Mỗi năm hoa phượng nở
Ba mươi tháng Tư về
Ước mơ ngày Dân chủ
Và cộng sản ra đi (*)
Đại Nghĩa góp gió (Danlambao) - Không có năm nào như năm nay, lòng mọi người dân Việt Nam bừng lên niềm hy vọng, hy vọng một ngày nào phá tan xích xiềng của chế độ cộng sản bạo tàn đã ngự trị trên toàn cỏi đất nước Việt Nam thân yêu đã 37 năm qua. Bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu hy vọng của người dân Việt Nam hướng về người dân Miến Điện đang tưng bừng đón một mùa hè Tự do Dân chủ sau bao nhiêu năm quằn quại dưới ách cai trị độc tài của bọn quân phiệt. Trông người mà nghĩ đến ta.
Thật ra, bị trị thì cùng bị trị, bị áp bức thì cùng bị áp bức, nhưng mỗi hoàn cảnh thì mỗi khác, chúng ta hãy bình tâm mà tìm ra những điều kiện gì mà dân tộc Miến Điện may mắn có được và nhân dân ta có thể có hay không?
1. Miến Điện bị cấm vận kiệt quệ.
Dưới sự cai trị độc tài của chế độ quân phiệt Miến đã đưa đất nước đến chỗ suy vong, từ một nước tài nguyên giàu có thì lại trở thành nghèo nàn, lạc hậu phải ngửa tay nhận tiền viện trợ từ Trung quốc để rồi đưa đất nước vào vòng lệ thuộc, nhân dân chán ghét. Điều kiện mấu chốt là nhờ bị Tây phương trừng phạt, bao vây cấm vận đến nỗi kiệt quệ, giới cầm quyền của Miến Điện mới nhận ra là muốn thoát khỏi viễn ảnh tương lai đen tối của dân tộc thì phải tìm lối thoát bằng cách chấp nhận điều kiện xả bỏ cấm vận của phương Tây là trả lại quyền lãnh đạo đất nước cho người dân và thực thi tự do dân chủ.
“Giới cầm quyền Miến muốn thoát khỏi biện pháp trừng phạt của phương Tây cùng tình trạng sa sút kinh tế, vì con đường dẫn Miến Điện đến thiên đường XHCN mà chính quyền quân phiệt Ne Win áp đặt trước đây đã đưa xứ này đến ngỏ cụt kinh tế cũng như Bắc Hàn, cùng nhiều hậu quả nghiêm trọng khác, khiến Miến Điện trở thành xứ nghèo nhất ĐNÁ mà giờ này Rangoon mới nhận ra là nỗi quốc nhục...
“Nói về sự thay đổi thì những nhà lãnh đạo Miến Điện thấy rằng sự thay đổi là có lợi cho nước họ. Và có một số điều kiện khiến cho họ thay đổi được. Trước hết, áp lực từ phía bên ngoài rất mạnh nên kinh tế Miến Điện bị “kẹt”, bị cô lập và bị lệ thuộc quá nhiều từ Trung quốc” (RFA online ngày 7-4-2012)
Ở Việt Nam ta thì ngược lại không có được điều kiện thuận lợi này vì các nước phương Tây và ngay cả Hoa Kỳ đang thi nhau trải thảm đỏ đón tiếp các lãnh tụ CSVN, các nước thi nhau tăng cường viện trợ, thi nhau bỏ vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng cường quan hệ ngoại giao, liên kết quốc phòng… và ngay cả tiền kiều hối của người Việt ở hải ngoại mỗi năm gởi về trên 8 tỷ Mỹ kim nuôi dưỡng chế độ thì làm sao mà họ từ bỏ miếng mồi béo bở bây giờ, chỉ có ở hoàn cảnh khốn cùng như Miến Điện thì may ra.
2. Chính quyền quân nhân bị Nhân dân chống đối.
“Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”, chân lý ấy được người dân Miến Điện anh hàng thực hiện một cách triệt để. Họ đã can đảm đấu tranh chống lại nhà cầm quyền quân phiệt độc tài áp bức làm cho đất nước kiệt quệ và ngày càng nô lệ dưới sự khống chế của ngoại bang. Người dân Miến Điện đã nhiều lần biểu tình hy sinh cả tính mạng để làm nên lịch sử khiến cho những người cầm quyền phải chùn tay tàn sát.
“Các cuộc biểu tình lớn lần cuối đã diễn ra vào năm 1988, khi quân đội mở cuộc trấn át ồ ạt những người biểu tình đòi dân chủ. Các cuộc bạo động đã làm khoảng 3.000 người thiệt mạng”. (VOA online ngày 22-8-2007)
“Gần 20.000 người tại thủ đô cũ Rangoon của Myanmar đã tham gia vào cuộc biểu tình lớn nhất ừ gần 20 năm qua nhằm phản đối chính phủ quân đội.
“Đứng đầu đoàn biểu tình vẫn là các nhà sư nhưng số dân thường tham gia ủng hộ đông hơn nhiều so với những hôm trước đây và lần đầu tiên người ta thấy hàng trăm ni cô tham gia”. (BBC online ngày 23-9-2007)
“Công dân Miến Điện bắt đầu nhiều tuần lễ biểu tình rầm rộ chống quân đội vào tháng 6 năm 2007 trước khi nhà cầm quyền dẹp tan các cuộc biểu tình. Liên Hiệp Quốc cho biết có ít nhất 31 người thiệt mạng và hàng ngàn người khác bị bắt giữ trong cuộc đàn áp”. (VOA online ngày 8-3-2012)
Sự kiên cường bất khuất đấu tranh và trả giá của người dân Miến Điện vô biên mà người dân Việt Nam chưa bao giờ có được, do vậy người dân người dân Miến xứng đáng được hưởng thành quả vẻ vang ngày hôm nay và là bài học tốt cho người dân Việt Nam. Có đấu tranh, có hy sinh, mới mong có thắng lợi.
3. Miến Điện có tướng Than Shwe và “Gorbachov” Thein Sein.
Từ khi đảo chính cướp chính quyền năm 1962 cho đến nay chính quyền quân phiệt đã áp dụng chính sách cai trị độc tài, hà khắc khiến phương Tây cấm vận và nhân dân chống đối. Nhận thức được viễn ảnh đen tối của đất nước và tương lai ảm đạm của chính mình, giới lãnh đạo quân phiệt sớm thức tỉnh, biết sợ cái “ngày tàn của bạo chúa” và họ sớm biết chọn con đường “hạ cánh an toàn” trước khi quá muộn. May mắn thay cho nhân dân Miến Điện có được giới cầm quyền sáng suốt đỡ hao tốn xương máu của nhân dân.
“Những lý do khiến giới cầm quyền Miến Điện chuyễn hướng, theo tờ Christian Science Monitor, trước hết là chính thống tướng Than Shwe nắm quyền tối thượng tại Miến Điện cho tới năm ngoái có thể chứng kiến lịch sử thăng trầm nên bất an để phải mở đường cho một chính phủ dân sự nhằm bảo đảm quyền lực không còn tập trung vào một người mà sau đó có thể biến ông thành nạn nhân. Theo ông Nay Win Muang, người từng viết diễn văn cho tổng thống, thì công cuộc cải cách sẽ tạo nên sự trú ẩn an toàn cho tướng Than Shwe vì tránh được cuộc nổi dậy của người dân…
“Cách nay khoảng một năm, sau khi thể chế quân sự chính thức rút lui nhường bước cho tân chính phủ dân sự trên danh nghĩa Tổng thống Thein Sein, thì vị tướng trở thành tổng thống này, ông được xem là Mikhail Gorbachov của Miến Điện, mở đường cho những đổi thay ngạc nhiên, từ việc chính trị, phóng thích tù nhân lương tâm, đối thoại với Liên Đoàn Toàn Quốc Vì Dân Chủ, ký thỏa thuận ngừng bắn với sắc tộc thiểu số, đình chỉ dự án đập thủy điện TQ, nới lỏng việc kiểm duyệt báo chí, cải cách kinh tế, cho tới cho thành lập Ủy ban Nhân quyền Quốc gia, viết lại luật đất đai, lao động, mời những nhà chính kiến lưu vong trở về…” (RFA online ngày 7-4-2012)
Ở Việt Nam ngày nay giới cầm quyền chỉ biết tham quyền cố vị, bám trụ mưu cầu quyền và lợi, người nào cũng lo con đường hậu vận để an tâm ngày hạ cánh bằng cách cày cắm con cháu vào các vị trí then chốt cũng như vương quốc Bắc Hàn cha truyền con nối thời phong kiến. Những quan chức CSVN đang cài cắm những “hạt giống đỏ” như con trai của nguyên TBT Nông Đức Mạnh là Nông Quốc Tuấn làm bí thư tỉnh ủy Bắc Giang; con trai của đương kiêm thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là Nguyễn Thanh Nghị được cha bổ nhiệm làm thứ trưởng bộ Xây dựng và con gái là Nguyễn Thanh Phượng lãnh đạo bốn công ty lớn và vừa mới đây cô bé Tô Linh Hương 24 tuổi, con của trưởng ban Tổ chức Trung ương đảng CSVN Tô Huy Rứa được cử làm chủ tịch HĐQT một công Ty Xây dựng…
4- Miến Điện có bà Aung San Suu Kyi.
Giới cầm quyền thì đã thế, còn bên đối lập thì sao? May thay và phúc đức thay cho người dân Miến Điện đã có được bà Aung San Suu Kyi, một vị lãnh tụ đối lập khả kính có tư cách hơn người khiến cho nhân dân kính trọng, nhà cầm quyền tin tưởng và được quốc tế ca ngợi. Bà còn là tấm gương đấu tranh kiên cường đầu tàu của Liên Đoàn Quốc gia vì Dân chủ hoạt động rất hữu hiệu, chấp nhận hy sinh, dù tù ngục vẫn không hề nao núng. Bà Aung San Suu Kyi đã biết vì quyền lợi của Tổ quốc và với tấm lòng vị tha, bà đã chống lại “công lý trả thù”, bà đã thuyết phục được giới cầm quyền, đó là yếu tố chính cho việc hòa giải hòa hợp dân tộc.
“Trả lời câu hỏi về khả năng trong tương lai có một tòa án xét xử các cựu lãnh đạo chế độ độc tài quân sự, bà Aung San Suu Kyi nói: “Tôi không muốn kiểu công lý trả thù, nhưng mong muốn có công lý tái lập. Trước hết, đất nước chúng tôi cần tái lập một Nhà nước pháp quyền”. (RFI online ngày 23-2-2012)
Đất nước Việt Nam hòa bình thống nhất đã 37 năm rồi nhưng lòng người còn chia rẽ sâu sắc chưa có một cơ may hàn gắn. Nhà cầm quyền thì cứ mãi khư khư ngồi trên danh lợi, tỵ hiềm ích kỷ, với ám ảnh nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, nhìn đâu cũng thấy “diễn biến hòa bình”, nhìn đâu cũng thấy lật đổ. Những kẻ còn đang trong vòng danh lợi thì lại cố lỳ, cố bám, không thấy bộ mặt nào của Than Shwe, của “Gorbachov” Thein Sein. Những nhà cách mạng lão thành đã “về hưu” thì khản cổ kêu gọi hòa giải hòa hợp để ngày mai được an tâm thanh thản về đoàn tựu với “bác hồ”. Nhà cầm quyền CSVN chưa có được một cử chỉ nào có ý nghĩa cho việc hòa hợp hòa giải dân tộc ngay cả khi Hoa Kỳ viện trợ 1 triệu Mỹ kim để tìm hài cốt của tử sĩ hai bên trong chiến tranh thì Hà Nội cũng chỉ lo tìm hài cốt của đồng đội của mình còn của Việt Nam Cộng hòa thì “nơ pa”, thế thì chơi với ai? Còn về phía đối lập thì từ trong nước đến ngoài nước kiếm đục mắt cũng không có được một “bà Aung San Suu Kyi” đại diện cho nhân dân thì phía chính quyền cũng chẳng biết tin ai và nói chuyện với ai.
Hy vọng thì vẫn hy vọng, ước mơ thì vẫn ước mơ, nhưng chừng như đại đa số dân Việt Nam đã cúi đầu chấp nhận và an phận trước sự thống trị độc tài của chính quyền cộng sản, nhân dân Việt Nam chưa có được một hành động đấu tranh ngoạn mục nào khiến chính quyền cộng sản phải núng nao.
Luật sư bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Đài đã tỏ ra “hồ hởi” với sự “Thành công của Miến Điện mang lại hy vọng”, nhưng xem chừng như trong ông còn ẩn chứa ít nhiều bi quan, luật sư Đài viết:
“Mọi người dân cần phải chiến thắng sợ hãi, dũng cảm bày tỏ đòi hỏi về một xã hội dân chủ đa đảng để điều đó trở thành cần thiết khách quan trong xã hội…
“Còn tất cả chúng ta đều mong muốn, đều khát khao nhưng không có ai dám bày tỏ, đòi hỏi hoặc có rất ít người bày tỏ, đòi hỏi thì sẽ không bao giờ có dân chủ”. (Dân Làm Báo online ngày 8-4-2012)
(*) Phỏng theo Ông Đồ-Vũ Đình Liên