Bội bạc và Vị đắng hậu thủy điện - Dân Làm Báo

Bội bạc và Vị đắng hậu thủy điện


Dương Quang (Nguoilaodong) - Vấn đề thủy điện Sông Tranh 2 - Quảng Nam không chỉ dừng lại ở câu chuyện thân đập bị rò rỉ nước mà còn bung nở ở phạm vi lớn hơn, đáng lo ngại hơn. Đó là nạn phá rừng đầu nguồn, khai thác gỗ trái phép ở tất cả các lưu vực thủy điện thuộc tỉnh Quảng Nam. 

Tại lưu vực các thủy điện: Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My), Sông Tranh 3 (huyện Tiên Phước), A Vương (huyện Đông Giang), Đắk Mi 4 (huyện Phước Sơn), Sông Bung 2 và Sông Bung 4 (vùng giáp ranh 2 huyện Nam Giang - Tây Giang), nạn phá rừng đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ NN-PTNT kiểm tra, làm rõ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20-4. 

Phát triển thủy điện, ngoài lợi ích kinh tế, mặt trái của nó rất đáng sợ. Sợ nhất là mất rừng. Trước nay, nạn mất rừng luôn song hành với các dự án thủy điện. Theo số liệu của Cục Kiểm lâm, chỉ tính riêng trong năm 2011, cả nước xảy ra 29.549 vụ vi phạm lâm luật. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng dẫn đầu với 2.207 vụ, tỉnh Đắk Lắk xếp thứ hai với 1.951 vụ, kế đến là tỉnh Gia Lai với 1.422 vụ, tỉnh Quảng Nam xếp thứ tư với 1.411 vụ. Đây cũng là những tỉnh có rất nhiều thủy điện: Gia Lai khoảng 110, Lâm Đồng khoảng 70, Quảng Nam khoảng 62… 

Mà nào phải lâm tặc mới phá rừng! Những cư dân cả đời gắn bó với rừng, xem rừng như nguồn sống của mình, đến một ngày phải nhường chỗ cho các dự án thủy điện, trở nên tay trắng, đành phải “bội bạc” với rừng để sống. 674 hộ dân với 3.500 nhân khẩu ở huyện Bắc Trà My - Quảng Nam, thuộc diện di dời bởi dự án thủy điện Sông Tranh 2 là một ví dụ. Chẳng hiểu vì sao chính quyền địa phương lại đưa họ đến tái định cư giữa vùng rừng phòng hộ đầu nguồn. Ở nơi ấy, trong cảnh đói ăn và thiếu đất sản xuất, không phá rừng thì còn biết làm gì! 

Đấy mới chỉ là một trong rất nhiều trường hợp người dân bỗng dưng trở thành… lâm tặc sau khi các công trình thủy điện mọc lên. Trách nhiệm trước hết thuộc về các chủ đầu tư và chính quyền địa phương khi đã không thực hiện đồng bộ những kế hoạch an cư cho dân. Về nơi ở mới mà lơi bơi bởi thiếu đất sản xuất, không có việc làm thì những khu nhà tái định cư khang trang kia còn ý nghĩa gì nữa! Và thảm trạng đó đang diễn ra, không chỉ với dân tái định cư thuộc thủy điện Sông Tranh 2 mà A Vương, Đắk Mi 4… cũng thế. 

Rừng mất, dân thiệt, vậy ai được lợi? Các chủ đầu tư chứ còn ai nữa! Theo báo cáo tài chính năm 2011, hầu hết các doanh nghiệp thủy điện đều lãi to dù giá điện họ bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ xấp xỉ một nửa mức người tiêu dùng phải trả. Điều đó giải thích vì sao các dự án thủy điện cứ nối đuôi nhau ra đời bất chấp môi sinh và đời sống người dân ở các lưu vực thủy điện ngày càng bị tàn phá, xuống cấp. Lợi nhuận thì vơ vét cho đầy túi riêng còn hậu quả vì mất rừng thì bắt cả cộng đồng phải gánh, bội bạc đến thế là cùng!...


*

Vị đắng hậu thủy điện

Hoàng Thu Minh (Nguoilaodong) Tái định cư tại khu vực rừng phòng hộ, điều kiện ăn ở lại quá khó khăn, hàng chục ngàn hộ dân thuộc diện di dời để nhường chỗ cho các công trình thủy điện ở miền Trung đành phá rừng để làm rẫy, đem gỗ bán kiếm tiền 

Trong những ngày đập thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My - Quảng Nam) rò rỉ nước gây lo lắng trong dư luận, chúng tôi trở lại các khu tái định cư ở lưu vực công trình này và chứng kiến nhiều chuyện dở khóc dở cười của hàng ngàn người dân nơi đây. 

Không phá rừng, lấy gì sống! 

Ông Hồ Văn Tiến, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, cho biết: “Bắt đầu từ năm 2007, 674 hộ dân với hơn 3.500 nhân khẩu vùng lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 (đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số) được tỉnh di dời đến nơi mới. Đó là khu vực giữa rừng phòng hộ đầu nguồn ở xã Trà Bui. 

Ban Quản lý dự án thủy điện 3 (chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Tranh 2) xây nhà tái định cư cho dân song chưa được một năm, nhà đã xuống cấp, nứt nẻ, lại không phù hợp với tập tục nên họ dựng chòi hoặc vào rừng đốn gỗ về làm nhà sàn bên cạnh để ở”. 


Hàng chục mét khối gỗ chò nằm la liệt trong rừng phòng hộ đầu nguồn thôn 2, 
xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My - Quảng Nam vừa bị cưa hạ 

Chỉ tay về phía những vạt rừng phòng hộ trống hoác, ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Trà Bui, xót xa: “Từ ngày người dân vùng lòng hồ thủy điện đến đây tái định cư, do chưa được tỉnh, huyện cấp đất sản xuất, chưa được chuyển đổi ngành nghề nên hằng ngày, họ mang cưa máy vào rừng xẻ gỗ đem bán, đồng thời phát rừng để trồng hoa màu. Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, vận động nhưng họ bảo không phá rừng làm nương rẫy thì lấy gì sống qua ngày”. 

Từ tờ mờ sáng, từng tốp thanh niên ở xã Trà Bui vác cưa máy vào rừng, bắt đầu đốn hạ những cây gỗ quý. Gỗ được xẻ thành từng phách rồi dùng trâu kéo ra bìa rừng. Xế chiều, họ gom thực bì đốt dây leo, cỏ dại để phát quang cả khu rộng lớn. Ông Võ Anh Tuấn, phụ trách Trạm Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Tranh 2, ngao ngán: “Việc đưa dân tái định cư vào giữa rừng phòng hộ như vậy chẳng khác nào ép họ trở thành… lâm tặc bất đắc dĩ! Mỗi mùa phát rẫy, bà con nơi đây lại có thêm một đám rẫy mới, đồng nghĩa với rừng phòng hộ dần dần bị thu hẹp. Do địa hình phức tạp, lực lượng lại mỏng, khi chúng tôi đến nơi thì họ đã cưa xẻ gỗ từ lúc nào rồi. Nhiều lần, chúng tôi ra quân ngăn chặn thì bị họ mang rựa, dao dọa chém. Họ nói rằng không cho phá rừng thì liệu chúng tôi có nuôi nổi cả chục miệng ăn nhà họ không?!”. 

Gần 700 m3 rừng đã bị ngốn 

Chỉ trong 2 ngày 23 và 24-3 vừa qua, lực lượng bảo vệ rừng phòng hộ Sông Tranh 2 đã phát hiện ông Hồ Văn Giỏi và ông Hồ Văn Đoàn ở thôn 2, xã Trà Bui chặt hạ trái phép hơn 55 m3 gỗ tròn, gỗ xẻ. Hai ông Đoàn và Giỏi khai nhận do không có đất sản xuất nên đã đốn hạ 6 cây chò hơn 100 năm tuổi để lấy đất làm nương rẫy. Hiện Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Tranh 2 đang tạm giữ số gỗ này để xử lý theo quy định. 

Theo báo cáo mới nhất của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Tranh 2, từ năm 2007 đến nay, người dân ở các khu tái định cư thuộc lưu vực công trình này đã phá hơn 46 ha rừng phòng hộ, ngốn gần 700 m3 gỗ rừng tự nhiên. Ông Hồ Văn Xanh ở xã Trà Bui thật thà nói: “Tôi vừa mua gỗ chò, chua của người dân phát nương, làm rẫy trên rừng về làm nhà sàn. Tốn hết 10 triệu đồng đấy! Tập tục của đồng bào là cúng mùa, ăn trâu quê, đến nơi ở mới mà không có nhà sàn gỗ thì không được”. 

Dọc đường về trung tâm thị trấn Bắc Trà My và các khu tái định cư ở xã Trà Bui, nhiều nhà sàn gỗ đồ sộ nằm san sát, kéo dài hàng cây số. Theo tính toán của người dân địa phương, mỗi nhà sàn cần ít nhất 15 m3 gỗ; nếu kể thêm giường, tủ, bàn uống nước thì phải lên đến hơn 20 m3. “Do chất lượng nhà tái định cư kém, không phù hợp với tập tục của đồng bào nên hầu như hộ nào cũng làm thêm một cái nhà sàn để ở, sinh hoạt. Vì không nằm trong diện hưởng chính sách nhà 167 nên hơn 400 nhà sàn gỗ họ đã dựng là trái phép” - ông Đinh Văn Xuân nói. Tuy nhiên, cũng theo ông Xuân, biết người dân vào rừng phòng hộ cưa gỗ đem về làm nhà sàn là trái phép nhưng biết làm sao được khi đó là nhu cầu bức thiết của họ.



Khó tránh chuyện mất rừng 

Ông Đoàn Tất Chẩn, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Tranh 2, khẳng định: “Việc quy hoạch dân tái định cư vào lâm phận và lên đầu nguồn các con sông là một nghịch lý bởi theo tập quán, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số là đốt rừng làm rẫy. Tất cả các hộ dân diện tái định cư vào nơi ở mới hoàn toàn không có đất sản xuất, không có việc làm, cuộc sống rất khó khăn nên việc họ vào rừng khai thác gỗ trái phép và xâm canh, chặt phá rừng làm nương rẫy là không thể tránh khỏi”.



Bài và ảnh: Hoàng Thu Minh


http://nld.com.vn/2012040210511666p0c1002/vi-dang-hau-thuy-dien.htm


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo