Khánh Ly: Sống ở đời cần nhất điều gì?
TCS: Cần có một tấm lòng.
Khánh ly: Để làm gì?
TCS: Để gió mang đi.”
Trong việc đề cập đến những cái chết của người dân Việt trong cuộc nội chiến tương tàn 1954-1975 vừa qua, thật hiếm có một tác phẩm âm nhạc nào có thể sánh được với ca khúc có tựa đề “Tình Ca của Người Mất Trí” sáng tác của nhạc sĩ nổi tiếng Trịnh Công Sơn. Những cái chết của người dân Việt thật là thảm thương, những kiểu chết thật là đa dạng, những địa điểm chết cũng thật bất ngờ… tất cả được thể hiện một cách tài tình trên một nền âm thanh đẹp và buồn đến thảm thiết, đã làm nên sự bất tử cho ca khúc này và góp phần đặt tác giả của nó vào vị trí của 1 trong 3 đỉnh núi cao nhất trong làng tân nhạc Việt Nam hiện đại.
Ca khúc “Tình Ca của Người Mất Trí” xuất hiện lần đầu trong tập Ca Khúc Da Vàng của Trịnh Công Sơn năm 1967. Đến nay sau ngót 50 năm ngày ca khúc này ra đời và xấp xỉ 37 năm ngày chiến cuộc 2 miền chấm dứt, dù tác giả của ca khúc đã về với Cát Bụi cũng đã cả chục năm, kể cả tên ông mới được chế độ này đặt cho một con đường đẹp bậc nhất cố đô Huế, nơi ông ra đời thì tập “Ca Khúc Da Vàng” đến nay vẫn chưa được phép lưu hành như một nhạc phẩm chính thống của chế độ. Điều này không biết có đủ sức thuyết phục cho nhận định: “TCS không phải là con người chính trị, ông đơn giản chỉ là con người của thi ca.” được không?
Vì sao mà nhạc sĩ họ Trịnh lại đặt tên cho đứa con tinh thần của mình là một kẻ MẤT TRÍ? Phải chăng đây là cách xuất hiện tốt nhất khi ông phải đối diện với những hệ luỵ có thể đến từ mọi phía khi cuộc xung đột ý thức hệ đang ở giai đoạn cao trào chuẩn bị cho Mậu Thân 1968.
Khi lần đầu xuất hiện, lại được ca sĩ tài danh Khánh Ly hát, bài hát đã được công chúng chấp nhận và truyền bá tức khắc. Tôi nhớ, năm đó đoàn sinh viên khoa Địa Lý Đại Học Sư Phạm Hà Nội I đang đi dã ngoại ở đầu cầu Bắc Luân Móng Cái. Dịp đó bên kia cầu Bắc Luân vắt qua sông Ca Long, đất Trung Quốc đang rợp trời là cờ đỏ, là ảnh Mao, tượng Mao cỡ lớn, là pa nô áp phích tuyên truyền cho cuộc cách mạng văn hóa long trời lở đất của họ. Bên này cầu, đám sinh viên chúng tôi tổ chức một đêm ca khúc chính trị trước UBND Móng Cái thật hoành tráng. NĐN bạn tôi, một chàng trai Hà nội làm sôi động phố phường biên giới bằng bài Hoa Mộc Miên vừa bước xuống, tôi tiến đến hỏi: “Toa có biết Khánh Ly mới hát bài gì trên đài Sài gòn không?”. Không trực tiếp trả lời câu hỏi của tôi, NĐN hát luôn chỉ để một mình tôi nghe:
Tôi có người yêu ở chiến khu “Đ”
Chết trận Đồng Xoài, chết ngoài Hà Nội
Chết vội vàng dọc theo biên giới
Tôi có người yêu, chết trận Chu prong
Tôi có người yêu, bỏ xác trôi sông
Chết ngoài ruộng đồng, chết rừng mịt mùng
Chết lạnh lùng, mình cháy như than
Tôi có người yêu, chết trận Asao
Tôi có người yêu, nằm chết cong queo
Chết vào lòng đèo, chết cạnh gầm cầu
Chết nghẹn ngào mình không manh áo
Tôi có người yêu, chết trận Bagia
Tôi có người yêu vừa chết đêm qua
Chết thật tình cờ, chết chẳng hẹn hò
Không hận thù, nằm chết như mơ.
Nghe NĐN hát, tôi thấy ca từ của bài này hơi lạ. Những địa danh của sự chết như Pleime, chiến khu “Đ”, Đồng Xoài, Chu prong, A sao, Ba gia… là những địa danh có tần số xuất hiện rất cao trên các phương tiện truyền thông và báo chí chính thống của Miền Bắc XHCN ngày đó. Có một điều rất khó giải thích là vào thời điểm 1967… Hà Nội đang là trái tim của cả nước và quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đang là Răng – Môi… mà tác giả lại đưa ra 2 địa điểm có người chết rất bất ngờ là “…chết ngoài Hà Nội” và “Chết vội vàng dọc theo biên giới”(!?) Phải chăng TCS đã có những phút xuất thần mà thốt lời tiên tri! Có thể lắm, 5 năm sau, vào dịp cuối 1972, sau những trận mưa bom B52 của không lực Hoa Kỳ, những cái “…chết ngoài Hà Nội” mới ứng nghiệm và 12 năm sau, năm 1979 khi hàng chục vạn lính sơn cước của Trung Quốc bất ngờ tràn vào 6 tỉnh biên giới của Việt Nam, những cái “chết vội vàng dọc theo biên giới” cũng ứng nghiệm nốt.
Thật đau lòng những cái chết của đồng bào tôi ở dọc đường biên giới được TCS nhắc đến từ 1967… đến hôm nay vẫn chỉ là những hồn ma vô danh, vất vưởng không một lần được tưởng thưởng và thừa nhận. Những người Việt Nam này chết vì bàn tay ai đã rõ rồi, thế còn những cái chết trôi sông, chết ngoài ruộng đồng, chết trên núi rừng, chết giữa lòng đèo, chết ở gậm cầu, chết theo kiểu bị đốt như than, chết cong queo, chết trong lúc nghẹn ngào, chết cởi trần không một manh áo, chết tình cờ, chết mà chưa kịp hẹn hò cùng ai, chết vô tư chẳng hận thù gì ai cả và chết như mơ… thì những bàn tay nào đã xả súng vào họ?
Một câu hỏi nữa rất cần một trả lời nghiêm túc là: Vậy những người đã chết đớn đau như thế, họ là ai?… Họ là lính bên này hay lính bên kia hay họ là dân thường chậy loạn mà chết?... Chính TCS cũng đã trả lời câu hỏi này rồi. Ông viết:
Ngày gió lớn, tôi đi môi gọi thầm
Gọi tên anh, tên Việt Nam
Gần nhau trong tiếng nói da vàng
Tôi muốn yêu anh, yêu Việt Nam
Ngày mới lớn, tai nghe quen đạn mìn
Thừa đôi tay, dư làn môi
Từ nay tôi quên hết tiếng người.
Tức là trong con mắt TCS, những người đồng bào đã chết tức tưởi như thế, những người mà ông yêu thương… chỉ có mỗi một tên là Người Việt Nam Da Vàng. Tôi nghĩ: Không một nghệ sĩ chân chính nào lại không yêu thương con người. Không một nghệ sĩ chân chính nào lại không yêu chuộng hòa bình. Không một nghệ sĩ lớn nào lại vô tư cổ xúy cho sự gia tăng nỗi đau và sự chết chóc… mà ở đây lại là nỗi đau và sự chết chóc của dân tộc mình. Một chế độ mà không ai mến phục ai nữa, một cộng đồng, một dân tộc mà mọi người nhìn nhau bằng những ánh mắt mang hình “Viên Đạn”, không ai biết xót thương ai nữa thì chế độ đó, cộng đồng đó, dân tộc đó là một cộng đồng đang trên đường diệt vong.
Mấy năm gần đây, cứ đến gần ngày 30 – 4, ngày “Có triệu người vui và triệu người buồn” (Võ Văn Kiệt) là lại rộ lên trên mạng là những chỉ trích rất nặng nề dành cho Trịnh Công Sơn và cả những ai bầy tỏ sự ngưỡng mộ người nhạc sĩ tài năng này. Người ta chỉ trích ông Sơn bằng một hồ sơ trốn lính, rằng nhạc của ông chẳng ra gì, thậm chí có cả một hồ sơ chứng minh ông Sơn là kẻ nằm vùng, tiếp tay cho đào ngũ, giã ngũ, phản chiến… làm biến mất Việt Nam Cộng Hòa (!?). Tôi nghĩ nói thế không thuyết phục, bởi một đội quân mà chiến thắng, hay thất bại lại phải nhờ những bài hát thì những đội quân đó là những đội quân cũng chẳng ra gì.
Mặt khác, nhạc Trịnh đâu chỉ riêng mình cánh lính tráng của Việt Nam Cộng Hòa nghe. Tôi được biết Ông Nguyễn Cao Kỳ nhiều lần bảo Đại Tá Lưu Kim Cương (Người mang tên Anh trong ca khúc “Hát cho người nằm xuống” của TCS) lái máy bay lên Đà Lạt đón Trịnh Công Sơn và Khánh Ly về trại Davis để hát hò tiệc tùng cùng bà Tuyết Mai, tức là họ là bạn bè của nhau, vậy mà ông Cương không bỏ ngũ mà vẫn chọn tư thế “Nằm Xuống” khi một mình ông lĩnh trọn một quả B40 của đặc công Bắc Việt ở hàng rào phi trường Tân Sơn Nhất trong Mậu Thân, còn ông Kỳ trong thời khắc tiến thoái lưỡng nan cũng đâu có chọn con đường bỏ ngũ, cũng như biết bao chiến hữu của ông, ông chọn con đường bỏ nước mà ra đi trong nỗi tuyệt vọng. Như thế, hiện tượng bỏ ngũ đâu có liên quan gì đến truyện hát xướng. Ngay như tôi một sinh viên của Đại Học Sư Phạm Hà Nội, ngay từ 1967 – 1968 cũng mê mẩn trước “Mùa Xuân trên đỉnh bình yên” (Từ Công Phụng), những “Chiều Mưa Biên Giới” (Nguyễn Văn Đông), những “Tình Ca của Người Mất Trí” và “Hát Cho Người Nằm Xuống” của Trịnh Công Sơn… vậy mà nhà trường XHCN vẫn thành công mỹ mãn khi “Nhuộm Đỏ” tôi, biến tôi thành 1 chiến sĩ trên mặt trận văn hóa giáo dục đấy chứ.
Hiện tượng giã ngũ đâu chỉ có riêng với quân lực của VNCH. Phía chúng tôi, hiện tượng này đâu có phải là không có. Nếu không có làm sao ngay từ những năm giữa thập kỷ 60 tôi đã một lần lạc vào một trại thu dung ở Suối Hai – Ba Vì, thực ra là một trại nhốt những quân nhân đào ngũ. Ngày ngày tôi chứng kiến cán bộ quản giáo bắt họ hô: “Ai cũng như tôi thì mất nước!”. Chúng tôi đã quá quen với các hư ngôn “Hà Nội lủi”, “Hà Tây chuồn”, “Thái Bình bay”… để chỉ những người bên phía chúng tôi bỏ ngũ. Phải chăng những người này bỏ ngũ vì đã lén nghe Nhạc Trịnh? Nếu thế, hóa ra Trịnh Công Sơn là kẻ đắc tội với cả 2 bên! Nếu vậy thì có thể nói: Trịnh Công Sơn quá xứng đáng là người Việt Nam đầu tiên làm chủ nhân của Nobel Hòa Bình chứ đâu có phải là Lê Đức Thọ (!?)
Tôi nghĩ, một nghệ sĩ càng lớn thì ảnh hưởng của ông ta đến đám đông càng mạnh và ranh giới của vùng ảnh hưởng không bao giờ trùng với ranh giới của vùng lãnh thổ, ranh giới của bản đồ ý thức hệ. Hãy nghe một tác giả ở phía những người phải ra đi tị nạn sau 30-4-1975 đã nhận xét gì về ca khúc này:
“Quần chúng hiểu ra ngay biểu tượng “Mất Trí”, một bài hát không có lập trường theo bên này hay được chỉ đạo từ phía bên kia. Lời ca vang dội tính chiến sự, nhưng không có mưu đồ, đúng là lời của người mất trí. Mất trí là mất tất cả, không còn gì ngoài cái trí của mình, của riêng mình. Cái trí xa lìa thực tại, bị sa thải ra ngoài thực tại. Trí tuệ ấy chỉ yêu Một Người, nhưng người yêu duy nhất đã chết trên khắp chiến trường, chết mọi kiểu, mọi cách, thậm chí nằm chết như mơ…” (Đặng Tiến Orleans 15 – 9 – 2001. Bài in trong Tạp chí Văn Học số đặc biệt về Trịnh Công Sơn 11 – 2001).
Người Việt Nam có chung một thuộc tính khá đặc biệt là sự đam mê ca hát đến cuồng nhiệt. Ảnh hưởng của âm nhạc đến tâm hồn người dân Việt đâu chỉ có mỗi mình nhạc của nhạc sĩ họ Trịnh. Ai đã bắt người dân miền Bắc phải hát đồng ca “Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước...”, và “Tiến về Sài gòn, ta quét sạch giặc thù!”để rồi hôm nay lại phải tìm mọi cách để kéo Mỹ vào làm đối trọng với người Trung Quốc, gọi đám giặc thù đĩ điếm lười lao động là “Khúc ruột ngàn dặm”(!?). Sau 1979, ai đã bắt dân Việt Nam hát: “Quân xâm lược bành trướng dã man!...” rồi hôm nay lại để các cháu nhỏ vẫy cờ 6 sao cùng các bác, các ông tung hô “16 chữ vàng mỹ ký” và “4 Tốt dỏm”.
Mĩ cảm truyền thống của người Việt Nam chỉ ra rằng, một bài hát, một bản nhạc dù có hay đến đâu cũng không nằm ngoài những chuẩn thẩm mỹ tỉnh táo và rất chính xác của người đời: “Mua vui - hay mua buồn… cũng chỉ được một vài trống canh!” và một nhạc sĩ dù có tài đến đâu, ông ta cũng chỉ là một thứ hoạt náo viên khi đất nước hưng thịnh hay vào lúc vận nước mạt rệp, ông ta là người biết dùng âm thanh để xẻ chia, để làm dịu đi nỗi đau cho những con người bất hạnh, bơ vơ trong những biến cố xã hội… chỉ đơn giản thế thôi. Xã hội văn minh, người có văn hóa không nhìn nhạc sĩ, ca sĩ là những kẻ “Xướng Ca vô loài”, nhưng cũng chẳng bao giờ mê tín đến nỗi coi họ là những “Thiên sứ!” có thể khuynh đảo được cả một chế độ. Rất đúng khi nói: “Sẽ là thảm họa khi đặt một Nhà Thơ, một Nhạc Sĩ có tài ngồi vào chiếc ghế của quyền lực”. Thế giới không thiếu những dẫn chứng hết sức thuyết phục cho bài học này và người Việt Nam đâu đã quên bài học Tố Hữu (!?)
Lý giải việc người Mỹ bỏ rơi VNCH là do những bức ảnh tố cáo chiến tranh của Eddie Adams hay của Nick Ut cũng như việc quân lực VNCH tan vỡ vào ngày 30 – 4 – 1975 là do nghe phải những bài hát yêu con người, yêu hòa bình của Trịnh Công Sơn… nói thế hoàn toàn không thuyết phục. Bởi vì người Mỹ dù có yêu nghệ thuật đến đâu, người Việt Nam dù có yêu ca hát đến thế nào cũng không bi luỵ, dễ đánh mất mình đến mức như vậy. Phải chăng đây là một trong nhiều cách để người ta thoái thác trách nhiệm của mình trước lịch sử?
Gần đây, sau bài viết “Nhớ Trịnh Công Sơn” của Trần Mạnh Hảo, một số người ở nước ngoài thẳng thừng xếp TCS xuống bậc xách dép cho Việt Khang (!?). Nếu xã hội Đa Nguyên là xã hội của những điều vô lối như thế thì có hơn gì cảnh người trong nước chúng tôi đang ngán ngẩm trước trận đánh theo kiểu “Bề Hội Đồng” do những bàn tay Rô Bốt ở HTV và HNM bất ngờ dành cho Bùi Thị Minh Hằng, một người phụ nữ đang rơi vào tình trạng thân cô thế cô. Không thể gọi cách hành xử như thế là Play Fair được khi một bên là cô Bùi Thị Minh Hằng bị “Trói Tay” – “ Bịt Mồm” còn bên kia nhờ nắm độc quyền truyền thông, độc quyền báo chí mà mặc sức ra đòn để lĩnh tiền, lĩnh điểm. Thử hỏi, có xứng đáng không khi những trắc trở trong đời sống riêng tư của Cù Huy Hà Vũ hôm qua, của cô Hằng hôm nay cùng những lủng củng có tính bi kịch rất khó tránh khỏi trong gia đình họ mà nguồn gốc lại chính từ xã hội Việt Nam đang xuống cấp đến thê thảm về mọi giá trị đã bị khai thác triệt để, bị cố tình nhào nặn để lừa dối dư luận một cách độc ác và không đàng hoàng.
Bùi Thị Minh Hằng khắc trên vai mình 2 chữ “Thù Nhà” và “Nợ Nước” sao những kẻ cô hồn ở Hà Nội, ở Vũng Tầu không nhớ tới đó là lời của tiền nhân, lại trơ trẻn nhớ đến thân thể của những ả giang hồ xã hội đen săm trổ đầy mình mà họ đã từng… gặp? Còn tiếng thét dõng dạc giữa Hồ Gươm, “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam” của Bùi Thị Minh Hằng cùng những trí thức lớn như Nguyên Ngọc, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Quang A... sao lại dễ dàng xuyên tạc thành “Gây rối trật tự công cộng” để nhốt người ta lại 2 năm không cần xét xử? Người Việt Nam hôm nay, nếu không chịu gọt đi cá tính của mình, nếu không chấp nhận sống điêu, sống trí trá, nếu không chấp nhận sống lầm lũi như những Con Cừu hay những con Rô bôt thì hãy nhìn tấm gương của Cù Huy Hà Vũ, anh em nhà Đoàn Văn Vươn, Bùi Thị Minh Hằng và biết bao người Việt Nam yêu nước khác… mà suy ngẫm.
Nếu được nói lời cuối cùng cho bài viết này, tôi xin được bầy tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Nhiếp ảnh gia Edie Adams với tác phẩm “Saigon Excution 1967”, Nhiếp ảnh gia Nick Ut với tác phẩm “Cô Bé Napan 1972”, Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông với ca khúc “Chiều Mưa Biên Giới”, Nhạc Sĩ Nguyễn Chí Vũ và Nhà Thơ Lê Anh Xuân với ca khúc “Dáng đứng Việt Nam”, Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn với ca khúc “Tình Ca của Người Mất Trí 1967”, “Hát Cho Người Nằm Xuống 1967”…
Không có sự mách bảo từ các tác phẩm của các nghệ sĩ lớn kể trên, kẻ hậu sinh này làm sao mà dám góp lời để minh định những gì đang vọng về từ quá vãng để có được “Vọng Niệm 1- Vọng Niệm 2 – Vọng Niệm 3…”. Là người Đa Nguyên, tôi không hề nổi giận khi bị người khác cứ cố tình nghĩ sai về tôi, chỉ xin mọi người hãy để Trịnh Công Sơn cùng với biết bao những người đồng bào của ông đã ngã xuống trong cuộc nội chiến tương tàn đã qua được thanh thản trong giấc ngủ “…nằm chết như mơ” mà ông Trịnh đã kỳ công khắc họa thành một ký sự bằng âm thanh của mình ngót 50 năm trước.
Nếu bạn chưa một lần thưởng thức ký sự bằng âm thanh đó, xin bạn gõ vào dòng Tìm Kiếm của Google dòng chữ: Bài hát Tình Ca của Người Mất Trí của Trịnh Công Sơn, bạn sẽ được nghe ký sự âm thanh đó đã nói lên những bi kịch gì trong một biển trời là những bi kịch đã và vẫn đang đè nặng lên thân phận của con người Việt Nam.
Hà Đông tháng 4 – 2012
- Nơi ở: Văn La – Phú La – Hà Đông – Hà Nội.
- Điện Thoại: 0433521066 và 01652323836
- Email: nguyenthuonglong571@gmail.com
*
Đón đọc: Vọng niệm 4 - “Đôi Mắt Người Sơn Tây”