Trịnh Toàn (TTO) - Là giáo viên, tôi hiểu vai trò của dạy thêm phổ biến trong bối cảnh điều kiện học tập của các thế hệ học sinh ở nước ta còn có khoảng cách, có sự chênh lệch nhất định hiện nay. Tôi cũng thấu hiểu tình cảnh khi người giáo viên được trả đồng lương thấp so với công sức đầu tư cho sự nghiệp trồng người. Tuy nhiên, tôi phản đối “dạy thêm - học thêm”.
Một điểm dạy thêm ở Q.5, TP.HCM - Ảnh: TTO
Bản chất của việc “dạy thêm - học thêm” này là “tham nhũng” trong lĩnh vực giáo dục. Điều đó thể hiện ở chỗ: (1) Anh có trách nhiệm truyền đạt kiến thức (vốn quý mà xã hội giao phó cho anh) nhưng anh lợi dụng nó để chuyển hóa thành lợi ích vật chất cho mình. (2) Khi có những người không chấp nhận trả lợi ích vật chất cho anh để nhận được kiến thức (mà đúng lý ra họ phải được nhận với tư cách người học), anh gây khó khăn cho họ, thậm chí đẩy họ ra bên lề tiến trình dạy học, buộc họ phải chấp nhận trả lợi ích vật chất bằng mọi cách để nhận được đủ kiến thức cần thiết.
Đọc dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và đào tạo, tôi nhận thấy việc bộ cho phép dạy thêm cũng đồng nghĩa với việc Bộ thừa nhận sự thất bại của mình ở ba vấn đề chính:
(1) Bộ chưa thể lo cho đời sống của giáo viên trong hệ thống nhà trường do mình quản lý, nên đã đưa họ vào thế phải “kiếm thêm thu nhập”, thậm chí có trường hợp là ngay trên hệ thống cơ sở vật chất do chính mình đầu tư và quản lý;
(2) Bộ không thể tinh gọn nội dung dạy học để giáo viên có thể chuyển tải nội dung dạy học chỉ trong giờ dạy chính khóa, nên đành phải chấp nhận việc giáo viên tiếp tục dạy thêm những nội dung mà đúng ra theo chương trình thì đã được dạy hết trong giờ chính khóa;
(3) Bộ không thể quản lý được hoạt động dạy học của các giáo viên trong hệ thống nhà trường do mình quản lý, nhất là về nội dung và chất lượng của hoạt động dạy học, nên đành phải chấp nhận việc giáo viên được tiếp tục bổ sung nội dung, củng cố chất lượng dạy học bằng việc dạy thêm.
Một số người có thể nói một cách văn vẻ rằng “Tôi chỉ bán sức lao động của mình ngoài giờ thôi mà”, nhưng thật ra họ đang sử dụng thiên chức của mình để trục lợi. Điều này có thể đem so sánh với hình ảnh sau: người mẹ sinh con ra, sau đó không cho nó bú và bảo “Nếu con không có tiền thì mẹ đành chịu, không đủ sữa đâu con à!”; người bố bảo: “Con đưa bố tiền đi, bố sẽ dạy con thành người, không thì bố phải kiếm tiền mà sống, con cứ cố thành người theo cách của con nhé!”.
Hậu quả: (1) Nhanh chóng tiếp cận với tri thức, được hỗ trợ đầy đủ để phát triển toàn diện = mất một số lợi ích vật chất đáng kể (có thể là đánh đổi bằng máu, nước mắt và sức khỏe của phụ huynh học sinh); (2) Tự mày mò, học hỏi bằng kinh nghiệm, thiếu phương pháp, thiếu định hướng, thiếu phương tiện, tài liệu, dụng cụ học tập. Lối rẽ thứ hai sẽ vẫn cho ra những con người xuất chúng (thậm chí nhiều người xuất chúng hơn con đường thứ nhất), nhưng bộ phận lớn người dân bị bần cùng hóa từ từ và lâu dài vì mất khả năng tiếp nhận tri thức, mục tiêu xây dựng nền kinh tế tri thức trở nên xa vời.
Lối rẽ thứ nhất có thể cho ra nhiều con người được đào tạo tốt hơn, nhưng sẽ khiến cho việc học trở thành gánh nặng về kinh tế.
Ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, người làm nghề giáo bỏ mọi công sức ra để dạy dỗ các thế hệ học sinh, thậm chỉ cả tiền, của để có phương tiện học tập, cái ăn cái mặc cho học sinh. Chỉ có ở đô thị, những nơi điều kiện kinh tế phát triển đi kèm với các nhu cầu vật chất (cả chính đáng và không chính đáng) tăng cao và sự bất hợp lý đến không tưởng giữa lương giáo viên và giá cả thị trường, “vấn nạn” này mới diễn biến phức tạp.
Đó là bởi vì nếu không kiếm thu nhập từ dạy thêm, đồng lương của giáo viên chỉ cho phép họ “thở thoi thóp” trong cơn bão giá của đô thị như hiện nay.
Bên cạnh đó, “vấn nạn” dạy thêm - học thêm chủ yếu tập trung vào một số bộ môn nhất định.
Vậy giải pháp ở đây là gì? Ngăn cấm người làm nghề giáo dạy nhiều hơn xã hội quy định là trái quy luật, vì người lao động có quyền làm theo năng lực, họ được quyền (và lý tưởng hơn là có nghĩa vụ) làm việc hết năng lực của mình để cống hiến cho xã hội. Điều cần ngăn cấm ở đây là người làm nghề giáo lấy việc dạy thêm để trục lợi.
Theo tôi, chỉ có một cách và cách này bao gồm hai bộ phận: (1) Làm cho người làm nghề giáo sống được với nghề và (2) Làm cho việc dạy thêm không tăng thêm thu nhập cho người làm nghề giáo. Nếu người làm nghề giáo sống được với nghề (chỉ cần hoàn thành nhiệm vụ nghề nghiệp của mình là đủ sống - có nhà ở, có cơm ăn, có áo mặc, con cái được học hành, người phụ thuộc được chăm sóc, đời sống tinh thần được chăm lo, có điều kiện học tập, trau dồi kiến thức và kỹ năng để nâng cao trình độ và năng lực làm nghề) thì họ chẳng phải quan tâm gì đến việc cải thiện thu nhập.
Nếu việc dạy thêm không tăng thêm thu nhập cho người làm nghề giáo (dạy thêm không được thu phí) thì người làm nghề chỉ dạy thêm khi họ thấy việc dạy thêm làm cho nghề nghiệp của họ thăng tiến hay giúp họ cống hiến nhiều hơn cho xã hội, tương xứng hơn với chế độ đãi ngộ mà xã hội đã dành cho họ.
Nghề giáo là một nghề cao quý, xin hãy tạo điều kiện để những người làm nghề giáo tu dưỡng bản thân mình cho xứng đáng với sự cao quý ấy.