Đừng giữ lễ Giỗ Tổ cho riêng... lãnh đạo - Dân Làm Báo

Đừng giữ lễ Giỗ Tổ cho riêng... lãnh đạo

Mi An (Phunutoday) - "Hôm khai hội đền Hùng vào ngày 26.3 cũng là ngày tổ chức hội thảo “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – điểm hội tụ văn hóa tâm linh và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc”, Ban tổ chức mời chúng tôi lên thắp hương ở đền Thượng. Nhưng mà ở đây, họ đã cấm không cho người dân vào thắp hương ở đền, thấy đoàn chúng tôi đi qua, người dân nhét vào tay chúng tôi nhờ mang tiền vàng, tiền lẻ để đặt lên ban thờ, có người thì còn ném cả tiền qua khe cửa thành ra chúng tôi vào lễ mà giẫm cả lên tiền, một cảnh tượng không có văn hóa chút nào..." -  GS.TS Ngô Đức Thịnh.
*

Cuối năm nay, UBND tỉnh Phú Thọ sẽ đệ trình Hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lên UNESCO và lễ Giỗ Tổ 2012 sẽ một đợt “tổng duyệt” lớn. Vừa trở về từ Đền Hùng, GS.TS Ngô Đức Thịnh đã trò chuyện với chúng tôi về cảm nhận của ông trước những điều mắt thấy tai nghe tại đây.

Chả khác gì... ông Đinh La Thăng 

PV:- Thưa GS.TS Ngô Đức Thịnh, với vai trò là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, được biết ông được mời phản biện cho Hồ sơ di sản văn hóa của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, vậy ông có thể nói gì về bộ hồ sơ này? 

GS Ngô Đức Thịnh: Chúng ta đều biết, một trong những tiêu chí quan trọng nhất để UNESCO công nhận một di sản văn hóa là yếu tố di sản đó phải thuộc quyền sở hữu của cộng đồng, được cộng đồng thực hành và bảo tồn, thế nhưng tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hiện đã và đang bị "Nhà nước hóa" rất nhiều. 

Đó là điều chúng tôi vô cùng băn khoăn lo lắng và lưỡng lự rất nhiều trước bộ hồ sơ này của tỉnh Phú Thọ. Đặt vấn đề làm Hồ sơ cho tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một việc tốt, nhưng di sản này khác hoàn toàn với hát Xoan, quan họ hay ca trù, được cũng được mà không được cũng không sao. Còn mang tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là mang ông Tổ của dân tộc VN ra “thi thố”, nói dại lỡ mà thế giới không công nhận thì điều này sẽ làm tổn thương đến lý trí và tình cảm của triệu triệu người dân VN. 

PV: Việc tổ chức lễ Giỗ Tổ năm nay dự kiến sẽ có mặt của đông đủ quan khách trong đó có cả đại diện của tổ chức UNESCO trong lễ rước vào sáng 29.3 tức ngày 8.10 âm lịch, vậy theo quan sát của ông, UBND tỉnh Phú Thọ đã có những chuẩn bị gì để phô diễn vẻ đẹp trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt? 

GS Ngô Đức Thịnh: Hôm khai hội đền Hùng vào ngày 26.3 cũng là ngày tổ chức hội thảo “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – điểm hội tụ văn hóa tâm linh và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc”, Ban tổ chức mời chúng tôi lên thắp hương ở đền Thượng. Nhưng mà ở đây, họ đã cấm không cho người dân vào thắp hương ở đền, thấy đoàn chúng tôi đi qua, người dân nhét vào tay chúng tôi nhờ mang tiền vàng, tiền lẻ để đặt lên ban thờ, có người thì còn ném cả tiền qua khe cửa thành ra chúng tôi vào lễ mà giẫm cả lên tiền, một cảnh tượng không có văn hóa chút nào. 

Hỏi thì Ban quản lý bảo sợ dân vào gây lộn xộn nên cấm. Ô hay, thế thì còn gọi gì là tín ngưỡng của nhân dân nữa, dân bị gạt ra ngoài mất rồi, thế hóa ra việc thờ cúng vua Hùng là của riêng mấy ông lãnh đạo à? Tôi đi lễ để tỏ lòng ngưỡng vọng tổ tiên tôi, tôi phải được quyền lên nơi trang trọng nhất để thắp hương, thế mà tôi bị cấm không được vào. 

Trong hội thảo, tôi đã nói thẳng với các lãnh đạo ở UBND tỉnh, các đồng chí phải nghĩ ra cách nào đi chứ, không thể cứ không quản được dân thì cấm. Làm thế có khác nào cách làm của ông Đinh La Thăng Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải bây giờ? Tôi tự hỏi khi đề xuất việc thu các mức phí cao như thế để hạn chế phương tiện cá nhân, ông Thăng có nghĩ đến người dân không hay chỉ làm cách nào dễ nhất cho ông ấy thôi? Cách quản lý của các quan chức bây giờ lạ thật, đó là cái gì dễ thì vơ vào mình, cái gì khó thì đẩy về phía dân, cho dân gánh hết. 

PV:- Nhắc lại một chút chuyện cũ, ở lễ hội Đền Trần năm 2012, ngày khai hội 14 tháng Giêng, Ban tổ chức cũng đã cấm không cho người dân bén mảng đến khu vực đền Trần, vậy mà tới thời điểm khai hội, cảnh tượng lộn xộn cướp phá lộc trong đền vẫn xảy ra và đương nhiên chuyện ấy không phải do dân gây ra, ông có bình luận gì về hiện tượng này? 

GS Ngô Đức Thịnh:-- Hội đền Trần là hội của người dân, do dòng tộc nhà Trần tiến hành để tưởng nhớ tổ tiên của họ, bao nhiêu năm trước đó, nó diễn ra bình yên tốt đẹp. Thế mà từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước, chính quyền nhảy vào đâm thành ra hỏng hẳn, họ biến lễ hội ấy thành “tỉnh hội” rồi tiếp theo là “quốc gia hóa” nó gây náo loạn hết cả lên. Phải trả lễ hội đó về cho người dân, để họ tiến hành toàn bộ các nghi lễ, họ muốn phát bao nhiêu ấn thì phát, đừng có can thiệp vào, trừ khi họ làm điều gì vi phạm pháp luật. Giờ thì sau Hội đền Trần, Hội Gióng cũng bắt đầu có xu hướng “Nhà nước hóa”, điều đó rất nguy hiểm. Tôi biết Nhà nước muốn thông qua lễ hội để tuyên truyền chính trị, nhưng có phải lúc nào tuyên truyền cũng tốt đâu. 

GS Ngô Đức Thịnh 
Văn hóa phải thuộc về cộng đồng 

PV:- UNESCO luôn đề cao tiêu chí di sản văn hóa phải thuộc về cộng đồng và rất kỵ sự can thiệp quá sâu của Nhà nước vào quá trình thực hành và bảo tồn di sản, vậy trong trường hợp cụ thể của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, theo ông chúng ta phải làm thế nào để thuyết phục được họ? 

GS Ngô Đức Thịnh:-- Điều khiến chúng tôi băn khoăn vô cùng, lo lắng vô cùng là làm sao chúng ta có thể giải quyết được mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân trong thờ cúng Quốc Tổ. Tất nhiên không có Nhà nước thì không có tín ngưỡng thờ Hùng Vương, nhưng Nhà nước lại lấn sân, "quốc gia hóa" một nghi lễ mang tính dân gian thì làm sao mà UNESCO họ chấp nhận được? 

Cái này thì tất cả chúng ta cùng phải nghĩ, mà các ông lãnh đạo phải nghĩ nhiều hơn là các nhà khoa học chúng tôi. Trong hội thảo chúng tôi nêu quan điểm rõ ràng rồi đấy, phải để cho người dân thực hành tín ngưỡng. Tín ngưỡng là đức tin, nó hình thành trong tâm não người ta, phải cho người ta hiện thực hóa cái đức tin ấy bằng cách viếng đền, chùa, dâng hương, cúng lễ chứ tại sao lại ngăn cấm bắt người ta ngồi yên một chỗ trong nhà mà tín ngưỡng? Khi thành lập nên Trung tâm này, chúng tôi đã có chủ trương phải bảo vệ văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng và sẽ lên tiếng ngay khi bất cứ ai đó nhân danh bất cứ điều gì để ngăn cản nó. Văn hóa phải thuộc về cộng đồng, nếu tách rời cộng đồng thì văn hóa sẽ chết, sẽ không còn một cái gì cả. 

PV:- Thưa ông, ở các triều đại phong kiến, sự can thiệp của Nhà nước vào tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của các triều đại thế nào? 

GS Ngô Đức Thịnh:- Tôi muốn nhắc lại một câu chuyện này, ở thời Nguyễn, các vua triều Nguyễn đã có chỉ dụ: giỗ tổ Hùng Vương năm nào là năm chính thì sẽ có sự tham gia của quan lại triều đình, còn năm nào là năm lẻ (năm phụ) thì triều đình gửi đến 4 đấu gạo nếp thơm để thổi xôi dâng lên thắp hương tiên tổ. Một cách ứng xử văn hóa như thế của triều Nguyễn chúng ta phải học chứ. Sao không giao cho một bô lão ở địa phương làm chủ tế mà các quan chức cứ tham gia làm gì? Giả sử UNESCO có công nhận di sản cho tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thì chúng ta cũng phải phân định trong truyền thống thờ cúng Quốc tổ đâu là phần của dân gian, đâu là phần của Nhà nước. 

Chúng ta không thể đi ngược lại xu hướng văn hóa phải thuộc về cộng đồng. Xung quanh khu vực đền Hùng hiện nay Nhà nước bỏ ra rất nhiều tiền để xây dựng các đền thờ, “bê tông hóa” khu vực di tích và hạn chế người dân đến đó để thực hiện nghi lễ. Đó là một điều đáng buồn. Muốn giữ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không bị biến tướng thì chúng ta phải chú ý “nhân dân hóa” nó chứ đừng làm theo kiểu giữ bo bo tín ngưỡng ấy cho các cá nhân nào đó. 

PV:- Ông có tin ở sự thắng lợi của bộ hồ sơ này không? 

GS Ngô Đức Thịnh:- Đây là một tín ngưỡng độc đáo của dân tộc chúng ta, bởi vì các thế hệ đời xưa đã xây dựng nên một biểu tượng Hùng Vương để khích lệ tình đoàn kết thương yêu đùm bọc và chống lại các thế lực xâm lăng bên ngoài. Người Việt chúng ta là con cháu vua Hùng mà, thế nên chúng ta phải làm thế nào để bảo tồn, để giữ gìn tín ngưỡng này thế nào cho tốt. 

Theo thống kê, mỗi đợt Giỗ Tổ, có gần chục triệu lượt người hành hương về với đền Hùng, đó là một con số gây xúc động. Nhà nước nhìn vào con số đó phải thấy tự hào và vui chứ, vì người dân còn thiết tha với ông Tổ chung của dân tộc là còn biết đoàn kết thương yêu, biết tôn trọng cái nghĩa đồng bào. Một khi nào người dân thờ ơ với lễ Giỗ Tổ thì còn gì để nói nữa? Vì vậy tôi rất mong Hồ sơ này sẽ thắng lợi, để tôn vinh cái ý nghĩa độc đáo của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc ta. 

Xin cảm ơn giáo sư! 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo