Độc quyền - Dân Làm Báo

Độc quyền

Nguyên Khanh (Thanh Niên) - Mặc dù không ít ý kiến phân tích việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) độc quyền sản xuất, gia công vàng miếng sẽ tốt hơn cho thị trường. Nhưng cũng không ít người vẫn lo ngại trước 2 chữ "độc quyền".

Đây là tâm lý khó tránh của người dân, nhất là trong thời gian qua, vị thế độc quyền trong các ngành thiết yếu như xăng dầu, điện... gây khó khăn cho người dân, thiệt hại cho ngân sách.

Đó là chưa kể chúng ta mất một quá trình rất dài, rất nan giải để tháo bỏ cơ chế độc quyền trong nhiều ngành nghề. Nên việc độc quyền trở lại, dù ở bất cứ lĩnh vực gì, lý do gì đều gợi cho người ta tâm lý bất an. Thực tiễn cũng đã chứng minh môi trường cạnh tranh lành mạnh mang lại lợi ích nhiều nhất cho người dân ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Nên ngay cả khi biết rõ thị trường vàng bất ổn với các cơn sốt ảo, rủi ro bởi giá trong nước chênh rất nhiều so với giá thế giới, áp lực lên tỷ giá..., cái người dân chờ đợi vẫn không phải là giải pháp độc quyền.

Không chỉ là vấn đề tâm lý, việc độc quyền chưa biết kết quả thế nào nhưng xung quanh Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, có nhiều điều còn lấn cấn. Đầu tiên là yếu tố liên quan đến quyền lợi của người dân. Cụ thể, tuyên bố sẽ độc quyền sản xuất nhưng NHNN không công bố lộ trình chuyển đổi, cũng như nói rõ vàng miếng SJC có trở thành thương hiệu vàng quốc gia như trong dự thảo trước đó hay không khiến nhiều người giữ vàng "phi SJC" phải chấp nhận bán lỗ. NHNN biết rõ việc trấn an một cách chung chung rằng không phân biệt đối xử giữa các thương hiệu vàng không thể khiến người dân an lòng khi độ vênh giữa vàng SJC và các loại vàng khác vẫn còn nguyên đó. Một lấn cấn nữa là việc thu hẹp thị trường vàng nhưng lại chưa có giải pháp cho hệ thống phân phối vàng. Nên mới có chuyện những người ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa muốn mua vàng, có lẽ chỉ còn cách về thành phố. Bởi những đại lý đáp ứng được yêu cầu để kinh doanh vàng miếng theo Nghị định 24 hầu hết tập trung ở thành phố. Trong khi nhu cầu mua vàng tích trữ là thói quen mang tính lịch sử của hầu hết người dân Việt Nam. Rồi việc yêu cầu nhóm "5+1" báo cáo về mạng lưới đại lý trùng với thời điểm ban hành Nghị định quản lý thị trường vàng cũng đặt câu hỏi về vấn đề lợi ích nhóm. Nên nhớ nhóm này cũng được chọn mua - bán vàng tài khoản để bình ổn thị trường gây nhiều bức xúc trước đó. Đó là chưa kể những vấn đề quan trọng như làm thế nào để huy động vàng chết trong dân, vàng tài khoản... đều không được đề cập chi tiết.

Có một thời gian không ngắn để chuẩn bị nhưng rất nhiều vấn đề quan trọng trong Nghị định 24 lại thiếu chi tiết, thiếu lộ trình cụ thể. Việc NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng một lần nữa lại đặt ra câu hỏi, liệu cơ quan quản lý, đơn vị ban hành chính sách, quy định cũng như quản lý, giám sát thị trường vàng có nên tham gia với vai trò nhà sản xuất trực tiếp hay không khi câu chuyện "vừa đá bóng, vừa thổi còi" và những hệ lụy của nó là rất nhiều.

Nguyên Khanh



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo