Những kỷ niệm đặc biệt thời Kháng chiến chống Pháp (Phần 2) - Dân Làm Báo

Những kỷ niệm đặc biệt thời Kháng chiến chống Pháp (Phần 2)

Vài kỷ niệm về trường Thiếu sinh quân LK 4 

Trương Đăng Đệ (Danlambao) - Nhiều bạn đã nghe nói tới trường Thiếu sinh quân LK4, nhưng chắc ít bạn biết rằng trường TSQ LK4 đã đào tạo nhiều cán bộ cao cấp của csvn cũng như nhiều nhân tài của đất nước như nhà văn Phùng Quán, nhà sử học Trần Quốc Vượng, cố vấn Nguyễn Văn Ngân của Tổng thống Thiệu. Bài này trích trong "Những kỷ niệm thời Kháng chiến chống Pháp" của tác giả, ghi lại những bước đầu khi trường TSQ LK4 được thành lập.

2 - Trường Thiếu sinh quân LK IV 
3 - Một khóa chỉnh huấn chính trị 
4 - Tôi bỏ Đảng 

…Vào khoảng đầu năm 1948, một buổi tối, tôi được tướng Nguyễn Sơn, Tư lệnh LK 4, triệu tập tới gặp ông tại Bộ Tư lệnh lúc đó, nếu tôi không nhớ sai, đóng ở xã Thanh Thủy, sát huyện lỵ Nam Đàn; cùng với tôi là hai người khác, anh Lê Thuyết và anh Cao Qùy. Ông cho biết là ông sẽ mở cho các liên lạc viên trẻ, các con em quân nhân, cán bộ Liên Khu một trường mà ông đặt tên là trường Thiếu sinh quân LK 4, và ông bổ nhiệm Ban Giám Đốc gồm 3 người chúng tôi: anh Lê Thuyết, người địa phương, hơn tôi chạc 10 tuổi, làm Giám đốc, phụ trách chung, đặc biệt về Hành chánh, anh Cao Qùy cùng khóa Võ bị 1 với tôi, hơn tôi 5,6 tuổi, trình độ Tú tài Triết, làm Phó Giám Đốc, coi về học vụ, và tôi trình độ tú tài 1 thì làm Tổng đội trưởng, coi về quân sự và sinh hoạt chung của trường. Về mặt đảng, anh Lê Thuyết làm bí thư chi bộ, anh Cao Quỳ và tôi làm chi ủy viên. 

Với cương vị Tổng đội trưởng, tôi phụ trách việc huấn luyện về quân sự, sinh hoạt của các thiếu sinh quân, và như vậy trong ban Giám đốc, tôi là người gần gũi các em nhất. Hàng ngày, ngoài việc tập họp, điểm danh, chỉ huy chào cờ, phân phối đi các lớp học, huấn luyện về quân sự, tôi kiểm soát việc ăn uống, sức khỏe của các em, và phụ trách việc thi đua giữa các trung đội. 

Lúc đầu trường có độ hơn 300 em tuổi từ 13 đến 15,16, chia ra thành 6 trung đội tùy theo trình độ lớp 6, 7, 8, 9; trong đó có hai lớp 6, hai lớp 7, mỗi trung đội có 1 cán bộ trung đội trưởng chỉ huy. Giáo sư thì ngoài ban giám đốc mỗi người dạy vài giờ, còn thì tuyển thêm giáo sư dân sự vào dạy, tôi còn nhớ 2 anh là anh Bình, anh Cát; ngoài dạy văn hóa, anh Bình còn dạy các em hát nhiều bài ca kháng chiến rất hay. Nói về các bài hát, tôi nhớ lại nhạc sĩ Phạm Duy có làm cho trường một bài hát tên là "Thiếu sinh quân" mà tôi chỉ còn nhớ câu đầu: 

Đoàn Thiếu sinh quân vượt đường chông gai và (theo chí lớn?) 
Khắp trời Việt… 

Mỗi khi tới một địa điểm mới, tôi thường đi quan sát địa hình địa vật ở xung quanh; nhà trường được cấp một con ngựa để chở sách vở, dụng cụ khi di chuyển, nhờ vậy mà tôi tự tập cưỡi ngựa, lúc đầu cũng lúng túng, sợ ngã, nhưng dần dà cũng quen. Lúc ngựa đã quen với mình rồi thì rất dễ bảo. Đi ngựa chỉ khi nước kiệu là hơi mệt, tựa như đi xe hơi trên một bãi đầy gò đống, còn chạy nước đại thì rất êm. 

Một hôm có một cuộc họp ở Bộ Tư lệnh vào buổi tối, cơm chiều xong tôi ra đi. Họp xong đã khuya, trời tối om. Khi đi ở đường làng hẹp hai bên có những nhánh tre chĩa vào giữa lối đi, tôi phải để cánh tay trước mặt để gạt ra; sau buồn ngủ quá, tôi nằm sấp trên lưng ngựa, mặc nó đưa đi. Qua bao nhiêu đường làng, cánh đồng tôi không nhớ, khi tỉnh dậy thì đã tới gần nơi đóng; thì ra ngựa rất nhớ đường. 

Dạy quân sự cho các em rất thú vị vì các em thông minh, thâu nhận nhanh chóng. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh rất đẹp một hôm khi các em đi đều trên đê Nông Giang gần Neo (nơi này có bánh gai rất ngon), Quần Tín, Thanh Hóa. Các em đi trên một bờ, tôi đi ngựa ở bờ bên kia nhìn một đoàn dài hơn 300 các em nhỏ mặc quân phục như bộ đội trông thật dễ thương, bước đều đặn, bóng rọi xuống mặt nước trông quả là đẹp mắt.

Một hôm, có anh phụ trách về tiếp tế đến nói với tôi là trường nhận được 6 cái màn tulle, tôi ở ban giám đốc có quyền lấy 1 cái; nếu tôi muốn anh sẽ mang lại cho tôi. Thực sự ra tôi rất cần màn vì tôi đã có lần bị sốt rét hành, sốt đến 41 0 chạy tứ tung ra cả bụi cây, may nhờ chích mấy mũi thuốc giảm nhiệt nên mới đỡ. Nhưng nhớ lại mình là đảng viên phải hưởng thụ sau quần chúng nên tôi từ chối và nói anh nhân viên đem màn của tôi cho bệnh xá để các em bị bệnh dùng; tôi lúc đó đã có một cái màn che đầu hình trụ có lò xo (khi không dùng ép lại dẹp như cái bánh đa) cũng tạm đủ rồi, phần dưới thì đắp chăn che. Cuối năm 1948, tôi được nghỉ phép 15 ngày về thăm nhà ở Thái Bình; được nhà tiếp tế ít vàng, tôi mới có tiền mua một cái màn bằng vải màn ta, tôi nhuộm nâu cho (trông) đỡ bẩn. 

Trường có một bệnh xá do cô y tá Lê Thị Tâm phụ trách. Cô người Huế, kém tôi đúng một tuổi, hiền lành dễ thương. Buổi tối tôi thường thăm các em bị bệnh và thỉnh thoảng có nói chuyện với cô. Tôi nghĩ cô rất có cảm tình với tôi; trước kia, trong một hôm đi hành quân, khát nước quá thấy một cái suối nước trong vắt, tôi uống luôn nửa bidon và từ đó tôi bị kiết lỵ kinh niên; một lần ở Cổ định, Thanh Hóa bị bệnh, tôi nhờ cô chích émétine cho tôi; để trêu chọc tôi, cô cầm que bông sức thuốc sát trùng vẽ lung tung trên mông tôi; nhưng lúc đó tôi đâu nghĩ đến chuyện vợ con nên chẳng có ý nghĩ gì về tình cảm. Sau nhớ lại, trong suốt 9 năm kháng chiến, nếu có lập gia đình thì có lẽ cô là người duy nhất tôi có thể lấy được; rất nhiều cô thôn nữ trẻ đẹp tấn công tôi, và có khi cả với sự khuyến khích của các bà mẹ, như có lần khi tôi làm trại trưởng Hậu bị quân (tân binh), mùa đông rét căm căm, bà mẹ chủ nhà tôi ở thấy tôi nằm nhà ngoài một mình sợ bị rét vì chăn mỏng không đủ ấm nên bảo tôi vào nằm chung với mẹ con bà, mà tôi biết cô gái út con bà tên là Bông nằm ngoài cùng, o này rất đẹp và chừng 15, 16 tuổi nhưng tôi không dám vì sợ lửa gần rơm rồi kẹt luôn; ở hai nơi khác, có o còn mạnh dạn chui vào mùng tôi nằm, tôi sợ quá cứ phải nằm yên giả đò ngủ, không dám cử động. Nói chung, vì nghĩ không thể lấy được do nhiều lý do như không hợp về trình độ hiểu biết, nếp sống, hơn nữa tôi chưa có ý lấy vợ nên tôi đều lảng tránh, và tôi không bao giờ hứa hão để có ý nghĩ làm hại các cô; có một lần tôi hỏi đùa o Bông nói trên là có muốn lấy chồng bộ đội không, o trả lời là không lấy bộ đội thì lấy ai; sau tôi cứ hối hận mãi vì câu hỏi đùa đó mà có thể làm o hy vọng rồi thất vọng; hơn nữa, tôi không muốn làm hại các cô vì tôi còn phong kiến về vấn đề tiết trinh, và vì đạo đức của người đảng viên cs. Bây giờ nhớ lại, thành thực mà nói, lắm lúc tôi cũng có khi tiếc nhưng lương tâm thanh thản. 

Tôi đã dự tính làm một chương trình dạy các em về quân sự để sau 4 năm, các em có trình độ một trung đội trưởng: cơ bản thao diễn, tác chiến cá nhân, tiểu dội, trung đội, đại đội, vũ khi gồm súng trường, súng ngắn, tiểu liên, trung liên, đại liên, sung cối, tác xạ, địa hình địa vật. Tất nhiên một mình tôi không làm nổi nên tôi đã nghĩ tới việc nhờ anh Thanh Đồng, giám đốc trường Quân chính LK cho cán bộ tới giúp, và về vũ khí thì mượn ở Đại đội Đại - Trọng liên, trung đoàn 57, đại đội trưởng là anh Hà Thúc Tế, cũng là học viên Võ bị khóa 1. (Cũng nên nhắc là Khu bộ di chuyển luôn vì sợ máy bay địch ném bom; mỗi khi di chuyển đều có trường Quân chính kèm theo, và trường Quân chính bao giờ cũng đi cùng trường TSQ để giúp đỡ các em nhỏ khi cần, như đi qua phà chẳng hạn). Dự tính của tôi chưa kịp hoàn tất thì tôi được lệnh đi làm cán bộ huấn luyện lớp bổ túc quân sự cho cán bộ trung, đại đội của Trung đoàn 57. 

Vào ngày Tết và ngày sinh nhật chủ tịch HCM, khẩu phần thức ăn quân đội nói chung được gấp đôi (double ration). Nhưng năm đó (1948) trường TSQ vì chưa nhận được tiền nên thức ăn như thường lệ. Sau này khi nhận được tiền thì tên giám đốc ỉm luôn. Tôi có ý định đưa ra chất vấn và có nói với 1, 2 trung đội trưởng. Có lẽ đến tai tên giám đốc nên từ đấy hắn có vẻ hằn học với tôi. Tiếp sau đó không lâu thì tôi nhận được sự vụ lệnh chuyển đi công tác khác như đã nói trên.

Sau này, khi tôi có dịp đóng gần trường, tôi nghe nói cô y tá Lê Thị Tâm đã là vợ bé của hắn (hắn đã có vợ ở quê hắn tạị huyện Yên Thành), và đã có con với hắn. Thì ra tác phong tham nhũng, hủ hóa đã có ngay từ thời đó, nhưng ít nghe nói tới. Có thể phần lớn các cán bộ, đảng viên thuở ban đầu còn có lý tưởng, có đạo đức chứ không như sau này, khi đcs đã lấy được miền Nam và nhất là bây giờ, tham nhũng và hủ hóa có thể nói là thuộc tính của hầu hết đảng viên csvn. Và tôi mới rõ ý nghĩa của 2 câu sau trong Quốc Tế ca nói lên mục đích chính, thật cao cả (!) của đcs: 

…Nay mai cuộc đời của của toàn dân sẽ khác xưa 
Bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình … 

Quả thật đúng là cuộc đời của nhân dân dưới chế độ thực dân bản xứ khác xưa nhiều, bị bóc lột nhiều hơn, mất tự do hơn dưới chế độ thực dân Pháp, và bao nhiêu quyền lợi đều nằm trong tay các đảng viên cs. 

Trường TSQ đã có nhiều kỷ niệm đáng ghi nhớ với tôi, một phần vì tôi mến các em nhỏ, một phần vì tôi ưa nghề dạy học vì từ khi đi học tôi rất quý trọng các thầy; chẳng thế mà sau này vào Nam, hầu hết thời gian của tôi là làm nghề dạy học. 

Gần đây, nhân đọc cuốn sách "Nguyễn Sơn, vị tướng huyền thoại" tác giả là Minh Quang, của nhà xuất bản Trẻ tháng 10 / 2000, tôi được biết sau này trường nhận tới 1000 TSQ, và giải thể vào năm 1952. Và theo báo cáo nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường (1948-1998), các ban liên lạc đã lập được danh sách 700 người, trong đó có 163 cán bộ cao cấp, 2 ủy viên TƯ đảng, 1 ủy viên Bộ Chính trị, 8 bộ trưởng, thứ trưởng và tương đương, 2 thiếu tướng, 35 đại tá, 45 cấp Cục, Vụ, Viện và Tổng Giám đốc doanh nghiệ, 60 cử nhân tiến sĩ, giáo sư, 27 nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ. Trong 300 người không có trong danh sách, tôi nghĩ một số đã hy sinh hay mất vì bệnh, một số đã vào Nam, và tôi cũng chắc rằng nhiều người đã thành đạt, chẳng hạn như anh Nguyễn Văn Ngân, cố vấn cho ông Thiệu, mà tôi đã đọc đâu đó nói rằng trước kia anh là một TSQ ở LK 4. 

Tôi nhắc lại một số cán bộ cao cấp xuất thân từ trường TSQ LK4 ra để nói lên sự thành công của trường, do sáng kiến của tướng Nguyễn Sơn, đã đào tạo được chỉ trong vòng 4,5 năm, khá nhiều cán bộ giỏi; riêng tôi thì rất mừng khi biết có một số bạn trẻ đã làm lớn, nhưng niềm vui của tôi không trọn vẹn vì không hiểu những bạn đó có trung với nước hiếu với dân không, hay đã trung với đảng, hiếu với ông Hồ, một đảng và một lãnh tụ đã đem bao tai họa cho đất nước, cho dân tộc mãi đến ngày nay. 

Tuy nhiên đặc biệt có một người mà tôi rất ngưỡng mộ, đó là nhà văn Phùng Quán: gần đây đọc tiểu sử của anh tôi mới biết trước anh là một TSQ ở LK4 và sau học ở trường Quân Chính LK. Anh là tác giả của nhiều bài thơ hay, trong có một bài tên là "Lời mẹ dặn" mà có người cho là một trong những bài thơ hay nhất thế kỷ 20. Tôi mong rằng có nhiều bạn TSQ khác cũng thành danh như anh, ở nhiều lãnh vực khác nhau mà tôi không biết. Bài thơ đó như sau: 


Lời mẹ dặn 

Tôi mồ côi cha năm hai tuổi 
Mẹ tôi thương con không lấy chồng 
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải 
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn. 
Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ 
Ngày ấy tôi mới lên năm 
Có lần tôi nói dối mẹ 
Hôm sau tưởng phải ăn đòn. 
Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn 
Ôm tôi hôn lên mái tóc: 

- Con ơi! trước khi nhắm mắt 
Cha con dặn con suốt đời 
Phải làm một người chân thật. 

- Mẹ ơi, chân thật là gì? 
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt: 

Con ơi một người chân thật 
Thấy vui muốn cười cứ cười 
Thấy buồn muốn khóc là khóc. 
Yêu ai cứ bảo là yêu 
Ghét ai cứ bảo là ghét 
Dù ai ngon ngọt nuông chìu 
Cũng không nói yêu thành ghét. 
Dù ai cầm dao dọa giết 
Cũng không nói ghét thành yêu
Từ đấy người lớn hỏi tôi: 

- Bé ơi, Bé yêu ai nhất? 

Nhớ lời mẹ tôi trả lời: 

- Bé yêu những người chân thật 
Người lớn nhìn tôi không tin 
Cho tôi là con vẹt nhỏ 
Nhưng không! những lời dặn đó 
In vào trí óc của tôi 
Như trang giấy trắng tuyệt vời 
In lên vết son đỏ chói! 

Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi 
Đứa bé mồ côi thành nhà văn 
Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm 
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ. 

Người làm xiếc đi dây rất khó 
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn 
Đi trọn đời trên con đường chân thật 
Yêu ai cứ bảo là yêu 
Ghét ai cứ bảo là ghét 
Dù ai ngon ngọt nuông chìu 
Cũng không nói yêu thành ghét 
Dù ai cầm dao dọa giết 
Cũng không nói ghét thành yêu 
Tôi muốn làm nhà văn chân thật, chân thật trọn đời 
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi 
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã 
Bút giấy tôi ai cướp giật đi 
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá. 
(1957) 

Một bài thơ khác của Phùng Quán tưởng cũng nên nhắc để các ‘đầy tớ nhân dân’ đọc và suy ngẫm. Bài này được viết để trả lời người yêu trách thi sĩ là lúc nào chỉ có bộ quần áo vải chàm đã bạc màu, sờn rách: 

Tôi có quyền gì được no hơn nhân dân tôi một miếng ăn? 
Tôi có quyền gì được lành hơn nhân dân tôi một manh áo? 
Tôi có quyền gì được rộng hơn nhân dân tôi một tấc vuông nhà ở? 
Tôi có quyền gì lên xe xuống ngựa 
Khi gót chân nhân dân tôi nứt nẻ bụi đường? 
Dù tôi là thiên tài 
Dù tôi là thi nhân 
Dù tôi chót vót tận đỉnh cao quyền lực 
Tôi có quyền gì? 
Tôi có quyền gi? 
Tôi có quyền gì?

(còn tiếp)


___________________________________

Đã đăng:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo