôi cũng nảy ra một ý thế này: Có lẽ, Ngài nên cho người khảo sát ý kiến của dân lái xe taxi, xem thực tế thu nhập của họ bao nhiêu, và họ nghĩ gì về chính sách thu phí Ngài đã đề xuất. Để sát với thực tế, theo tôi thì Ngài nên “hóa trang” để “vi hành”, có như vậy Ngài mới nghe thấy những lời nói thật từ dân lái xe, từ những người dân bình dị ở Thủ đô.
Nhưng Bộ trưởng cũng phải chuẩn bị tinh thần trước, tôi khuyên Ngài như vậy, để không bị sốc nếu gặp phải quá nhiều lời lẽ chê bai, đôi khi cũng có những lời chê trách hơi khó nghe, thậm chí có phần thô tục. Thưa Bộ trưởng, mong Ngài bỏ quá cho họ, vì họ đang cảm thấy bức bối khi nhìn đâu cũng thấy phí. Bây giờ cái gì cũng tăng giá hết cả, từ điện, nước, xăng dầu, tiền thuê nhà… cái gì cũng tăng giá tuốt tuồn tuột, rồi từ đầu tháng 6 tới đây, người dân lại phải gánh thêm cả phí bảo trì đường bộ; trong khi ấy vì các khoản chi phí cho đời sống lại tăng cao nên số tiền thực kiếm được của chúng tôi chẳng những không tăng lên được mà còn bị giảm đi trông thấy.
Ngày hôm qua, tôi có thấy báo Giáo dục Việt Nam dẫn lời Giáo sư Đặng Hùng Võ nói rằng, chúng ta nên tư duy theo hướng dùng thuế đầu tư hạ tầng thay vì loay hoay với các bài toán thu phí. Tôi thấy đây là một ý kiến rất sắc sảo, thưa Bộ trưởng. Có lẽ, Ngài cũng nên thử tư duy theo hướng ấy xem sao. Tính ra thì thu thuế như vậy hợp lý hơn rất nhiều, người giàu nộp nhiều, người nghèo nộp ít, và tất cả toàn dân đều phải nộp thuế, được dùng để đâu tư cho hạ tầng. Chứ cứ như chuyện thu phí mà Ngài đã trình thì thật không ổn, vì rằng mỗi chiếc xe ở nước ta đang phải gánh tất cả 12 loại thuế và phí: thuế nhập khẩu, phí trước bạ, phí biển số, đăng kiểm, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phí xăng dầu và phí cho quỹ bình ổn… giá một chiếc ô tô nhập về nước ta bán cao hơn tới 2-3 lần so với nước bạn.
Tôi cũng thấy có thông tin so sánh, ở Mỹ, một đất nước có GDP cao gấp 50 lần Việt Nam, vậy mà người dân chỉ phải đóng 150 USD/năm, trong khi khung phí mà Ngài đề xuất thì cao hơn của họ từ 10-20 lần đấy. Đấy là một sự bất hợp lý mà ai cũng nhìn thấy, dường như chỉ có Ngài là vẫn không biết mà thôi.
Nói tới đây, tôi lại chợt nghĩ tới những việc lẽ ra chẳng cần làm, thí dụ như tổ chức một cái lễ hội hoành tráng ở đâu đó, hay kỷ niệm ngày này ngày nọ, cũng tiêu tốn tiền tỷ đấy, thưa Bộ trưởng… Vào đúng giai đoạn khó khăn, những người có trách nhiệm cũng kêu toáng lên là không có tiền đâu tư cho hạ tầng, ấy vậy mà một năm có bao nhiêu lễ hội vẫn cứ chi tiêu khoản lớn, khoản nhỏ, mà chúng tôi hay nói vui với nhau là “tuần chay nào cũng có nước mắt”. Có lẽ, một lúc nào đó, Bộ trưởng cũng nên lên tiếng để người ta bớt làm những điều phù phiếm ấy, hãy để tiền mà đầu tư cho hạ tầng, để tiền ấy cho dân nghèo thì hay hơn biết bao nhiêu.
Tôi rất hiểu tâm tư của Bộ trưởng. Ngài đang cảm thấy sốt ruột, vì loanh quanh là cũng sắp hết 1/5 nhiệm kỳ rồi. Và Ngài muốn làm được một cú đột phá cho giao thông Hà Nội. Nhưng vậy là Ngài đang làm khó cho dân chúng tôi rồi. Nếu Ngài muốn chống tắc thật nhanh, có lẽ nên đánh phí cao lên vài lần nữa, tôi đảm bảo là chẳng còn ai dám đi ô tô nữa, xe máy chắc cũng bỏ xó, và nhà nhà kéo nhau lên xe bus. Thật là một cảnh tượng hoành tráng khi tràn ngập các con đường Thủ đô đều là xe bus. Có lẽ, câu chuyện chống ùn tắc trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng cũng vì thế mà sắp hoàn thành.
Trước đây ít lâu, tôi cũng thấy Bộ GTVT tuyên bố lấy ý kiến của dân (thực chất là sau khi dư luận có quá nhiều ý kiến không đồng tình). Nhưng quả thực, tôi chẳng biết là Ngài hay Bộ GTVT lấy ý kiến của nhân dân ra sao, bằng hình thức nào? Tôi thắc mắc là vì tò mò không biết có bao nhiêu phần trăm ý kiến ủng hộ chính sách thu phí này? Và còn nhiều câu hỏi nữa... Nói thật như vậy, vì tôi hay lo xa, thưa Bộ trưởng. Tôi có thói quen lo xa từ lâu lắm rồi, là vì kiếm ăn tháng này đã phải lo cho tháng sau, và cả tháng sau nữa, đề phòng nhỡ vợ con đau ốm, hoặc chẳng may gặp phải sự cố gì…
Ngài là “Bộ trưởng hành động” hay “Hiện tượng”… Nhưng gần đây, mỗi hành động của Ngài thì khiến tôi giật mình thon thót. Có người nói thế này, thế khác. Còn tôi, tôi vẫn luôn sẵn sàng ủng hộ Ngài, đó là Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhưng làm thế nào thì mong Ngài hãy tính toán lại, hãy đằm mình vào cuộc sống của dân nghèo, vì vấn đề của chúng tôi không phải là tiền, mà là… thiếu tiền, thưa Bộ trưởng.