Suy tư! - Dân Làm Báo

Suy tư!

Đặng Chí Hùng (Danlambao) - Tôi đã thực sự suy nghĩ rất nhiều khi đặt tay lên bàn phím để viết bài này. Tôi không muốn bị coi như một kẻ “kỳ đà cản mũi” trên con đường dân chủ của nhiều người đang theo đuổi. Nhưng tôi cảm thấy mình phải viết bởi vì cảnh giác là điều không thừa trên con đường chông gai chúng ta sẽ phải đi.

Xin một lần nữa khẳng định lại: Bản thân tôi rất trân trọng cái Tâm của các chí sỹ yêu nước như Lê Cộng Định, Trần Huỳnh Duy Thức, T.s Cù Huy Hà Vũ… Thậm chí có người trong đó là chỗ tôi quen biết trực tiếp. Tôi cảm mến họ ở ý chí quyết tâm và lòng yêu nước nồng nàn. Tuy nhiên, con đường đi đến dân chủ không phải chỉ có một ngã rẽ cũng như một bài toán có nhiều cách để giải. Và tôi tự thấy có đôi điều suy tư cần tâm sự với bạn đọc xuất phát từ đáy lòng mình.

Tôi đã chuẩn bị 15 phần của “Những sự thật không thể chối bỏ”. Nhưng tôi muốn tạm thời gửi bài này để bày tỏ tâm sự của tôi với mong muốn dân tộc Việt Nam có hạnh phúc thực sự. Những suy nghĩ này là của bản thân tôi, không vì lợi ích gì ngoài việc góp sức cho dân tộc.

Bất bạo động hay bạo động?

Gần đây có một loạt bài và các ý kiến trên diễn đàn Danlambao ủng hộ việc đấu tranh theo hình thức bất bạo động. Hình thức là vận động biểu tình đòi ĐCS phải tự thoái lui. Vận động biểu tình bằng con đường dùng tiền thưởng để làm động lực. Và qua đọc bài phân tích “Tổng thống Nguyễn Tấn Dũng” tôi thấy có khá nhiều ý kiến đồng tình với việc ông Dũng làm Tổng thống, giống như cách diễn biến tại nước Nga. Tôi xin bộc bạch đôi lời.

Về hình thức bất bạo động, tôi xin khẳng định là tôi rất thích. Có gì hay hơn không phải mất mát và đổ máu mà đem lại dân chủ? Ai mà chẳng sợ chết, nhất là dân đen chúng tôi. Sợ chết cho bản thân, cho người thân là cái bản năng của con người. Tôi cũng không là ngoại lệ. Hình thức bất bạo động có cái lợi đó là không gây ra tổn thất nhiều về vật chất và con người, mang tính nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên có một điều là khi chúng ta tiến hành bất bạo động đấu tranh khác nào chúng ta dùng miệng đối đầu với quỷ dữ. Đảng cộng sản dứt khoát sẽ giữ lập trường cứng rắn để giữ vững lợi ích. Hơn thế nữa, nếu chỉ ép đảng cộng sản rời bỏ vũ đài chính trị cũng chỉ như việc giữ lại mầm họa mà thôi. Chúng ta đừng quên câu “Đảng cộng sản không thể sửa chữa”. Như vậy với hình thức này, tôi tin rằng chúng ta sẽ dừng lại ở dân chủ nửa vời như Ba Lan, Nga đang mắc phải. Tội ác của cộng sản trong quá khứ sẽ bị lãng quên bởi sự thỏa hiệp cho dân chủ. 

Tôi xin khẳng định mình không hề có thâm thù với cộng sản. Bản thân tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình có nhiều đảng viên. Tuy vậy, cái gì không thể sửa chữa chúng ta phải dẹp bỏ hoàn toàn. Đừng để “Bình mới rượu cũ”, thêm một lần đi vòng vèo cho dân tộc. Chúng ta cũng nên nhìn nhận lại quan điểm dùng tiền làm động lực đấu tranh. Tôi xin khẳng định tiền đánh đúng vào chủ nghĩa cá nhân, là động lực biểu tình. Nhưng chúng ta cũng phải thấy tiền là con dao hai lưỡi. Chúng ta đừng nên quên câu “Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng nhiều tiền”. Nếu vậy chúng ta đang treo thưởng bằng tiền “sẽ” có nếu thành công. Nhưng đảng cộng sản lại có nhiều tiền, và là tiền mặt. Để giữ ngai của mình họ chắc chắn dùng nhiều tiền hơn chúng ta để đánh lại chính chúng ta. Tôi nghĩ chúng ta nên xem xét lại vấn đề này nghiêm túc dù nó là một ý kiến không tồi.

Về quan điểm các ý kiến ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng làm tổng thống trong bối cảnh tự diễn biến. Tôi thấy cần xem lại. Vì ông Nguyễn Tấn Dũng là một kẻ nham hiểm, dùng độc tài công an trị. Nếu ông Dũng làm tổng thống chúng ta sẽ thấy một nước Việt Nam chuyển từ độc tài đảng trị sang độc tài cá nhân như kiểu Gaddaffi, Saddam mà thôi. Chúng ta không nên đi theo vết xe đổ này. Không thiếu gì nhà dân chủ có thực tài như T.s Cù Huy Hà Vũ xứng đáng làm tổng thống. Và quan trọng hơn, đó là dân chủ thực sự thì việc ai là tổng thống do dân quyết định. Nhưng không thể là Nguyễn Tấn Dũng được!

Nếu đấu tranh bạo động. Cái hại là nhãn tiền. Đấu tranh theo hình thức này sẽ gây nên hậu quả khôn lường về người cũng như vật chất. Cái được của nó là triệt bỏ hoàn toàn đảng cộng sản độc tài và là cánh tay nối dài của Trung cộng. Tôi xin khẳng định mình không ưu tiên cho hình thức đấu tranh này.

Vậy tại sao chúng ta không đi đến một biện pháp chung để có thể đoàn kết dân tộc, không đau thương mà vẫn đem lại tự do dân chủ. Đó là biện pháp bán bạo động. Chúng ta nên đề ra một phương án hành động để có thể giới hạn bạo động trong khuôn khổ nhất định. Chúng ta sẽ biểu tình đấu tranh trên internet, xuống đường biểu tình. Chúng ta sẽ thúc đẩy việc biểu tình đứng lên từ chính ngay nội lực của dân tộc. Theo tôi nghĩ để làm được việc này chúng ta phải cải thiện dân trí cho phần lớn nhân dân. Họ là những người có tiếng nói quyết định cho vận mạng của dân tộc.

Như các bài trước tôi đã phân tích, sở dĩ nhân dân ta chưa đứng lên vì họ chỉ nghĩ được rằng đảng cộng sản hiện nay tồi tệ. Họ vẫn còn vị nể cái “công lao” yêu nước và giành độc lập của đảng cộng sản và ông Hồ. Chính việc không minh bạch sự thật là điều cản trở nội lực đấu tranh. Ở đây chúng ta phải nâng cao nhận thức lịch sử cho nhân dân, hiện nay đa phần chỉ hiểu phần nổi “Hiện nay đảng xấu, xưa kia đảng tốt”. Đó là một ngộ nhận, và là bức bình phong của cộng sản để cố gắng giữ ngôi. Chúng ta, mỗi cá nhân phải tự nâng cao nhận thức lịch sử cho mình và tuyên truyền cho người thân tạo nên sức mạnh tập thể. Trả lại những gì là sự thật của lịch sử chính là chấn hưng dân trí!

Và sau khi đó, đảng cộng sản sẽ bị nhân dân đưa ra ngoài vòng pháp luật. Sở dĩ phải thế vì chúng ta thấy rằng cộng sản luôn luôn tráo trở. Các bạn chắc không cần phải suy nghĩ thêm về sự tráo trở của cộng sản trong quá khứ và hiện tại đúng không? Vậy thì để cộng sản còn tồn tại trong xã hội dân chủ chính là gieo hậu họa về sau. Chúng sẽ tìm đủ mọi cách nhằm trở lại nắm quyền, gây rối xã hội.

Hãy trả lại sự thật cho lịch sử!

Sau khi tôi viết loạt bài về  “Có nên lật lại lịch sử”“Những sự thật không thể chối bỏ” , có rất nhiều ý kiến phản đối cho rằng tôi đã lật lại lịch chẳng giúp gì cho nhân dân, là đào bới quá khứ đáng lẽ được ngủ yên. Tôi đã phản biện qua bài trước rồi. Tuy nhiên tôi cũng xin tâm sự thêm với các bạn đôi điều như sau.

Trả lại lịch sử là công bằng với quá khứ, với sự thật và với tương lại. Nó sẽ khiến cho những oan hồn trong CCRĐ, Nhân văn giai phẩm… được siêu thoát.

Trả lại sự thật lịch sử giúp nâng cao dân trí và nâng cao động lực chống độc tài.

Trả lại sự thật lịch sử cũng là lẽ phải vì trong quá khứ chúng ta đã sẵn sàng “đào mồ” những kẻ bán nước Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống thì không có lý gì chúng ta không có quyền tố cáo những kẻ bán nước cho Trung cộng như ông Hồ, ông Đồng…

Nhiều ý kiến phê phán tôi và nhiều bạn đọc, hãy để quá khứ ngủ yên, và tác giả không nên có sự hằn thù với những kẻ bán nước. Tôi xin nói điều này. Nếu bài viết của tôi về lịch sử cứ coi như không giúp gì cho việc đi đến dân chủ của nhân dân. Nhưng chí ít nó cũng là một bài biên sử. Mà một người dân tự do thì hoàn toàn có quyền tìm hiểu, nói lên chính kiến của mình về lịch sử. Tôi tự hiểu không hiểu các bạn phê phán việc lật lại quá khứ lấy tư cách gì mà đòi người dân phải hiểu sai lịch sử? Phải im lặng trước dối trá? Các bạn nên coi việc đó như là một việc biên khảo lịch sử bình thường nếu các bạn không thích.

Sự cảnh giác 

Đây thực sự là vấn đề hết sức tế nhị. Tuy nhiên với trách nhiệm một công dân Việt Nam yêu tự do, dân chủ, Tôi sẽ nêu ra đây suy nghĩ của mình. Vấn đề này tôi rất mong bạn đọc hiểu cho, hoàn toàn không có sự chụp mũ. Đơn giản là sự lo lắng và suy tư của tôi.

Có nhiều phong trào kêu gọi gửi thư kiến nghị đến các cơ quan của đảng và nhà nước. Tôi rất lo lắng vì chúng ta biết đảng cộng sản độc tài hết sức bảo thủ. Từ trước tới nay họ chưa để ai phản biện. Ngay cả những người tiếng nói lớn trong hàng ngũ của họ như đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng không được họ đáp ứng. Biết bao đơn thư của nhân dân ta, chí sĩ yêu nước như Lê Công Định, Ts Cù Huy Hà Vũ rơi vào quên lãng. Và kết cục tất cả đều bị cộng sản gắn cho một tội nào đó để đẩy vào tù. Cộng sản là độc tài, không biết lắng nghe tại sao chúng ta lại phải làm cái việc thừa thãi đó thêm nữa?

Hơn thế nữa, chúng ta đang đòi dân chủ, đòi quyền làm người. Chúng ta là những con người. Vậy quyền làm người là quyền cơ bản nhất. Chúng ta đừng nên van xin những kẻ độc tài cái quyền làm người đó. Chúng ta phải tránh lập lại những sai lầm này. Với pháp luật của cộng sản thì không có công lý và chỉ có luật rừng. Đòi hỏi công lý với cộng sản khác gì đàn gảy tai trâu.

Vấn đề cảnh báo ở đây là đảng cộng sản có rất nhiều mưu mô. Chúng thừa hiểu quy luật diệt vong tất yếu của chúng, nhưng để vớt vát sự thiệt hại sau khi sụp đổ, hạ cánh an toàn. Chúng ta cần phải đề phòng việc chúng tung gián điệp vào trong hàng ngũ những người đấu tranh cho dân chủ. 

Lực lượng này được tung vào hàng ngũ những người cổ vũ cho dân chủ. Chúng tiến hành việc cổ vũ việc công khai đấu tranh như gửi thư từ phản đối, ủng hộ thành lập những nhóm nhỏ không thông qua internet, ca ngợi những thành tích trong quá khứ của đảng cộng sản và ông Hồ. Chúng tuyên tuyền và đòi hỏi cho lịch sử là quá khứ, dĩ vãng đã qua nhằm chạy trốn tội ác của chúng. 

Mục đích của chúng là gì? Chúng sẽ làm một công đôi việc. Nếu như chúng thành công trong việc khuyến khích các nhóm đấu tranh bằng phản biện công khai thì sẽ có vô số các chí sĩ và người dân chủ bị chúng cô lập và bắt bớ. Công khai đấu tranh công lý với cộng sản chính là điều mà công an của đảng mong muốn. Chúng sẽ dễ dàng điểm mặt chỉ tên bắt người yêu nước. Việc này giống như câu chuyện chúng ta đã tự lộ mình trong thế yếu cho cộng sản dễ dàng đàn áp.

Tôi rất suy tư về vấn đề này, sau khi tôi đọc bài “Con đường Việt Nam”. Đây là một ý tưởng tốt. Nhưng tôi mong rằng các nhà đấu tranh trong nhóm này cẩn thận với những tên công an chìm của đảng cộng sản. Chúng sẽ cổ vũ cho các bạn đấu tranh bằng kiến nghị công khai, họp nhóm. Đó chính là điều chúng muốn nhằm lũng đoạn các tổ chức như thế.

Nếu như sự việc chia nhỏ để bắt bớ, đàn áp không thành công thì chúng cũng làm được việc khác. Đó là khi chúng len sâu vào hàng ngũ dân chủ, chúng sẽ lái chúng ta đến sự ngộ nhận về đảng và Hồ Chí Minh trong quá khứ. Lúc đó chúng ta dễ bị chúng đánh lừa nhằm chạy trốn tội ác. Và nếu đảng cộng sản có bị ngã ngựa thì với cái quá khứ “bịa đặt” đó, đảng cộng sản sẽ dễ dàng hạ cánh an toàn mà vẫn giữ được những gì đã cướp của nhân dân.

Trên đây là những suy tư của tôi. Có thể suy nghĩ của tôi là thừa thãi. Nhưng theo tôi, sự đóng góp ý kiến của chúng ta cho con đường chung của dân tộc không bao giờ là vô nghĩa. 

Chân thành cám ơn bạn đọc!




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo