(Trái hay phải) - Trong lúc bức tượng người anh hùng dân tộc – cũng là vị thánh tổ của hải quân Việt Nam mà giặc phương Bắc khiếp hãi đến mức không dám gọi tên - được khánh thành tại Trường Sa, thì nhiều người cũng hào hứng nói về lòng yêu nước.
Trước hết, cứ phải nói rằng ngày hôm nay, ngày 7/5, quả là một ngày đáng nhớ, một ngày hào hùng mà những cảm xúc của nó có thể khiến bất kỳ ai mang dòng máu Việt Nam phải sục sôi trong huyết quản. Không chỉ có một niềm vui kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ ngày nào, không chỉ có tấm lòng thành kính khi nhắc đến đại tướng Võ Nguyên Giáp, lâu lắm rồi, cánh nhà báo mới hân hoan như thế khi đồng thanh đưa tin về một sự kiện, với niềm tự hào không sao giấu nổi về lịch sử dân tộc, một dân tộc không chỉ đập tan huyền thoại bất khả chiến bại của phương Tây, mà còn hết lần này đến lần khác nhấn chìm tham vọng của những kẻ ngoại xâm phương Bắc, khiến chúng phải cuốn xéo về nước, giành lại non sông gấm vóc.
Sự kiện mà người viết muốn nói đến chỉ giản dị thế này thôi: Ngày 6/5, bức tượng Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, người mà tên tuổi gắn liền với 3 lần đại phá quân xâm lược Nguyên Mông, được khánh thành tại quần đảo Trường Sa.
Một ngày trước khi tượng đài Hưng Đạo đại vương được khánh thành, Bộ trưởng Đinh La Thăng ra thăm đảo Trường Sa.
|
Các độc giả yêu quý, nếu đã có đôi lần bạn bực mình trách móc cánh nhà báo cứ suốt ngày nhem nhẻm chuyện ngôi sao nọ cởi đồ, siêu mẫu kia hở thịt, chuyện đâm chém giết hiếp, mà nói gọn lại là chuyện “lá cải”, "rặt lá cải", thì với lòng nhiệt thành của các báo khi đưa tin về bức tượng Trần Hưng Đạo hôm nay, có phải ta hoàn toàn có thể mỉm cười độ lượng mà bỏ quá cho họ? Có khi, họ cũng biết giá trị đích thực của thông tin đấy chứ.
Ai dám bảo cánh nhà báo chỉ biết đưa những chuyện phục vụ cái gọi là “thị hiếu tầm thường” của độc giả, và dân tình thời nay chỉ quan tâm tới những “thị hiếu tầm thường”? Sai bét, xin thưa với các vị là báo chí vẫn có thể tự nguyện, hào hứng và cả khí thế hừng hực nữa kia khi đưa tin về những vấn đề hết sức nghiêm túc, mà dân ta thì vẫn yêu nước như hàng nghìn năm nay vẫn thế! Chứ không phải cứ nộp phí mới là yêu nước như có người từng hùng hồn tuyên bố đâu.
Dĩ nhiên, không phải ai cũng có điều kiện mà thể hiện lòng yêu nước, giả như các vị đi xe biển xanh thì rõ là không có cơ hội để đóng phí giao thông, như đề xuất hồi nào của Bộ Giao thông vận tải. Nhưng ông trời vốn cũng hết sức công bằng, không được đóng phí thì cũng còn vô khối cách khác, không việc gì phải mà sốt ruột.
Trong khi đa phần những người thuộc diện “đi xe thì phải đóng phí” (tức là có cơ hội thể hiện lòng yêu nước bằng cách… đóng phí) chưa một lần đặt chân đến Trường Sa, mảnh đất thiêng mà cánh nhà báo hôm nay rưng rưng nhắc đến, thì cách đây mấy hôm thôi, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã xông pha sương gió để đến thăm nơi này.
Bạn sẽ thấy rõ rệt hơn nữa lòng yêu nước nồng nhiệt của Bộ trưởng Đinh La Thăng, nếu nghe những lời tha thiết được ông bày tỏ với quân dân Trường Sa hôm 5/5.
Ngoài việc yêu cầu "phát huy hơn nữa sức mạnh cội nguồn đất nước, ý chí truyền thống của đất nước, khát vọng không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng, bất khả xâm phạm của đất nước", Bộ trưởng cho hay, ngành Giao thông vận tải đang tập trung đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, phát triển đường bộ, đường hàng không, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, trong đó có việc phát triển một đội tàu bay, tàu biển hiện đại (theo báo Giao thông vận tải).
Sư trụ trì chùa Trường Sa lớn trao tặng Bộ trưởng cuốn Chú đại bi - Sám hối và trì quán!
Khoan nói về đội tàu bay (mà sự kiện liên quan gần nhất là vụ nổ lốp của máy bay Vietnam Airlines tại Tân Sơn Nhất), hôm nay, như thể có sự “hiệp đồng tác chiến”, tờ Tuổi Trẻ và Thời báo Kinh tế Sài Gòn đồng thanh lên tiếng về đội tàu biển hiện đại mà Bộ trưởng vừa nói đến. Trong khi Tuổi Trẻ dửng dưng giật tít:Đổ 100.000 tỉ vào Vinalines, thì Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn lời các chuyên gia để nhắn nhủ: Nên tính toán lại 100.000 tỉ đồng đầu tư đội tàu biển.
Mà cái đội tàu biển hiện tại của Vinalines hoạt động như thế nào? Theo mô tả của 2 tờ báo, bên cạnh rất nhiều tàu đang neo đậu bất đắc dĩ ở nước ngoài, ngay trong nước, không ít con tàu của Vinalines đã trở thành “tàu chết”, thành đống sắt vụn…, hầu hết các công ty vận tải biển tiếp tục thua lỗ trong quý I năm nay, thậm chí một số lỗ lớn.
Có lẽ cũng vì thế nên mới có cái cảnh ngược đời: nhiều người vừa vuốt mồ hôi trán vì hốt hoảng, lại vừa tự nhủ việc gì phải tiếc 12.000 tỷ mà Bộ Giao thông dự kiến để xây trụ sở, chỉ là cái đinh gỉ so với khoản đầu tư 100.000 tỷ này thôi, như vô số cái đinh gỉ trên những con tàu đang nằm thẳng cẳng chờ được hóa kiếp thành sắt vụn của Vinalines.
Cũng phải nói rằng, sự nhất quán là một ưu điểm mà người ta không thể bỏ qua khi nói về các chính sách của Bộ Giao thông. Cứ nhìn trước nhìn sau thì đủ biết: Nếu hồi nào Bộ từng hứa với dân rằng cứ nộp phí đi, rồi chất lượng đường sá sẽ cải thiện sau, thì nay, có lẽ thấm nhuần triết lý này, Bộ cũng sẵn sàng trăm nghìn tỷ để Vinalines nâng cao chất lượng, hiệu quả trong tương lai.
Nhưng điều khiến nhiều người tâm đắc nhất trong vụ này, ấy là sự vui tính của ngành Giao thông vận tải. Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì đến năm 2015, tổng trọng tải đội tàu biển của Việt Nam sẽ từ 8,5 đến 9 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, trong đề án mà Bộ Giao thông lập, chỉ tính riêng Vinalines, tổng trọng tải đội tàu sẽ xấp xỉ 15 triệu tấn vào năm 2015. Nói khác đi, phần trọng tải còn lại của ngành hàng hải Việt Nam sẽ phải là một con số âm, để quy hoạch đã được phê duyệt trở thành hiện thực. Bộ Giao thông vận tải đúng là vui tính và hài hước hiếm có!
Dĩ nhiên, đội tàu biển hiện đại là niềm mơ ước chẳng phải riêng của Bộ Giao thông, khi đất nước có tới hơn 3.000km bờ biển và 1 triệu km2 vùng biển, mà chúng ta đang ngày đêm gìn giữ. Nhưng cũng nên nhớ, mơ ước “vươn ra biển lớn” từng một lần khiến người ta phải bàng hoàng với tấm gương tày liếp Vinashin, mà những bài học rút ra từ đấy vẫn còn nóng hổi. Thử hỏi rằng với những “vina xin” mà Nhà nước cứ “vina cho” vô tội vạ, thì biết bao nhiêu ngân sách, bao nhiêu tiền thuế của dân, bao nhiêu tài nguyên đất nước mới đủ?
Một tác giả trên Phunutoday hôm nay đã phải thốt lên đầy cảm khái, rằng “chỉ thương cho lứa trẻ tiếp sau mình, làm sao chúng cảm được nỗi run bắn lên của bàn tay cậu thiếu niên Hoài văn Hầu Trần Quốc Toản khi bóp nát quả cam ở bến Bình Than?”. Nhưng công bằng mà nói, đâu phải chỉ đám trẻ con mới vô tâm đến thế với những tiền nhân?
Trần Hưng Đạo, bậc anh hùng dân tộc, người được muôn dân phong Thánh, người mà tấm lòng son sẽ vĩnh viễn sáng ngời trong những trang sử xanh của dân tộc, từng nhắc nhở con cháu về kế sách để “non sông ngàn thủa vững âu vàng”: Hãy khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách để giữ nước.
Nhìn đám con cháu của ngài ngày nay, thì đủ biết đâu chỉ có Hoài Văn Hầu mới phải âu sầu?
Có lẽ cả Hoài Văn Hầu lẫn Hưng Đạo Vương đều nên tìm đọc cuốn “Chú đại bi - Sám hối và trì quán” mà nhà sư trụ trì Trường Sa tặng Bộ trưởng Đinh La Thăng, để khuây khỏa thì hơn.
Tam Thái