Giáo dục đào tạo Việt Nam: Nốt trầm không “xao xuyến” - Dân Làm Báo

Giáo dục đào tạo Việt Nam: Nốt trầm không “xao xuyến”

“Bài viết này xin thân ái tặng NĐT Đỗ Việt Khoa, thầy giáo Edu Lê Đình Hoàng cùng các nhà báo của VTV: Tạ Bích Loan, Diệp Anh, Bích Phượng – Các nhà báo: Quý Hiên (Tiền Phong), Văn Đàn – Công Định (Thanh Tra Chính Phủ), Tuyết Mai (GDTĐ), Thu Lan (SGGP), Lê Thị Mạnh (Người Đại Biểu của Nhân Dân), …cùng những người Việt Nam khác đã dũng cảm đối diện với vấn nạn thi cử gian dối trong mùa thi 2005 – 2006” - Nguyễn Thượng Long

Nguyễn Thượng Long (Danlambao) - Kỳ thi tốt nghiệp PTTH năm học 2011 – 2012 vừa kết thúc, mọi người đang chuẩn bị sẽ lại được nghe trường ca: Kỳ thi đã “THÀNH CÔNG – AN TOÀN – NGHIÊM TÚC – ĐÚNG QUY CHẾ”... thì sự kiện “Video clip Đồi Ngô – Bắc Giang” đột ngột nổ bùng làm bung bét hết tất cả. 

Lần này, không có những trường đoạn video clip quay những kẻ xâm nhập chen chúc nhau trèo tường tiếp cận phòng thi để cướp đề, để tuồn bài vào phòng thi như trong những ngày toàn dân đi thi thời kỳ trước vận động “Hai Không”. Trường thi ngày nay, nhờ “Hai Không” mà đã thành công mĩ mãn khi tạo ra được những trường thi sạch, bình yên theo tiêu chí “Trong phòng thi ẤM – Ngoài phòng thi ÊM”, nhưng qua những gì mà sự cố “Đồi Ngô” vừa phanh phui, hóa ra GD ĐT hôm nay: “Em vẫn như ngày xưa!” 

“…Vẫn là lén lút núp bóng hội phụ huynh học sinh để thu tiền “bôi trơn - chống trượt”, là tuồn đề ra ngoài, là tổ chức giải bài, là đưa máy Photo vào trường để ấn loát hàng loạt, là tận dụng tổng hợp lực lượng hành chính, bảo vệ, giáo viên sở tại để giải bài, tuồn bài vào các phòng thi, là thí sinh tha hồ quay tài liệu, tha hồ chuyển bài, giật bài của nhau trong phòng thi… đại khái là trong phòng thi, thí sinh muốn làm gì thì làm. Đặc biệt của mùa thi năm nay ở Đồi Ngô là: Giám thị khi thu bài thi cùng với thu phao để xóa sạch dấu vết. Chi tiết này cho mọi người thấy về gian dối thi cử… rõ ràng là ở thời điểm 2012…“Hậu Sinh Là Khả Úy”. 

Tôi nghĩ, sự cố clip PTTH Đồi Ngô 2012 thực sự là quả bom nhiệt hạch đã đốt cháy rụi cuộc vận động “Hai Không” mà cựu bộ trưởng bộ Giáo Dục – Đào Tạo Nguyễn Thiện Nhân đã phát động ngay sau mùa thi 2005 – 2006 và làm phá sản lời tiên tri của ông Nhân ngày ông ngồi vào chiếc ghế của ông Nguyễn Minh Hiển rằng “10 năm nữa… 2015 GD ĐT Việt Nam sẽ khác!”. Video clip Đồi Ngô 2012 đã làm rơi chiếc “Lá Nho” cuối cùng… làm lõa lồ những gì mà GD – ĐT Việt Nam vẫn đang cố tình che giấu và huyễn hoặc. 

Thói thường... khi phải đối diện với những hiện thực quá là bất ngờ, người bình thường, người có lương tâm nào cũng thấy đau xót trước những gì đã nhìn thấy, còn những người không bình thường, những người thuộc loại “Nhân chi sơ tính độc ác!...” thì chẳng có gì làm họ đau xót hết, họ nghĩ ngay tới việc phải soi, phải chiếu tướng những người đã làm lõa lồ cái sự thật mà họ muốn “…xấu xa thì phải đậy lại đó”

Trong sự cố Video clip Đồi Ngô 2012, người hiểu biết một cách sâu sắc con người Việt Nam, xã hội Việt Nam giai đoạn này, không ai vội nói năng như ông Đào Trọng Thi – Ủy viên ban thường vụ Quốc Hội, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của quốc hội đã nói. Không một lời chỉ trích những việc làm sai trái của hội đồng thi Đồi Ngô, ông nghị Thi đã tỏ ra vô cùng cay cú với những học sinh đã dũng cảm quay clip này: 

“Việc thí sinh quay phim (Camera) trong phòng thi là vi phạm quy định và phải xử lý theo luật định”.(!?) 

“Anh vi phạm kỷ luật rồi, anh lại cho rằng việc đó là vì mục đích tốt đẹp thì đó là hành động không thể chấp nhận được”(!?) 

Người am tường nền GD ĐT của Việt Nam, người thực sự có tâm với công việc, không ai nói như ông Phạm Vũ Luận Bộ trưởng bộ GD ĐT đã nói sau sự cố Đồi Ngô 2012. Ông Luận tỏ ra cũng chẳng lịch lãm, cao kiến gì hơn ông Thi khi bộc lộ mình là người hết sức hời hợt, chủ quan và mâu thuẫn khi nói: 

“Các cháu học sinh còn nhỏ tuổi, nghĩ chưa tới nên dễ bị lôi kéo làm việc sai nhưng xử lý thế nào thì phải cân nhắc theo hướng giúp các cháu nhận ra sai phạm làm bài học nhằm mục đích giúp các cháu trở thành người tốt…(!?)”. 

Thật không thể hiểu nổi, khi “Kẻ Cắp” bị bắt quả tang tại trận thì chẳng thấy ông Luận nói gì, còn người đi “bắt trộm” thì đã bị ông Luận cho lĩnh đủ với những tội danh “còn nhỏ tuổi” – “nghĩ chưa tới” – “bị lôi kéo” – “làm việc sai”, phải giúp đỡ để trở thành “Người Tốt” (!?) 

Thử hỏi, có đáng buồn không khi xuất ngôn của cả 2 ông vua giáo dục kể trên, tất nhiên không thể là những lời lẽ dung tục, thì cũng chẳng hơn gì lời của một học sinh chắc là loại cá biệt nhận xét về người đã quay video clip Đồi Ngô trên facebook của mình: 

“…Thằng này ngu. Giám thị đã thương tình 12 năm ăn học mà thả lỏng cho mày lấy cái bằng tốt nghiệp, lại còn làm cái trò mèo này nữa” và “Thằng nào mà óc chó thế?”, “Bọn Bắc Giang ngu học. Năm sau mình khổ rồi…”. 

Giáo Dục – Đào Tạo Việt Nam nhiều chục năm nay luôn tồn tại một nghịch lý quá lớn “Ai cũng hiểu, chỉ mình lãnh đạo là không hiểu!”. 

Hàng năm, lực lượng thanh tra các cấp vô cùng hùng hậu, tiêu tốn của nhân dân không biết bao là tiền bạc ngân sách để giám sát mọi hoạt động của ngành mà chưa từng bao giờ đưa ra được một phát hiện, một thông tin, một clip gian dối, tiêu cực nào tương tự những gì mà năm 2000… một thầy giáo ở THPT Trần Hưng Đạo Hà Tây đã làm. Năm 2006 thầy Đỗ Việt Khoa ở Thường Tín và thầy Lê Đình Hoàng ở Thanh Chương Nghệ An cùng với những nhà báo nổi tiếng như Tạ Bích Loan (Người Đương Thời), Diệp Anh, Bích Phượng (Giờ Cao Điểm - VTV3), Quý Hiên (Báo Tiền Phong), Văn Đàn, Công Định (Báo Thanh Tra Chính Phủ), Tuyết Mai (Báo GDTĐ), Thu Lan (Báo SGGP)… đã làm và năm nay em học sinh tên S… và thầy giáo Nguyễn Danh Ngọc ở THPT Đồi Ngô mới làm. 

Thanh Tra không những không phát hiện được điều gì, chính lực lượng này lại nỗ lực tối đa để năm nào bộ GD ĐT cũng yên tâm ăn mừng thành tích kỳ thi… đã “THÀNH CÔNG – AN TOÀN – NGHIÊM TÚC VÀ ĐÚNG QUY CHẾ”. 

Hàng năm, trước mỗi kỳ thi… giáo viên, học sinh cả nước phải học thuộc biết bao Chỉ Thị, Quy Định, Quy Chế, điều cấm này, điều cấm nọ mà… gian dối vẫn hoàn dối gian thì ra làm sao?... Chẳng lẽ như thế vẫn chưa đủ sức để nói cái mớ Quy Chế, Quy Định, Điều Cấm đó… là có vấn đề, là có chứa những yếu tố có hại cho GD ĐT hay sao? Việc làm trái cái có hại… sao lại phải xử lý thưa ông Thi – ông Luận!? 

Người quan tâm đến thời cuộc chưa ai quên ngày 1 – 5 – 2011, Tổng Thống Mỹ Obama đâu có ngại ngần việc xé rào, vi phạm tất cả những điều đã hiến định trong luật pháp Liên Bang cũng như luật pháp của các thành viên Liên Hợp Quốc, đưa lực lượng đặc biệt Mỹ vào sâu lãnh thổ Pakistan để tiêu diệt trùm khủng bố quốc tế Bin Laden, đẩy lùi âm mưu hủy diệt nền văn minh nhân loại của những kẻ hồi giáo cực đoan trong tổ chức khủng bố quốc tế mang tên Anquada. Cú xé rào chớp nhoáng đó của Obama vẫn được cả thế giới chấp nhận và ca ngợi đấy chứ. Truyện này ai cũng hiểu chỉ có mình ông Thi và ông Luận vì không hiểu “Cây Đời…” có mầu gì nên trong vụ clip Đồi Ngô, cả 2 ông đều nói những lý thuyết mang “Mầu Xám Xịt” chẳng xứng tầm là những ông vua của Giáo Dục. 

Năm 2006 sau khi 2 thầy giáo Địa Lý Đỗ Việt Khoa – Hà Tây và Lê Đình Hoàng – Nghệ An dũng cảm bước qua những Quy Định – Quy Chế phản tiến bộ… tung ra những video clip làm rung rinh ngành GD ĐT, những tiếng nói đòi kỷ luật 2 thầy dạng như tiếng nói của ông Thi, ông Luận hôm nay cũng đã vang lên hết sức cay độc và hung dữ. Nhờ truyền thông lề phải lúc đó không đến nỗi nào, nhờ ngành Giáo Dục chưa hết những Lục Vân Tiên… dư luận xã hội nghiêng về khuynh hướng coi những việc mà 2 thầy giáo đó đã làm là không khác việc ông Kim Ngọc Bí Thư Tỉnh Vĩnh Phú đã làm để cứu nền nông nghiệp Việt Nam lúc mấp mé bên bờ vực thẳm. Cuối cùng Đỗ Việt Khoa trở thành Người Đương Thời được cả nước yêu thích, Edu Lê Đình Hoàng nhận bằng khen của UBND Nghệ An… sự kiện đó đã đi đến một kết thúc phần nào là có hậu. 

Vậy thì với việc làm của học sinh S… và thầy giáo Nguyễn Danh Ngọc tác giả của video clip Đồi Ngô năm nay, được sự dìu dắt của Người Đương Thời Đỗ Việt Khoa… nếu ngành Giáo Dục không đủ can đảm để tôn vinh họ thì cũng đừng nên theo đuổi ý đồ xử lý họ. 

Thật lòng với các quý vị, nếu các quý vị lo cho cuộc vận động “Hai Không” thật, lo cho GD ĐT thật, tôi thách các quý vị mùa thi năm tới dám thực hiện 100% phòng thi trên cả nước được lắp camera giám sát để xem sao! Nói rằng không có kinh phí là không phải. Hiện nay hàng năm ngân sách rót cho GD ĐT là con số khủng chưa kể đến tiền bạc thu từ phụ huynh học sinh suốt năm học, thì số tiền để lắp đặt camera là không đáng kể. Nói vậy thôi, qua câu chuyện dưới đây, tôi biết không bao giờ quý vị dám làm điều đó: 

Sau vụ tôi phanh phui những gian dối của GD ĐT Hà Tây mùa thi 1999 – 2000 làm bẽ mặt ban lãnh đạo GD Hà Tây giữa sân trường PTTH Lê Quý Đôn, sau nhiều năm tháng ngồi chơi xơi nước… mùa thi 2006 – 2007 mùa thi cuối cùng của đời dạy học của tôi, tôi hiện diện trong tư cách là một giám thị bất đắc dĩ chứ không còn là Thanh Tra David Nguyễn Thượng Long ngày nào đi đâu cũng được cả tốp công an, an ninh văn hóa giáo dục bảo vệ, hộ tống để tôi tác nghiệp giữa các trường thi nóng bỏng nhất Hà Tây ngày đó như Quốc Oai, Xuân Mai, Thạch Thất, Phú Xuyên, Mỹ Đức… 

Hôm đó tại một phòng thi ở hội đồng thi Thanh Oai A Hà Tây, sau khi làm xong thủ tục đưa thí sinh vào phòng thi, tôi viết lên bảng đen dòng chữ nhắc nhở: 

“Nghiêm cấm thí sinh sử dụng tài liệu không được phép sử dụng!” 

Thế mà chỉ vài phút sau NCN một thứ robot mẫn cán chủ tịch hội đồng coi thi đó, muốn làm vui lòng quan thầy giám đốc sở Uông Đình Hồng vừa xa giá đến trường thi, N… hăm hở dẫn Thanh Tra bộ là 1 cán bộ giảng dạy của Đại Học Kiến Trúc ập vào đòi xóa ngay lời nhắc nhở đó (!?). Vậy thì làm sao mà các quý vị dám camera hóa 100% phòng thi trong mùa thi tới để học sinh và giáo viên không ai phải xé rào cho ra đời những video clip bắt quả tang những dối trá!? 

*** 

... Vì sao mà Giáo Dục – Đào Tạo của một dân tộc đã tự hào có nhiều ngàn năm văn hiến mà nay lại rơi vào thảm trạng tệ hại đến thế này? Hiện tượng này có liên quan gì đến hiện tượng người Việt Nam luôn nhỡ các chuyến tầu cùng nhân loại văn minh đi đến xã hội dân chủ đích thực? Tôi nghĩ là có đấy, nếu người Việt Nam thực sự có dân chủ, nếu nội lực của người Việt Nam không bị “Cùm Trói” như lúc này, chắc chắn nhân dân Việt Nam không cho phép tồn tại mô hình GD ĐT như thế này. 

Một lần học giả, nhà hoạt động chính trị xã hội Nguyễn Gia Kiểng – Nhà lãnh đạo của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, tổ chức quy tụ các trí thức yêu nước ở Pháp nói với tôi: 

“Xã hội Việt Nam đương đại thiếu những cơ sở triết học căn bản và nghiêm túc về dân chủ. Khái niệm về dân chủ đang được thả nổi, ai hiểu thế nào thì hiểu…” (NGK) 

Tôi nghĩ đúng là như vậy, ngay từ khi còn là xứ An Nam thuộc Pháp, ngoài những trí thức theo tây học lúc đó, có mấy ai biết đến những Von Te, Jăng Jắc Ru Xô, Ê mi zô la, Rô manh rô lan, Mông téc ki ơ... là ai? Có mấy ai hiểu được “TỰ DO - BÌNH ĐẲNG – BÁC ÁI” là thế nào? Lúc xã hội Việt Nam còn là chân không về những cơ sở triết học cần có để phát triển xã hội thì những người cộng sản Việt Nam theo lệnh của đệ tam quốc tế đã lấp đầy khoảng trống đó bằng những triết thuyết rất xa lạ với truyền thống dân tộc như ảo tưởng về “Một thế giới đại đồng làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu!”, “Chuyên chính vô sản phải kiên định! - Đấu tranh giai cấp phải triệt để!”. Người dân Việt Nam chưa hiểu thế nào là dân chủ, thì những dị bản của dân chủ đã tràn ngập làm họ rơi vào trạng thái mất phương hướng như: “Dân chủ tập trung!”, “Dân chủ hạn chế!”, “Làm chủ tập thể!” (Lê Duẩn)… Cuối cùng người Việt Nam hoàn toàn chẳng có một quyền gì hết khi những thiết chế bảo đảm để có Dân Chủ như: Đa Nguyên – Đa Đảng, Tam Quyền Phân Lập, Các quyền con người ở dạng phổ quát bị đập nát từ trong trứng nước, dù Hiến Pháp có nói tới thì thực tế vẫn là số KHÔNG. 

Với một đời sống tinh thần, đời sống dân chủ kiểu như thế, đời sống Giáo Dục – Đào Tạo làm sao mà có thể khá hơn được! Cũng hoàn toàn thiếu vắng một cơ sở triết học có tác dụng khai phóng, soi đường cho quá trình giáo dục, đào tạo, hình thành nhân cách con người... GD – ĐT Việt Nam đã được lấp đầy bởi những ảo tưởng vừa sai lầm vừa bệnh hoạn: “Xã hội hóa giáo dục!...” đã dẫn tới ai cũng có quyền mở trường, mở lớp, mở lò luyện thi như một kế sinh nhai. “Thương mại hóa học đường!”… đã biến Thầy Giáo thành “Thợ Dậy”, biến quá trình giáo dục, tự giáo dục thành quá trình “Bán – Mua” kiến thức theo luật chơi thương trường “Tiền trao cháo múc”, làm xuất hiện những thủ đoạn rất không mô phạm để cưỡng ép học sinh phải đến lớp học thêm… đã trở nên chuyện thường ngày của nhà giáo. Quá trình này đã góp phần hạ gục hoàn toàn uy tín cùng nhân cách của người thầy trong xã hội. 

Để tồn tại được trong cuộc nói dối triền miên, nói dối lem lém, nói dối không biết sợ hãi, nói dối vượt chỉ tiêu... lại mang mặc cảm “Ăn đã vậy rồi! Múa gậy sao đây?...”, thế là bằng mọi giá phải có thương hiệu, phải gian dối thi cử, phải vị thành tích để tiếp tục lừa dối nhân dân, phải thu tiền “Bôi Trơn” – “Chống Trượt”… nói tóm lại phải làm tất cả những gì mà ngay từ năm 2000 (với Thầy Giáo NTL), năm 2006 (với Thầy Đỗ Việt Khoa và Thầy Lê Đình Hoàng) và năm nay 2012 với học sinh S... và Thầy giáo Ngọc ở THPT Đồi Ngô Bắc Giang đã làm. 

Nền giáo dục XHCN của nhân dân - do nhân dân và vì nhân dân như thế chỉ dành cho đám quần chúng nghèo khó tối mặt lo kiếm ăn hàng ngày, còn giới đại gia, giới quan chức tư bản đỏ, giới thượng lưu mới phất nhờ tham nhũng, kể cả giới quan chức các cấp của chính ngành GD – ĐT đương đại... họ công khai good-bye, chối bỏ nền Giáo Dục này. Ngay từ bậc phổ thông, con cháu của họ đã được du học ở các nước tư bản giãy chết, để thành tài rồi phụng sự cho những đất nước nghìn lần, vạn lần “kém dân chủ” hơn Việt Nam (!?). Nghịch lý này chẳng lẽ lại chẳng nói được một điều gì? Xin gửi nghịch lý đó cho ĐCS Việt Nam, cho bà Phó Doan cùng ông Phạm Vũ Luận Bộ Trưởng của bộ GD – ĐT và rất mong nhận được từ các quý vị một hồi âm. 

Vì sự trường tồn của tổ quốc của dân tộc, tôi tin chắc rằng, điều nghịch lý này chắc chắn sẽ được xóa bỏ, ngày đó là không còn quá xa. Ngày đó, những thầy giáo, những học sinh, những nhà báo đã từng dũng cảm phanh phui trước xã hội những điều dối trá không thể chấp nhận được của GD ĐT, họ sẽ được nhìn nhận như những chiến binh đã cảm tử vì đạo học, còn lúc này họ cũng đã đi vào lịch sử của ngành nghề cao quý, của báo chí Việt Nam đương đại rồi. 

Không nên và không thể đối xử bất công với những con người dũng cảm như vậy. Tôi luôn vững tin vào điều đó.

Hà Đông tháng 6 – 2012 nhớ mãi ngày giả từ bục giảng tháng 6 -2007 



- Nguyên giáo viên GD ĐT Hòa Bình và Hà Tây 
- Nguyên Thanh Tra Giáo Dục kiêm nhiêm Hà Tây 
- Nơi ở: Đường Văn La – Phường Phú La – Hà Đông – Hà Nội 
- ĐT: 01652323836 – 0433521066 
-Email: nguyenthuonglong571@gmail.com


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo