Đừng vội tin và làm theo lời thương lái Trung Quốc - Dân Làm Báo

Đừng vội tin và làm theo lời thương lái Trung Quốc

Nguyễn Văn Khải - Ông già Ôzôn (Danlambao) - Mấy phóng viên gọi điện thoại hỏi tôi rằng: Có đúng là người Trung Quốc mua cây gai ở Việt Nam về nước để làm dược liệu hay không? Tôi trả lời dứt khoát với họ: Điều này không đúng. Trong lần sang Trung Quốc gần nhất, tôi đã tới nhiều hiệu thuốc bắc hỏi, tất cả những người bán hàng đều trả lời rằng họ chưa bao giờ bán loại thuốc nào được chế từ những dây leo trong rừng to tới gần bằng cổ tay. Tương tự như năm ngoái, ở các thành phố từ Nam Ninh đến Hàng Châu, hễ có dịp là tôi lại ghé vào các hiệu thuốc bắc hỏi xem có loại thuốc nào được làm từ lá vải khô, cành vải hay không? Ở đâu cũng trả lời: Chưa có tên thuốc nào bán ở Trung Quốc được làm từ loại cây này. 

Trong nửa cuối năm 2011, dân nhiều vùng trồng vải ở Việt Nam đã thu gom lá vải khô bán cho thương lái Trung Quốc, mà người mua nói rằng để làm thuốc nam. Hơn nữa, cuối tháng 10 khi tôi lên Bắc Giang hướng dẫn bà con sử dụng năng lượng hợp lí hiệu quả, tiết kiệm và an toàn theo lời mời của Sở Khoa Học và Công Nghệ, được các cán bộ địa phương cho hay: Nhiều người đang chặt vải để bán cả cành sang Trung Quốc với giá 150.000đ/tạ. Trong bài giảng của tôi đã phải lồng vào việc tận mắt tôi thấy ở Thâm Quyến là: Ở địa phương, vùng đó họ trồng rất nhiều vải, quả tròn, đỏ tươi, không có sâu ở cuống quả; giá bán hè năm 2009 là 10 tệ/cân tức 20tệ/kg. Đổi ra tiền Việt lúc bấy giờ là 54.000đ/kg. Họ cũng bày bán dọc đường cái lớn. Chỉ có điều khác là lều căng rất đẹp, có khẩu hiệu và hộp đựng cho 500g và 1kg với hình ảnh đẹp, lời hay; chứ không bó thành từng bó bày trên bàn gỗ, tre như ở Việt Nam. Nhiều mùa đông và mùa thu tôi đi xe qua đó thấy lá vải rơi đầy mà chẳng ai thu gom. Hẳn việc thu gom này có ẩn ý gì chăng? 


Từ giữa tháng 6 đến nay, ngay cả sáng nay tôi nhận được điện thoại của nhiều người dân Bắc Giang mời lên thăm mùa vải được giá. Kĩ sư Thân Ngọc Hoàng, GĐ Trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ của Sở KHCN Bắc Giang vui vẻ báo cho tôi biết rằng: do thời tiết nên số lượng vải thu hoạch năm nay ít hơn nhiều so với năm ngoái, nhưng hiện nay là giữ mùa bà con vẫn bán tại vườn với giá khoảng 20.000đ/kg. Còn những người khác mời lên vì tôi đã giúp họ chữa chân tay miệng cho con cháu họ, hoặc cách đây nhiều năm đã giúp họ bảo quản vải, xuất khẩu vải. Đặc biệt có người cảm ơn vì nghe lời tôi, không bán cành vải - nhà bên cạnh bán cả lá lẫn cành nên năm nay chẳng thu hoạch được mấy. 

Tháng 5-2007, tôi được ông Đồng Quang Nghị, Chủ tịch mặt trận tổ quốc xã Hùng Sơn - Đại Từ - Thái Nguyên mời lên giúp dân làm chè sạch. Lặp lại cách làm đã thực hiện ở Mộc Châu ngày 13 đến 15-5-2002. Với sự giúp đỡ của anh hùng lao động Lê Xuân - bí thư huyện Mộc Châu, giống như ở Bảo Lộc trong hai ngày 3 và 4-10-2006. Tôi hướng dẫn một số hộ dùng Anolyt đuổi bọ, diệt khuẩn, nấm mốc, bào tử và bảo quản chè vừa hái về sao cho được khối lượng lớn mới đem sao chè. Nhằm tiết kiệm nhiên liệu đốt và có được chè sạch. 


Lúc ấy theo lời thương lái Trung Quốc, rất nhiều người làm chè vàng và chè bùn để bán cho họ. Tôi khuyên bà con rằng, sau khi bán cho họ được hai đợt, chè về tới Trung Quốc, người ta mới cho đăng báo rằng chè Thái Nguyên nói riêng và chè Việt Nam nói chung chất lượng thấp và mất vệ sinh, đố bà con bán được lượt thứ năm thứ sáu! Hơn nữa đến vụ sang năm sản lượng chè sẽ rất thấp vì bà con đã dùng máy cắt hết các ngọn, cắt cả tới là thứ 5 thứ 6 chứ không chỉ hái hai tôm một lá hoặc một tôm hai lá theo cách truyền thống. Bây giờ ở Đại Từ và Thái Nguyên chẳng có ai làm chè vàng, chè bùn. Còn tôi được uống nước chè xanh hãm cắm tăm, ăn cơm gạo với mấy bữa, thịt gà thả đồi, lại còn cả thanh long vừa hái từ đồi cao. Anh Bùi Văn Mão ở đội bảy dặn đi dặn lại với tôi rằng: nếu anh mua thêm được đất trồng chè, nhất định tôi phải giới thiệu để anh có được một máy Anolyt loại mới nhất vì anh đã dùng loại nước muối điện này kết quả rất tốt. 

Mua bán thì phải tiền trao cháo múc. Nếu người Việt Nam sang mua hàng ở bên Trung Quốc thì phải đặt cọc 30% người ta mới sản xuất, phải trả hết tiền, người ta mới trao hết hàng. Không lẽ gì người Việt vừa nghe người ta đặt hàng đã vội sản xuất, tệ hơn nữa là trao hết hàng cho họ, rồi đợi người ta mang tiền trả. Việc bị lừa tôm cá hoặc không được mua khoai sắn thể hiện nông dân không hiểu biết về thương mại. Còn việc mua gốc tre, lưỡi bò, sừng trâu trước đây cũng như chè bùn, chè vàng, lá vải, cành vải nhằm mục đích gì? Chỉ cần tĩnh tâm ngẫm nghĩ vài phút là biết. Cuối cùng là đừng để người ta bắt mình bò nhặt vài đồng tiền rơi của họ. Người cả tin trước sau thế nào cũng bị đòn 

Nguyễn Văn Khải - Ông già Ôzôn


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo