Sản xuất đình đốn vì sức mua kiệt quệ! - Dân Làm Báo

Sản xuất đình đốn vì sức mua kiệt quệ!

Nguyễn Việt Phong – Bùi Trinh (SGTT.VN) - Quá trình sản xuất – tiêu thụ – tồn kho phần nào thể hiện luồng chu chuyển sản phẩm của một chu kỳ sản xuất. Doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm, phần còn lại là tồn kho. Lượng tồn kho có lúc cao lúc thấp tuỳ vào từng thời điểm, có thể do doanh nghiệp mở rộng sản xuất vì nhìn thấy cơ hội thị trường và cũng có thể do không bán được sản phẩm của mình. Nhưng cả ba bộ chỉ số này có thể thể hiện được phần nào “sức khoẻ” của thị trường, “sức mua” của người dân và “tình trạng” của chính các doanh nghiệp sản xuất ra các sản phẩm đó.

Nguồn: số liệu Tổng cục Thống kê và tính toán của tác giả Bùi Trinh – Nguyễn Việt Phong 

Theo số liệu công bố của tổng cục Thống kê, đến hết quý 1/2012, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 4,1%, trong đó nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, nếu nhìn vào chỉ số tiêu thụ và tồn kho của ngành công nghiệp chế biến trong hai tháng đầu năm 2012, có thể thấy chỉ số tiêu thụ tăng rất thấp, chỉ 0,5%; tháng 1 thậm chí còn âm (-17%) so với cùng kỳ. Điều đó cho thấy sẽ có một lượng tồn kho khá lớn do sản xuất ra mà không bán được sản phẩm. Chỉ số tồn kho đến hết tháng 9.2011 là 21,1%, nhưng hai tháng đầu năm 2012 đã là 34,9%. Lưu ý rằng chỉ số sản xuất trong hai tháng đầu năm này của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng chỉ tăng có 2,4%. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm vốn đã phải thu hẹp sản xuất, hoặc sản xuất cầm chừng nhưng sản phẩm sản xuất ra cũng không được thị trường hấp thụ nhiều, hệ quả là lượng tồn kho tăng cao. Một số ngành có chỉ số tồn kho cao trong hai tháng đầu năm 2012 là: chế biến và bảo quản rau quả: 87,2%; sản xuất xi măng: 55%; sản xuất sắt thép: 59,1%.

Cũng nhìn từ số liệu do tổng cục Thống kê công bố từ năm 2010 đến nay, tăng trưởng tổng mức bán lẻ của năm 2011 là 4,7%; thấp hơn nhiều so với mức 14% của năm 2010. Từ quý 1/2011, tăng trưởng tổng mức bán lẻ bắt đầu đà giảm sút một cách đều đặn, ba tháng đầu năm 2012 cũng chỉ là 5% so với cùng kỳ 2011 là 8,7% và cùng kỳ 2010 là 14,4%. Sức mua giảm sút, một phần là do lạm phát trong năm 2011 tăng cao (18,58%), thu nhập của phần lớn người lao động không có sự thay đổi trong khi giá cả các loại mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tăng lên. Đặc biệt sang đầu năm 2012, doanh nghiệp sản xuất vốn đã chật vật với quá trình thắt chặt tiền tệ kéo dài, lãi suất cao và đủ loại phí, lệ phí (bao gồm cả các khoản chi phí ngầm), cộng thêm việc không bán được sản phẩm do sức mua của người dân giảm sút, sẽ không còn động lực để mở rộng sản xuất trong tương lai. 

Nguồn: số liệu Tổng cục Thống kê và tính toán của tác giả Bùi Trinh – Nguyễn Việt Phong 

Tính đến thời điểm 31.12.2011, cả nước đã có khoảng 79.000 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động. Tính riêng quý 1/2012, con số này là gần 12.000 doanh nghiệp, trong khi số doanh nghiệp thành lập mới trong quý 1/2012 chỉ khoảng 15.000. Đã biết việc doanh nghiệp đăng ký thành lập rồi sau đó đăng ký giải thể hay ngừng hoạt động là chuyện bình thường đối với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, tuy nhiên với lượng doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động tăng cao như hiện nay (bằng 77,8% so với số doanh nghiệp thành lập mới), cộng với những tác động ảnh hưởng như đã phân tích ở trên thì có thể thấy nền sản xuất trong nước đang thực sự gặp khó khăn. 

Nếu nền sản xuất thông qua các doanh nghiệp chỉ cần sản xuất như năm trước thì đã là một sự may mắn. Nhưng với lượng tồn kho và chi phí sản xuất tăng cao như vậy, theo chúng tôi, các quý sau, nếu không có sự can thiệp kịp thời và tích cực của Nhà nước thì GDP khó có thể đạt 4% như trong quý 1. Một điều dường như không giống với các dự báo trước đó của chuyên gia! 

Trong thời gian tới, Chính phủ cần có những biện pháp trước mắt như giảm lãi suất, giảm thuế, giãn thuế và phần nào loại trừ các loại chi phí ngầm cũng như thủ tục hành chính nhằm giúp cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khốn khó. Những biện pháp này cần phải có lộ trình thực hiện nhanh và đúng đắn để chính sách đến được với doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất trong nước. Đồng thời, cũng cần có chính sách nới lỏng cho vay tiêu dùng để tăng sức mua. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo