Suy nghĩ trong đêm - Dân Làm Báo

Suy nghĩ trong đêm

Trịnh Kim Tiến - Cả đêm nằm suy nghĩ, cuối cùng thì cũng hiểu ra dạo này tâm trạng tôi hay buồn vì điều gì. Không phải buồn bực vì chuyện gia đình, không phải cái buồn chán nản trong công việc, cũng càng không phải vì chuyện tình cảm. Cái buồn này kèm theo chút gì đó mùi vị của sự thất vọng. Thật ra tôi mới chỉ có 22 tuổi, vốn kiến thức không có, sự hiểu biết không nhiều, tôi lại chưa làm nổi một điều gì đáng nói, có ích cho xã hội, cuộc sống.

Tôi còn quá trẻ quá để có thể hiểu được suy nghĩ của mọi người. Nhiều khi, thấy nhiều người viết, bàn về vấn đề này, vấn đề kia, những công việc to tát lớn lao, nhưng lại quên đi mất những kiếp người khốn khổ, những phận người nhỏ bé trong cuộc sống, những nỗi oan trái trong đời thường. Những nỗi đau đó, nhưng sự kiện nhỏ bé đó, nhanh chóng bị thời gian chôn vùi đi, và người ta dần quên lãng chúng. Nhưng những nỗi oan khuất, khổ đau đó có khi lại đeo theo một số người trong cả cuộc đời họ. Cái đạo từ xưa tới nay, dù thời đại nào cũng chỉ như vậy, "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân", dân luôn được lấy làm gốc, nhưng có mấy khi dân thực sự được đặt lên hàng đầu? Ở thời kì nào đi nữa, nếu con người ta không dùng cái tâm thực sự của mình vì người khác thì xã hội đó đừng mong có thể trở nên tốt đẹp. 

Gần đây, tôi hay viết, hay ngồi mằn mò đọc tin tức, rồi dần dần, cái ma lực của văn chương nó cứ cuốn lấy tôi từ bao giờ không biết. Nhiều người nghĩ rằng những bài viết của tôi không phải tôi viết, tôi hiểu được suy nghĩ đó, tại vì thật ra đến giờ này, chính tôi cũng không thể tin mình lại có thể viết được như vậy. Ngày còn đi học, tôi không yêu thích văn học, tôi ghét cái khuôn mẫu mà cứ phải buộc mình tuôn theo nó để có thể đạt điểm cao, cho nên tôi đã chọn cho mình con đường kĩ thuật. Chính vì vậy mà câu cú của tôi thường bị lủng củng, chính tả, chữ nghĩa thì loạn nhịp cả lên. 

Rồi cũng không biết từ lúc nào, tôi cứ viết, cứ viết... viết để trút hết ra nỗi uất ức, viết để san sẻ buồn phiền, viết vì tôi không thể chịu nổi khi những cảm xúc cứ dồn nén, ứ đọng trong đầu óc mình. 

Và bài đầu tiên mà tôi thực sự viết bằng cả lòng mình có lẽ là "Cảm xúc bất chợt", tôi đã viết nó sau một ngày tham gia tuần hành chủ nhật vì Hoàng-Trường Sa. Trong lúc say nắng, giữa trời hè oi ả, tôi đã khóc, khóc một cách rất tự nhiên, về đến nhà nằm trùm chăn kín mít, và tôi đã viết nó qua chiếc điện thoại trong chăn. 

Một điều kì lạ là văn chương thường hay không đọng lại trong đầu óc tôi, mỗi khi viết xong bài nào đó thì khi rời khỏi máy tính, tôi có thể quên sạch những thứ mình đã viết. Nhưng trong tĩnh lặng một mình thì mạch cảm xúc cứ ùa vào đầu óc. Tôi thích viết theo cảm xúc và giờ thì tôi cảm thấy rằng mình thích văn, và tôi có thể viết, dù hay hay dở. Vì bây giờ đây, tôi không còn cần phải viết theo bài văn mẫu như những ngày còn đi học. Tôi vui, buồn, chán ghét, tức giận, căm phẫn, uất ức, viết ra nó không hề khó như tôi đã từng nghĩ. 

Điều khiến tôi vui nhất là tôi còn tự học hỏi được nhiều thứ từ mọi người khi tôi đọc bài viết của họ. Tôi tìm ra được lỗi văn bản, lỗi chính tả, những lỗi mà trước kia mình hay mắc phải vì không nắm rõ, không được học đến nơi đến chốn. 

Tôi không từng nghĩ mình ngoan ngoãn, bởi thực ra tôi không hề ngoan ngoãn. Tôi không hề nghĩ mình hiếu thảo bới thực ra những việc tôi làm cũng chỉ giống như những đứa con khác sẽ làm vì bố mẹ chúng. Tôi lại càng không nghĩ mình khôn ngoan, hơn người ở bất cứ điểm gì, bởi tôi còn quá nhiều điều yếu kém để thua xa người khác. Nhưng tôi là một đứa may mắn, tôi nghĩ vậy, tôi may mắn vì tôi được làm con của bố mẹ tôi, và vì bố mẹ tôi là những người tốt nhất trong mắt tôi. 

Gia đình tôi không phải là một gia đình nề nếp, không phải là một gia đình văn hóa hạnh phúc, hay một gia đình gia giáo cao sang. Gia đình tôi chỉ là một gia đình lao động bình dân, sống bằng những đồng tiền ít ỏi mà bố mẹ tôi phải bươn chải để có. Cuộc sống của gia đình cũng đầy dẫy những mâu thuẫn, những khó khăn, những khi giằng co to tiếng như mọi gia đình khác. Nhưng tôi được như ngày hôm nay đều vì tôi nhìn được, thấy được những điều tốt đẹp mà bố mẹ mình đã làm, cách mà họ cư xử với những người xung quanh. Khi tôi nhìn thấy được bố mẹ mình thương yêu ông bà thì tôi lại muốn thương yêu họ nhiều hơn. Khi tôi thấy họ hòa nhã, giúp đỡ những người khó khăn hơn, mặc dù họ không có thì tôi muốn cũng sẽ làm được giống như họ. Tôi thấy họ được những người xung quanh, hàng xóm quý mến, tôi thấy hãnh diện và hạnh phúc. 

Ngày tôi còn bé lắm, nhưng có những ký ức lại đọng lại đến bây giờ, in sâu vào trong tâm trí tôi. Ngày ấy nhà tôi còn nằm trong con hẻm nhỏ, nhà nghèo, chỉ đủ miếng ăn vì lúc mẹ lấy bố chỉ có hai bàn tay trắng. Bố mẹ tôi hôm đó đi vắng, chỉ có hai chị em ở nhà, có một bà cụ đến trước cửa nhà xin ăn. Ngày ấy người ta vẫn dùng bơ gang để đong đếm gạo, tôi không biết gì cả, chỉ thấy cụ tội nghiệp, cầm cái bơ chạy vào trong tải gạo ở xó nhà, múc liền một hơi ba ống, đem ra đổ vào túi cho cụ. Cụ đi rồi tôi mới thấy sợ, tôi làm rơi vãi gạo ra đầy nhà, từ trong ra đến ngoài. Tôi sợ bố mẹ về sẽ mắng, sẽ đánh, sẽ bị ăn đòn vì dám lấy gạo đi cho người lạ. Nhưng không, bố mẹ tôi không làm thế. Cụ vừa đi, thì vừa hay bố mẹ tôi về đến nhà, thấy gạo vung vãi, mẹ cũng gắt lên hỏi tôi đã làm cái gì. Lúc đó, sợ quá, tôi run rẩy, mãi mới dám kể cho bố mẹ nghe. Cứ nghĩ rằng mẹ sẽ lao đến tét vào mông mấy cái, nhưng mẹ lại ôm chặt lấy tôi. "Biết giúp người là việc tốt, nhưng lần sau con phải đợi bố mẹ về, lỡ đâu là người xấu thì sao". Tôi thấy ấm áp vì cái ôm của mẹ lắm. 

Rồi tôi nhớ một lần, có một đứa trẻ lớn hơn tôi một chút, đi bụi, lang thang vì bị bố mẹ nó bỏ rơi, trông nó bẩn lắm, đi qua chỗ nhà tôi. Thấy nó đói quá, Bố mẹ tôi lôi nó vào, tắm rửa sạch sẽ, cho nó ăn uống. Nó đòi ở lại nhà tôi, tôi đưa nó gói bánh xốp của tôi đang cầm trên tay, tôi nhìn bố mẹ rồi tôi xin, "mẹ cho anh ý ở lại". Nhưng ánh mắt mẹ tôi lúc đó thật buồn, mẹ buồn rượi nhìn thằng bé kia, rồi quay ra chỗ tôi, "không được đâu con, nhà mình còn không đủ ăn, nuôi làm sao nổi thêm người khác". Ngay lập tức nó ném gói bánh xốp của tôi xuống đường rồi bỏ đi. Cả nhà tôi nhìn theo cho đến lúc nó đi khuất hẳn. Tôi biết trong lòng mẹ cũng rất khó chịu, rất áy náy, rất buồn vì điều đó nhưng có thể làm gì đây, khi gia cảnh cũng chẳng có lấy gì cưu mang kẻ khác cả cuộc đời. Chúng tôi chỉ có thể giúp đỡ những điều có thể làm được trong tầm tay. 

Chính vì vậy, có nhiều lúc trong ý thức tham lam, tôi đã từng muốn trở thành người giàu nhất, có quyền lực nhất, để có thể làm được những điều mình muốn làm. 

Những đứa trẻ bị bỏ rơi, những đứa trẻ mồ côi, tai ương chợt đến mất cha hay mất mẹ như hai cháu con chị Liễu ở Chương Mỹ, những số phận bất hạnh vì sự dã man của những con cầm thú đội lốt người, mất đi tương lai như cháu Bích, cháu Bảo, những cái chết đau thương vì sự vô cảm như em Huấn, những mảnh đời không nơi nương tựa như bác Phước, những cái xác người mà không phải là xác, vất vưởng trên những hè phố đêm đen. Xin đừng quên mất họ. 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo