Miến Điện có đủ điều kiện để bước vào một tiến trình phát triển hài hòa và mạnh mẽ - Dân Làm Báo

Miến Điện có đủ điều kiện để bước vào một tiến trình phát triển hài hòa và mạnh mẽ

Chu Chi Nam (Danlambao) - Cuộc bầu cử ở Miến Điện vừa kết thúc. Bà Aung Suu Kyi và Đảng của bà đã thắng 43 trên 44 ghế. Mặc dầu đây chỉ là cuộc bầu cử bán phần và chỉ là "Có tự do một cách tương đối" như chính bà tuyên bố; nhưng như tôi và nhiều người nghĩ rằng Miến Điện đã thực sự bước vào một tiến trình dân chủ và phát triển mạnh mẽ, hài hòa, khác với một số nước khác, phát triển nhưng không hài hòa, ở mức độ quốc nội cũng như quốc tế.

Trong bài trước (1), tôi đã nói đến tiến trình dân chủ hóa, trong bài này, tôi xin nói đến tiến trình phát triển kinh tế và xã hội. Ở đây tôi nhấn mạnh đến 2 chữ hài hòa.

Để nói đến tiến trình phát triển kinh tế xã hội mạnh và hài hòa, người ta không thể không nói đến Adam Smith, người được coi là nhà tư tưởng kinh tế lớn nhất thế giới, và gần đây, đến nhà kinh tế người Anh, gốc Ấn độ, đoạt giải Nobel kinh tế năm 1997, nhờ vào công trình nghiên cứu của ông về hiện tượng kém phát triển của các nước Á Phi, Nam Mỹ trong suốt thế kỷ thứ 20.

Adam Smith (1723 – 1790), con một người công chức, gốc người Ecosse, Anh quốc, sinh năm 1723 tại Kirkcaldy, theo học trường Glasgow, rồi trường Oxford. Sau đó ông trở về Glasgow dậy luận lý học, và 2 năm sau trở thành giáo sư triết, đạo đức học tại trường này cho tới khi ông từ chức năm 1764, và trở thành gia sư (précepteur) cho công tước (le duc) Buccleuch. 

Từ đó ông có dịp đi du lịch, viếng thăm Pháp và Genève, để gặp gỡ những triết gia và kinh tế gia Âu châu, đặc biệt là Pháp như François Quesnay, trường Phái Trọng Nông, Voltaire, nhà tư tưởng đấu tranh cho dân chủ Pháp, nổi tiếng qua câu: "Tôi biết rằng ý kiến của anh khác của tôi, nhưng tôi vẫn đấu tranh để anh có thể phát biểu ý kiến của anh."

Nên nhớ lúc đó ở Âu châu nói chung và nước Pháp nói riêng đang thịnh hành tư tưởng kinh tế của 2 trường phái, trường phái Trọng Nông của Quesnay, nhưng cũng có trường phái Trọng Thương, mà một trong những người cổ võ chính là Jean Baptiste Colbert (1619-1683), chủ trương cần phải đẩy mạnh thương mại, sự giàu có của một quốc gia đến từ thương mại bằng cách xuất cảng nhiều, nhập cảng ít, và dựa trên kỹ nghệ hóa.

Trường phái Trọng Nông, mà người đại diện là François Quesnay (1694-1774), qua 2 bài báo trong Bách Khoa tự điển, "Fermier" (Người chủ trại) và "Grains" (Hạt Giống), cho rằng chỉ có người nông dân mới sản xuất thực sự và sự giàu có của một quốc gia là dựa trên canh nông. Mặc dầu ông cũng chủ trương tự do và cần có thương mại.

Có người nói không sai là chính trong thời gian du lịch Âu châu lục địa này, nhất là xứ Pháp, mà Adam Smith suy nghĩ về tư tưởng của 2 trường phái kinh tế trên và thai nghén quyển sách Nghiên cứu về Bản chất và nguyên do sự giàu có của các dân tộc.

Nghề nghiệp giáo sư của ông đã giúp ông hoàn thành 2 tác phẩm nổi tiếng: "La Théorie des sentiments moraux" (Lý thuyết về tình cảm đạo đức), xuất bản năm 1759, và "Recherches sur la nature et les causes de la richesse des nations" (Những nghiên cứu về bản chất và những nguyên do của sự giàu có của các dân tộc), xuất bản năm 1776. 

Chúng ta nên nhớ rằng, trước khi là kinh tế gia, Adam Smith là triết gia về luận lý (Logique) và đạo đức (Morale). Chính cái nhìn về đạo đức, thế giáo (Ethique) và luật pháp (Juridique) đã soi sáng cái nhìn về kinh tế và chính trị sau này của ông.

Người ta chỉ thường nhắc đế quyển sách Nghiên cứu về bản chất và nguyên do sự giàu có của các dân tộc, mà quên đi quyển Lý thuyết về tình cảm đạo đức.

Đạo đức mà Adam Smith chủ trương rất là giản tiện, dựa trên một câu châm ngôn của tây phương " Ne fais pas à autrui ce que tu ne veux pas qu’il te soit fait", cùng với một câu châm ngôn Đông phương "Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân", (Đừng làm cho người khác cái gì mà anh không muốn họ làm cho anh). Cả 2 câu này được những người làm ra bản Tuyên Ngôn Quốc tế nhân quyền năm 1948 lấy làm kim chỉ nam cho việc soạn thảo.

Nên những luận điệu bảo rằng nhân quyền là sản phẩm của Tây phương, Đông phương không cần, chỉ là ngụy biện.

Luận điệu này nó đã trở nên trân tráo, vô liêm sỉ với những trí thức và lãnh đạo cộng sản, vì trước đó họ hô hào thế giới đại đồng, bênh vực tính chất toàn cầu, vì họ nghĩ rằng lý thuyết của Marx là khoa học, thực tế chẳng khoa học gì, và đã thất bại trong việc áp dụng. Ngày nay để bảo vệ chế độ cộng sản lỗi thời, thì họ lại hô hào tính chất đặc thù đông phương. (1)

Có thể nói cái nhìn kinh tế của Adam Smith là một cái nhìn triết trung, tổng hợp. Ông không cho rằng chỉ có nông nghiệp mới sản xuất hay chỉ có thương mại mới mang lại sự giàu có cho quốc gia, mà ông cho rằng phải có sự phân công (répartition du travail), ai có khả năng nào thì làm việc đó, sau rồi trao đổi.

Nhưng sự trao đổi phải dựa trên căn bản đạo đức, nếu không, con người sẽ tìm cách gian dối, lừa đảo, trong việc trao đổi. Đạo đức trong việc trao đổi đây dựa trên câu châm ngôn đông tây như trên vừa nói.

Thực ra thì việc này ở Việt Nam chúng ta cũng thường nhắc tới, cũng qua câu châm ngôn: "Khôn ngoan chẳng lọ thực thà; lường thưng, tráo đấu chẳng qua đong đầy" (Thưng và đấu đây là 2 đơn vị đo lường).

Adam Smith được coi là người lập ra trường phái Kinh tế tự do hay còn được gọi là trường phái Cổ điển, theo đó có một bàn tay vô hình điều khiển kinh tế trên thị trường theo khuynh hướng cung cầu, mà giá cả được định theo sự gặp gỡ giữa cung tức người sản xuất và cầu tức người tiêu thụ. Nếu trên thị trường, cung mà nhiều, thì giá sẽ rẻ; một khi giá rẻ, thì người dân sẽ mua nhiều, đến lúc hàng khan hiếm, giá tăng.

Phần bàn về "Hệ thống tự do tự nhiên và công bằng", trong quyển Nghiên cứu về bản chất và nguyên do sự giàu có, ông tìm cách chứng minh rằng sự cạnh tranh và sự tìm kiếm lợi nhuận cá nhân sẽ tạo ra một trật tự hài hòa "ordre social harmonieux" mang đến sư tăng trưởng kinh tế, cùng tính chất hữu hiệu của kinh tế, đưa đến khuynh hướng giá rẻ, lợi luận giảm, có lợi cho xã hội và mọi người.

Tuy nhiên ông cũng không quên bàn về vai trò của nhà nước, theo ông thì đừng quá can thiệp và kinh tế, vào thị trường, vì kinh tế về thị trường có khuynh hướng tự điều chỉnh "auto – régulateur". Nhà nước chỉ nên hướng dẫn, chứ không nên áp đặt, và nên chú trọng vào việc giáo dục, chỉ can thiệp khi nào cần.

Đây cũng là quan điểm của những nhà kinh tế Tân Cổ điển, mà tiêu biểu là John M. Keynes, bắt nguồn từ chỉ trích rằng Adam Smith đã quá tin vào thị trường, và tôi cũng đã có dịp nói trong bài trước. (1)

Một người gần chúng ta hơn, đó là nhà kinh tế người Anh, gốc Ấn Độ, giải Nobel Kinh tế năm 1997, nhờ công trình nghiên cứu về những nước chậm tiến Á Phi Nam Mỹ. Ông viết:

"Kinh nghiệm của thế kỷ qua (thế kỷ 20) cho chúng ta thấy các nước chậm tiến Á Phi Nam Mỹ, ít là nạn nhân của thiên tai hay của những sức mạnh bên ngoài, mà chính là nạn nhân của những chế độ độc tài từ tả qua hữu, từ độc tài gia tộc quân phiệt, phát xít, đến độc tài đảng. Những thế lực này đã coi tài sản của quốc gia dân tộc như chính tài sản của riêng mình, riêng gia đình, chủng tộc, tập đoàn, đảng phái của mình."

Theo ông, nước Tàu của Mao trạch Đông, nếu có dân chủ, thì không xảy ra nạn đói năm 1958 - 60, hay ít ra không đến nỗi cả bao chục triệu người chết, vì có sự lưu chuyển thông tin, trong dân, trên báo chí và từ dưới lên trên, khiến cho cấp trên có thể đối phó, thay vì dưới chế độ độc tài, chỉ có những bản tường trình, báo cáo láo, đến khi nạn đói xảy ra, mới lo cứu chữa, thì đã quá muộn.

Ông cho rằng sẽ không có phát triển, nhất là phát triển hài hòa, nếu không có dân chủ.

Ngoài công trình nghiên cứu về chậm tiến, ông còn viết quyển sách mang tựa đề Kinh tế là một khoa học đạo đức "L’Economie est une science morale" (Nhà xuất bản La Poche – Paris), ông nhấn mạnh đến vai trò đạo đức trong kinh tế.

Trong khuôn khổ bài này, tôi không thể đi sâu vào chi tiết, nhưng 2 tác giả nổi tiếng trên, ông Adam Smith và Amartya Senn, với 2 quyển sách Lý thuyết về tình cảm đạo đức và Kinh tế là một khoa học đạo đức, cũng đủ để cho ta thấy rõ 2 tác giả và cũng là 2 nhà kinh tế, đã rất quan tâm về đạo đức trong việc làm kinh tế.

Từ những nhận xét trên, chúng ta có thể đưa ra một số nguyên tắc về sự phát triển kinh tế một cách hài hòa. Ở đây tôi nhấn mạnh trên chữ hài hòa.

Nền kinh tế phải dựa trên một căn bản đạo đức, nếu không thì sẽ đi đến sự hỗn loạn, cạnh tranh rừng rú.

Kinh tế phải được thực hiện dưới một chế độ dân chủ, nếu không thì sẽ đi đến chỗ tham nhũng, hối lộ, kinh tế chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm thiểu số là kẻ cầm quyền.

Một khi có đạo đức, có dân chủ rồi, thì sẽ có được niềm tin của những người sống dưới quốc gia đó, rồi tạo được niềm tin của những nước ngoài và từ đó có sự giúp đỡ và đầu tư từ nước ngoài, để tiếp sức cho sự phát triển.

Từ những nguyên tắc đó, chúng ta quan sát Miến Điện hiện nay, và một câu hỏi được đặt ra: "Miến Điện hiện nay đã hội đủ những điều kiện để có một nền kinh tế phát triển hài hòa không?"

Câu trả lời của tôi là một cách tương đối Miến Điện có thể và đã bắt đầu tiến trình phát triển kinh tế hài hòa, vì những lý do sau:

Miến Điện, đại đa số dân là đi theo đạo Phật, ngay cả giới quân sự cầm quyền, và từ đó họ hành động "Trên còn có Trời, dưới còn có đất", họ còn nghĩ "Gieo gió thì gặt bão", "Trồng cây nào, thì ăn quả đó", trồng cây đắng, thì ăn trái đắng, nên xã hội Miến Điện còn có một trật tự đạo đức tối thiểu, khác hẳn với những chế độ độc tài cộng sản, nhất là giới lãnh đạo, không tin Trời, chẳng tin Phật, hành động bất cứ chuyện gì miễn sao có lợi cho bản thân, và có lợi cho đảng đoàn.

Miến Điện cũng đã tương đối bắt đầu tiến trình dân chủ qua cuộc bầu cử bán phần vừa qua, và mới cách mấy ngày hôm nay, ông Tổng Thống Miến đã ra lệnh phá giá đồng bạc Kyat Miến, theo giá chợ đen, là một Đô La giá hơn 800 Kyats, thay vì giá chính thức, chỉ có hơn 6 Kyats. Hiện tượng không phá giá đồng bạc chỉ có lợi cho những hãng xưởng quốc doanh, cán bộ, con ông cháu cha, có thể đổi giá chính thức, còn dân đen và kinh tế tư nhân thì phải đổi giá chợ đen. Thêm vào đó, ông Bộ trưởng Thông tin đã họp báo, công bố chính thức bãi bỏ tất cả hạn chế, cấm đoán tự do ngôn luận, không còn phải đi theo "Lề đảng", như ở Việt Nam.

Miến Điện là một nước giàu có về tài nguyên, có nhiều mỏ quí và tình hình thế giới đang thuận lợi cho Miến Điện.

Về vấn đề phát triển, thì có người đưa ra câu hỏi: Tại sao ở Việt Nam và Trung Cộng không có đạo đức, không có dân chủ, mà vẫn phát triển.

Tôi không phủ nhận điều này. Nhưng đây là một phát triển không hài hòa, ở mức độ quốc nội cũng như quốc tế.

Chúng ta thấy ở Trung Cộng và ở Việt Nam, mặc dầu có phát triển, nhưng mức độ chênh lệch giàu nghèo ở vào hàng đầu thế giới. Và vì không có đạo đức kiểu câu nói của Đặng tiểu Bình "Mèo trắng hay mèo đen không cần biết, chỉ biết là nó bắt chuột hay không" hoặc "Làm giàu là quang vinh", không nói đến làm giàu thế nào để không hại tới đạo đức. Vì vậy ở Tàu cũng như ở Việt nam mới có cảnh một em bé bị xe cán, trước sự lãnh đạm của mọi người, tệ hơn nữa là những xe sau còn cán thêm để chạy qua (ở Tàu); cảnh trong một chiếc xe đò nọ, có một em bé bị ngộp thở vì xe đông, người phụ tài xế đã quảng em bé xuống đường và đuổi người bố xuống xe, cũng trước sự thờ ơ của mọi người (ở Việt Nam).

Có phát triển, nhưng là sự phát triển không hài hòa, chính phủ đã hy sinh nông thôn cho thành thị, chủ trương kỹ nghệ hóa một cách man dại, làm cho 80% sông ngòi Việt Nam và Trung Cộng bị ô nhiễm. Thêm vào đó, mặc dầu lúc nào cũng tuyên truyền và rêu rao rằng đảng cộng sản là đảng của thợ thuyền và của nông dân, nhưng nông dân và thợ thuyền ở 2 nước này bị bóc lột đến tận xương tủy, không những bởi những chủ da trắng, từ nước ngoài, bị quyến rũ bởi chính sách kềm hãm lương thợ, để thu hút đầu tư, mà bởi ngay những ông chủ đỏ, những người mới giàu, nhờ hối lộ tham nhũng, vì không có dân chủ.

Nhiều người cứ nói là tôi hay nói xấu cộng sản, nhưng tôi chỉ nói lên sự thật, nhiều khi chỉ nhắc lại cái gì chính người lãnh đạo cộng sản nói. Như câu của ông Gorbatchev: "Cộng sản chỉ biết truyên truyền và nói láo" hay câu của ông Yakolek, Ủy viên trong Bộ Chính trị Liên sô trước đây: "Cộng sản là loài sâu bọ. Con mới đẻ nằm lên xác con già. Con già đè lên xác con trẻ. Nhưng trong đó có con khỏe nhất, leo lên chỗ cao nhất. Tuy nhiên để leo lên chỗ này, thì nó phải giẵm lên xác không biết bao con khác".

Và gần đây, lời tuyên bố của ông Tập cận Bình, nhân vật thứ nhì trong đảng, sắp lên nhân vật thứ nhất: "Đảng cộng sản là nơi qui tụ những thành phần thối nát, dơ bẩn, vô trách nhiệm và ích kỷ nhất."

Hỏi rằng một đảng tự nhận là đại diện cho thợ thuyền, cho toàn dân, mà như vậy; và trên thực tế lại nắm toàn quyền, thì làm sao có được sự phát triển hài hòa.

Đó là về phía quốc nội.

Về phía quốc ngoại, thì như ông Obama tuyên bố: "Trung Cộng đã không hành xử như một cường quốc có trách nhiệm."

Thực vậy, kinh tế Trung Cộng phát triển là nhờ vào xuất cảng, chiếm hơn 1/3 tổng sản lượng quốc gia. Nhưng xuất cảng được là nhờ chính sách kềm kẹp lương bổng thợ thuyền như vừa nói, là nhờ chính sách tiền tệ, luôn kềm hãm đồng Nhân dân tệ rẻ hơn đồng Đô La từ 15 tới 20 % theo giá thị trường. Cộng thêm vào đó là sao chép trái phép, không tôn trọng bản quyền, làm hàng giả, hay làm hàng dối, miễn là có tiền, kiểu "Mèo trắng mèo đen không cần biết", như sự kiện làm sữa có chứa chất Mélanine, không những đầu độc cả trăm ngàn trẻ em ở Trung Cộng, mà cả ở thế giới.

Trở về Miến Điện, thì tiến trình dân chủ và phát triển đã bắt đầu, mặc dầu còn mong manh, vì 2 người chính trong tiến trình này là ông Tổng thống Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi, 2 người này sức khỏe "rất mong manh", như lời tiết lộ của báo chí. Và những người theo trường phái lịch sử  "Anh hùng làm nên lịch sử", thì sợ rằng 2 người này mà chết đi, thì tiến trình bị ngưng. Nhưng cũng có người theo trường phái "Lịch sử làm nên anh hùng", có nghĩa là hoàn cảnh, lòng dân làm ra anh hùng. Dù 2 người trên không còn đi nữa nhưng tiến trình dân chủ và phát triển vẫn tiếp tục ở Miến Điện.

Thực ra thì lịch sử là một khoa học nhân văn, nguyên do và hậu quả không thể phân biệt rõ ràng, nhiều khi nguyên do trở thành hậu quả, và hậu quả trở thành nguyên do, tương tác lẫn nhau.

Công nhận là tiến trình dân chủ và phát triển hài hòa ở Miến Điện mới bắt đầu và còn mong manh. Nhưng dầu sao cũng là một sự bắt đầu tốt, đáng khích lệ, tin cậy và noi theo.

Paris ngày 08/04/20012


_________________________________

(1) Xin xem thêm những bài về Phê bình lý thuyết cộng sản, về Trung cộng và Miến Điện, trên http://perso.orange.fr/chuchinam/


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo