Đào Tuấn - Dù xuất thân cán bộ đoàn và “đi đến đâu văn nghệ đến đó”, đừng ai nghĩ rằng Bộ trưởng Thăng thuộc vào loại điếc không sợ súng.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa tháng trước tuyên bố “sẵn sàng” đối diện với một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm: “Đấy là quyền của Quốc hội, tôi không có quyền muốn hay không muốn. Khi Quốc hội đã quyết định bỏ phiếu tín nhiệm thì những ai được bỏ phiếu tín nhiệm đều phải chấp nhận. Còn tôi sẵn sàng làm việc này, vì đất nước, vì mục tiêu chung, mà Quốc Hội không tín nhiệm thì phải chấp nhận”.
Nhưng dù xuất thân cán bộ đoàn và “đi đến đâu văn nghệ đến đó”, đừng ai nghĩ rằng Bộ trưởng thuộc vào loại điếc không sợ súng.
Bộ trưởng Thăng đúng một điều là ông không có quyền muốn hay không muốn. Ông cũng có quyền mỉm cười, bởi theo luật, vấn đề “Mất tín nhiệm đối với cử tri” chẳng có cái gì làm thước đo cả. Có ai đó nói chuyện dư luận, hay báo chí gì đó hẳn Bộ trưởng sẽ trả lời ông không quan tâm, như ông nói từng khuyên vợ đừng có đọc báo. Bộ trưởng tự tin là phải thôi, bởi điều quan trọng là ngay cả khi “mất tín nhiệm” thật thì Quốc hội “có thể” tổ chức được một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm hay không lại là chuyện của không 5 thì cũng 10 năm nữa.
Cả tuần qua, dư luận xôn xao khi Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của QH đặt lại vấn đề tín nhiệm. Nào là sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm, bên cạnh phiếu tín nhiệm. Nào là sẽ bỏ phiếu từ cấp Bộ trưởng trở lên. Rồi thì cả Thủ tướng lẫn Chủ tịch nước. Rồi xử lý đối với những trường hợp không đạt quá bán. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền thậm chí đã lo đến chuyện “Nếu làm theo kiểu phong trào như kê khai tài sản để rồi thấy không ai có một tí tài sản nào thì mọi việc chỉ là hình thức”…Càng nghĩ càng khâm phục sự lạc quan của cả cử tri lẫn các đại biểu.
Bởi muốn là một chuyện. Được hay không lại là một chuyện khác.
Có một con số để chứng minh cho điều này: 10 năm.
10 năm trước, quyền bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được trang trọng ghi trong điểm 7 Điều 84 của Hiến pháp1992.
10 năm qua, QH chưa từng bỏ phiếu tín nhiệm dù không ít các Bộ trưởng, trưởng ngành gây bất bình dư luận xã hội, sai phạm đến mức phải từ chức, thậm chí… đi tù. Chỉ có 3 trường hợp Quốc hội áp dụng hình thức miễn nhiệm: một được thôi giữ chức vụ này để giữ một chức vụ khác cao hơn; một thôi giữ một chức vụ đã kiêm nhiệm cũng vẫn để giữ chức vụ cao hơn; và một không được Quốc hội tín nhiệm giao giữ chức vụ nữa vì đã có sai lầm, khuyết điểm. Nhưng miễn nhiệm, khác hoàn toàn bỏ phiếu tín nhiệm, gần như chỉ là một thủ tục hợp thức.
Đây là một điều bất thường trong hoàn cảnh mà có những nhiệm kỳ đại hội đảng, số cán bộ diện do Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật lên đến con số 114, trong đó có 12 Uỷ viên Trung ương. Còn sự bức xúc với cách điều hành của các vị bộ trưởng, trưởng ngành thì vô số. Mà gần và rõ ràng nhất là “chuyện anh #”.
Nguyên Chủ nhiệm VPQH Vũ Mão thật thà : Đến giờ chưa có bất cứ vị lãnh đạo nào phải đối diện với “cửa ải” tín nhiệm. Dù đã có lần chính Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH trước nghị trường đã đặt ra yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm một vị Chánh án TAND TC khi phần trả lời chất vấn của ông này không nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu Quốc hội và gây bức xúc dư luận.
Cuộc bỏ phiếu bất thành có nguyên do việc đề xuất “Chưa phải là kiến nghị bằng văn bản của 20% tổng số đại biểu Quốc hội như quy định tại Điều 12 Luật tổ chức Quốc hội năm 2002”. Hoặc chủ yếu là “việc quản lý cán bộ ở cấp này lại thuộc quyền của Bộ Chính trị”. Theo ông Mão ngay cả trong trường hợp “Bỏ phiếu tín nhiệm đạt trên 50% thì QH cũng không có quyền bãi nhiệm mà các cơ quan Đảng phải có ý kiến”. Chưa kể còn có một lý do nữa mà nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Đức Khiển đã nói rất thẳng thắn : Quốc hội tự hạn chế mình. Vì gì thì chắc ông Khiển cũng ngại giải thích.
Cứ thử hình dung xem 20% tổng số đại biểu, tức 100 đại biểu sẽ phải cùng đồng ý. Nói như Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Lê Thị Nga hôm qua, là gần như “không khả thi”. Cái sự 100 cánh tay không thể xảy ra còn bởi rất đơn giản là đại biểu QH không có quyền đứng ra vận động bỏ phiếu tín nhiệm.
Thế nên không phải không có lý khi Nguyễn Đình Quyền nói chúng ta đang quá lãng phí (thời gian) vì kể cả trong trường hợp Quốc hội xem xét thông qua Đề án này thì cũng phải sửa luật thì mới thực hiện được, và có lẽ, còn một điều ông Quyền chưa nói thẳng ra: Vì chúng ta đang bàn một việc chẳng bao giờ có thể thực hiện.
Đây chính là nguyên do cho nụ cười của Bộ trưởng Thăng, người còn lâu mới là loại “điếc không sợ súng”.