Người Ba Đồn - Đọc báo thấy chổ này thông báo tuyển dụng, chổ kia thi tuyển công chức, chổ nọ tiếp nhận người này, người khác… ông chú mình chặt lưỡi: Mẹ kiếp, chúng nó chọn hết cả rồi, đăng báo mà làm chí không biết. Không có trăm triệu sao vào được?.
Lâu nay, để xin người vào làm việc tại các cơ quan, đặc biệt là cơ quan công quyền có ai hỏi là chổ này cần người tài, có trình độ gì, chổ kia có phù hợp với năng lực không?. Mà toàn chỉ nghe bảo đã tìm được đường dây nhận tiền lo việc chưa?. Không tìm được đường dây thì đừng nạp hồ sơ xin việc mà mất thì giờ.
Rồi vào Ngân hàng phải không? Đường dây này gần nửa tỷ, đường dây kia phải trên 300 triệu. Tùy thuộc các loại ngân hàng, ngân hàng N. giá khác, ngân hàng Đ. giá khác. Công an, bộ đội cũng thế. Nhân viên bệnh viện, giáo viên cũng phải trên trăm triệu mới có cửa vào… Rồi công chức tỉnh, huyện, xã một cấp một giá hẳn hoi. Tóm lại nghề gì có dính hai chữ Nhà nước muốn vào đó thì phải tìm đường dây, tìm tiền để chạy.
Hiển nhiên đây là một minh chứng rõ ràng, cán bộ xứ ta không mấy khi quan tâm đến lương, thế mà họ vẫn giàu quá khích, nhà vườn triệu đô!.
Phụ huynh có con tìm việc gặp nhau câu đầu là hỏi: Đường dây bên đó là mấy rứa?. Thế à, rẻ hơn bên ny nhưng có chắc chắn không?. Họa hoằn lắm có một số cơ quan thực nhận một vài người có trình độ. Nhưng đó là những công việc khó, phải cần người giỏi, thể hiện vai trò cá nhân. Loại cán bộ nằm trong đường dây chạy việc không thể đáp ứng được. Bí thế họ mới nhận thôi
Một đứa bạn của mình mở trường tư thục, nó rất thích nhận người giỏi làm được việc thế mà mỗi năm cũng phải nhắm mắt nhận vài người do “lãnh đạo” gửi. Họ bảo con em, nhưng phải đâu vì lỡ nhận đường dây rồi, nhét không được trong hệ thống công lập nên đành phải đánh đu sang đây.
Mình có ông bạn làm công tác nội vụ, mùa thi tuyển công chức, viên chức vừa qua mình hỏi ông ta. Mùa vừa rồi anh thu nhập được mấy?. Ông ta nói với mình, giờ nói chú anh không có thì chú chả tin, mà nói có bao nhiêu thì không được với chú, thôi miễn sao đừng để kiện tụng là được?.
Cho nên vì đầu vào quá đắt như thế, nếu tính thu nhập chỉ trông chờ vào lương và các khoản thu nhập hợp lệ thì họ (những người phải bỏ tiền chạy việc) phải nhịn ăn nhịn mặc, nhịn cả đánh răng buổi sáng thấp nhất là 5 năm. Nhưng có thấy ai nhịn ăn, nhịn mặc đâu?. Thấy ai bỏ việc đâu? Và người bỏ tiền chạy việc vẫn diễn ra rầm rộ.
Họ muốn sống thì phải kiếm tiền trả nợ, nuôi sống bản thân. Họ cũng là những người kéo cày thay trâu???. Nạn nhân của những nạn nhân. Thế cho nên họ phải kiếm tiền bằng mọi cách. Đâu đó ai bảo đạo đức xã hội đang xuống cấp, đặc biệt là đạo đức trong bộ máy công quyền âu cũng là điều dễ hiểu mà thôi.
Mình định viết nữa nhưng thấy buồn quá! Thôi.