Thùy Linh - Khi lâm nguy, Việt Nam kêu gọi ai giúp đỡ như Hy Lạp? Thật đáng buồn một đất nước (chính thể) không thể gọi tên một bạn bè gần gũi thân thiết nhất, tin tưởng nhất, có thể chìa tay ra với nhau trong cơn hoạn nạn. Nhưng lại có rất nhiều kẻ thù cả hữu hình lẫn vô hình, dù chỉ bằng tên gọi… Và đáng sợ hơn, có thể, chính quyền đang tự tạo ra kẻ thù của mình từ chính dân tộc, nhân dân họ bắt đầu bằng các Nghị quyết TW…
*
Hy Lạp lâm vào khủng hoảng có thể dẫn đến vỡ nợ vào đầu năm 2010 mà nguyên nhân chủ yếu là do… “lừa đảo” và “bệnh thành tích”. Những năm trước khi thành lập Eurozone vào năm 1999, các nước ở châu Âu cố gắng giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới 3% để gia nhập vào khối này.
Theo các báo chỉ ra thì Hy Lạp thâm hụt nghiêm trọng nhưng lại báo cáo láo với châu Âu về con số thâm hụt của mình, cụ thể là: 2,5% vào năm 1998 và dự báo sẽ còn 1,9% vào năm 1999. Nhưng 3-2000 theo một tiêu chuẩn kế toán mới cho thấy thâm hụt thực sự của Hy Lạp năm 1998 là 3,2% và năm 2004 trong một báo cáo khác lại chỉ ra con số thâm hụt của Hy Lạp vào năm 1998 là 4,3%.
Dưới áp lực của châu Âu, Hy Lạp công bố là 3,2% bởi trước đó đã tính các trợ cấp thuế ước tính của châu Âu vào nguồn thu chính phủ. Bốn tháng sau đó, Hy Lạp thừa nhận đã bỏ qua một số khoản chi tiêu quân sự, tính cao lên giá trị thặng dư an sinh xã hội cùng lãi suất thấp đi, nên con số thực phải là 4,6%. Và 3-2005, Hy Lạp “thành thật” thông báo thâm hụt năm 2003 là 5,2%. Trong lần “thành thật” cuối cùng vào cuối năm đó, đã tăng lên mức 5,7%. Sau 18 tháng, số liệu thâm hụt năm 2003 tăng từ 2,6 tỉ lên 8,8 tỉ euro.
Châu Âu sau nhiều lần tranh cãi, cuối cùng 5-2010, EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF thông qua khoản trợ trị giá 120 tỉ euro (tương đương 160 tỉ đô la Mỹ) trong ba năm tới nhằm giúp Hy Lạp vượt qua khủng hoảng nợ. Với mức vay nợ như trên, Hy Lạp đang phải đối mặt với khoản nợ đến hạn phải thanh toán 8,5 tỉ euro (tương đương 11,3 tỉ đô la Mỹ) trái phiếu chính phủ vào ngày 19-5-2010. Hầu hết các khoản nợ của Hy Lạp là ngắn hạn, trong đó, số nợ phải trả trong năm 2010 là 16% tổng nợ. Mà Hy Lạp chỉ là quốc gia nhỏ ở Nam Âu, với dân số khoảng 11 triệu người, có thu nhập bình quân đầu người khoảng 17.440 đô la Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp trung bình là 10,2%.
Còn Việt Nam thì sao?
Theo nghiên cứu của các nhà kinh tế thì “nợ công của Việt Nam hiện nay đang ở mức 54,3% GDP với tốc độ tăng trưởng nợ hàng năm trên 15%. Với tốc độ này, nợ công của Việt Nam sẽ vượt 100% GDP, một con số đáng báo động đối với một nền kinh tế nhỏ đang phát triển và phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp thô và công nghiệp nhẹ”.
Và, “theo The Economist Intelligence Unit, nợ công của Việt Nam năm 2001 mới là 11,5 tỷ USD, tương đương 36% GDP, bình quân mỗi người gánh số nợ công xấp xỉ 144 USD. Nhưng tính đến hết năm 2010, nợ công đã tăng lên 55,2 tỷ USD, tương đương 54,3% GDP và hiện tại, Việt Nam được xếp vào nhóm nước có mức nợ công trên trung bình. Như vậy, trong vòng 10 năm từ 2001 đến nay, quy mô nợ công đã tăng gấp gần 5 lần với tốc độ tăng trưởng nợ trên 15% mỗi năm”. Và, “năm 2011, dự kiến trả nợ 86.000 tỉ đồng, chiếm 12,5% tổng thu NSNN. Năm 2012 sẽ phải trả 100.000 tỉ đồng, chiếm 13,5% tổng thu NSNN, một con số không hề nhỏ trong quy mô khiêm tốn của NSNN hiện nay.
Trong khi nợ công của Thái Lan 44,1% GDP và dự trữ ngoại hối là 176 tỉ USD; Indonesia, Malaysia nợ công 26,9% GDP, Philippines là 47,3%”. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết thêm: tính đến 31/12/2010, tỷ lệ nợ Chính phủ là 45,7% GDP, nợ nước ngoài là 42,2%, nợ công là 57,3%.
Trong kế hoạch trình Quốc hội, ước tính đến 31/12/2011, nợ công là 54,6%, đến 31/12/2012 là 58,4% GDP. Chỉ số này được tính trên cơ sở dự kiến kịch bản tăng trưởng 6%, nếu như kịch bản tăng trưởng đạt được mức 6,5% tỷ lệ nợ công thấp hơn đáng kể. Nhưng mấy tháng vừa qua tăng trưởng của Việt Nam đâu như chỉ hơn 4%? Còn theo đại biểu quốc hội Trần Du Lịch, nợ nước ngoài của Việt Nam hiện tương đương 50 tỉ USD, lớn gấp 3 lần so với dự trữ ngoại hối (khoảng 14-15 tỉ USD). Nếu tiếp tục với tốc độ này thì chỉ trong vòng 5 năm nữa, đến năm 2016, nợ công của Việt Nam sẽ vượt quá 100% GDP như hai nước thành viên EU mới lâm vào khủng hoảng nợ công gần đây là Hy Lạp (133,6%), Ailen (129,2%).
Giả sử con số này là chính xác thì bức tranh đã không mấy sáng sủa. Nếu rơi vào căn bệnh “thành tích” và “nói dối không ngượng miệng” như Hy Lạp, cộng với tính không minh bạch vốn có thì thực tế phải thế nào? Không biết trong số nợ công này đã tính số tiền 4,5 tỷ đô la mà Vinashin nợ chưa? Các quả đấm thép dưới sự điều hành của Chính phủ (EVN, Than-khoáng sản, Ngân hàng…) gần đây bị bóc trần một phần sự thật là thua lỗ và nợ đầm đìa liệu có được đưa vào con số nợ trên không? Nếu kể đến bức tranh ảm đảm của khủng hoảng kinh tế chưa hề có dấu hiệu giảm chứ đừng nói là chấm dứt thì ra sao? Sự phá sản hàng loạt các doanh nghiệp và đình trệ sản xuất sẽ đưa nền kinh thế VN đến bờ vực thảm hoạ chứ? Liệu Việt Nam có giống như Hy Lạp về nguy cơ vỡ nợ không?
Mình vốn không phải dân kinh tế nên đọc các con số này phải kiên nhẫn lắm mới không nổi cáu. Và nói dài dòng như trên để ngẫm nghĩ một điều khác…
Khi Hy Lạp chìa tay ra đề nghị các nước châu Âu cứu quốc gia họ thì giới tài chính hàng đầu châu Âu nhóm họp, thuyết phục lẫn nhau để đưa ra gói tài trợ 160 tỷ đô la trong vòng 3 năm với yêu cầu Hy Lạp “thắt lưng buộc bụng”. Nhưng Hy Lạp đáp lại nghĩa cử của châu Âu thế nào?
Giữa tháng 5-2012 này, chính phủ Hy Lạp vẫn chưa thành lập được chính phủ vì bất đồng từ yêu cầu của châu Âu, tức là “thắt lưng buộc bụng” cho chi tiêu. Nhà lãnh đạo Alexis Tsipras của Liên minh các lực lượng cực tả (Syriza), về thứ hai trong cuộc bầu cử sớm tại Hy Lạp mới đây, khẳng định sẽ không tham gia bất kỳ chính phủ nào có ý định thực thi các điều khoản trong thỏa thuận cứu trợ tài chính quốc tế với Athens vì cho rằng thỏa thuận đó "quá nghiệt ngã" và đi ngược lại với ý nguyện của cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ cho đảng này.
Trong khi đó, các chủ nợ quốc tế khác cảnh báo Hy Lạp nước này buộc phải thực hiện các cam kết về cắt giảm chi tiêu, nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ ra khỏi Eurozone. Hy Lạp đã tránh được việc rút khỏi Eurozone hai lần trong hai năm qua khi họ thương thảo được một thỏa thuận giải cứu về tài chính giá trị nhiều tỉ USD với EU và IMF để giúp cho Hy Lạp tránh vỡ nợ. Đổi lại Hy Lạp bị buộc phải áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng khắc khổ đã gây ra tình trạng chống đối lan rộng trong xã hội. Dân Hy Lạp quen sung sướng giờ bắt chịu khổ nên nhất định không chịu. Lòng yêu nước của cư dân ở cái nôi văn minh nhân loại này không thể so sánh với dân Nhật. Vậy mà chính phủ họ đến giờ vẫn nhẫn nại thuyết phục…
Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble tuyên bố khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) sẽ có thể đương đầu nếu Hy Lạp rút khỏi liên minh tiền tệ này. Bộ trưởng Schauble nói: "Chúng tôi muốn Hy Lạp vẫn nằm trong Eurozone. Song nước này cũng phải muốn như vậy và sẽ hoàn tất các bổn phận của mình. Chúng tôi không thể ép bất cứ ai. Châu Âu không dễ dàng chìm như vậy”. Eurozone đứng vững nếu Hy Lạp ra đi. Nguy cơ Hy Lạp bị “đuổi” ra khỏi Eurozone là nhãn tiền để châu Âu thoát khỏi gánh nặng của kẻ chỉ biết ngửa tay nhận tiền của người khác mà vẫn không biết trân quí lời khuyên của thiên hạ.
Lại nói đến Việt Nam…
Hy Lạp được các nước châu Âu chìa tay giúp đỡ khi bĩ cực và khối Asean dửng dưng với Philipine và Việt Nam khi phải đơn độc chống đỡ Trung Quốc cho thấy tinh thần “đoàn kết các nước Asean” thê thảm đến mức nào?. “Đáng tiếc là sự thiếu tương trợ đó có vẻ như đã là một cung cách bất thành văn của các nước ASEAN trong tranh chấp Biển Đông.
Ngược dòng thời gian trong khoảng một năm vừa qua, chúng ta có thể thấy khi TQ giam cầm các ngư dân VN đánh cá tại vùng Hoàng Sa, không có nước ASEAN nào lên tiếng để ủng hộ một cách giải quyết công bằng. Khi TQ gây sức ép lên các hoạt động dầu khí của Philippines trong khu vực bãi Cỏ Rong, không hề có nước ASEAN nào lên tiếng ủng hộ Philippines. Khi TQ gây áp lực lên tập đoàn dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh nhằm khiến họ rút khỏi Lô 127 và 128, nằm giáp bờ biển đất liền Việt Nam, không có nước ASEAN nào lên tiếng ủng hộ Việt Nam. Khi tàu hải giám và các tàu đánh cá của TQ phá hoại thiết bị địa chấn của các tàu khảo sát Việt Nam, không có nước ASEAN nào lên tiếng ủng hộ Việt Nam. Khi tàu TQ dọa đâm vào tàu khảo sát cho Philippines tại bãi Cỏ Rong tháng 3/2011, không có nước ASEAN nào lên tiếng ủng hộ Philippines”. (Dương Danh Huy – Không còn ai để lên tiếng bênh vực cho tôi”- VNN).
EU và ASEAN có hai giá trị nhân văn khác nhau? Có quan điểm tiếp cận quốc tế khác nhau? Có cung cách tham gia và điều hành vào một tổ chức quốc tế với mục đích, quyền lợi khác nhau? Thật sự thất vọng về Asean…
Nhưng nói đi thì phải ngẫm lại mình.
Để được người khác hết lòng với mình thì không thể kêu gọi suông hay trông chờ lòng “từ thiện đoàn kết” vô điều kiện từ người ngoài trong khi không những không làm gì tốt cho thiên hạ mà còn toàn nghĩ xấu cho họ. Những cụm từ tưởng như vô thưởng, vô phạt: “bị các thế lực thù địch bên ngoài lôi kéo”; “kẻ thù bên ngoài chống phá”; “phản động bên ngoài”… sẽ thấm dần vào cung cách hành xử của các nước dành cho VN. Không ai muốn nhận làm bạn một kẻ luôn coi họ là kẻ thù hay có ác ý. Không ai muốn quan hệ làm ăn, bảo vệ một kẻ trí thấp, ít tiền nhưng hãnh tiến vì có “bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí cách mạng kiên định và tầm nhìn chiến lược sáng suốt” và “phải khẳng định chế độ dân chủ ở nước ta là dân chủ xã hội chủ nghĩa” để cãi chày cãi cối với thang giá trị phổ quát về dân chủ, nhân quyền của nhân loại. Các cơ hội không chờ đợi. Người muốn đến kết bạn cũng không thể kiên nhẫn vô điều kiện. Nếu cứ tiếp tục sản xuất các Nghị quyết TW để thay cho Hiến pháp, Pháp luật miễn sao duy tu và giữ được càng lâu ý thức hệ cho quyền lợi của từng cá nhân và nhóm lợi ích như bây giờ thì cái ngày sắp sụp đổ như Hy Lạp đang đến gần…
Ngày đó thì sao?
Liệu VN có thể kêu gọi Asean giải cứu như Hy Lạp kêu gọi châu Âu cứu trợ?
Liệu Asean có chìa tay cho VN như Eurozone chìa tay cho Hy Lạp?
Có kêu gọi được “ý thức hệ” in tiền để trả giúp món nợ nần chồng chất kia?
Khi lâm nguy, Việt Nam kêu gọi ai giúp đỡ như Hy Lạp?
Thật đáng buồn một đất nước (chính thể) không thể gọi tên một bạn bè gần gũi thân thiết nhất, tin tưởng nhất, có thể chìa tay ra với nhau trong cơn hoạn nạn. Nhưng lại có rất nhiều kẻ thù cả hữu hình lẫn vô hình, dù chỉ bằng tên gọi…
Và đáng sợ hơn, có thể, chính quyền đang tự tạo ra kẻ thù của mình từ chính dân tộc, nhân dân họ bắt đầu bằng các Nghị quyết TW…