Quỳnh Chi(RFA)- Trong khi nhà nước liệt kê nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư bất động sản, nợ thuế; các doanh nghiệp này cho rằng họ đang bị “tận thu” thuế.
Cục Thuế Hà Nội vừa cho công bố danh sách các doanh nghiệp còn nợ hoặc chậm nộp thuế nhà nước tính đến thời điểm cuối tháng Hai. Dẫn đầu danh sách này là những công ty bất động sản (BĐS) với số nợ tổng cộng lên hàng ngàn tỉ đồng. Trong buổi hội nghị bàn về những biện pháp nhằm chống thất thu thuế được tổ chức tại Hà Nội hồi đầu tháng, số nợ thuế của nhóm này được cho biết chiếm hơn 72%. Những doanh nghiệp BĐS có số nợ lớn có thể kể đến Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD) với nợ thuế khoảng 400 tỷ đồng; Cty TNHH Berjay – Handico 12, chủ đầu tư dự án Khu đô thị Thạch Bàn với hơn 225 tỷ đồng, Cty cổ phần Xây dựng số 1 Hà Nội với số nợ là 176 tỷ đồng…
“Nghiệt ngã” cho doanh nghiệp
*Một công trình xây dựng của một công ty bất động sản tại Hà Nội hôm 11-07-2011.
Chia sẻ với báo chí trong nước, theo ông Trịnh Hoàng Cơ, Vụ trưởng vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ - Tổng cục Thuế cho biết phần nợ thuế của DN chủ yếu liên quan đến phần thuế từ cấp quyền sử dụng đất. Việc này không khó nhận ra. Điển hình, trong tổng số nợ 176 tỷ đồng tiền thuế của công ty Cổ phần xây dựng số 1 Hà Nội, số nợ tiền sử dụng đất và tiền phạt đã lên đến 127 tỷ đồng. Phát biểu với báo giới về số nợ thuế 400 tỷ đồng của công ty HUD, ông Nguyễn Thắng, Chánh văn phòng HUD cho biết công ty này không nợ thuế “mà đó là số tiền sử dụng đất”.
Những nhà đầu tư bất động sản với số tiền đền bù đất đai không tương xứng với giá trị thực là căn nguyên của những bức xúc trong dân chúng. Tuy nhiên, theo những chuyên gia trong ngành này, họ cũng không được hưởng số lợi lớn như người ta nghĩ.
Trao đổi với đài RFA, ông Nguyễn Văn Đực, Phó GĐ Cty BĐS Đất Lành cho biết việc các doanh nghiệp BĐS phải đóng nhiều thứ thuế cùng với việc phải nộp cho nhà nước số tiền thặng dư, đã làm cho các doanh nghiệp này mất đi phần lãi lý ra thuộc về mình:
“Nợ thuế là việc bình thường. Hiện nay các doanh nghiệp đều có nhiều khó khăn vì bán không được sản phẩm. Riêng về lĩnh vực bất động sản thì ngoài những thuế thường như thuế thu nhập, thuế trị giá gia tăng… thì còn những thuế khác. Đây là một vấn đề phức tạp. Thứ nhất, khi doanh nghiệp bất động sản chưa kinh doanh hết được 100% dự án thì không thể nào trả thuế trên 100% dự án đó được. Thứ hai là việc đánh thuế theo giá thị thường, đây là một việc hết sức “nghiệt ngã” cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp đã đền bù cho nông dân, lại phải đóng thuế cho nhà nước theo cách tính thuế giá trị thặng dư”.
Theo quy định hiện hành, thời điểm tính tiền sử dụng đất để nộp thuế được tính từ lúc giao mặt bằng sạch. Do đó, doanh nghiệp vẫn phải trả tiền sử dụng đất trên 100% diện tích mặt bằng đã giải phóng mặc dù có thể dự án chưa được xây dựng hay chưa được sử dụng hết.
Do thiếu vốn, các doanh nghiệp BĐS thường phải chia nhỏ dự án ra để làm, trong lúc việc giải phóng mặt bằng chậm cộng với việc thị trường đóng băng đã ảnh hưởng đến doanh thu và việc trả thuế của các DN. Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HH BĐS TP.HCM cũng từng trao đổi với đài RFA về những khó khăn của thị trường BĐS hiện nay:
“Tình hình kinh tế đang rất khó khăn, không riêng gì Việt Nam, do kinh tế thế giới tác động trong đó thị trường bất động sản của Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cũng đang gặp khó khăn. Sức mua bị giảm, giá cũng giảm, giao dịch cũng sụt giảm. Trong những khó khăn đó doanh nghiệp bất động sản của thành phố HCM cũng đang nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn này mà mục tiêu của năm 2011 chúng tôi chỉ nhắm tới việc duy trỉ sự tồn tại của doanh nghiệp và chờ kinh tế hồi phục để có cơ hội phát triển tiếp theo”.
Nhấn mạnh những khó khăn mà các doanh nghiệp bất động sản gặp phải, ông Nguyễn Văn Đực còn cho biết thêm việc đóng cho nhà nước số tiền thặng dư đã làm các doanh nghiệp trở thành người “làm công” trên chính tiền vốn của mình vì họ chỉ hưởng được phần phí quản lý:
“Tổng số tiền tôi bán ra bao nhiêu, trừ cho tổng số tiền đầu tư, quản lý công ty và lãi thì còn lại số thặng dư. Và nhà nước coi như thu hết số tiền này. Đến đây có hai trường hợp. Thứ nhất là nhà nước trừ lại số tiền tôi đã bồi thường theo cái giá thực tế tôi đã bồi thường. Số tiền còn bao nhiêu là tôi phải nộp cho nhà nước. Tức là doanh nghiệp chỉ hưởng được số tiền duy nhất là phí quản lý. Như vậy như là nhà nước đã quốc hữu hóa tài sản của tôi.”
Ông Nguyễn Văn Đực còn cho biết, trong trường hợp thứ hai xấu hơn, các doanh nghiệp BĐS phải chịu lỗ khi nhà nước đưa ra qui định đền bù cho nông dân. Theo ông Đực, doanh nghiệp không có ban quản lý thực hiện bồi thường nên tự thực hiện bồi thường theo giá DN đưa ra. Nhưng khi nộp số tiền thặng dư cho nhà nước, đôi lúc số tiền nhà nước ấn định mức bồi thường lại thấp hơn số tiền thực tế đã trả cho nông dân trước đó, dẫn đến việc DN phải chịu lỗ.
Ảnh hưởng nền kinh tế
Thị trường khó khăn, tín dụng thắt chặt, tâm lý dè dặt của người tiêu dùng đã làm các DN BĐS không bán được sản phẩm và không có khả năng trả thuế nhà nước. Thời gian vừa qua, có thông tin ngân hàng nhà nước sẽ giảm 1% lãi suất. Tuy nhiên, lãi vay vốn dành cho lĩnh vực địa ốc hiện rẻ nhất cũng là 18%, thì việc giảm 1% xem ra cũng không có ý nghĩa.
Trong thời gian vừa qua, nhiều DN BĐS than phiền cách tính thuế đất của nhà nước hiện tại quá cao, cộng thêm việc nộp thuế được qui định thực hiện một lần (không giãn thành nhiều đợt) đã tạo nên khó khăn cho các DN.
Hiện tại, có nhiều chuyên gia cho rằng việc nợ thuế có thể được một số doanh nghiệp thực hiện một cách cố tình và là một thủ thuật chiếm dụng vốn. Tố cáo này được LS Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật Gia TP.Hồ Chí Minh, cho biết “còn tùy”. Tuy nhiên, ông khẳng định nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì sẽ bị khởi tố:
“Tiền nợ thuế của các doanh nghiệp là họ phải có nghĩa vụ trả. Nếu họ không trả thì nhà nước có thể cấn trừ vào tài sản mà doanh nghiệp ấy có. Nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự thì có thể bị khởi tố theo luật trốn thuế của BLHS. Ngoài ra, việc chậm nộp thuế sau một thời gian nhất định cũng sẽ bị tính lãi”.
Theo qui định hiện hành, mức phạt dành cho việc nộp thuế chậm là 0,05% một ngày, tức 18% một năm. Trong một số trường hợp, có thể cưỡng chế nếu chậm 90 ngày.
Việc không trả được thuế và phải gánh số lãi từ tiền nợ thuế đã làm các doanh nghiệp BĐS ngày càng cạn nguồn vốn mà theo ông Nguyễn Văn Đực, có thể tạo ra những đợt khủng hoảng trong thời gian tới:
“Theo tôi, doanh nghiệp bất động sản sẽ phá sản hàng loạt trong vòng ba tháng nữa. Không có doanh nghiệp nào đóng thuế nổi và phá sản. Đó là một nguy cơ khủng khiếp mà không được chính quyền lo đến mà cứ lo tận thu thuế của doanh nghiệp BĐS. Có những doanh nghiệp không đóng thuế vì nó đã phá sản rồi. Theo tôi, ba tháng nữa, hàng chục thậm chí hàng trăm doanh nghiệp sẽ phá sản. Lúc đó nhà nước phải lo giải quyết khủng hoảng này và không thể thu thuế được. Khủng hoảng này vô cùng to lớn”.
Việc nợ hoặc chậm trả thuế không phải là một vấn đề mới nhưng có vẻ như nó ngày càng tăng và trở nên phổ biến. Trong buổi họp về chống thất thu thuế vừa qua, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cũng cho biết nợ thuế năm 2011 tăng gần 30% so với năm 2010. Trong khi đó, năm 2010 tăng gần 18% so với năm trước đó. Và dẫn đầu là các DN BĐS. Việc này phần nào cho thấy sự khó khăn của tình hình kinh tế, đặc biệt là ngành địa ốc. Nếu không có những biện pháp hữu hiệu thì việc lĩnh vực này bị suy sụp là chuyện nhãn tiền và ảnh hưởng đến nền kinh tế xã hội là chuyện tất yếu.