Ngư dân bị... ngăn sông, cấm biển - Dân Làm Báo

Ngư dân bị... ngăn sông, cấm biển

Minh Nguyệt (Dân Việt) - Một dự án du lịch án ngữ, lấy mất bến bãi, nhiều ngư dân ở xã Hoằng Tiến, (Hoằng Hoá, Thanh Hoá) bỗng thất nghiệp. 

Khốn đốn vì dự án

"Chục đời nay, gia đình tôi chỉ sống bằng nghề chài lưới. Giờ gác bè, treo lưới, nợ trả chưa hết, 10 người trong nhà phải phiêu dạt kiếm kế mưu sinh" - ông Lê Văn Thư (thôn 1 - xã Hoằng Tiến) bức xúc.

Ông Lê Văn Thư, bên những chiếc bè đã mọc đầy cỏ dại.

Theo ông Thư, cách đây 3 năm, gia đình ông có 3 bè tham gia đánh bắt thuỷ sản, mỗi năm thu được cả tỷ đồng. Ngoài ra, ông còn tạo công ăn việc làm cho khoảng 5-10 lao động khác trong thôn đi đánh bắt cùng. Từ ngày quy hoạch du lịch, ông phải "nhường" bãi cho phát triển du lịch.

Ông Trương Quốc Nghĩa - một ngư dân gần 60 năm gắn bó với biển nói: "Chúng tôi yêu nghề, muốn gắn bó mà không được. Chiếc bè phơi nắng phơi gió lâu ngày, không gặp nước đã mục ruỗng, phải tháo gỡ làm củi đun bếp. Cả nhà đều thất nghiệp”... Con trai đầu của ông thì phải đi làm ăn xa, đứa út thì làm công nhật cho khu du lịch, còn vợ và cô con dâu thì ngồi chơi. Công việc bấp bênh, thu nhập thấp khiến đời sống gia đình ông rất khó khăn.

Gần 20 năm gắn bó với nghề chế biến thuỷ hải sản, giờ đây cơ sở chế biến của ông Vũ Đức Biên cũng hoạt động cầm chừng. Gần chục lao động cơ sở thuê chế biến cũng phải nghỉ việc: "Cơ sở chúng tôi chắc sớm muộn cũng phải dừng hoạt động. Cả hai khu chế biến sứa xuất khẩu mới xây dựng hết 50 triệu đồng giờ chuyển sang nuôi gà" - ông Biên bức xúc.

Ngư dân bị bỏ rơi

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó chủ tịch xã Hoằng Tiến cho rằng, xã lúc nào cũng tạo điều kiện bến bãi cho ngư dân làm nghề nhưng dân không măn mặn mà với nghề nên mới bỏ(?). Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, đúng là hiện nay xã không còn đất để làm bến bãi. 

Ông Tiến lý giải "Vì diện tích đường bờ biển của xã quá ngắn, chỉ có 1,2 km nên phải ưu tiên phát triển du lịch. Trong khi đó các quy hoạch đều do huyện và tỉnh phê duyệt, xã không được tham gia".

Theo ông Tiến, hiện nay xã vẫn dành một đường dân sinh ra biển, đường này trước đây vốn là bến neo bè cho ngư dân đánh bắt. Tuy nhiên, trên thực tế tuyến đường dân sinh chạy thẳng ra biển này chủ yếu chỉ để phục vụ khách du lịch, khi người dân có ý mang tàu bè đi đánh bắt thì đều bị các công ty du lịch ngăn cấm.

"Trước mắt xã cũng đã bước đầu mở 3 lớp dạy nghề nhằm chuyển hướng số lao động ngư nghiệp sang học các nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chế biến thuỷ hải sản. Thế nhưng, thực tế sau 2 năm học chỉ 1/3 số lao động này được tạo việc làm, số còn lại đa phần đều rơi vào tình trạng thất nghiệp"- ông Tiến cho biết.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo