Vượt biên trong “thời đại mới” - Dân Làm Báo

Vượt biên trong “thời đại mới”

VietTuSaiGon (RFA Blog)Hôm 25/6 vừa qua, một vài báo tại Việt Nam đưa tin việc bắt giữ 25 người tổ chức vượt biên tại Bà Rịa - Vũng Tàu, mà cái đích của họ là sẽ đến nước Úc. Dư luận lập tức có hai luồng: Một bên tự hỏi, thời này mà cũng còn vượt biên sao? Một bên đồng tình, một Việt Nam như hiện nay, không vượt biên, mới lạ!

Với mô hình cũ, chiếc tàu cá mang số hiệu BT 93700 TS do ông Nguyễn Ngọc Lợi (52 tuổi) làm thuyền trưởng đã được cải tạo kỹ thuật nhằm đưa 25 người, chủ yếu là dân Nghệ An - đồng hương của “cha già dân tộc” - với ước mơ đến Úc. Cũng xin nhắc lại, hồi đầu tháng 6 này, cảnh sát Indonesia đã bắt giữ 50 người từ Việt Nam đang tìm đường vượt biên đến Úc, nghĩa là chuyện không khan hiếm trong thời buổi “gia nhập WTO” kiểu Việt Nam.

30 năm rồi vẫn vậy

Tác giả Nguyễn Văn Canh, khi nhìn lại cuộc đại di dân (lớn nhất trong lịch sử người Việt) qua khái niệm “thuyền nhân” sau 4/1975, cho rằng nó có mấy lý do chính (trích nguyên văn):

1) Khó khăn kinh tế trong khi nhà nước cần ngoại tệ; người ra đi chính thức và bán chính thức phải bỏ tiền và vàng ra để mua chỗ;
2) Chiếm đoạt tài sản hầu triệt hạ tầng lớp tư sản và tiểu tư sản;
3) Loại bỏ thành phần xã hội chống đối hoặc không tin cậy được như trường hợp Hoa kiều chiếm gần 10% thành phần vượt biên;
4) Gây áp lực chính trị với khối ASEAN;
5) Chấp nhận một việc đã rồi vì không thể kiểm soát được hết 1.200 km duyên hải;
6) Gây áp lực với Hoa Kỳ để buộc Hoa Kỳ thực thi lời hứa viện trợ tái thiết thời hậu chiến như ghi trong Điều 21 của Hiệp định Paris 1973;
7) Gia tăng lượng hàng hóa và hiện kim số người Việt ở hải ngoại gửi về cho thân nhân trong nước.

Với tình hình hiện nay, chúng ta có thể thêm vào vô số lý do để vượt biên, mà trong đó thiếu tự do về thân thể và tư tưởng; cơ chế chính trị lỗi thời và khó khăn về phát triển tài năng, kinh tế là nổi bật nhất.

Trong một vài năm qua, đã có những nghệ sĩ, nhà văn rời khỏi Việt Nam là do bất đồng chính kiến: đạo diễn Song Chi, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy…; riêng nhà văn trẻ Nguyễn Thị Thúy Quỳnh (quen gọi Chả Sất) đã ôm con nhỏ trốn qua Thái Lan, xin tị nạn chính trị là một trường hợp vượt biên công khai.

Tất cả những tình huống trên đây tôi xin gọi là vượt biên trực tiếp (kiểu cũ), bởi ở Việt Nam đang thịnh hành nhiều kiểu mới hơn - tạm gọi là vượt biên gián tiếp.

Chuyện phần lớn con em, gia quyến của giới lãnh đạo chóp bu Việt Nam có đến 2-3 quốc tịch, tiền nằm trong vài chục ngân hàng lớn nhỏ ở nước ngoài, nếu không phải tìm cách vượt biên gián tiếp thì gọi là gì?

Đơn cử một trường hợp nho nhỏ như Cục Điện ảnh, khi làm thất thoát (cách gọi khác của tham ô) hơn 2 triệu USD, thì lập tức kế toán chuồn ra nước ngoài, nghe nói ở đó luôn, không về nữa, vì đã có sẵn quốc tịch (?). Đây cũng chỉ là một biểu hiện của vượt biên gián tiếp. Rõ ràng họ đã có chuẩn bị từ trước.

Lớn hơn một chút, vụ Nguyễn Thanh Phượng (con gái TT Nguyễn Tấn Dũng) cùng nhóm Nguyễn Đăng Quang, Hồ Hùng Anh (Ngân hàng Techcombank) mua thành công mỏ Núi Pháo (tỉnh Thái Nguyên) với số tiền bao nhiêu chưa công bố chính thức, nhưng Thanh Phượng được trả công chính thức đến 150 triệu USD. Sau đó Đăng Quang, Hùng Anh đã bán sang tay Núi Pháo cho nước ngoài, giá bao nhiêu chưa rõ, nhưng thu ngay tiền mặt đến 450 triệu USD, nghĩa là lời 300 triệu USD. Số tiền thực tế bán Núi Pháo chẳng có lợi gì cho dân cho nước, mà tài nguyên quốc gia cũng không còn, bởi họ dùng tiền này để mua nợ cứu Vinashin - một doanh nghiệp nhà nước đại phá sản và phá hoại. Nhìn cảnh dân tình đang biểu tình chống đối quanh Núi Pháo, mới biết hành động của nhóm này không tiêu biểu cho siêu vượt biên, thì nên gọi là gì? Bởi dù họ ở ngay Việt Nam, nhưng lại ngấm ngầm đưa hết quyền lợi ra nước ngoài, đó cũng là cách vượt biên gián tiếp.

Một trong những cuộc vượt biên gián tiếp khổng lồ mà chưa ai đề cập trực tiếp đến khái niệm này, đó là nạn chảy máu chất xám. Nền giáo dục giáo điều và bệnh thành tích chẳng mấy thành công trong việc đào tạo nhân lực, vậy mà ai có chút tài năng thì đều phải tìm cách định cư nước ngoài, hoặc ít lắm cũng làm cho công ty nước ngoài, thì không phải vượt biên gián tiếp là còn gì?

Ngay các ông bà hiệu trưởng, ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục cũng luôn tự hào mình đang có nhiều sinh viên học sinh du học, mà thực chất là đang tự nhận mình quá yếu kém, chẳng dạy ra hồn nên bọn trẻ mới phải đi. Mà sự yếu kém này còn lộ rõ khi lớp trẻ ra học nước ngoài xong, những bạn học giỏi, đa phần không muốn về nước nữa, vì họ đã có cơ sở so sánh. Những trường hợp tiêu biểu như nhà vật lý hạt nhân Nguyễn Đình Đăng, nhà nông học Nguyễn Quốc Vọng, nhà toán học Ngô Bảo Châu (những người định cư ở nước ngoài có làm việc trong nước), chỉ cần nói đến lương thôi, thì đủ biết việc họ chọn nước ngoài để làm việc là đương nhiên (dù bên cạnh đó, VN còn 1001 lý do bất cập khác nữa). Những trường hợp như vừa kể thì không phải vượt biên gián tiếp, nên gọi là gì? Đúng hơn, họ bị dồn vào thế phải “siêu vượt biên”, dù trong lời ăn tiếng nói của họ (thông qua các bài viết trên blog, website) thì đủ thấy VN vẫn luôn ở trong tim. Trong trường hợp này, vượt biên là giúp Việt Nam.

Phần lớn các gia đình trung lưu, trí thức, nhà giàu… cho con cháu họ học trường quốc tế ngay từ nhỏ (đây là điều tốt và quyền chọn lựa riêng, cần được tôn trọng), nếu nhìn từ vĩ mô, không khỏi rơi nước mắt. Ai cũng biết tính cách và bản sắc gốc được định hình từ trước năm 15 tuổi, vậy mà ở cái tuổi này, học sinh đã phải chia sẻ mình để hòa đồng trong môi trường chung của văn hóa giao tiếp quốc tế (vốn bề mặt), đến khi trưởng thành, con người họ thực sự chẳng là Việt Nam, mà cũng chẳng phải là một dân tộc nào khác. Cái này phải gọi là vượt biên văn hóa, càng đau đớn hơn nữa.

Người Việt vốn sợ biển

Trong chuyện cổ tích về đánh đuổi quỷ chiếm đất, cái bóng áo cà sa ra đến bờ biển thì dừng lại, quỷ đi đâu mặc kệ. Biểu tượng này một phần nói lên tính nhân từ, hòa hiếu, một phần cho thấy sự kì thị và ghét biển, nên quỷ phải đến từ biển và về với biển.

Ngay cả chuyện cổ tích về Mai An Tiêm cũng thế, tội nặng là bị đày ra đảo hoang, nghĩa là ra biển, xem như hết đất sống. Sau này các nhà tù “nặng đô” cũng phải ở ngoài đảo, như tù Côn Đảo chẳng hạn, nghĩa là vẫn duy trì suy nghĩ: cho ra biển là xong đời.

Cái tính sợ biển này “lây” sang cả người Chăm, dù hồi xưa họ vốn thông thạo trên biển, từng dùng thuyền đánh ra tới Thăng Long. Sau sự kiện Huyền Trân Công Chúa, khi chiếm được đất, việc đầu tiên mà Đại Việt làm là cấm người Chăm đi biển vĩnh viễn, đến ngày nay thì rõ ràng họ đã mất truyền thống đi biển của mình.

Ngay cả sau này ứng xử với Trung Quốc trên biển, cũng cho thấy người Việt còn sợ biển, chưa muốn hiểu nhiều về biển.

Thế mà, khi bị o ép đến đường cùng, người Việt lại vượt biên, mà thực chất là vượt biển, là thuyền nhân. Phải nhìn thuyền nhân như dũng sĩ văn hóa và tâm linh, khi họ dám vượt qua nỗi sợ biển đã ăn sâu vào tiềm thức của mình.

Cho nên, xin đừng nhìn khoảng 100 người Việt vượt biển trong tháng 6 (mà bị bắt) là con số nhỏ, mà hãy nhìn đó như là một biểu hiện của căng thẳng cực độ. Ông bà ta nói rất hay, “nước chảy ào ào không hao bằng mội”, cái mội nước (100 thuyền nhân thời đại mới) đang là phát pháo khởi đầu cho một đớn đau mới: cuộc đại vượt biên sắp diễn ra. Bởi phần đông đã thấy đất nước này đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng, khó bề sửa đổi.

VietTuSaiGon


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo