Nguyễn Tài (bạn đọc Danlambao) - Tham ô lãng phí trong đấu thầu, bôi trơn và tham nhũng trong lãnh vực xây dựng cơ bản, những lỗ lã, thất thoát trong đầu tư ngoài ngành... Câu chuyện thất bại của Tổng công ty Điện lực miền Trung một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo. Dân gian có câu “biết mình biết người trăm trận trăm thắng”, bài học này liệu có thể thay đổi tư duy độc quyền lãnh đạo ngành điện trong phương án tái cấu trúc.
*
Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng tổ chức hội thảo tái cơ cấu Tổng công ty Điện lực miền Trung. Tham dự hội thảo có rất nhiều chuyên gia kinh tế. Hội thảo nhằm mục đích giúp lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Trung xây dựng đề án tái cơ cấu công ty này giai đoạn 2012-2015.
Trong hội thảo nhiều chuyên gia đưa ra ý kiến cần chống tham ô lãng phí bằng cách áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Chuyên gia đưa ra ví dụ các gói vật tư do các Công ty Điện lực mua sắm, đa số là xé nhỏ ra để chỉ định thầu và giá vật tư mua rất cao. Công ty Điện lực thông thầu với các nhà thầu trong chào hàng cạnh tranh hoặc chào hàng hạn chế để cho đơn vị đã ấn định trước trúng thầu với giá vật tư cao. Nhà thầu bán vật tư với giá cao, bán được nhiều vật tư thì lãnh đạo Công ty Điện lực được thối lại càng nhiều và xảy ra tình trạng vật tư tồn kho có giá trị lớn. Áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý vật tư thì lãnh đạo Tổng công ty chỉ cần một cái kích chuột là biết ngay vật tư đơn vị này mua có giá bao nhiêu, vật tư tồn kho là bao nhiêu. Bên cạnh đó để giảm giá vật tư mua sắm cần phải tập trung mua sắm tại Tổng công ty. Muốn vậy, hàng năm các Công ty Điện lực đăng ký vật tư cần mua sắm về Tổng công ty, sát với thực tế và Tổng công ty sẽ đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của các Công ty Điện lực dựa trên vật tư tồn kho, chi phí vật tư sửa chữa trên giá trị tài sản.
Một vấn đề rất nhiều chuyên gia có ý kiến là công tác xây dựng cơ bản và đây là lĩnh vực xảy ra tham nhũng nhiều. Hiện nay nguồn vốn xây dựng cơ bản hàng năm tại các Công ty Điện lực đều dựa trên cơ chế "xin, cho". Các Công ty Điện lực muốn có nhiều công trình được giao thì phải tốn chi phí "bôi trơn" cho lãnh đạo Tổng công ty. Các Công ty Điện lực được giao quản lý dự án liền xé lẻ các gói thầu để chỉ định thầu, chi phí "bôi trơn", phần của lãnh đạo Công ty Điện lực được nhà thầu "lại quả" tất cả đều được đưa vào công trình và giá công trình đội lên cao. Ý kiến chuyên gia cho rằng cần phân cấp trong công tác đầu tư. Đối với các công trình điện đầu tư có hiệu quả như cấp điện cho các nhà máy, cấp điện cho khu dân cư thành thị nên giao cho các Công ty Điện lực quyết định đầu tư, các Công ty Điện lực tự lo vốn vay. Đối với các dự án lớn giao cho các Ban Quản lý thực hiện dự án và thực hiện đấu thầu rộng rãi. Phân cấp mạnh trong đầu tư sẽ xóa bỏ "xin, cho" và giảm tham nhũng, đồng thời nhanh chóng cấp điện cho khách hàng.
Một vấn đề cũng rất được các chuyên gia quan tâm là quản lý nhân lực, bố trí nhân lực. Lĩnh vực kinh doanh điện là lĩnh vực độc quyền nên tại các Công ty Điện lực chỉ cán bộ kỹ thuật và công nhân kỹ thuật là cần có nghiệp vụ chuyên môn tốt; còn các công việc khác như quản lý vật tư, công tác xây dựng cơ bản, công tác tài chính, công tác tổ chức, công tác kinh doanh chỉ cần một số ít nhân viên có trình độ chuyên môn là có thể hoàn thành công việc. Và đa số công việc còn lại là công việc lặt vặt chỉ cần trình độ THPT. Do vậy các Công ty Điện lực tuyển dụng nhân sự một cách bừa bãi, công việc chỉ tập trung cho một số nhân viên làm, còn lại là "ngồi chơi, xơi nước" rồi hưởng lương. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhân lực của Tổng công ty Điện lực miền Trung đông mà không tinh.
Tập đoàn Viettel doanh thu mỗi nhân viên là 6 tỷ, Công ty VMS Mobifone doanh thu mỗi nhân viên là 6,5 tỷ và doanh thu này không chia cho ai. Trong khi đó, Tổng công ty Điện lực miền Trung có doanh thu hàng năm là 10.000 tỷ, nhưng chỉ được hưởng chưa đến 30% - tương ứng với 3.000 tỷ. Số tiền này chia cho hơn 10.000 nhân viên của Tổng công ty Điện lực miền Trung thì doanh thu mỗi nhân viên chưa đến 300 triệu/người/năm. Do vậy bố trí hợp lý nhân lực chính là tăng thu nhập cho CBCNV.
Nhiều chuyên gia mổ xẻ nguyên nhân thất bại đầu tư ngoài ngành của Tổng công ty Điện lực miền Trung. Điển hình là việc tham gia lĩnh vực truyền hình trả tiền của Công ty CP Truyền hình cáp – Internet miền Trung với lợi thế hơn các đối tác khác như: sử dụng các tuyến cáp quang được đầu tư bằng nguồn vốn dự án Viễn thông Điện lực; tận dụng phòng máy viễn thông để lắp đặt thiết bị truyền hình cáp; có sẵn hạ tầng cột điện để treo cáp; đội ngũ nhân viên ngành điện hùng hậu vừa là khách hàng sử dụng dịch vụ, vừa tuyên truyền quảng bá dịch vụ; đặc biệt là dựa vào thương hiệu lớn EVN.
Tuy nhiên sau 3 năm kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền, Công ty CP Truyền hình cáp – Internet miền Trung không mở rộng được thị trường và chỉ bó hẹp trong địa bàn tỉnh Quảng Trị với duy nhất một chi nhánh Công ty TNHH MTV Truyền hình cáp Quảng Trị, doanh thu không đáng kể và cổ tức cho 3 năm chỉ 8% ứng với 8/3% mỗi năm. Không những thế, Công ty CP Truyền hình cáp – Internet miền Trung có nguy cơ phá sản trong năm 2012.
Công ty CP Truyền hình cáp – Internet miền Trung được ưu ái sử dụng miễn phí hạ tầng của Tổng công ty Điện lực miền Trung. Công ty Điện lực không cho SCTV treo cáp trên cột điện để tạo thế độc quyền cho Chi nhánh Công ty TNHH MTV Truyền hình cáp Quảng Trị trực thuộc Công ty CP Truyền hình cáp – Internet miền Trung. Bên cạnh đó các sở ban ngành tỉnh Quảng Trị cũng làm ngơ về vi phạm pháp luật của Công ty TNHH MTV Truyền hình cáp Quảng Trị trong việc phát các kênh không hợp pháp, phát thêm kênh phim người lớn để thu hút khách hàng. Tuy nhiên do yếu kém của Giám đốc Công ty CP Truyền hình cáp –Internet miền Trung kiêm Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH MTV Truyền hình cáp – Quảng Trị dẫn đến lợi nhuận sau 3 năm chỉ đạt 8%. Nhưng bù lại chỉ sau 3 năm làm Giám Công ty TNHH MTV Truyền hình cáp Quảng Trị thì Giám đốc đã có xe hơi, nhà lầu.
Đứng trước nguy cơ phá sản sau 3 năm đi vào hoạt động, Giám đốc Công ty CP Truyền hình cáp – Internet miền Trung thôi kiêm nhiệm Giám đốc Công ty TNHH MTV Truyền hình cáp Quảng Trị và quay về trụ sở 393 Trưng Nữ Vương – TP Đà Nẵng để chuẩn bị thành lập các chi nhánh mới. Tuy nhiên đứng trước nguy cơ phá sản khi Tập đoàn Viettel cung cấp dịch vụ truyền hình cáp với gói cước tối đa chỉ 30 ngàn đồng/tháng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty CP Truyền hình cáp – Internet miền Trung đưa ra quyết định song song với việc thương thảo bán lại hạ tầng cáp quang dự án 3G giai đoạn 2 cho Tổng công ty CP FPTTelecom miền Trung sẽ kèm theo điều kiện Tổng công ty CP FPTTelecom miền Trung nhận lại Công ty CP Truyền hình cáp - Internet miền Trung với giá 50% giá trị đầu tư. Tổng công ty CP FPTTelecom miền Trung nhận lại Công ty CP Truyền hình cáp - Internet miền Trung nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng đang sử dụng dịch vụ của Công ty CP Truyền hình cáp - Internet miền Trung.
Tổng công ty Điện lực miền Trung tránh trường hợp như Viettel tiếp nhận EVNTelecom đã bắt khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông của EVN trước đây phải bỏ tiền ra mua máy điện thoại, mua sim khi chuyển qua mạng Viettel nếu không Viettel sẽ cắt dịch vụ từ 31/3/2012. Sau khi tiếp nhận Công ty CP Truyền hình cáp - Internet miền Trung, FPTTelecom sẽ chuyển khách hàng qua sử dụng dịch vụ IPTV và nếu khách hàng có nhu cầu có thể sử dụng thêm dịch vụ Internet của FPTTelecom.
FPTTelecom mua lại mạng cáp quang dự án 3G giai đoạn 2, hệ thống cung cấp dịch vụ Internet cáp quang FTTH của Tổng công ty Điện lực miền Trung, tiếp nhận Công ty CP Truyền hình cáp - Internet miền Trung đổi lại Tổng công ty Điện lực miền Trung sẽ cho phép FPTTelecom sử dụng cột điện miễn phí treo cáp viễn thông trong thời hạn 15 năm.
Dự án đầu tư truyền hình cáp do tư vấn lập thời gian thu hồi vốn là 3 năm. Hơn ai hết, lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Trung biết lợi thế ấy. Nhưng thất bại của Tổng công ty Điện lực miền Trung lĩnh vực truyền hình trả tiền cũng là điều đã dự báo trước.
Vấn đề ở chỗ: Tổng công ty Điện lực miền Trung không phải là nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đầu tiên và duy nhất. Vào thời điểm mà Tổng công ty Điện lực miền Trung quyết định đầu tư, kinh doanh cả trong lĩnh vực truyền hình trả tiền thì thị trường cũng đã thay đổi rất nhiều về mặt cơ chế. Càng ngày, xu thế cạnh tranh càng thấy rõ trong nền kinh tế thị trường. Trong khi ấy, vẫn giữ cung cách quản lý, điều hành, quản trị doanh nghiệp và thậm chí cả mô hình kinh doanh kiểu cũ cũng là một trong những nguyên nhân khiến Công ty CP Truyền hình cáp – Internet miền Trung thất bại. Nhìn rộng ra, cung cách quản lý, điều hành hay quản trị đều là những vấn đề của tư duy; tức là phụ thuộc vào yếu tố con người.
Công ty CP Truyền hình cáp – Internet miền Trung đầu tư hạ tầng cung cấp dịch vụ truyền hình cũng rất đơn giản chỉ như hệ thống truyền hình VTC hay SVTV của một khách sạn. Hạ tầng cung cấp dịch vụ truyền hình của công ty gồm có chảo thu, đầu thu để tách kênh, ti vi dùng để tách kênh, bộ trộn, bộ chuyển đổi điện quang, bộ chuyển đổi quang điện, cáp đổng trục loại nhỏ, cáp đồng trục vào nhà thuê bao. Công ty CP Truyền hình cáp – Internet miền Trung được sử dụng miễn phí hệ thống cáp quang, các cột điện, phòng máy là tài sản của Tổng công ty Điện lực miền Trung.
So với các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền khác, Công ty CP Truyền hình cáp – Internet miền Trung với lợi thế được sử dụng các tuyến cáp quang của ngành điện để truyền dẫn tín hiệu, sử dụng phòng máy ngành điện để lắp đặt thiết bị, sử dụng miễn phí cột điện để treo cáp. Bên cạnh đó, Tổng công ty Điện lực miền Trung cũng đã gây khó khăn đối với các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đang cạnh tranh với Công ty CP Truyền hình cáp – Internet miền Trung như không cho Công ty Truyền hình cáp SCTV treo cáp trên cột điện địa bàn tỉnh Quảng Trị. Tuy đầu tư ít nhưng lợi nhuận không đáng kể và nguy cơ phá sản sau khi Viettel cung cấp dịch vụ truyền hình cáp ra khách hàng với gói cước chỉ 30.000 đồng/tháng.
Giám đốc Công ty CP Truyền hình cáp - Internet miền Trung cho biết đáng lẽ ra công ty có lợi nhuận rất lớn. Công ty có giấy phép thiết kế, giám sát, thi công các công trình viễn thông. Và nếu như lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Trung nhất là Phó Tổng giám đốc Tông công ty Điện lực miền Trung kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty CP Truyền hình cáp - Internet miền Trung cho Công ty CP Truyền hình cáp - Internet miền Trung thiết kế dự án viễn thông chỉ cần tại một số tỉnh thì lợi nhuận sẽ đạt không dưới 1 tỷ. Tuy nhiên thiết kế công trình viễn thông, điển hình là mạng cáp quang dự án 3G giai đoạn 2, Chủ tịch Công ty CP Truyền hình cáp - Internet miền Trung giao cho công ty của em trai thiết kế. Do vậy dự án 3G giai đoạn 2, Tổng công ty Điện lực Hà Nội cuối năm 2011 mới bắt đầu triển khai nhưng Tổng công ty Điện lực miền Trung yêu cầu quyết toán dự án 3G giai đoạn 2 trong năm 2010.
Dự án hạ tầng 3G giai đoạn 2 Tổng công ty Điện lực miền Trung đầu tư số tiền hơn 500 tỷ, chỉ riêng tiền thuê mặt bằng lắp đặt trạm phải trả hàng năm trên 40 tỷ. Tuy nhiên sau hơn một năm đầu tư ra Tổng công ty Điện lực miền Trung đang phải đàm phán đền bù cho hộ gia đình để tháo dỡ cột anten, nhà trạm với số tiền bồi thường hủy hợp đồng lên đến hàng trăm tỷ. Bên cạnh đó cũng phải tốn kém chi phí hoàn trả mặt bằng, chi phí tháo dỡ.
Tổng công ty Điện lực miền Trung đã lãng phí hàng trăm tỷ khi đầu tư hạ tầng dự án 3G giai đoạn 2, nhưng ngược lại lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Trung, lãnh đạo Công ty Điện lực được hưởng lợi không nhỏ. Phần thiết kế dự án 3G giai đoạn 2 được chỉ định cho công ty em Chủ tịch Công ty CP Truyền hình cáp - Internet miền Trung, phần giám sát thì giành cho lãnh đạo Công ty Điện lực ký khống để lấy tiền giám sát, phần thi công thì các gói thầu được xé lẻ ra chỉ định thầu.
Bất động sản là lĩnh vực Tổng công ty Điện lực miền Trung có nhiều lợi thế. Tổng công ty Điện lực miền Trung giao trụ sở mới xây dựng, các miếng đất vàng tại Công ty Điện lực Thừa thiên - Huế và Công ty Điện lực Đắc - Lắc cho Công ty CP Bất động sản Điện lực miền Trung. Tuy nhiên năm 2010 khi chưa xảy ra bong bóng bất động sản thì Công ty CP Bất động sản Điện lực miền Trung có trả cổ tức 6%, nhưng năm 2011 khi xảy ra bong bóng bất động sản thì Công ty CP Bất động sản Điện lực miền Trung im hơi lặng tiếng.
Câu chuyện thất bại của Tổng công ty Điện lực miền Trung một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo. Dân gian có câu “biết mình biết người trăm trận trăm thắng”, bài học này liệu có thể thay đổi tư duy độc quyền lãnh đạo ngành điện trong phương án tái cấu trúc.