Xuân muộn - Dân Làm Báo

Xuân muộn

Huỳnh Ngọc Tuấn (Danlambao) Mùa xuân năm nay đến muộn, mãi đến 13 tháng giêng âm lịch mới lập xuân. Những ngày Tết trời lạnh và u ám, mưa lất phất bay, hình như mùa đông vẫn còn ngự trị, các chàng trai cô gái co ro trong những bộ áo quần mới, họ ngồi nhìn mưa, liên tục cắn hạt dưa và chuyện phiếm, trong những câu chuyện đó tôi nhận ra phảng phất một nỗi buồn về một tương lai thiếu vắng niềm tin nơi bản thân và xã hội.

Về bản thân, những chàng trai cô gái này cảm thấy bất an, vì sau những năm dài miệt mài trong trường Đại học, với những gói mì tôm lót lòng là thường trực, sinh hoạt tù túng trong căn phòng trọ chật hẹp, ẩm thấp vào mùa đông, nóng bức trong mùa hè, vẫn còn ám ảnh và còn đó những khoản vay từ ngân hàng, từ bà con họ mạc chưa trả được, vẫn còn đó nỗi lo lắng của cha mẹ khi một năm trôi qua rồi kể từ ngày hân hoan đón nhận cái bằng tốt nghiệp mà công việc vẫn ngoài tầm tay với.

Ở Việt Nam bây giờ muốn có một công việc ổn định tại thành phố phải có từ 50 triệu đến vài trăm triệu để “lót đường”, với mức lương cơ bản từ 2 triệu đến 4 triệu đồng một tháng, đó là đối với những kỹ sư hoặc cử nhân. Còn đối với những anh chị có bằng Trung cấp, Cao đẳng thì cơ hội tìm kiếm việc làm còn khó khăn hơn rất nhiều và có thể là vô vọng nếu không phải là “con cháu các cụ”.

Về xã hội, thái độ bàng quan, vô cảm vẫn là căn bệnh trầm kha, tuy nhận biết xã hội này đầy dẫy bất công, tham nhũng tràn lan, đạo đức suy đồi, niềm tự hào dân tộc xuống đến mức Zero, an ninh quốc gia bị Trung cộng đe dọa, những nhà lãnh đạo đất nước thì “khôn ngoan” đến mức không còn phân biệt được lằn ranh giữa bạn và thù, “đồng chí” và kẻ xâm lược.

Lá cờ 6 sao của TC xuất hiện trong buổi lễ chính thức tại Hà Nội khi tiếp đón lãnh đạo “thiên triều” Tập Cận Bình vẫn chưa khơi gợi được một sự bất an nào trong tâm thức của giới trẻ VN.

Họ bất mãn với xã hội nhưng không muốn làm gì để hoàn thiện nó, hoặc thay đổi nó. Họ chọn một chỗ đứng an toàn để chờ ai đó làm thay cho họ. Họ không hề biết đất nước này là của họ, nó tùy thuộc vào chính thái độ và hành vi ứng xử của họ, và họ là người chủ đất nước này hoặc là nô lệ trên đất nước mà tiền nhân của họ để lại. Họ có thể là người sáng tạo nên lịch sử hoặc là nạn nhân của lịch sử.

Họ bàn bạc với nhau về mọi thứ, về tình yêu, về thời trang, về công việc của họ hiện nay hoặc đang tìm kiếm. Họ bàn về những “đại gia” tại VN với những tài sản khổng lồ, như những ngôi biệt thự rải rác khắp nước của ông lãnh đạo nào đó, những chiếc xe hơi hàng tỉ đồng và cung cách tiêu tiền như rác của cậu ấm cô chiêu nào đó… tôi hỏi một anh bạn trẻ:

--Vậy những người đó lấy tiền ở đâu mà nhiều thế ?

Anh bạn trẻ trả lời rất tự nhiên và xác tín những gì anh nói:

--Tiền từ tham nhũng hối lộ, từ rút ruột công trình, vơ vắt tài nguyên quốc gia đem bán, từ cướp đất của người dân …v v và v v. 

Một anh bạn khác chen vào: 

-- Đất đai bây giờ là vàng bạc, đây là nguồn thu cực kỳ quan trọng của chế độ để nuôi sống guồng máy hiện nay, nếu có một ngày, vì một lý do nào đó họ mất nguồn thu này thì chế độ này coi như “mất máu” khó mà đứng vững được chú ạ!

Tôi nhận ra giới trẻ Việt nam rất thông minh chứ không tầm thường tí nào, họ đã nhận ra tử huyệt của chế độ, cái nhìn mang tầm vóc chiến lược chứ không vừa, và tôi cảm thấy một niềm tin mãnh liệt dâng lên trong lòng.

Tôi cố tìm xem câu trả lời nằm ở đâu khi những người trẻ của chúng ta biết đó là một vấn nạn ô nhục của quốc gia nhưng có vẻ như họ chấp nhận nó, chung sống với nó và cúi đầu chịu đựng nó.

Tôi hướng họ sang đề tài chính trị.

- Ở Đài Loan vừa rồi, qua cuộc bầu cử Tổng thống có một câu chuyện vui như thế này: Một người Đài Loan tự hào nói với một người Việt Nam rằng: 

--Bầu cử tại Đài Loan chúng tôi Tự do, Dân chủ, minh bạch, chính xác, trong sáng và có kết quả nhanh chóng sau 24 giờ”. Anh chàng VN phản bác:

--Sau 24 giờ mới biết kết quả thì có gì đáng tự hào, ở nước chúng tôi người ta biết được kết quả bầu cử Quốc hội trước đó một năm!!??.

Họ cùng cười và trả lời:

--Vì đã được "cơ cấu" trước rồi chú ạ, chế độ “Đảng cử -dân bầu” mà!

Nhưng câu chuyện chỉ dừng lại ở đó mà không có cô cậu nào bàn tiếp… vì sự “tế nhị” của nó. Người dân VN hiện nay rất nhạy cảm với sự “tế nhị” hay nói chính xác hơn là sự sợ hãi.

Tôi đã nhận chân được vấn đề, sự sợ hãi chính là trói buộc làm cho người dân xa lánh chính trị, bàng quan với thời cuộc và vận mệnh quốc gia. Tôi cảm thấy bức bối, cầm chiếc dù trên tay đi ra đường cho dễ chịu, những hạt mưa bay bay như bụi, những đợt gió lạnh từ phương Bắc vẫn tiếp tục đổ về, trời u ám… nó giống như tình cảnh của đất nước này.

Hôm nay đã là 20 âm lịch, tôi làm một chuyến du xuân về miền quê, đến tận cảng Dung Quất, dọc đường đi, nhìn những cây mai trổ hoa vàng rực rỡ, mùi hương dịu dàng thoảng bay trong gió, lòng nhẹ nhàng lâng lâng trước cảnh sắc mùa xuân. Người ta nói mai là sứ giả của mùa Xuân thật đúng như vậy, mai bắt đầu nở rộ từ ngày lập xuân đến nay, nếu không có mai người ta khó cảm nhận được trời đất đã sang xuân.

Cảng Dung Quất đây rồi, trước mắt tôi là làn nước xanh thăm thẳm với những tảng đá to nhô lên từ đáy biển tạo nên vẻ đẹp quyến rủ và tráng lệ, nắng ấm làm cho không khí trong veo và nhẹ nhàng. Những cơn gió Nồm từ ngoài biển thổi vào lồng lộng mang theo hương vị biển khơi thật dễ chịu. Nhìn những chiếc tàu bắt đầu rẽ sóng ra khơi, hoặc đang chuẩn bị tất bật cho một chuyến đi dài đầy bất an và mạo hiểm. Tôi ước ao một mùa cá bội thu sẽ đến với ngư dân của chúng ta, những người ngày đêm bám biển để giữ gìn di sản của tổ tiên, để cung cấp cho mọi người những bữa ăn bổ dưỡng, ngon lành từ biển quê hương.

Trước cảnh sắc mùa xuân huy hoàng và non sông gấm vóc làm cho lòng tôi tràn đầy hy vọng về tương lai của đất nước và dân tộc mình... Mùa xuân Dân chủ -tự do đã đến với các dân tộc Bắc Phi, Trung Đông và Miến Điện, tôi tin rằng cũng giống như mùa Xuân năm nay đến muộn, nhưng cuối cùng nó cũng đến vì đó là quy luật của đất trời.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo