Thân tặng bạn hữu - những người con dấn thân cho dân tộc có tương lai tươi sáng
Dưới ánh sáng của vật lý, một chiếc xe chuyển động được là do lực tác động. Luôn luôn có hai lực: lực (níu) kéo và lực đẩy. Chỉ khi nào lực đẩy lớn hơn lực kéo thì xe mới chuyển động. Để chiếc xe chuyển động nhanh chóng, thuận lợi, ngoài việc chúng ta phải gia tăng lực đẩy (chế tạo động cơ mạnh hơn, gia tăng tốc độ chuyển hóa năng lượng, thiết kế máy tinh vi, khoa học, hệ số nén khí cao hơn...), chúng ta còn phải nghĩ đến chuyện làm sao hạn chế lực kéo ở mức tối đa: phân tích, nhận diện chúng để biết chúng nằm ở đâu mà có giải pháp phù hợp, cốt yếu là hạn chế được chúng để đạt mục tiêu cốt lỗi là chuyển động của chiếc xe.
Với chiếc xe thì lực (níu) kéo có thể nằm ở chỗ: bản thân chiếc xe: trọng lượng, lực ma sát giữa các bộ phận, kết cấu xe,… yếu tố bên ngoài: lực cản của không khí, mặt đường,…. Thật vô nghĩa nếu cứ nghĩ đến chuyện chế tạo ra những chiếc động cơ siêu khỏe V6, V8 mà thân xe thì nặng nề, các ổ bi ổ trục cứng đơ, khô mỡ, thiết kế xe phản lại nguyên lý khí động học, các bộ phận phát lực, dẫn truyền cực kỳ rối rắm, tiêu hao năng lượng quá nhiều.
Các nhà khoa học, kỹ thuật họ không lãng mạn, mơ màng, ao ước chiếc xe chạy, rồi hô hào cho nó chạy, nó không chạy thì lại thất vọng, chán nản hoặc nhảy ra dùng sức đẩy nó, chỉ hoài công, mệt mỏi và nguy hiểm. Thay vì thế, họ bắt tay vào phân tích từng yếu tố, đưa ra từng giải pháp cụ thể, khoa học cho từng vấn đề. Thế là chiếc xe chạy, chạy rất ngon!
Đất nước Việt Nam chúng ta đang chuyển mình hướng đến xã hội dân chủ, pháp quyền như chiếc xe trên: luôn có lực đẩy và lực kéo. Người nhạc trưởng tài ba, ngoài trái tim nồng cháy, yêu nước, ưu tư vận mệnh dân tộc, có dòng máu anh hùng ngàn đời của tổ tiên còn phải là một nhà khoa học, phải nắm vững, phân tích chính xác các thành tố để đưa ra giải pháp phù hợp, phải lấy đại cục làm trọng. Suy cho cùng, vận động xã hội cũng là một vận động khoa học.
Chiếc xe Việt Nam có những lực đẩy và kéo nào?
Nhận diện lực đẩy và gia tăng nó:
Chúng ta thấy ngay những lực đẩy sau: Thực tiễn cuộc sống với những bất cập, sai “hệ thống” không thể chối cãi, giấu diếm vào đâu được: kinh tế lụn bại, tham nhũng, lãng phí, giáo dục, y tế, giao thông xuống cấp, cuộc sống nhân dân lầm than, chủ quyền đất nước bị đe dọa, đồng bào bị ức hiếp. Tương phản với hình ảnh trên là cuộc sống xa hoa, lãng phí của một tầng lớp nhỏ đặc quyền, đặc lợi. Dân trí ngày càng cao, lớp trẻ trí thức ngày càng có vai trò quan trọng (thế hệ 8X bắt đầu nắm kinh tế), họ có điều kiện đi nhiều, biết nhiều, có tư duy khoa học, không còn nằm trong vòng cương tỏa của niềm tin viển vông tuyệt đối như thế hệ cha ông đi trước. Chính thực tiễn cuộc sống và công nghệ truyền thông hiện đại đã gia tăng lực đẩy này.
Các nước tiên tiến đã chứng minh sự tốt đẹp của xã hội: Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan,… chính những mô hình này là thực tiễn, là giáo cụ trực quan mà muôn lời lý luận cũng không làm được, trông người mà ngẫm đến ta là một lực đẩy lớn. (Trông những cái giống ta như: Cuba, Bắc Triều Tiên còn tạo ra lực đẩy nữa).
Những lực đẩy đó chính là lực đẩy của môi trường bên ngoài, của thời đại như gió thổi, đường nghiêng, cốt lõi vẫn là động cơ của chính chiếc xe, nếu chiếc xe chuyển động nhờ những lực đó thì không bền vững, nhiều khi là nguy hiểm đưa cả chiếc xe xuống vực (Những cuộc cách mạng bùng phát, bạo động thường để lại nhiều tai hại). Động cơ quan trọng của chiếc xe này, như tôi nói trong các bài trước chính là mong muốn có cuộc sống tốt đẹp cho mình, gia đình mình, rất lo âu, sợ sệt trước viễn cảnh bị cướp đoạt, bị trắng tay, bần cùng, lao động vất vả (Chủ nghĩa cá nhân đúng đắn). Trong bài trước, tôi đã chỉ ra lực đẩy quan trọng này, nó sẽ là thành tố quyết định thắng lực kéo số 1: tham quyền, cố vị, giữ miếng ăn, giữ đặc quyền, đặc lợi. Chỉ có lòng tham mới đánh đổ lòng tham. Tôi cũng đã chỉ là phương hướng phát huy nó, rất mong bạn hữu giúp một tay để gia tăng nó, làm nền tảng cho các bước sau.
Nhận diện lực kéo và giải pháp:
Như đã nói trên, chúng ta thấy ngay lực kéo số 1: tham quyền, cố vị, giữ miếng ăn, giữ đặc quyền, đặc lợi. Bản chất con người, ngàn đời là muốn sống sướng, “ăn cây nào, rào cây đó”, ra sức bảo vệ nó. Chúng ta cần có một lực lượng mạnh hơn để đánh bật chúng ra (cũng rất quan trọng nếu có chính sách làm cho chúng cũng có lợi trong cuộc thay đổi này, khi đó lực sẽ ngược chiều nhanh chóng). Tất cả các nhân viên, công nhân làm trong các doanh nghiệp, tập đoàn, công ty nhà nước, với chủ trương tái phân phối tài sản công là một lực lượng mạnh mẽ. Vấn đề làm sao họ biết đến chủ trương này.
Việt Nam chúng ta, khác các nước: Myanma, Ai cập, Libi,… những kẻ cầm quyền hiện nay đã thừa kế gia sản “hợp pháp” là chủ nghĩa yêu nước, giải phóng dân tộc. Nói như ông Triết “chúng ta có chính nghĩa sáng ngời”. Dù gần đây có nhiều ý kiến trái chiều, nhiều sự kiện được giải mật, được đánh giá lại, nhưng dòng chảy niềm tin, tâm tư, tình cảm của toàn dân là rất lớn. Theo thời gian, lực kéo này sẽ yếu dần, nhưng hiện nay nó còn rất lớn. Kẻ cầm quyền hiện nay, luôn biết sử dụng, phát huy nó để gia tăng lực cho mình hoặc triệt thoái lực đối kháng khi gây nghi ngờ, chia rẽ, cãi vã nhau. Chủ thuyết cộng sản, tuy là một chủ thuyết sai lầm (như tôi đã chỉ ra nguyên lý chính dẫn đến sai lầm ở bài trước), nhưng tư tưởng của nó vẫn là tốt đẹp: muốn cơm no, áo ấm, công bằng,… Không phải ai cũng đủ nhận thức, kiểm chứng để thấy cái lỗi “hệ thống” của nó. Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thật sáng suốt khi khuyên Chúa Trịnh “thờ phật để ăn oản”, vì cái bóng của Lê Lợi quá lớn.
Con người, không ai tự tay cứa cổ mình: dù mình là tên tội phạm hạng nhất (Nguyễn Đức Nghĩa giết người, chặc thây vậy mà còn kêu gào khoan hồng, giảm án để được sống), rất nhiều cuộc họp, rất nhiều chủ trương, nghị quyết tốt đẹp nhưng khi thực hiện thì không được hoặc bị phản tác dụng. Nguyên nhân chính là người làm nó không có lợi, hoặc bị thiệt (Mong ông Các Mác, Lê Nin vĩ đại hiểu cái tầm thường này). Rất nhiều cán bộ, cựu chiến binh, lão thành cách mạng,.. tuy thấy tình hình đất nước, nhưng lại không muốn có sự thay đổi vì sợ bị mất quyền lợi (lương hưu, chính sách), bị bôi nhọ, bị trả thù,... Sự sợ hãi này sẽ tăng lên với việc đào bới, chửi rủa lịch sử, chửi rủa ông HCM, kêu gào phục quốc, gào thét quốc hận, truy lùng sự thật,… Có thể họ thấy sự thối nát của xã hội hiện nay, thấy cái tốt đẹp bạn nói, đồng ý với bạn,… nhưng làm thì không, có khi họ âm thầm cản bước bạn. Rất tự nhiên, ai cũng làm như thế, tôi, hay bạn cũng không muốn bị cắt cổ, đúng không? (Việc này, phải noi gương ông Putin, ông ấy thật khôn, ông Elsin anh hùng nhưng không khôn, làm cho nước Nga rối ren, kiệt quệ). Chính sách tôn trọng và giữ nguyên quyền lợi các lão thành cách mạng, cựu chiến binh rất quan trọng, không chỉ nói mà phải làm để đại cục thành công, đất nước bình yên.
Lịch sử đất mẹ chúng ta rất bi thương, cái trước kéo cái sau, nhiều khi có muốn khác đi cũng khó. Từ sự lầm than dưới thời thuộc địa, những đứa con ưu tú của đất mẹ, vì nước, vì dân, đã bắt gặp ngọn gió của thời đại, không ngại hy sinh xương máu để chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp: độc lập dân tộc, công bằng xã hội, ai cũng có cơm no, áo ấm. Hãy tìm hiểu về những người cộng sản F1: tra tấn, tù đày, hy sinh biết bao nhiêu, đến hột muối họ cũng không tham. Chúng ta cũng nên biết, có đến hơn một nửa quả địa cầu trúng ngọn gió độc của thời đại chứ không riêng gì chúng ta. Hãy chữa trị bệnh nhân trúng gió để họ khỏe mạnh, cường tráng thay vì than trời, trách đất, chỉ trích người.
Lịch sử chúng ta đã trường chinh qua đau khổ, qua chiến tranh, chết chóc, để lại di sản vô cũng nặng nề đến hôm nay, chúng ta có đến hơn 3 triệu đồng bào sống ở khắp năm châu, họ cũng là lực đẩy và cũng là lực kéo quá lớn cho sự chuyển bánh của chiếc xe lịch sử hôm nay. Chúng ta là người Việt Nam, cùng một dòng máu tổ tiên, hãy suy nghĩ làm sao gia tăng lực đẩy mà hạn chế lực kéo.
Chủ nghĩa cá nhân là một động lực vô cũng mạnh mẽ, nó tạo ra lực đẩy cũng như lực kéo vô cùng lớn. Đã là con người thì ai cũng sợ mình gặp nguy hiểm, liên lụy người thân. Như một đoàn người đang đi trên đường, gặp phải một tảng đá ngăn lối, vấn đề đoàn người là cùng nhau hất tảng đá đó để đi tiếp đến hoa thơm trái ngọt. Vì tảng đá ngăn đường nên chỉ có một số ít được qua, tha hồ hưởng hoa trái, ai cũng cố gắng mọi cách để lọt qua, nhưng tổng thể thì cũng chỉ có số ít mà thôi, chưa nói tranh giành làm bị thương, dẫm đạp lên nhau gây chết chóc. Kẻ qua được, dĩ nhiên không muốn hất đi tảng đá. Những người ở lại thì không muốn làm vì mệt nhọc, nguy hiểm mà còn mất cơ hội đi nhanh. Trong điều kiện này, một số người nhiệt tình, nghĩa khí muốn hất đi thì lại không đủ sức, có khi bị đá đè cho gãy chân, đám đông thì kêu gào, động viên, bảo giúp một tay thì né hết. Cái lối ăn hôi, chờ người khác làm rất phổ biến. Phải có chính sách, phải có ràng buộc làm sao ai cũng phải có trách nhiệm, ai cũng chung tay, khi đó hòn đá được hất đi rất nhẹ nhàng, đoàn người lại tiến bước.
Chủ trương gì, chính sách nào làm được việc trên?
Việc thứ 1: Truyền tin đến đối tượng hưởng lợi: nhân viên công ty nhà nước, giáo viên, bác sĩ, nhân viên trong các cơ quan, báo chí, truyền thông (xã hội mới, tự do báo chí, truyền thông, việc này cũng do tư nhân nắm giữ, trao tài sản hiện có ở đài báo cho những người làm ở đây). Chính sách: Có công thưởng, không làm phạt: tất cả những chia sẻ thông tin đều được lưu lại trên wall, hoặc inbox, cả ngày tháng rất rõ ràng. Đây là cơ sở để tính công trong xã hội mới, không có chuyện, không có đóng góp gì mà được hưởng: chia tài sản công, ứng cử chức vụ, miễn giảm thuế phí,... Không làm gì thì phải chịu thuế, phí cao hơn. Công nghệ thông tin hiện nay rất đơn giản để xét công cho việc đó.
Việc thứ 2: Truyền tin, chỉ là tạo ra lực lượng ủng hộ, không giải quyết được việc gì, chắc chắn phải có những cuộc xuống đường, những cuộc đụng độ, so sánh, đối đầu giữa lực lượng mới và thủ cựu. Việc này cần có người tổ chức, phát động, lãnh đạo và quần chúng ủng hộ. Đây là những hạt nhân lãnh đạo, nắm quyền công trong xã hội mới (sống có một lần, hãy dũng cảm để vinh hiển, danh tiếng cho núi sông). Họ xứng đáng được ưu tiên, được tôn trọng trong xã hội mới, phần tài sản trong công sản được chia phải xứng đáng. Chính sách cũng giống như việc truyền tin với người tham gia và không tham gia. Chứng minh bạn tham gia biểu tình rất đơn giản: chụp hình. Những người bị đàn áp, hy sinh ngoài vinh danh còn phải bồi đắp xứng đáng (Tôi không muốn ai hy sinh, chết nhưng điều này khó tránh: 100 người đầu tiên được bồi thường 10 tỷ/người, 1000 người tiếp theo 1 tỷ/người, phần tài sản này, chỉ cần tịch thu một tên chóp bu chống đối là có thừa). Kẻ ra lệnh đàn áp hoặc thực thi đàn áp phải nghiêm trị: tịch thu gia sản, nghiêm trọng bị tuyên phản quốc (nên nhớ, chỉ những tên chống đối sự chuyển mình của đất nước, ra lệnh hoặc thực thi đàn áp mới bị tịch thu gia sản, chủ trương chính là không xét lại tài sản). Nguyên lý từ ngàn xưa: “một người làm quan, cả họ được nhờ”: những người thân kẻ ra lệnh đàn áp, thực thi đàn áp cũng bị liên lụy: không có phần trong công sản, thuế, phí chịu cao hơn. (Hơi phát xít, nhưng rất cần thiết và quan trọng để tránh đổ máu, dân tộc chuyển mình trong êm thấm; một tên lãnh đạo có thể điên cuồng nhưng cả nhà, cả họ không thể điên cuồng, tránh cái suy nghĩ hy sinh đời bố, củng cố đời con; giết người điên cuồng để giữ miếng ăn).
Như chiếc xe, để chuyển động, tạo ra lực đẩy rất quan trọng, nhưng lái nó cũng quan trọng không kém. Làm sao chiếc xe chạy nhẹ nhàng, êm ái trên đường, đưa hành khách đến bờ bến hoa thơm cỏ ngọt mà không phải giằng sóc hay thậm chí lao xuống vực thẳm. Làm được việc này, đòi hỏi người cầm lái nó phải biết con đường nào để đi, phải có tầm nhìn viễn kiến dưới ánh sáng khoa học, phải biết trước từng khúc quanh, từng yếu tố bên ngoài như gió thổi, đường nghiên, nếu không chúng ta chỉ có thể rồ máy và chiếc xe lao xuống vực. Rất nhiều cuộc cách mạng đẫm máu không khác gì chiếc xe lao xuống vực. Bất hạnh cho nước Nga là Elsin đả kích hoạt được chân ga, làm chiếc Volga rồ lên, phóng đi nhưng không biết lái nó và cũng chưa nghĩ đến việc lái nó, viễn kiến con đường nó đi nên nó lao xuống vực là tất yếu, Putin phải rất vất vả kéo nó lên và mầm mống cho một Sa hoàng xuất hiện vì cái việc kéo nó lên quá khó khăn nên công cũng lớn.
Với Việt Nam, chiếc xe chúng ta sẽ chở chúng ta đi trên con đường nào, đi về đâu, những khó khăn gì đang đợi chúng ta, xin theo dõi những bài viết tiếp theo.