BBC - Nhân dịp diễn ra hội nghị toàn quốc tổng kết thực hiện Chỉ thị số 11 của Bộ chính trị về việc mua và đọc báo Đảng diễn ra tại Hà Nội hôm thứ Tư ngày 11/4, BBC đã phỏng vấn một số người có liên quan để tìm hiểu về tờ báo đảng quan trọng nhất là báo Nhân dân.
Báo Nhân dân cùng với Tạp chí cộng sản là hai cơ quan ngôn luận chủ chốt của Đảng cộng sản Việt Nam. Báo Nhân dân còn nằm trong bộ tứ tuyên truyền quan trọng nhất của Chính phủ Việt Nam, cùng với Thông tấn xã, Đài truyền hình và Đài phát thanh trung ương.
Chỉ thị 11 yêu cầu các chi bộ Đảng phải mua, đọc và làm theo báo Đảng này đã được đưa vào thực hiện được 15 năm. Việc chỉ thị này do chính Bộ chính trị ban hành chứng tỏ Đảng cộng sản rất đề cao vai trò của báo Nhân dân trong hệ thống chính trị Việt Nam.
Tuy nhiên thực tế thì báo Nhân dân không có ảnh hưởng như Đảng kỳ vọng, theo một số ý kiến mà BBC phỏng vấn.
‘Không phải để đọc’
Một nhân vật nguyên là lãnh đạo cao cấp của tờ báo này là ông Bùi Tín, nguyên phó tổng biên tập, nói với BBC từ Paris rằng báo Nhân dân ‘dùng để gói đồ là chính’.
“Ngay từ khi (tôi còn) ở trong nước, người ta đã nói là báo Nhân dân để làm những việc phục vụ xã hội như để gói đồ là chính,” ông nói.
“Thậm chí họ dùng chữ để làm vệ sinh là chính chứ không phải để đọc,” ông nói thêm, “Lúc đó tôi cũng tự ái”.
Bản thân ông Tín từ khi qua Pháp đến nay cũng ‘chẳng bao giờ đọc’ báo Nhân dân, tờ báo mà ông đã từng là một trong những người chịu trách nhiệm chính, theo lời ông kể.
“Với tư cách người đọc báo, tôi quan tâm đến những nguồn cho mình thông tin hay nhất, lạ nhất, mới nhất,” ông nói.
Trong khi đó, báo Nhân dân, theo ông miêu tả, thì ‘cũng một kiểu viết cổ lỗ theo kiểu công thức và đưa toàn những tin người ta đã biết rồi nói mãi’.
Ông cũng thừa nhận Nhân dân là tờ báo ‘ép đọc’.
“Họ (Đảng) ra gần như là mệnh lệnh bắt buộc chi bộ nào cũng dùng tiền nguyệt liễn đóng hàng tháng của đảng viên để mua báo Nhân dân về đọc,” ông nói.
“Có cơ quan bắt buổi sáng hoặc buổi trưa có giờ đọc báo và tập trung tất cả đảng viên đọc báo,” ông cho biết, “Họ ép phải đọc như vậy”.
Ngay cả các đảng viên cao cấp ông cũng cho rằng ‘chẳng có ai đọc đâu’ vì ‘thời gian đâu để mà đọc những bài mà đọc câu trên đã đoán ra câu dưới rồi’.
Ông nói là ngoài các đảng bộ đặt mua thì báo Nhân dân gần như không có khách hàng nào khác ngoại trừ ‘một số nơi như khách sạn, nhà nghỉ có sẵn tiền đặt mua để cho đủ thứ báo’ trên kệ.
Khi được hỏi báo Nhân dân sẽ như thế nào nếu để tự thân vận động trong cơ chế thị trường như các tờ báo khác, ông Tín trả lời rằng ‘thì sụp đổ, thì phá sản, thì chết mất’ vì ‘không ai mua’.
Ngân sách dồi dào
Ông giải thích là dù không có người đọc như vậy nhưng báo Nhân dân vẫn không cải tiến vì ‘họ được ăn lương’ bằng sự bao cấp của Nhà nước.
Ông cũng kể về ngân sách thoải mái mà Chính phủ Việt Nam chu cấp cho báo Nhân dân.
Tòa soạn báo Nhân dân được ông so sánh ngang hàng với bộ lớn như Bộ Công an và một ban của Đảng.
“Tôi là phó tổng biên tập mà lương ngang với trung tướng bên quân đội,” ông kể để giải thích lương, phụ cấp và bổng lộc của cán bộ phóng viên của Nhân dân ‘cao lắm’.
Ngoài lương, ông còn được cấp một xe ôtô riêng với tài xế riêng và có thư ký riêng – những người này đều được ‘ăn lương của chính phủ’ cả.
“Những trưởng ban (của báo Nhân dân) coi như là vụ trưởng của một bộ nên lương cao lắm,” ông nói và cho biết những người này đều được cấp nhà cửa, xe cộ.
Thời ông Tín còn làm phó tổng biên tập, báo Nhân dân có gần 240 người với một nhà in riêng ‘to lắm’, ông kể, và sau này báo còn mua thêm ‘không biết bao nhiêu máy in hiện đại của Nhật, của Đức’.
Mặc dù sống bằng ngân sách Nhà nước, nhưng ông Tín cho biết báo Nhân dân là tờ báo duy nhất ở trong nước có nhiều văn phòng đại diện ở nước ngoài, trong đó có ở Bắc Kinh, Moscow, Paris, Prague, Washington, Nhật Bản và ở một số nước Asean.
“Đại diện báo Nhân dân gần như là tòa đại sứ,” ông nói.
Báo Nhân dân cũng có bỏ nhiều tiền để trả nhuận bút rất cao, theo ông Tín.
“Các vị lãnh đạo mà viết một bài là (nhuận bút) cao ngất ngưởng luôn, cao gấp 5, 6 lần người khác,” ông nói và cho biết tổng bí thư còn nhận được nhuận bút cho báo cáo chính trị đọc tại Đại hội Đảng dù không phải tổng bí thư chấp bút.
“Tiền cho tổng bí thư, các ủy viên bộ chính trị... Số tiền hàng năm không biết bao nhiêu mà kể,” ông nói.
Giải thích cho sự giàu có của báo Nhân dân, ông Tín nói ‘bộ máy kinh tế của Đảng lớn lắm’ và ‘ngang nhiên lấy tiền từ Nhà nước chuyển sang’.
‘Nhân dân không đọc’
Trao đổi với BBC, ông Trương Duy Nhất, cựu phóng viên thường trú khu vực miền Trung của báo Đại đoàn kết, cho biết một ‘nguyên tắc bất di bất dịch’ trong làng báo Việt Nam là tại các cuộc họp báo của các cơ quan Đảng và Nhà nước thì đại diện của báo Nhân dân đều được ‘lên hàng ghế đầu’.
“Báo chí bọn tôi phải sống bằng thị trường, phải chạy, phải lăn lộn để có tin sống mà bạn đọc cần để ngày mai bán báo chạy, nếu không thì chúng tôi đói,” ông Nhất nói, “Còn báo Nhân dân là báo được bao cấp mà.”
“Tờ báo thế nên cũng định hình phong cách làm việc của họ (phóng viên báo Nhân dân) cũng khác đi,” ông nói nhưng từ chối nói rõ ‘khác đi’ như thế nào.
Nhận xét và ảnh hưởng đối với đại chúng của báo Nhân dân, ông cho rằng ‘chẳng có ảnh hưởng gì cả’ vì ‘chẳng có người dân nào đọc báo Nhân dân cả’.
Đố tìm ra được người dân nào chịu bỏ tiền ra mua báo Nhân dân,” ông nói, “Vì nó có cái gì đâu để mà đọc.”
“Thông tin không phải là thông tin,” ông giải thích, “Toàn những thông tin mang tính chất lễ nghi, hội họp mà người dân đâu cần.”
“Báo Nhân dân là loại báo không có nhân dân nào đọc,” ông Nhất nhắc lại một câu phát biểu trước đây của một đồng nghiệp của ông ở báo Đại đoàn kết là Nguyễn Chính ngay tại trụ sở báo Nhân dân với sự có mặt của Tổng biên tập Hữu Thọ.
‘Nhiệm vụ thường xuyên’
Tại Hội nghị tổng kết Chỉ thị 11 chiều thứ Tư ngày 11/4 tại Hà Nội, Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh đã yêu cầu đảng ủy các cấp phải xem việc mua và đọc báo và tạp chí của Đảng ‘là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên’.
Ông Anh cũng yêu cầu chấn chỉnh tình trạng sử dụng kinh phí dành để mua báo Đảng để mua những loại báo và tạp chí khác.
Hội nghị này còn có sự tham gia của ông Đinh Thế Huynh, nguyên là tổng biên tập báo Nhân dân và hiện nay là trưởng Ban tuyên giáo của Đảng.
Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh giao nhiệm vụ cho Công ty phát hành báo chí Trung ương phải thúc đẩy việc phát hành báo Đảng với phương châm ‘kết hợp hài hòa giữa kinh doanh và phục vụ nhiệm vụ chính trị’.
Ông Anh lưu ý vai trò quan trọng của các báo Đảng trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay khi mà ‘các thế lực thù địch tăng cường sử dụng Internet’ để ‘gây nhiễu loạn thông tin trong nước’.