Sáng nay tôi và gia đình đã đến thăm Thức tại trại giam Xuân Lộc. Thức vẫn khỏe và tinh thần luôn lạc quan, ánh mắt vẫn đầy niềm tin.
Tôi nói: “Long đã phát động phong trào Con đường Việt Nam đang lan tỏa rất nhanh nhưng cũng khá nhiều tranh cãi”.
Thức nói ngay: “Nhưng nó sẽ nhanh chóng đạt được niềm tin của đa số người dân”
Rồi dường như đọc được suy nghĩ của tôi hoặc là đã tiên đoán trước được tình hình, Thức nói luôn mà không chờ tôi hỏi: “Long thay mặt cho cả con và Định để phát động nó. Đây là cách duy nhất hiện nay để củng cố nội lực đất nước nhằm vượt được khủng hoảng và chiến thắng cường quyền”.
Sau đó Thức rất vui. Tôi chưa từng thấy Thức vui như vậy từ lúc vào tù.
Thức nói về củng cố nội lực khiến tôi suy nghĩ suốt trên đường về. Tới nhà tôi tìm đọc lại các bài viết của Thức liên quan đến nội lực quốc gia, trong đó có một bài rất đáng chú ý là: MỘT NĂM SAU ĐẠI HỘI X -CẢNH BÁO NHỮNG NGUY CƠ QUỐC GIA Thức đăng tải từ cuối tháng 4/2007. Bài này có những đoạn như sau:
“Người nghèo lệ thuộc người giàu, người giàu lệ thuộc quan chức, quan chức thì bị chi phối bởi những kẻ cơ hội... Sự lệ thuộc vật chất dẫn đến ý thức lệ thuộc và ích kỷ. "Thôi, lo làm mà kiếm tiền, để ý chi đến những việc đó, gặp phiền phức bây giờ" là câu nói mà nhiều người bật ra khi nghe ai đó bức xúc về những vấn đề của xã hội và chính quyền. Những ý thức và suy nghĩ độc lập ngày càng hiếm hoi làm sức đề kháng của xã hội ngày càng xuống thấp... Đáng lo hơn nữa là sự lệ thuộc suy nghĩ như vậy làm rất nhiều người, từ dân nghèo đến cả tầng lớp trung lưu hy vọng thụ động vào một sự thay đổi từ bên ngoài sẽ mang đến cho họ cuộc sống tốt đẹp hơn cả về vật chất lẫn tinh thần và quyền lợi chính trị, mà không ý thức rằng chính mình mới là nhân tố quyết định những kết quả đó. Tác động từ bên ngoài là khách quan, dù muốn hay không muốn nó vẫn tồn tại, nhưng chính sức mạnh của nội lực mới quyết định kết quả của sự tác động đó là tốt hay xấu. Với sức đề kháng của xã hội như Việt Nam hiện nay, kết quả đó sẽ là một thảm họa.”
Có lẽ tình trạng bây giờ còn nặng hơn 5 năm trước. Không chỉ trong bài viết này mà trong hầu hết những bài khác và các quyển sách của mình, Thức luôn kêu gọi xây dựng nội lực cho đất nước thông qua việc khơi dậy ý thức tự chủ cho từng công dân để mỗi người Việt Nam là một con người tự do. Như vậy quốc gia mới độc lập. Muốn vậy thì “Quyền con người phải được bảo vệ trên hết và bình đẳng”. Đó chính là mục tiêu tối thượng của phong trào Con đường Việt Nam. Đến giờ tôi hiểu rất rõ giá trị của mục tiêu này và tin tưởng sâu sắc rằng đây là cách duy nhất để củng cố nội lực của chúng ta để vượt thoát được khủng hoảng hiện nay và tiến lên dân chủ thịnh vượng cho đất nước.
Mấy ngày qua có nhiều bạn bè lo lắng hỏi tôi liệu việc phát đọng Phong trào như vậy có gây khó khăn, căng thẳng cho Thức và Định vì còn đang trong tù không. Tôi trả lời là tôi không nghĩ như vậy. Nhưng cho dù có chuyện gì xảy ra đi nữa thì những điều đó cũng không thể dập tắt được ý chí của những con người này được. Nhất là những ý chí đó đã bắt đầu tỏa sáng thành những niềm tin thắp sáng trong lòng nhiều người. Hơn nữa những ý chí và niềm tin đó đã được trui rèn và minh chứng qua thực tế. Trong bài viết được trích dẫn trên có một đoạn:
“Tai hại hơn nữa là gần đây nhà nước đứng ra phát hành trái phiếu quốc tế để vay nợ lấy tiền đổ vào các doanh nghiệp quốc doanh, các chủ nợ nước ngoài vẫn mua ào ạt các trái phiếu này dù thừa biết rằng các doanh nghiệp đó làm ăn rất kém hiệu quả. Bộ tài chính vừa trình cho thủ tướng chính phủ đề án phát hành tiếp 1 tỷ đô la Mỹ trái phiếu quốc tế để tiếp tục vay nợ cho các doanh nghiệp nhà nước, nghe đâu thủ tướng cũng sắp phê duyệt. Và còn nhiều đề án tương tự sắp được trình duyệt. Sự vỡ nợ là không thể tránh khỏi.”
Trên chính là câu chuyện phát hành trái phiếu cho Vinashin vay hơn 5 năm về trước. Tôi nhớ lại lúc đó hầu hết đều hồ hởi về sự phát triển nhanh chóng của tập đoàn này nói riêng, Việt Nam nói chung. Nghe những lời cảnh báo về sự chắc chắn vỡ nợ này thật là không dễ dàng gì vào lúc đó. Nhưng nếu nó được lắng nghe cầu thị thì có lẽ giờ này đất nước không rơi vào khủng hoảng, có gặp khó khăn đi nữa thì cũng không bị mất hàng trăm ngàn tỷ đồng để có thể giải quyết được bao nhiêu khó khăn cho dân chúng.
Cuộc khủng hoảng hiện nay đã được cảnh báo trước một cách có trách nhiệm nhưng nó vẫn xảy ra. Cảnh báo cho những nguy cơ sắp tới đây cũng đã được Thức, Long, Định đề cập trong các lời phát động và kêu gọi của phong trào Con đường Việt Nam. Nếu những điều này không được quan tâm thì tôi tin rằng chúng ta sẽ không tránh được một sự sụp đổ nặng nề.
Thân mến chào các bạn