Châu Đình An (Danlambao) – Trên trang báo lề đảng Việt Nam nóng lên vụ việc Ngài Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Leon Panetta đến thăm Cảng Cam Ranh của nước Việt Nam. Hầu như các bản tin của báo lề đảng loan tin này với tính cách phấn khích, pha lẫn dè dặt vì sợ mất lòng Trung Quốc?
Theo Tự Điển Bách Khoa thì Vịnh Cam Ranh có vị trí chiến lược tốt, nên từ thời Pháp thuộc, người Pháp đã dùng nơi đây làm căn cứ hải quân ở Đông Dương.
Vào đầu thế kỷ 20 Cam Ranh là chặng nghỉ cho hạm đội Đế quốc Nga trên đường sang Viễn Đông giao chiến với Nhật Bản năm 1905. Khi Đế quốc Nhật Bản mở cuộc bành trướng thời Đệ nhị Thế chiến thì Vịnh cam Ranh lại được trưng dụng làm địa điểm chuẩn bị cho cuộc tấn công Malaysia năm 1942.
Trong cuộc Chiến tranh Việt Nam Cam Ranh trở thành căn cứ quan trọng của Hải quân Hoa Kỳ và Hải quân Việt Nam Cộng hòa.
Sau khi hai miền Bắc Nam thống nhất thì cảng Cam Ranh được dùng làm căn cứ hải quân quan trọng của Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô trong bối cảnh Chiến tranh lạnh giữa khối Liên Xô và Hoa Kỳ. Chính phủ Xô viết chính thức ký năm 1978 một thỏa thuận với Việt Nam để thuê hải cảng này trong thời gian 25 năm. Cuối thập niên 1980, Liên Xô tan vỡ; chính phủ Nga nhận kế thừa hợp đồng đó cho tới năm 1993. Một hiệp định mới cho phép Nga tiếp tục có mặt tại Cam Ranh nhưng chủ đích căn cứ này chuyển sang làm nơi thám thính, theo dõi hoạt động của Trung Quốc còn các chiến cụ và quân nhân được rút về Nga. Còn lại là nhân viên kỹ thuật tình báo.
Trong cuộc điều đình kéo dài thời hạn thuê quân cảng Cam Ranh thì Việt Nam đòi Nga phải trả tiền thuê hằng năm là 200 triệu Mỹ kim. Chính phủ Nga không chịu điều khoản này nên ngày 2 tháng 5 năm 2002, lá cờ Nga được hạ xuống lần cuối cùng tại căn cứ Cam Ranh. Hiện tại, chính quyền cộng sản Việt Nam có dự định phát triển căn cứ này với mục đính dân sự, tương tự như chính phủ Philippines đã làm với Căn cứ không quân Clark của Mỹ.
Thực ra, sự trở lại của Mỹ lần này với sự có mặt của ông Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ và câu tuyên bố khi dạo chơi tham quan trên mặt cảng Cam Ranh, và ông Panetta đã vui vẻ nói rằng “Cảng Cam Ranh giống Cảng San Francisco, tuy nhỏ hơn” là niềm vui và sự phấn khích của người dân Việt Nam nói chung. Và như thế sau 37 năm chiếm đoạt miền Nam, đây là lần đầu tiên một vị đứng đầu quốc phòng Mỹ đến thăm cảng Cam Ranh, nơi dấu chân của quân đội Hoa Kỳ từng trú đóng.
Báo chí trong và ngoài nước loan tải sự kiện này với hình ảnh đi kèm sự tiếp đón giao hữu của viên tướng Phùng Quang Thanh, người đứng đầu quốc phòng của nhà cầm quyền Hà Nội với ông Panetta. Dù muốn dù không, đây là sự kiện quan trọng về sự có mặt của Mỹ tại Việt Nam, và chắc chắn chuyến đi này đã dàn xếp sau hậu trường chính trị giữa Mỹ và Việt Nam từ bao lâu nay.
Chúng ta trong phạm vi bài viết này, không đề cập đến tính phân tích thời sự. Chỉ chú ý đến khía cạnh là tại sao nhà cầm quyền Hà Nội cần Mỹ trong sự hiện diện và lời tuyên bố công khai là Mỹ sẽ trở lại Đông Nam Á? Trong và ngoài nước, dư luận ai cũng rõ là Hà Nội muốn lợi dụng Mỹ để chặn sự hống hách và áp lực nặng nề từ Trung Quốc về vấn đề biển Đông, và cái duy nhất của Việt Nam để chào mời Mỹ không có gì ngoài vịnh chiến lược Cam Ranh mà ngày xưa Mỹ đã đóng quân. Cho dù ông tướng vóc dáng nhà giáo Nguyễn Chí Vịnh có tuyên bố mở Cảng làm căn cứ sửa chữa tàu thuyền trong kinh tế là chuyện bình thường khi Mỹ đến, nhưng đằng sau vụ việc này có những điểm cần nói đến.
Thứ nhất chính quyền Mỹ không cần tốn công, tốn của, tốn sức, và tốn cả máu xương của quân đội Mỹ như thời VNCH mà họ vẫn có một chính quyền mang danh cộng sản Hà Nội làm tay sai Mỹ gọi dạ bảo vâng, và dễ nghe hơn các chế độ VNCH của thời Tổng Thống Diệm hoặc Tổng Thống Thiệu.
Thứ hai dư luận và truyền thông thiên tả Mỹ sẽ không có lý do gì để chống đối sự hiện diện trở lại lần này của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á Châu, và nhất là hiện diện ở Cảng Cam Ranh. Sự trở lại trong sự cầu cạnh của nhà cầm quyền Hà Nội, nói lên niềm hãnh diện của Mỹ rửa sạch vết tủi nhục của cuộc tháo chạy cuốn cờ ở Toà Đại Sứ Mỹ năm 1975.
Thứ Ba miền Bắc Việt Nam từng hô hào khi giương cao ngọn cờ đấu tranh giải phóng miền Nam và tấn công tuyên truyền miền Nam VNCH là tay sai Mỹ, tư bản dẫy chết, tư bản bóc lột, thì bây giờ chính họ đang ngày càng thể hiện vai trò tay sai Mỹ rất đắc lực và đi vào con đường “tư bản dẫy chết” qua mệnh danh “kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa” để xuất hiện nhiều tầng lớp và giai cấp giàu có thống trị dân nghèo trên đất nước chúng ta.
Thứ tư, ngày trước năm 1975, khi quân đội Mỹ đóng quân ở Cảng Cam Ranh, chính quyền VNCH đương nhiên có sự yểm trợ và lợi thế, bên cạnh người dân cũng được hưởng những quyền lợi từ căn cứ quân sự Mỹ như đi làm công nhân, thuế khoá, buôn bán hàng hoá, giao dịch kinh tế ở Cảng v.v… Nhưng nếu bây giờ, sự trở lại của Mỹ trong Cảng Cam Ranh, chắc chắn tiền bạc, mối lợi nhuận từ thuế thuê bao Cảng, từ các dịch vụ kinh tế như lưu thông tàu biển, sửa chữa tàu thuyền, hàng hoá buôn bán, chắc chắn 100% người dân Việt Nam sẽ không có một xu. Mà nguồn lợi to lớn này sẽ vào túi của đảng cầm quyền Hà Nội.
Thứ năm, nhà cầm quyền Hà Nội hớn hở vì nhất cử lưỡng tiện khi ưu ái cho Mỹ trở lại, vừa xả xú bắp với Tàu, vừa có cái dù chắn vững chắc bao bọc, vừa có thêm tiền từ các khoản vừa nêu trên. Hơn nữa, vừa củng cố được vị thế với đảng viên và người dân là chính sách và trí tuệ của họ ưu việt trong chiến lược, chiến thuật khi mời Mỹ đến Việt Nam.
Từ San Francisco đến San Cam Ranh, tuy xa mà gần, tuy mờ mờ ảo ảo nhưng rất rõ ràng trong mối quan hệ “ngắn hạn” hiện nay, bởi vì ai cũng biết rằng, chính sách quan hệ của Hoa Kỳ không có ai là kẻ thù muôn đời. Không có ai là bạn vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích của Mỹ là trên hết và số một.
Dù muốn dù không, đây là tín hiệu cho làn gió dân chủ, một khi có sự hiện diện chính danh của Hoa Kỳ ở Việt Nam.
Hà Nội dư biết chơi với Mỹ sẽ như “chơi dao có ngày đứt tay”. Nhưng họ không có sự chọn lựa nào khác, nếu không muốn viễn ảnh chế độ sụp đổ một cách nhanh chóng.