Canh thí sinh giỏi để... đánh rớt! - Dân Làm Báo

Canh thí sinh giỏi để... đánh rớt!

Chuyện tréo ngoeo từ cuộc thi “Tôi Tài Năng” trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV6)

Trần Khanh (Danlambao)Mấy hôm nay dư luận đang bức xúc về nghi vấn có tiêu cực quanh cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia 2012 dành cho học sinh phổ thông trung học (HS PTTH) trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV3) và cho rằng giải thưởng học bổng trị giá 35.000USD là quá lớn và có ý nghĩa về học thuật, cần được trao cho HS có tài năng thật sự. Tuy nhiên, ít ai biết hiện cũng có một cuộc thi dành cho HS PTTH đang diễn ra trên VTV6 với giải thưởng “khủng” gấp đôi: giải Nhất là một suất học bổng trị giá 45.000 bảng Anh (khoảng 1,5 tỷ đồng) để sang Anh học 2 năm chương trình A level, và một giải Nhì là 4 tuần du học hè tại Anh trị giá 3.500 bảng Anh (khoảng 120 triệu đồng). Tuy nhiên, cuộc thi này rất ít người biết đến và điều đáng nói là một thí sinh (TS) đã viết trên facebook của mình: Đây là một cuộc thi giả tạo và nhơ nhuốc!

Cuộc thi “Tôi Tài Năng” do kênh truyền hình VTV6 (Đài Truyền hình Việt Nam), Công ty cổ phần phát triển Truyền thông Việt Ba và Hội đồng Anh tổ chức dành cho HS Việt Nam từ lớp 10 đến lớp 12 (có thể tìm hiểu thêm trên website: www.toitainang.com.vn). Thế nhưng, cách tổ chức và chấm điểm vô cùng tùy tiện với dụng ý: “Canh” những TS mạnh nhất để… đánh rớt (?!).

Theo nhiều phụ huynh có con tham gia cuộc thi này, ban đầu họ rất tin tưởng vào sự công bằng và trung thực của cuộc thi, vì thứ nhất, trong thành phần BTC có Hội đồng Anh; thứ hai, đây là cuộc thi với phần thưởng là học bổng chứ không phải hiện kim, mà lại là học bổng để sang Anh du học, thế thì tất nhiên phải chọn TS thật sự giỏi, đặc biệt là giỏi tiếng Anh; năng động và có bản lĩnh thì mới có thể học tập tốt ở nước ngoài. Thế nhưng, sự thật lại hoàn toàn trái ngược.

Du học Anh, những xem nhẹ tiếng Anh và học thuật!

Đó là điều hết sức vô lý mà qua Thể lệ cuộc thi này, các TS, phụ huynh, thầy cô giáo và những ai được biết hoặc quan tâm đều thấy rất rõ và đều nhận định: Cách thi này không nhằm tìm ra TS giỏi thật sự và không phù hợp với mục tiêu chọn HS giỏi đi du học. BTC chỉ coi trọng hai phần thi: Năng khiếu và vài Câu hỏi trắc nghiệm “có tính chất may rủi” để dễ bề… tạo chuyện nhập nhằng; và cố tình phớt lờ phần học thuật là Khả năng tiếng Anh và các Bài luận (là phần quyết định và bắt buộc ở các cuộc thi liên quan đến học bổng du học hoặc đăng ký vào học các trường ở nước ngoài) để vô hiệu hóa thế mạnh cần thiết của những TS giỏi!

Cuộc thi kéo dài từ tháng 2-2012 đến nay. Không kể Vòng thi trực tuyến (tạm gọi là Bước 1): Mỗi TS có học lực từ khá trở lên gửi một bản đăng ký dự thi theo mẫu; trả lời 30 câu hỏi tiếng Anh qua online và gửi kèm một video clip tự giới thiệu bằng tiếng Anh, trong đó thể hiện năng khiếu bản thân (ca hát, chơi nhạc cụ, vẽ tranh, nhảy múa, thể thao…) và Vòng loại khu vực (Bước 2): TS thi năng khiếu (5 phút), sau đó trả lời một số câu hỏi của ban giám khảo (BGK- Gồm: nhà báo Diễm Quỳnh- Trưởng Ban Thanh-Thiếu niên VTV6; Hoa hậu Thế giới Người Việt năm 2007 Ngô Phương Lan; ông Loz Whittaker- Giảng viên dạy tiếng Anh ở Hội đồng Anh); từ Vòng loại (Bước 3) và Vòng bán kết (Bước 4) (vừa diễn ra trong hai ngày 24 và 25-5-2012 tại Hà Nội để đưa ra 4 TS vào Vòng chung kết (Bước 5)- dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 7-2012 tại Hà Nội), BTC và BGK đã thẳng thừng và công khai loại bỏ những TS mạnh nhất... Hành động này buộc các TS và người chứng kiến tin rằng: mục đích của nó là nhằm bảo đảm an toàn cho một kết quả chung cuộc đã được sắp đặt trước!

Phân tích Thể lệ cuộc thi ở Vòng loại (Bước 3) và Vòng bán kết (Bước 4), sẽ thấy rõ chủ ý này.

Ở Vòng loại (Bước 3), có 36 TS (22 ở miền Bắc - chủ yếu ở Hà Nội, 4 ở miền Trung và 10 ở miền Nam, dự thi tại Hà Nội). TS được chia thành 12 nhóm, mỗi nhóm 3 em. 3 TS này sẽ bốc thăm để chọn thứ tự 1,2,3 và thi các phần sau:

- Phần thi 3a, “Tôi sáng tạo”: TS thi năng khiếu (5 phút), sau đó trả lời một số câu hỏi của BGK. Ở phần thi này, điểm tối đa của mỗi GK là 10. Tuy nhiên chỉ có điểm của GKI và GKII được công bố. Điểm của GKIII được cho vào phong bì và trao cho TS giữ, sau khi thi xong phần 3b mới được mở ra.
- Phần thi 3b, “Tôi hiểu biết”: TS trả lời vài câu hỏi trắc nghiệm kiến thức thuộc ba lĩnh vực: Văn hóa-Nghệ thuật; Khoa học-Công nghệ; Ngôn ngữ-Giao tiếp. Mỗi TS có 3 câu hỏi, tổng cộng 3 TS có 9 câu hỏi. TS trả lời đúng câu hỏi của mình thì được 10 điểm/câu. Nếu trả lời sai thì hai TS còn lại có quyền bấm chuông giành trả lời. TS thứ nhì trả lời đúng thì được 5 điểm; nếu sai thì TS thứ ba có quyền trả lời, nếu đúng thì được 1 điểm (tạm gọi là “công thức” 10-5-1).

Cần lưu ý là, sau khi cộng điểm của GKI và GKII ở phần 3a, TS có số điểm cao nhất sẽ được ưu tiên chọn câu hỏi trắc nghiệm thuộc một trong ba lĩnh vực nói trên. Trường hợp cả ba TS có số điểm bằng nhau thì theo thứ tự đã bốc thăm, từng TS sẽ lần lượt chọn lĩnh vực. Điều này rất quan trọng, ưu thế sẽ thuộc về TS được quyền chọn câu hỏi thuộc lĩnh vực “mạnh” đối với mình.

Cộng điểm của hai phần thi 3a và 3b, TS nào có số điểm thấp nhất sẽ nhận “Giải ba” của nhóm đó và bị loại hẳn mà không được dự Phần thi 3c (Thi Thuyết Trình- là phần mang tính học thuật duy nhất của cuộc thi (!)- Theo BTC, cần có một TS bị “knock-out” trước để… tạo sự hấp dẫn cho… “Game-show” (?!) (vậy ra đối với BTC, một cuộc thi để trao học bổng du học chỉ được xem là một game-show!).

- Phần thi 3c (Thi Thuyết Trình): Chỉ có hai TS còn lại của mỗi nhóm được thi phần này. Mỗi TS thuyết trình trong 2 phút. Sau đó, cộng điểm của ba phần 3a, 3b và 3c, TS nào có số điểm cao nhất sẽ được đi tiếp vào vòng sau. Xin phép nhắc lại, đây là phần thi có thể nói là mang tính học thuật duy nhất trong toàn cuộc thi, là phần thi thật sự có giá trị để xác định TS giỏi nhất! Cũng cần nói rõ hơn, trước khi diễn ra Vòng loại (Bước 3), BTC đã yêu cầu các TS nộp trước một Bài luận bằng tiếng Anh, nhưng bài luận này đã không được chấm và tính điểm. Nghĩa là trong cuộc thi này, Bài luận cũng hoàn toàn không có giá trị gì!

Tương tự, ở Vòng bán kết (Bước 4), 12 TS đứng đầu 12 nhóm của Vòng loại được chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm 3 TS (lúc này còn 6 TS ở miền Bắc- trong đó có 5 TS ở Hà Nội; 2 miền Trung và 4 miền Nam; thi tại Hà Nội). Vòng này cũng có ba phần thi, tạm gọi là 4a, 4b, 4c. Chỉ khác là ở phần 4c, BTC giữ quyền ra 4 đề thi Thuyết trình cho 4 nhóm. Các TS nộp trước hai Bài luận bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Và cũng như ở Vòng loại, chỉ có 2 TS được thi Thuyết trình (lần này bằng tiếng Anh), TS bị “knock-out” sau phần 4b cũng không có cơ hội thể hiện phần thi quan trọng này.

…Điều đáng nói là nếu giải thưởng là hiện vật, hiện kim thì không đáng quan tâm, cuộc thi có thể mang nặng tính giải trí hoặc may rủi. Nhưng với một cuộc thi có phần thưởng là học bổng đi du học thì nhất thiết tính học thuật phải được đặt lên hàng đầu. Thế nhưng, như đã đề cập, BTC chỉ coi trọng việc thi năng khiếu và vài câu hỏi trắc nghiệm. Thiết nghĩ, chỉ có 9 câu hỏi trắc nghiệm cho mỗi nhóm thì chưa thể đánh giá kiến thức đầy đủ và thật sự của TS vì con số này quá nhỏ bé, không có “ý nghĩa thống kê”. Đó là chưa kể phạm vi các câu hỏi quá mênh mông, ít liên quan đến việc du học Anh (chẳng hạn: “Đàn kìm còn gọi là đàn gì?”, “Tên bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam?”, “Đâu là quê hương của nghệ thuật Tuồng?”...)

Thêm một điều đáng nói là với nhiều “bất cập” như vậy, nhưng điểm số của phần trắc nghiệm (3b) lại cao đến mức không hiểu nỗi. Nếu điểm tối đa ở mỗi phần thi 3a và 3c chỉ có 30; thì ở phần 3b, nếu TS trả lời đúng cả 3 câu hỏi của mình là đã có 30 điểm; chưa kể nếu TS này giành được quyền trả lời thêm ở những câu mà TS khác trả lời sai thì có thể “ăn thêm” khoảng 15-20 điểm nữa; vị chi chỉ riêng phần này TS đã có thể “ẵm” gần 50 điểm, hoàn toàn không cân đối với hai phần thi còn lại (trên thực tế, ở phần thi này đã có thí sinh “ẵm” gần 50 điểm, khiến tổng số điểm vượt hẳn so với các TS khác (và chưa kể là do công tác tổ chức luộm thuộm (hay cố ý?), mà chỗ ngồi của người xem được bố trí chỉ cách chỗ TS khoảng 2m. Đã có những trường hợp với “lợi thế sân nhà”, nhiều TS ở Hà Nội được người thân nhắc “vô tư” ở hầu hết các câu hỏi). (Xin nói thêm, có lẽ thấy được sự mất cân đối về điểm số, nên ở vòng thi sau, ở phần 4b, BTC đã điều chỉnh “công thức” điểm số xuống còn 5-3-1, thay vì 10-5-1 như ở phần 3b).

Dù vậy, xin được nhắc lại, một điều hết sức lạ lùng là nếu như các nền giáo dục khác rất coi trọng các Bài luận- Essay, (đặc biệt là trong việc đăng ký vào các trường đại học hoặc các kỳ thi lấy học bổng du học), thì ở cuộc thi này, các bài Essay không có giá trị gì, thậm chí bị “vô hiệu hóa”. BTC buộc TS nộp Bài luận mà các em đã viết rất công phu và nghiêm túc, nhưng không chấm và không hề tính điểm. Những TS bị “knock-out” sau phần thi 3b và 4b thì không có cơ hội được trình bày phần Thuyết Trình đã chuẩn bị (cũng rất nghiêm túc và công phu. Chưa kể các em còn làm slide hoặc phim minh họa). Nếu 9 câu hỏi ở phần 3b và 4b được xem là “kiến thức”, thể hiện “sự hiểu biết” thì những Bài Luận (của tất cả các TS-1 bài luận tiếng Anh ở Bước 3- Vòng loại và 1 bài luận tiếng Việt, 1 bài luận tiếng Anh ở Bước 4- Vòng bán kết) cũng như bài Thuyết Trình bằng tiếng Việt và bài Thuyết trình bằng tiếng Anh (của TS bị “knock-out”) ở hai vòng thi nói trên càng còn có giá trị cao hơn rất nhiều. Nhưng rất tiếc, phần học thuật duy nhất lại bị BTC “phớt lờ”. Phải chăng, vì đây chính là thế mạnh của TS giỏi? Nếu coi trọng phần thi này thì TS giỏi đã được phát hiện, làm sao có chỗ để “phù phép” cho những TS yếu nhưng đã được sắp đặt trước chen vào?!

Một cuộc thi giả tạo và nhơ nhuốc!

Đó là nhận định của thí sinh Đỗ Xuân Hoàng- một trong số ít TS “mạnh” nhất của cuộc thi đã bị loại không thương tiếc ở Bước 4- Vòng bán kết tối 25-5-2012.

* THI LỐ THỜI GIAN GẤP 3 LẦN VẪN ĐƯỢC HAI ĐIỂM 10 HOÀN HẢO VÀ MỘT ĐIỂM 9!

Xuân Hoàng là HS lớp 10, ở Hà Nội- thuộc Top 12 của cuộc thi và là 1 trong 3 TS thuộc nhóm 4. Đây là nhóm cuối cùng của Vòng bán kết sau khi ở 3 nhóm trước đã có 3 TS được đưa vào Vòng chung kết. Cùng nhóm với Xuân Hoàng là TS Tống Khánh Linh, HS lớp 12 ở Thanh Hóa và TS Trương Quốc Văn, HS lớp 10 ở TPHCM. Điều gây cảm giác “ngờ ngợ” cho những người đã theo dõi cuộc thi từ ngày đầu đến lúc này là tại sao cả Đỗ Xuân Hoàng và Trương Quốc Văn- hai trong số ít TS được xem là “mạnh nhất” trong cuộc thi này lại được xếp vào cùng một nhóm? Và không lâu sau đó, mọi câu trả lời đều được phơi bày!

Ở phần thi Năng khiếu- 4a với quy định 5 phút, mỗi TS diễn cùng một nghệ sĩ với các tiêu chí: Tiết mục sáng tạo; Có tính chất biểu diễn; Phối hợp ăn ý. Theo thứ tự bốc thăm, TS Trương Quốc Văn thi đầu tiên. 

Văn song tấu saxophone bài Besame Mucho cùng nghệ sĩ Hoàng Tùng, đáp ứng đúng thời gian quy định và thể hiện xuất sắc cả 3 tiêu chí trên, được nghệ sĩ này và cả BGK hết lời khen ngợi và khán giả tán thưởng nồng nhiệt. 

Tiếp theo là TS Khánh Linh với phần thi vẽ tranh. Trong khi trước đó có TS đề nghị cho bạn thi (ở nhóm khác) tham gia hát bè để hỗ trợ tiết mục thi của mình, nhưng BTC dứt khoát không đồng ý với lý do: “Để bảo đảm công bằng, mỗi TS chỉ được diễn cùng một nghệ sĩ do BTC mời”, thì trong phần thi vẽ của Khánh Linh có tới hai nghệ sĩ “phụ họa”, một người chơi sáo, một người chơi tam thập lục. Về phần thi của Linh, không như những người vẽ tranh khác thường đứng hoặc ngồi trước giá vẽ, người xem có thể thấy được từng đường cọ của họa sĩ, ở đây Linh trãi tấm giấy vẽ lên sàn sân khấu, và mọi người, kể cả BGK chỉ có thể nhìn thấy em quỳ gối và làm động tác “chấm các ngón tay” lên “một cái gì đó” trên sàn sân khấu (vì Linh… quên mang theo cọ vẽ!). 

Ban đầu mọi người còn hướng về sân khấu, nhưng sau 5 phút, 10 phút, 15 phút…, Linh vẫn chưa xong bài thi của mình. Em vẫn cắm cúi vẽ, không để ý gì đến chung quanh, mặc cho hai nghệ sĩ “tua đi tua lại” bài nhạc phụ họa hai ba lần trong trạng thái “sân khấu chết”; không thấy được “sự biểu diễn, sự phối hợp” nào. Khán giả và cả ê-kíp quay phim đều sốt ruột, BGK thì người ngồi ngắm móng tay, người ngồi bấm điện thoại. Mãi đến khoảng phút 17-18 gì đó, Linh mới hoàn thành phần thi. BGK dành rất nhiều lời khen cho bức tranh, nhưng cả GK Diễm Quỳnh và GK Phương Lan đều đặc biệt nhấn mạnh: Linh đã thi quá giờ quy định! (gấp hơn 3 lần- NV). 

Cuối cùng là phần thi của TS Đỗ Xuân Hoàng. Trên sân khấu là hai chiếc piano dành cho Xuân Hoàng và nghệ sĩ Văn Anh. Cả hai cùng hòa tấu piano hết sức ấn tượng tác phẩm Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi. Hoàng còn trưng bày trên sân khấu 3 bức tranh do em vẽ về cảnh vật và con người Hà Nội. Phần thi của Hoàng cũng hoàn toàn chinh phục mọi người và được BGK đánh giá rất cao. 

Sau phần thi này, BGK chụm đầu hội ý. Một người trong Công ty Việt Ba từ trong hậu trường cũng bước lên chỗ ngồi của BGK để bàn bạc. Cuối cùng, điểm số được xướng lên. Lần lượt là điểm của GKI… và GKII Phương Lan: Quốc Văn: 9- 10; Khánh Linh:….10-10 (???!!!...); Xuân Hoàng: 10-10. Nếu như với điểm số của Văn và Hoàng, mọi người đều vui vẻ chấp nhận, kể cả hai em này, thì điểm số của Linh hoàn toàn gây sốc cho mọi người có mặt tại trường quay (trừ những ai đã cố tình “nặn” ra số điểm này!). Một TS đi thi vẽ mà quên mang cọ; phạm quy với việc lố giờ gấp 3 lần theo quy định; thiếu 2/3 tiêu chí cuộc thi (không có tính biểu diễn trên sân khấu, không có tính phối hợp với nghệ sĩ phụ trợ) mà nghiễm nghiêm đạt được hai điểm 10 hoàn hảo là một điều hết sức bất thường! (Sau phần thi 4b, điểm số từ GKIII Diễm Quỳnh được TS Khánh Linh bóc ra từ phong bì cũng cao chót vót: điểm 9! (Văn: 10, Hoàng: 10). (Chắc chắn đến ngày phát sóng chương trình này (dự kiến vào lúc 10 giờ sáng ngày 2-9-2012 trên VTV 6), BTC sẽ biên tập lại, xóa bỏ phần thi lố giờ của TS Khánh Linh và bỏ cả những câu nói của hai GK Diễm Quỳnh và Phương Lan khẳng định thí TS Khánh Linh thi lố giờ để “đổi trắng thay đen” và lừa mị người xem đài. Nhưng hành động lố bịch, giả tạo và nhơ nhuốc của BTC, của BGK cuộc thi đã thể hiện rành rành trên Facebook của Xuân Hoàng, và dấu hằn trên tâm hồn trong trẻo của các em TS thì không dễ gì xóa được!

Và, nếu như ở 3 nhóm trước của Bước 4-Vòng bán kết, BGK “định đoạt” TS “Giải ba” bằng một cách đơn giản là cho em này một điểm số thật thấp, để cầm chắc em bị “knock-out” sớm, thì ở nhóm 4, vì Hoàng và Văn quá mạnh, BGK không thể dùng chiêu “đè đầu” một trong hai em này, nên “đổi chiến thuật” bằng cách nâng Linh lên hết cỡ một cách công khai, bất chấp lương tâm và thể diện của chính mình. Mấu chốt vấn đề là ở chỗ, họ chỉ cần cho TS Khánh Linh (số thứ tự 2) hơn Quốc Văn (số thứ tự 1) 1 điểm, đủ cho Khánh Linh có quyền ưu tiên chọn câu hỏi ở phần thi 4b theo lĩnh vực thế mạnh. (Ngay trong một cuộc thi công bằng, một TS nào đó được quyền ưu tiên chọn câu hỏi theo lĩnh vực thế mạnh của mình là cục diện đã có thể thay đổi, huống gì trong trường hợp này, khi BGK đã tự bộc lộ sự không công bằng bằng cách cho TS Khánh Linh hai điểm 10 hoàn hảo thì mọi người có quyền nghi ngờ là đã có sự sắp đặt rõ ràng (BGK cố tình cho Linh hơn Văn 1 điểm và Linh bằng điểm với Hoàng, trong khi Linh có số thứ tự 2, Hoàng có số thứ tự 3, thì đương nhiên Linh được ưu tiên chọn câu hỏi theo lĩnh vực thế mạnh). Tiếp nữa, theo phát hiện của Hoàng, dù Hoàng bấm chuông (giành quyền trả lời) nhiều lần nhưng chuông của Hoàng không reo, mà chuông của Linh lại reo (quan sát thấy Văn bấm chuông nhưng cũng không reo). Theo BTC, chỉ có duy nhất chuông nào bấm trước mới reo, nhưng trong câu chuyện này, khán giả có thể nghi ngờ: cả hai chuông của Hoàng và Văn đều đã bị…ngắt, nhằm ý đồ “tiệt diệt” hai TS này!

Câu chuyện vẫn còn tiếp diễn, khi Văn nhận “Giải ba” và trở thành TS bị “knock-out” từ phần 4b, lúc này điểm số của Linh và Hoàng bằng nhau. Ngỡ ngàng và tiếc nuối vì “cái chết bất ngờ” của Văn, nhưng nhìn về phía trước, mọi người vẫn cầu mong chút công bằng sẽ đến với Hoàng. Thế nhưng, khi những TS trẻ tuổi với tâm hồn trong trẻo chỉ là những “con cờ” trong một cuộc chơi đầy tính toán của những người lớn “giả tạo và nhơ nhuốc”, thì dù phần thi Thuyết trình bằng tiếng Anh của Hoàng có xuất sắc hơn Linh rất nhiều, thì cậu HS lớp 10 vẫn bị cho thấp hơn cô HS lớp 12 vừa đúng 1 điểm khít khao, đủ để Hoàng bị loại khỏi cuộc chơi và để cô HS lớp 12 được đưa vào vòng chung kết!

…Đến giờ này, cuộc thi còn lại 4 TS được đưa vào vòng chung kết (1 TS ở miền Trung; 3 ở miền Bắc - trong đó có 2 ở Hà Nội, 1 ở Thanh Hóa). Người theo dõi đặt dấu hỏi: Tại sao 2 TS mạnh như Quốc Văn và Xuân Hòang (và một vài em khác như Đức Huy (Hà Nội), Khoa Trí (Lâm Đồng); Ngọc Hà (Vũng Tàu); Phương Linh (TPHCM…) lại bị loại? (Bạn đọc có thể xem lại phần video clip tự giới thiệu của các TS này qua các đường dẫn gửi kèm dưới đây để xác tín điều này. Qua clip, mọi người sẽ hình dung được khả năng tiếng Anh, sự tự tin; thành tích học tập, rèn luyện và năng khiếu của các TS này. Ví dụ về tiếng Anh, TS Quốc Văn học lớp 10 nhưng đã đạt 105 điểm Toefl. Các TS: Xuân Hoàng, Đức Huy, Ngọc Hà… cũng rất giỏi tiếng Anh, nhiều tài và năng động. Từ những clip tự giới thiệu đầu tiên rất nghiêm túc và chất lượng đã thể hiện đây là những TS có nội lực cao và vượt trội!).

Trở lại với trường hợp của TS Khánh Linh, người theo dõi cuộc thi nhận định: Một, có thể Linh là TS thuộc diện “đối tượng được ưu ái”; Hai, Linh chỉ là “nhân vật lót đường” cho 1 trong 3 TS của các nhóm 1,2,3 đã được “đưa” vào danh sách dự vòng chung kết trước đó (Minh Trí, lớp 11, Huế; Khánh Hà, lớp 10, Hà Nội; Minh Anh, lớp 11, Hà Nội). Nếu Quốc Văn hoặc Xuân Hoàng (hoặc cả hai) vào vòng chung kết, mà theo Thể lệ được thông báo ban đầu là Vòng chung kết chỉ có hai phần thi: Năng khiếu; và bốc thăm đề tài, suy nghĩ 3 phút rồi Thuyết Trình bằng tiếng Anh tại chỗ trong 2 phút (đặc biệt vòng này BTC không còn “dùng chiêu” cho vài câu hỏi trắc nghiệm “may rủi” nữa), thì không ai “cản nổi” Quốc Văn và Xuân Hoàng sẽ thể hiện là hai TS xuất sắc nhất. E rằng lúc này có thể có mặt đại diện của đơn vị cấp học bổng- Trường Ruthin, hoặc có mặt của quan chức uy tín của Hội đồng Anh, thì BTC và BGK không thể tiếp tục “phù phép”. Vì vậy, việc để cho Văn và Hoàng “ở nhà chơi” là thượng sách. Đại biểu đến dự cũng sẽ chỉ tưởng rằng 4 em vào chung kết là 4 TS giỏi nhất của cuộc thi này. Thế là xong!!!

CÓ KHÔNG-MỘT CÂU TRẢ LỜI CHO LƯƠNG TÂM?

Có thể các bạn sẽ đặt câu hỏi: Người viết bài này là ai mà am hiểu tường tận về cuộc thi như thế? Và liệu có phải người viết có con cháu tham gia cuộc thi này, mà vì con cháu “thua”, nên “tức tối” như vậy? Xin mạn phép trả lời, tôi chỉ là một người-lớn-có-lương-tâm. Nếu năm nay con cháu tôi chưa thi, thì biết đâu chừng, nếu không có ai vạch ra sự thật này thì năm sau tôi cũng sẽ cho con cháu mình đi thi, và các cháu sẽ bị một cú “knock-out” đầu đời như Xuân Hoàng?! Quý vị có muốn con em mình bị những “người lớn đáng kính” lừa gạt như thế không? 

Tôi hình dung câu chuyện này như sau: Cá nhân, hoặc đơn vị nào đó, xin được 5 phần thưởng (ngoài giải nhất và giải nhì đã nêu còn có hai giải 3 đồng hạng và một giải “TS được BGK yêu thích nhất” với phần thưởng là một khóa học tiếng Anh tại Hội đồng Anh và một máy Ipad). Có thể 3 giải sau là “hạng ruồi”, người ta có thể “xí bùm bum”, nhưng giải nhất và nhì người ta dùng để mua bán hoặc để phân phát cho “con ông cháu cha” hay con cháu của chính họ. Và vì giải thưởng là của nước ngoài, không thể ngang nhiên mà lấy, nên người ta phải giả vờ bày ra cuộc thi rất âm thầm lặng lẽ này để “hợp thức hóa” chuyện đút túi giải thưởng. Và thương thay cho một số em HS trung học năng động, do siêng năng tìm tòi các thông tin về học bổng nên đã “mắc bẫy”, trong đó nhiều em phải “khăn gói” từ Đà Nẵng, Bảo Lộc, Sài Gòn ra Hà Nội nhiều bận để làm con rối cho “cuộc đời giật dây”! 

Làm sao không đau nếu bạn nghe con trẻ nói: “Người lớn ác quá!”. Bạn có biết có trường hợp như TS Như Ý (TPHCM), khi chỉ còn một ngày nữa là thi, BTC mới thông báo: “Phần nhạc đệm (thu đĩa sẵn) của em đã có tiếng kèn saxo, trong khi BTC có mời một nghệ sĩ thổi kèn phụ họa, vì vậy em phải đổi bài hát khác. Đổi bài dự thi vào ngày chót, Như Ý không bị “knok-out” mới lạ! Không hiểu phần “giúp vui” của nghệ sĩ là quan trọng hay tiết mục dự thi do TS chủ động chuẩn bị là quan trọng? Và cả tháng trước đó BTC đã yêu cầu TS đăng ký tiết mục và gửi kịch bản trước, sao BTC không phản hồi kịp thời? Sao BTC không nhờ một tay piano hay violon gì đó phụ trợ mà phải là tay saxo mới được, rồi viện cớ là “trùng tiếng kèn” để “hạ gục” TS?...

Một người bạn của tôi nói, cuộc thi năm nay tổ chức âm thầm quá, với giải thưởng “ngon” như vậy, năm sau nhiều người biết, chắc hẳn sẽ thu hút nhiều TS hơn. Xin thưa, với những gì đã và đang diễn ra, tôi mong rằng “trò mèo” này đến đây nên chấm dứt. TS càng đông, có nghĩa là càng có nhiều con em của chúng ta bị gạt. Nếu là người lớn có lương tâm, chúng ta hãy lên tiếng mạnh mẽ để buộc họ hạ màn!

Điều cuối cùng, chúng tôi có vài lời nhắn gửi đến BTC và BGK cuộc thi này. Đối với Công ty Việt Ba, chúng tôi cho rằng họ chỉ là những người kinh doanh, mục tiêu của họ là đồng tiền, vì vậy, không cần phải mất thì giờ thêm với họ. Điều làm cho chúng tôi tiếc nuối là qua cuộc thi này, hình ảnh cao quý của Hội đồng Anh đã mai một trong mắt của phụ huynh và HS Việt Nam. (Còn với VTV thì công chúng lại có thêm nhiều dấu hỏi!). Và với ba thành viên của BGK, theo dõi từ đầu cuộc thi, chúng tôi nhận định cả ba vị đều là những nhân vật có kiến thức, có chiều sâu và đầy tinh tế. Tôi tin chắc rằng, các vị đều nhìn thấy tất cả những điều mà chúng tôi đã thấy và đã nêu trong bài này. Thế thì điều gì đã khiến các vị có những hành động đầy thất vọng như trên? Nếu các vị không thể trả lời cho mọi người, thì xin hãy tự trả lời cho lương tâm mình vậy!!!







Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo