Buồn về nhân cách và văn hóa của một số quan chức Việt! - Dân Làm Báo

Buồn về nhân cách và văn hóa của một số quan chức Việt!

(Vietinfo.eu) - Vừa rồi được nghe một câu chuyện kể lại, mới xảy ra trong một quán ăn của người Việt Nam trong chợ SAPA Praha vào cuối tháng 5/2012, mới thấy nhân cách của người Việt Nam, đặc biệt là nhân cách của các quan chức Việt Nam và những thành phần ăn theo họ, thật là xuống đến đáy vực mất rồi! 

Đúng ra là khỏi bình luận luôn. Thế nhưng chúng ta đang sống trong một đất nước dân chủ và chúng ta có quyền nói mà không sợ bị "trả thù một cách đê hèn, hạ tiện kiểu Cộng sản" nên tôi cứ kể và viết ra cho mọi người cùng ngẫm. 

Số là cách đây 2 tuần có một đoàn cán bộ (nói chung là cũng khá cao cấp) từ nước nhà sang đây công tác (chắc là để thương thảo mua bán với phía Séc một số trang thiết bị kỹ thuật – công nghệ gì đó). Mà ai cũng biết, trong cái đòan đi công tác đó khi nào chả có vài thành phần được "cài cắm", nhân tiện cho đi chơi. Các thành phần được cài cắm này, hoặc là vợ/chồng, bố mẹ hay con cái của các vị có tí chức, tí quyền đang ngồi tại vị (ở VN – tất nhiên rồi). 

Thôi cái chuyện cài cắm thì mặc nó, nói mãi chỉ tổ mỏi mồm. Tiền chi ra, một là lấy từ dự án (mua bán), hai là lấy từ ngân sách (nói tóm lại là tiền Dân!). Cái đáng nói là tuy đã sang và (tạm) sống ở nước ngoài rồi mà họ (cái đám cán bộ đi công tác và những thành phần ăn theo kia) vẫn xử sự "y chang" như đang ở Việt Nam. Nếu đang ở Việt Nam, bạn sẽ không ngạc nhiên gì (trừ những người thực sự có học và có nhân cách) khi thấy cung cách xử sự của "người với người" ở đất nước ngàn năm văn hiến chúng ta. 

Tôi thử minh họa lại một màn đi ăn quán nhé! Một đám vài ba người, trong đó chắc có một cán bộ – đầy tớ của dân, hoặc là công an (có khi chỉ là cấp phường thôi), hoặc cán bộ sở thuế (chứ chưa thèm nói đến các thành phần mang thêm chữ ủy viên TW đằng trước!) hay một cậu công tử con nhà giàu (hay con quan) bước vào một quán ăn (dù cho quán lịch sự đến mấy hay bình dân đến mấy): 

"Này, dọn cái bàn này đi! Sao mà lau bẩn thế, lau lại ngay. Tiếp theo là „gọi chủ quán ra đây! Chúng mày làm ăn kiểu này à! Mày (chúng mày) có biết các bố là ai không? Có muốn ngày mai bị đóng cửa quán hay không?" Vv và vv. 

Nói tóm lại, các câu chữ tiếng việt ngày nay đã vắng hẳn "chủ ngữ“ mà chỉ còn lại các động từ mạnh, đặc biệt thể "ra lệnh“ được ưa dùng. Những người dùng các từ ngữ như "làm ơn..., cảm ơn hay xin lỗi bị coi là lũ ngố và nói chung, cần đưa vào trại điên để điều trị! 

Đấy là nói chuyện ở Việt Nam. 

Đằng này câu chuyện dưới đây xảy ra luôn tại Praha – CH Séc. Đúng cái đoàn cán bộ nghênh ngang kia bước vào một quán ăn của người Việt. Do điều kiện nên chỗ ngồi trong quán cũng chỉ có hạn. Đám 6 người này chiếm trọn cả một cái bàn 10 chỗ ngồi. Khi có một cặp người Việt khác, ăn mặc chắc hơn bẩn (vì đang làm việc và nghỉ đi ăn trưa), muốn ngồi vào hai chỗ còn trống sát bên đám cán bộ kia, một người phụ nữ (chắc là thành phần ăn theo của đòan công tác này) hất hàm nói: "đi ngồi chỗ khác, chỗ này đặt rồi!". Hai cô cậu ra hỏi chủ quán xem có đúng thế không thì được trả lời rằng không phải vậy, các chỗ kia là chỗ trống! Ngại không muốn cãi cọ với đám người "ăn mặc thì trông rất lịch sự kia“ nên hai người đã bó đi. 

Lại nói tiếp, ở Séc hiện nay (và ở châu Âu nói chung), các quán ăn hoặc là bắt buộc phải có hai chỗ (hai phòng ăn), một cho hút thuốc lá, một cấm và những người hút thuốc lá, nếu ngồi ở chỗ bị cấm, Nếu muốn hút phải ra ngoài hoặc ra chỗ cho phép hút. Trong cái đám cán bộ kia có một tay hút thuốc và mặc dù họ đang ngồi ở gian "cấm hút" có biển treo hẳn hoi, vẫn cứ ung dung bỏ thuốc lá ra hút. Và tàn thuốc – như ở Việt Nam, vẩy xuống sàn nhà chứ vẩy đi đâu!!! 

Khi được nhân viên nhà hàng nhắc nhở, ông này liền "gân lên“ và cãi cùn, rằng chỉ có mình tôi hút thôi, ảnh hưởng gì đến ai! Sau đó thì còn vứt luôn phần thừa xuống sàn nhà và lấy chân di di. Nhân viên nhà hàng, bằng giọng mền dẻo nhưng cương quyết đã nhắc nhở họ. Đến đây mới dần dần lộ ra bản chất của "các công bộc của dân“. Họ đã lên ban quản lý chợ SAPA để phản ánh (vu oan) cho nhà hàng, rằng đã có các hành vi đối sử thô lỗ với khách hàng (VIP- như họ!). 

Nghe đâu, đó là đoàn cán bộ của Bộ công an Việt Nam đi công tác và có một bà là phu nhân của một ông Trung tướng công an Việt Nam! 

Tôi lại nhớ lại một câu chuyện do ông Hồ Chí Minh kể (và in thành sách, dạy khắp nơi, từ trường học phổ thông đến các trường đại học, kể cả các trường Đảng!) và những người trên 30 tuổi như tôi chắc cũng đã biết: 

Đó là vào năm 1911, khi ông HCM "vượt biên" (thôi ta cứ nói nôm na như thế cho dễ hiểu) trên chiếc tàu thủy của Pháp, (mà ông đã nhảy dù lên đó khi nó đậu ở cảnh Nhà rồng – Sài Gòn). Ông đã sang đến Pháp và tìm các công việc để tồn tại tại đây. Khi ông vào một nhà hàng, mặc dù ăn mặc lôi thôi, lếch thếch (và chắc là cũng bẩn vì làm công việc thợ thuyền), nhân viên phục vụ nhà hàng, là người Pháp – Mẫu quốc hẳn hoi, công dân hạng một hẳn hoi, đã niềm nở mời ông ngồi và xưng hộ bằng từ "Ngài", ví dụ? Ngài dùng gì? Ngài uống gì? Ngài có cần thực đơn hay không?. Chính ông Nguyễn Ái Quốc đã viết, rằng lần đầu tiên được người ta gọi bằng NGÀI!!! Có lẽ trước đó ở Việt Nam (cũng thời đó thôi), ông không được gọi bằng NGÀI mà bằng... Phải công nhận, từ khi đó cái văn minh châu Âu đã ảnh hưởng đến ông không ít! 

Thế mới biết, cái văn hóa xưng hô "Thằng này – Con kia" đã tồn tại ở Việt Nam ta, chí ít là từ thời Pháp thuộc và lại được nhân lên gấp ngàn lần, vạn lần từ những năm 90 của thế kỷ trước tới giờ, khi "Đồng tiền" và "Quyền lực" đã được chính thức "lên ngôi chúa tể" ở nước Việt ngàn năm văn hiến chúng ta. 

Ngày hôm nay, cứ sẵn "đạn" trong túi là có quyền ra lệnh tất (tất nhiên là tránh những đối tượng vừa có tiền, vừa có quyền ra!), còn nếu hơn nữa, "vừa túi nặng, vừa ghế cao" thì có thể vừa ra lệnh, vừa dọa dẫm, vừa chửi bới, vừa vu oan giá họa … mà chẳng ai àm gì nổi! 

Ôi, hãy thắp thật nhiều nén hương cho văn hóa Việt Nam!!! 

Nguồn: Người thích đùa (Thổ Nhĩ Kỳ)/ eicvn



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo