Minh Nghĩa (TTXVN) - Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ khu vực nông thôn ước khoảng 2.500 tấn/ngày, trong đó, lượng rác thải cần phải thu gom xử lý ước khoảng 1.200 tấn/ngày, chiếm gần 61% (không bao gồm các huyện Thanh Trì, Từ Liêm, Gia Lâm, Sóc Sơn).
Tuy nhiên, việc thu gom và xử lý rác thải khu vực nông thôn còn rất hạn chế (chỉ đạt 70%), dẫn tới tình trạng rác thải tồn đọng nhiều tại các điểm đổ rác, không được vận chuyển đi xử lý kịp thời làm mất mỹ quan và gây ô nhiễm môi trường.
Nhiều xã thuộc các huyện ngoại thành có hiện tượng tận dụng các ao, hồ và các vùng trũng để đổ rác thải, hình thành hố chôn lấp rác tự phát, không đảm bảo quy trình kỹ thuật, làm ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm của khu vực.
Lý giải tình trạng tồn tại và gây bức xúc này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết mặc dù Sở đã có hướng dẫn quy trình xử lý chôn lấp rác thải có kiểm soát, hợp vệ sinh tại các huyện ngoại thành, nhưng việc lựa chọn điểm xử lý rác thải chung của huyện rất khó khăn do không đảm bảo được tiêu chí về khoảng cách, diện tích sử dụng cũng như sự đồng thuận của nhân dân trong khu vực.
Hiện nay, cả 18 huyện trên địa bàn thành phố đã đặt hàng với các đơn vị vệ sinh môi trường để thực hiện công tác duy trì vệ sinh môi trường trên các tuyến đường do huyện quản lý.
Nhưng thực tế, đến nay, cũng chỉ có 5/18 huyện ngoại thành có toàn bộ lượng rác thải thu gom được xử lý tại các khu xử lý tập trung của thành phố (gồm Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh, Gia Lâm, Thanh Trì); các huyện còn lại chỉ một phần rác thải thu gom được vận chuyển về các khu xử lý tập trung, còn lại thu gom, xử lý tại chỗ.
Có thể kể đến một số điểm đổ rác tồn đọng nhiều, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên tỉnh lộ 419 (huyện Thạch Thất), tỉnh lộ 421B (Quốc Oai); dọc quốc lộ 6 như chợ Gốt Đông Sơn, chợ Đông Phương Yên, trường học xã Trường Yên, xã Phục Châu (Chương Mỹ).
Ông Phạm Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết các dự án đầu tư xử lý rác thải tại chỗ bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh còn hạn chế; tiến độ triển khai xây dựng các điểm tập kết rác thải của huyện còn chậm, dẫn tới việc thu gom, vận chuyển rác thải gặp nhiều khó khăn.
Thêm vào đó, các vấn đề về hạ tầng kỹ thuật, sự phối kết hợp giữa các đơn vị thực hiện vệ sinh môi trường và bộ máy thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về rác thải chưa được thống nhất cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong công tác chỉ đạo và quản lý từ cấp thành phố.
Trong thời gian tới, cùng với việc tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các huyện tập trung giải quyết dứt điểm các điểm đổ rác không đúng quy định, các điểm đổ rác tự phát của người dân, đồng thời di chuyển các điểm tập kết rác thải gần lòng đường, mương tiêu..., Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiếp tục ưu tiên lựa chọn và giới thiệu các dự án đầu tư xử lý rác thải cho khu vực nông thôn để báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét, chỉ đạo.
Sở cũng đề xuất Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân thành phố tăng mức phí vệ sinh môi trường và đơn giá thực hiện vệ sinh môi trường cho phù hợp với điều kiện thực tế; hỗ trợ kinh phí để triển khai các dự án xử lý rác thải theo phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh.
Sở đề nghị thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xử lý rác thải tập trung của thành phố, gồm khu xử lý rác thải Sơn Tây giai đoạn II, khu xử lý rác thải Sóc Sơn giai đoạn II; chỉ đạo các đơn vị vận hành các khu xử lý rác thải hiện có của thành phố tăng cường khả năng tiếp nhận rác thải của các huyện ngoại thành trong thời gian các khu xử lý rác thải của từng huyện chưa được triển khai và đi vào hoạt động ổn định.
Thành phố phấn đấu 100% rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn được thu gom đưa về bãi xử lý, chôn lấp theo đúng quy định./.