Mai Hồng - Câu chuyện về văn hóa được dư luận quan tâm trong những ngày gần đây là việc Hội những người yêu dân ca quan họ Bắc Ninh gửi đơn lên Bộ VH-TT&DL và Bộ Thông tin- truyền thông, đề nghị phải khiển trách PGS Nguyễn Văn Huy (Giám đốc Trung tâm Di sản các nhà khoa học) về việc ông nêu ra những điểm hạn chế của việc tổ chức xác lập kỷ lục hơn 3.000 người cùng mặc trang phục quan họ và hát dân ca quan họ Bắc Ninh tại hội Lim năm nay. Câu chuyện này một lần nữa lại dấy lên những lo ngại của các nhà nghiên cứu văn hóa về hội chứng thích kỷ lục ở nước ta hiện nay.
Kỷ lục nồi phở lớn nhất
Nổi tiếng hay tai tiếng?
Không phải sau khi kỷ lục tại hội Lim được lập, các nhà nghiên cứu văn hóa mới lên tiếng, mà ngay từ khi Ban tổ chức nêu ra kế hoạch này, nhiều báo chí đã lo ngại đặt câu hỏi: "Hội Lim có cần kỷ lục để thêm nổi tiếng?", hay "Sau danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại do UNESCO trao tặng, chẳng lẽ lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc cũng cần đến những trò giật gân để câu khách?"
Không chỉ riêng PGS Nguyễn Văn Huy lên tiếng về vụ kỷ lục quan họ này mà có rất nhiều chuyên gia như nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, TS Nguyễn Thị Minh Lý... cũng lên tiếng khá gay gắt về chuyện này. GS Ngô Đức Thịnh (Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia) cho rằng, việc các nhà nghiên cứu văn hóa lên tiếng về những hiện tượng làm sai lệch di sản là hoàn toàn đúng đắn. "Ý kiến của PGS Nguyễn Văn Huy là đúng và chúng tôi rất đồng tình. Việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể theo tinh thần của UNESCO là phải bảo tồn các giá trị nghệ thuật đích thực của nó, giá trị đặc biệt, tiêu biểu mang tính nhân loại của nó. Việc huy động hơn 3.000 người ra Quảng trường hát đồng ca như thế là không đúng. Bởi ca trù là sinh hoạt mang tính chất xã hội, trong phạm vi gia đình, dòng họ, làng xã, thể hiện tâm tình, tình cảm của họ, để rồi từ đó thể hiện nhận thức của họ về cuộc sống, mà chúng ta mang ra quảng trường hát đồng ca với loa thùng oang oang như thế thì chỉ có làm hỏng hội Lim đi. Hát như thế ai nghe được? Đó là chưa kể việc ở lễ hội có các em bé hát quan họ để xin tiền. Hành động như vậy là bất kể nguyên tắc"- GS Ngô Đức Thịnh bức xúc.
Kỷ lục về hát quan họ đồng ca ở Hội Lim năm nay chỉ là một biến thể của hàng loạt câu chuyện liên quan đến việc các di sản văn hóa bỗng dưng bị biến thành trò chơi của đám đông được nhắc đến nhiều thời gian gần đây. Các di sản và lễ hội bỗng dưng được nhân cách hóa như một cá thể tìm đủ mọi cách để có thêm những danh hiệu và kỷ lục mới. Sau Hội Lim, rất có thể các lễ hội khác cũng sẽ đưa ra các hình thức mới để lập kỷ lục cho riêng mình, rất có thể cũng có chuyện hát ca trù hoặc hát chèo đồng ca cũng nên!? Những kỷ lục kiểu như vậy không làm cho lễ hội nổi tiếng mà có lẽ thêm "tai tiếng".
Đừng lấy số lượng thay chất lượng
Những năm gần đây, trong đời sống dường như đang có hội chứng thích kỷ lục. Từng có chiếc bánh chưng to nhất, chiếc phin pha cà phê lớn nhất, chai rượu cao nhất, nồi phở to nhất VN, đôi guốc kỷ lục.v.v... Theo sự phân tích của GS Ngô Đức Thịnh, kỷ lục không có tội, nhưng việc làm bánh chưng to, chai rượu to để thờ cúng tổ tiên là không cần thiết. Điều đáng lên án là việc làm tâm linh, nhưng người ta lại giả dối: để có bánh chưng to, người ta độn hộp xốp, không ăn được. Hoặc chai rượu thì pha nước lã. Đó là hành động phỉ báng tổ tiên.
Kỷ lục tô mỳ Quảng lớn nhất!
Rất nhiều kỷ lục ở các lễ hội văn hóa đã bị dư luận lên tiếng phản đối vì phản cảm. Đây là căn bệnh phô trương, hám thành tích, là nơi để các công ty tổ chức sự kiện kiếm lợi hoặc quảng bá thương hiệu của các doanh nghiệp. Nhà văn Nguyễn Khắc Phục thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân có hiện tượng này là do lợi ích nhóm nào đó để một số người làm điều này hoặc làm điều kia. Ví dụ với quan họ, thì họ muốn tạo một kỷ lục là có nhiều người nhất cùng hát một bài quan họ thì điều ấy sẽ gây ấn tượng cho quan họ. Nhưng họ không hiểu rằng là quan họ nếu bằng ấy người hát, bằng ấy người tham dự thì nó không còn là quan họ nữa.
Theo sự phân tích của nhà báo Việt Văn (báo Lao Động), đây là một biểu hiện của việc thương mại hóa lễ hội và thể hiện sự yếu kém trong công tác quản lý. Vai trò của người quản lý không chỉ ở địa phương mà cả ở trung ương. Lễ hội gần đây chúng ta phó mặc cho địa phương quá nhiều. Mà có quá nhiều lễ hội giống nhau. Giờ người ta muốn lập kỷ lục để tạo sự khác biệt. Kỷ lục nếu không ảnh hưởng đến các giá trị văn hoá thì không sao. Nhưng nếu nó làm biến thái lễ hội thì nên loại trừ. Không nên quá tôn vinh các kỷ lục để người ta quá chú trọng đến hình thức mà quên đi giá trị bên trong của lễ hội đó.
Ngay từ khi ra mắt, bộ sách Kỷ lục Việt Nam do Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam (VietKings) thực hiện đã tạo nhiều sự hứng thú, khi giới thiệu những thành tích có tính chất độc đáo và kỳ lạ trên khắp đất nước. Tuy nhiên, việc chọn lựa lại nhiều phần dễ dãi. Nhiều sự kiện, sự vật được gọi là kỷ lục Việt Nam nhưng thực chất chỉ xứng đáng là một dấu ấn, cột mốc mang tính cá nhân. Có kỷ lục được công nhận nhưng hình như chỉ để... cho vui. Áo cưới dài nhất Việt Nam của công ty Ánh Linh với đuôi áo được kết sơ sài cốt sao cho có độ dài để ghi kỷ lục, Tô mì Quảng lớn nhất Việt Nam do 10 người nấu cũng thiếu sự đảm bảo về chất lượng... Tiết mục quảng cáo máy lọc nước Kangaroo- từng bị dư luận lên án- cũng suýt nữa được đưa vào sách kỷ lục với thành tích “có số lần quảng cáo trên truyền hình nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất”!?.
Chúng ta không phản đối việc xác lập các kỷ lục, bởi nếu phù hợp thì nó có tác dụng động viên, gây ấn tượng mạnh. Nhưng không thể biến các lễ hội văn hóa thành cuộc chạy đua kiểu thể thao. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cho rằng, văn hóa là tự thân chứ không phải dùng những thứ phù phiếm để tạo nên một hình thức phi văn hóa. Giá trị của văn hóa nằm ở những giá trị tinh thần sâu xa đáng trân trọng chứ không phải ở những kỷ lục được đo bằng những con số. GS Nguyễn Văn Huy khuyến cáo, các nhà tổ chức sự kiện hoặc các trung tâm kỷ lục khi tham gia vào lễ hội hoặc các hoạt động tâm linh thì phải suy xét hết sức cẩn thận, xem xem nó có phù hợp với các di sản, với thuần phong mỹ tục, với văn hóa của VN hay không. Chứ không phải nhất thiết thế giới có kỷ lục gì thì mình cũng theo. Chúng ta phải suy nghĩ và cẩn trọng. Kỷ lục phải kèm theo chất lượng và tính hữu dụng của nó thì mới tốt.
Công việc bảo tồn văn hoá cần phải được đầu tư công phu và đầy trách nhiệm. Đó là những việc làm nhằm phát huy những giá trị bền vững, nhân văn, thấm sâu trong nhân dân, chứ không phải là chạy theo thành tích với những con số kỷ lục. Đây là điều mà những nhà quản lý văn hóa cần lưu tâm để có cách ứng xử phù hợp trong các lễ hội văn hóa trong thời gian tới.