Không xứng với biển xanh - Dân Làm Báo

Không xứng với biển xanh

Nguyễn Thượng Long (Danlambao)“Kể từ ngày nổ ra cuộc biểu tình yêu nước đầu tiên 5/6/2011, đến nay cả thẩy đã có 13 cuộc xuống đường của những người Việt Nam yêu nước ở Hà Nội và Sài Gòn, để phản đối các tham vọng bá quyền của Trung Quốc, trong đó có cả những cuộc biểu tình bầy tỏ sự ủng hộ quốc hội Việt Nam sớm ra luật biểu tình và Luật Biển. Vậy mà vẫn chưa đủ độ vang để thức tỉnh những đồng nghiệp , những thế hệ học sinh… tiếp nối thời đứng bục giảng của tôi. Họ vẫn vô tư đứng ngoài các biến động đó bằng một thái độ dửng dưng, vô cảm, Mackeno… thật là khó hiểu.(!?) 

Tôi không bất ngờ khi những biểu tượng của biểu tình yêu nước như Bùi Thị Minh Hằng, Trịnh Kim Tiến, Nguyễn Chí Đức, Huỳnh Thục Vi… bị bắt giữ, bị vô hiệu hoá ngay trong ngày 1 – 7 và việc cơ quan an ninh Việt Nam vẫn tiếp tục cầm chân tại gia các gương mặt dân chủ có nhiều ảnh hưởng tới đám đông…cũng không làm tôi phải ngạc nhiên. Nhưng, việc cụ bà Lê Hiền Đức, một Teresa của dân oan Việt Nam, đã ngoài bát thập rồi vẫn phải đảm đương vai trò là biểu tượng cho những cuộc xuống đường ở Hà Nội và tương tự điều đó…ở Sài Gòn, những gương mặt của phong trào Sinh Viên - Học Sinh Sài Gòn trước 30 – 4 – 1975, những con người của những đêm không ngủ “Hát Cho Đồng Bào Tôi Nghe ”ngày nào… nay cũng đã là các bậc trưởng thượng trong giới sĩ phu Nam Hà rồi, họ xứng đáng được nghỉ ngơi, được mọi người kính lão đắc thọ, mà nay họ vẫn phải giữ vai trò đi hàng đầu của cuộc xuống đường ở đó sáng 1 – 7 – 2012…làm tôi thấy quá bất ngờ và suy nghĩ: “Vì sao mà lứa trẻ ngày nay lại vô tình đến thế?” 

Bài viết này là một trong những nỗ lực để tôi tìm đến lời giải đáp cho điều mà tôi đã nhiều lần tự vấn mà vẫn chưa tìm được đâu là lời giải đáp cuối cùng. ”
Nguyễn Thượng Long

Các sĩ phu của Sài Gòn trong ngày biểu tình phản đối Trung Quốc 1 – 7 - 2012 

Ngày 1- 7 -2012:“Hà Nội ầm ầm rung, Sông Hồng reo” dưới cánh tay của một cụ bà đã ngoài 80 tuổi. 

Nhiều người bảo: Trong kho tàng thơ và ca khúc Việt Nam đương đại, bài thơ Biển của Xuân Diệu và ca khúc “Chuyện Tình Của Biển” (Thanh Tùng) là những sáng tác để lại nhiều tình cảm đẹp về biển thật khó quên: 

“Anh không xứng làm biển xanh, 
Nhưng anh muốn em làm bờ cát trắng …”(XD) 

và: 

“Ngày xưa biển không có cát như bây giờ 
Ngày xưa biển không có sóng vỗ bờ” (TT) 

Theo thiển nghĩ của tôi, các thi phẩm, nhạc phẩm theo Motip chuyện tình kiểu này, chỉ nẩy nở trong những ngày mà người Việt còn mải vui chơi ca hát mà quên rằng, dân tộc mình, đất nước mình, vùng Biển Đông của mình đang ẩn chứa những điều gì là phúc, là hoạ... Tôi tin là mọi người sẽ rất khác khi biết ngoài việc ban cho nhân dân Việt Nam một đường bờ biển đẹp như trong mộng, Thượng Đế còn tặng riêng cho người Việt Nam mình một trữ lượng dầu mỏ to lớn đến không ngờ. Lượng dầu đó là bao nhiêu? Xin thưa! Dư sức để vận hành nền kinh tế Trung Quốc đang ở ngôi thứ 2 thế giới với GDP 6000 tỉ USD (2001) trong suốt 30 năm nữa, còn kinh tế Việt Nam lúc này với GDP là 130 tỉ USD thua kém Trung Quốc 45 lần thì bể dầu đó dư sức để con cháu mẹ Âu Cơ yên trí vận hành trong suốt 45 x 30 = 1350 năm. 

Hình như các bậc Tiên Đế của chúng ta có biết đến điều này thì phải, nên vua Lê Thánh Tông ngay từ năm 1473 đã để lại lời nguyền trước bá quan văn võ: 

“Nếu ngươi đem một thước sông, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì phải tội tru di” 

Còn Đại Đế Trần Nhân Tôn thì nhắc nhở: 

“Cái hoạ lâu đời của ta là hoạ Trung Hoa” và “Một tấc đất của tiền nhân để lại cũng không được để lọt vào tay kẻ khác”. 

Vể ý chí chống giặc ngoại xâm bảo vệ sự vẹn toàn của đất đai cương thổ, các cụ đã để lại cho muôn đời con cháu một truyền thống ứng đối vô cùng ngoan cường trước người Trung Quốc. Nhưng!... Vì sao mà con cháu Đại Việt không có mặt trong câu lạc bộ của các chủng tộc làm chủ đại dương ngay từ những ngày đầu dựng nước?…Đây là một câu hỏi rất khó trả lời ngay cả với giới Sử Gia. 

Không biết từ bao giờ mà tâm thức người con đất Việt đã bàng bạc một nỗi niềm yếm thế: 

“Thương em, anh cũng muốn vô . 
Sợ Truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”. 

Trạng thái tâm lý buông xuôi này, không biết chúng ta nên vui hay nên buồn, nên tự hào hay nên tự ti đây! Đặt vấn đề như thế rất dễ bị mấy ông chuyên nghề tán tụng, tô hồng, chụp mũ cho là phủ nhận quá khứ, là phỉ báng ông cha, là mang giọng lưỡi thù địch đây!? 

Trên bước thiên di mở rộng bờ cõi xuống đồng bằng, các cụ ta đã nhanh chóng dừng bước bên bờ đại dương, yên tâm và an phận là cư dân của văn minh lúa nước hay chấp nhận cuộc sống chài lưới bên những luồng, lạch, kênh, rạch, quẩn quanh vụng vịnh gần bờ… mặc cho trùng khơi ngàn năm, ngày đêm sóng vỗ cho đám rợ Tây Dương mắt xanh mũi lõ dọc ngang – ngang dọc bằng tầu sắt, tầu đồng, nhả khói đen xì, nghênh ngang nhòm ngó và xỉ mắng triều đình… và giai đoạn đó, chúng ta đã mất nước từ hướng biển… là những hiện thực khó có thể bác bỏ. 

Việt Nam - Về phương diện Địa Lý, với hơn 3260 Km là bờ biển, chúng ta xứng đáng là một quốc gia mặt biển… lẽ ra chúng ta đâu phải đối diện với những hiện thực rất vô lý như sự ngang nhiên tồn tại cái “Lười Bò” chèn lấp lên Hoàng Sa và Trường Sa, những đảo này nằm trọn trong vùng biển đặc quyền Việt Nam 200 hải lý, theo luật biển quốc tế chúng ta toàn quyền quản lý. Những đảo này ngay từ thời kỳ cuối Lê đầu Nguyễn đã in dấu chân đồn trú của những người lính thú Đại Việt, mà nay ngót 90 triệu người Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước lại vẫn phải tranh đấu khốn khổ mọi bề để thoát khỏi cảnh bị triệt đường sống bên bờ một Biển Đông đang có nguy cơ phải mang tên kẻ khác!? (Biển Nam Trung Hoa). 

Trong khi đó, ngay từ những năm đầu của thiên niên kỷ thứ nhất, người Nhật ở Đông Bắc Á, người Phê ni xi (Phe’nici) hùng cứ ở miền Đông Địa Trung Hải, Người Viking, người Gô loa (Gaulois), người Xen tơ (Celt- Pro celtic)… là các bộ tộc sớm nhất cư trú ở vùng ven biển Âu Châu… về phương diện Địa Lý hải văn, xứ sở họ cũng không hơn gì chúng ta, nhưng những gì còn lưu lại trong sử sách, cho chúng ta biết, hàng ngàn năm trước, họ đã có trí vượt đại dương, làm chủ mặt biển, chinh phục những miền đất lạ, nên sau này người Anh mới có câu: “Mặt trời không bao giờ lặn trên đất đai của Anh Cát Lợi”. Cristopforo Colombo tìm ra Châu Mĩ, mở đường cho các vương triều trên bán đảo Pi rê nê (I Beria) chinh phục Tây bán cầu. Ma Gien Lan đi vòng quanh thế giới, Người Pháp vượt đại dương tìm đến Châu Phi, đến bán đảo Đông Dương để lập nên xứ Đông Dương thuộc Pháp trong đó có An Nam chúng ta. Điều đó, tổ tiên chúng ta chưa một lần nghĩ đến. 

Nêu vấn đề như thế hoàn toàn không phải là sự oán trách tiền nhân…mà là để thấy rõ cái tích cực cũng như cái hạn chế của dân tộc mình và cũng để làm rõ phần trách nhiệm của con người trong thời đại này, thể chế chính trị này, một thể chế luôn coi mình là thiên tài, là đỉnh cao của trí tuệ, là nguyên nhân của mọi thành công (!?). 

Lẽ ra ngay sau khi dành được quyền độc tôn cai trị dân tộc, người cộng sản Việt Nam phải nhanh chóng khắc phục những hạn chế có tính lịch sử của dân tộc mình, thì ngay từ 14 – 9 – 1958, ĐCS lại quá vô tư để Thủ Tướng Phạm Văn Đồng cho ra Công Hàm làm mát ruột người phương Bắc đến thế, hồn nhiên trao cho họ một vũ khí lợi hại, để họ nuôi tham vọng điên cuồng làm chủ Hoàng Sa - Trường Sa và biến Biển Đông của Việt Nam thành ao nhà, thành bản đồ 9 đoạn và hôm nay thành “lưỡi bò” của họ. Với cơ chế lãnh đạo tập thể, ai đã thảo ra những dòng chữ này? Những ai đã thông qua, nhất trí với những dòng chữ góp phần đánh mất biển xanh và đắc tội với tiền nhân như thế này: 


“Thưa đồng chí Tổng lý, Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trên mặt biển. Chúng tôi xin gửi đồng chí Tổng lý lời chào trân trọng”. 

Lại càng là vô lý hơn, hôm nay người dân yêu nước không chỉ phải tranh đấu với những kẻ bá quyền phương Bắc, họ lại phải tranh đấu không hề dễ chịu với chính những người cùng huyết thống với mình. Thật đáng buồn… qua 14 cuộc biểu tình của Nhân Sĩ, Trí Thức, Sinh Viên yêu nước vừa qua, giữa ĐCS và người biểu tình lại không có tiếng nói chung, trừ một lần ông Nguyễn Tấn Dũng nói “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam”. Tình cảm yêu nước tự nhiên của người dân bị phủ nhận, bị bôi nhọ không thương tiếc. Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo ngày 30 – 6 – 2012 vừa tự ghi điểm cho mình khi ông này coi người tham gia biểu tình yêu nước là gây rối trật tự, là người xấu!... Nói năng tuỳ tiện như thế là ông Thảo vì Việt Nam! vì Trung Quốc! hay là chỉ vì cái ghế rất cao giá của ông Thảo đây… thưa ngài chủ tịch thành phố Hà Nội! 

Cuối tháng 7 – 2011, qua loạt bài của tổ phóng viên Biển Đông của báo Đại Đoàn Kết mọi người mới biết đến lời chống chế yếu ớt của ông Phạm Văn Đồng về công hàm 1958: 

“Vì lúc đó là thời chiến nên tôi phải nói như thế !?”. (PVĐ) 

Không thể tâm phục và khẩu phục khi phải nghe lời chống chế không xứng tầm chính khách như thế. Hãy nghe tổ phóng viên Biển Đông biện minh cho ngài Phạm Văn Đồng, người ngồi ghế Thủ Tướng lâu nhất lịch sử Việt Nam: 

“Tất cả các hành động ngoại giao của Thủ Tướng Phạm Văn Đồng trong công hàm 1958 có thể hiểu là không phải là ông không nhìn thấy mọi ý đồ của Trung Quốc đối với cách mạng Việt Nam vì ông đã có kinh nghiệm trong bàn đàm phán Geneve năm 1954, khi mà Trung Quốc đã có không ít động thái rất bất lợi cho VNDCCH”. 

Sao lại mâu thuẫn tréo ngoe như thế này? Biết tỏng họ là những kẻ đầy dã tâm, mà lại vẫn tạo điều kiện cho họ thôn tính biển đảo của tổ tiên thì ra làm sao hở giời? Hãy xem báo Kim Dương Võng của Trung Quốc ngày 16 – 6 – 2007 viết gì về việc này: 

“Các đảo ở Nam Hải bao gồm quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) về lịch sử chính là lãnh thổ của TQ. TQ không chỉ có chứng cứ đầy đủ về lịch sử và pháp lý, mà cả cộng đồng quốc tế trong đó bao gồm cả VN cũng đã thừa nhận chủ quyền của TQ. Ngày 15 – 6 – 1956, khi Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao VN Ung Văn Khiêm tiếp kiến Đại biện lâm thời Lãnh sự quán TQ tại VN đã bầy tỏ: Theo các tư liệu về VN, xét về mặt lịch sử, các quần đảo Tây Sa, Nam Sa nên thuộc về lãnh thổ TQ. Khi ấy, Quyền Vụ Trưởng Vụ Châu Á Bộ ngoại giao VN Lê Lộc có mặt tại đó nói: Xét về mặt lịch sử, các quần đảo Tây Sa, Nam Sa đã thuộc TQ ngay từ đời Tống. Ngày 4 – 9 - 1958, chính phủ TQ ra tuyên bố chiều rộng lãnh hải là 12 hải lí, ngày 6 – 9- 1958, báo Nhân Dân của VN đăng chi tiết lời tuyên bố này. Ngày 14 – 9 - 1958, Thủ Tướng VN Phạm Văn Đồng đã bầy tỏ với Thủ Tướng Chu Ân Lai là thừa nhận và nhất trí với lời tuyên bố này. (Như vậy đã có 10 ngày để ĐCS Việt Nam cân nhắc trước khi ký công hàm 1958 – NTL) 

“Bản đồ thế giới” do phòng bản đồ Bộ tổng tham mưu QĐND VN vẽ năm 1960 và Atlas Bản đồ thế giới do Cục đo đạc và bản đồ thuộc Phủ Thủ tướng VN in ấn, cũng chú thích các đảo ở Nam Hải, bao gồm cả quần đảo Nam Sa thuộc lãnh thổ TQ; sách giáo khoa địa lí trong trường học phổ thông do nhà xuất bản giáo dục của VN năm 1974 đã viết ở bài “Nước CHND Trung Hoa”: “Từ các đảo Tây Sa, Nam Sa đến đảo Hải Nam, đảo Đài Loan…đã tạo thành một bức trường thành bảo vệ đại lục TQ.” 

Ngày nay, một học sinh phổ thông lực học trung bình về bộ môn Địa Lý cũng thừa hiểu thế nào là Đường cơ sở, là khái niệm Nội thuỷ, là Lãnh hải, là Vùng đặc quyền kinh tế, là Sườn lục địa, Thềm lục địa…, thừa biết nếu ta công nhận chủ quyền 12 hải lý kèm theo là một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý mà tính cho cả một chuỗi đảo từ Hải Nam xuống Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa) của Việt Nam mà TQ tuyên bố là của họ thì với công hàm 1958, ĐCS VN đã tặng cho người TQ cái “lưỡi bò” hôm nay để họ liếm sạch Biển Đông của VN rồi còn đâu là Biển Xanh để Xuân Diệu tương tư và mộng mị cùng các người đẹp: 

“Anh xin làm sóng biếc 
Hôn mãi cát vàng em…” (XD) 

Bản đồ lưỡi bò của Trung Quốc…Việt Nam mất >80 % Biển Đông 

Còn đâu cuộc giao hoan giữa biển và bờ để Thanh Tùng bồi hồi nhớ nhung một hình bóng cũ: 

Biển thức đã bao đêm, biển thấy trong mình có một trái tim 
Ôi tình yêu, tình yêu…lỗi tại tình yêu 
Nếu em! Không biêt gì về chuyện tình của biển 
Nếu thật em không biết gì!...tôi sẽ kể em nghe.” (Thanh Tùng) 

Khi “ bút đã sa…”, khi con chữ đã bay đi khắp các chân trời góc bể, ban lãnh đạo Việt Nam có nghĩ đến những hậu hoạ khôn lường sẽ đến với cả dân tộc mình? Hình như những người cộng sản Việt Nam lúc đó họ không nghĩ gì hết, ngoài những cố gắng để làm vui lòng người Trung Quốc để có được nhiều súng đạn, mũ cối, dép râu, lương khô… để được đánh thắng các đế quốc to, được làm tiền đồn của phe XHCN, để Con Lạc Cháu Hồng miền Bắc uýnh thắng Con Lạc Cháu Hồng miền Nam và có nhiều bột mì, gạo mốc để nuôi dân miền Bắc. 

Nếu ngay sau hiệp nghị Geneve 1954, nhân dân miền Bắc Việt Nam thực sự được sống trong một thể chế dân chủ đích thực, một thể chế mà: 

“Mọi chính kiến đều được lắng nghe - Mọi quan điểm đều được tôn trọng…” (Nguyễn Gia Kiểng - Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên), 

… thì người dân Việt Nam sẽ không dễ dàng cho phép xuất hiện công hàm 1958. Nhưng buồn thay, đó lại là giai đoạn mà tinh thần xã hội lại dễ dãi, thiểu năng đến như thế này: 

“Bên ni biên giới là mình – Bên tê biên giới cũng tình quê hương!” (Tố Hữu), là “Bác Mao không ở đâu xa – Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao!” (Chế Lan Viên), là “Tiếng đầu đời con gọi… Stalin !” (TH). 

Công hàm 1958… với nước cờ hớ đó, ĐCS Việt Nam đã tặng cho người Trung Quốc một thế cờ quá hiểm để họ hợp thức hoá về mặt pháp lý việc họ cưỡng chiếm Hoàng Sa năm 1974. Đến 1988, họ cũng làm thế với một phần Trường Sa và nay, họ không dấu diếm tham vọng độc chiếm hơn 80% Biển Đông, đặt người dân Việt Nam vào tình thế dù có 3260 Km bờ biển, nhưng… chỉ vì đã chót quá tin vào những giáo điều đâu đâu mà nay các dân tộc văn minh đã thẳng tay vứt vào sọt rác, chỉ vì nhẹ dạ trước tình anh em vô sản quốc tế… cùng các biến tướng rất bệnh hoạn của nó, dạng “16 chữ này – 4 chữ nọ” nên đã tự chuốc lấy nguy cơ đánh mất Biển Xanh! 

Nếu hôm nay mọi người cùng theo nhau mà cúi mặt! Cộng đồng các dân tộc Việt Nam sẽ trở thành một cộng đồng không có biển. Chúng ta từng luôn tự hào về 4000 năm lịch sử, coi Rồng – Tiên là nguồn cội của mình… với biết bao địa danh gắn liền với Rồng (Những: Thăng Long! Hạ Long! Bái Tử Long! Bạch Long Vĩ! Cửu Long! Vĩnh Long! Long An! Bình Long! Phước Long! Long Trì!…) mà nay lại không còn Biển…thế ra là “Rồng sa bãi cát…”, là “Rồng Đất…”. Điều này làm đau lòng bất cứ ai mà trong huyết quản của người đó vẫn còn tinh khôi những giọt máu của Lạc Long Quân giống Rồng và mẹ Âu Cơ giống Tiên. Những ai vẫn tin vào đời sống tâm linh, tin vào cơ trời, vận nước luôn phù trợ cho dân tộc này… dù đã từng cả ngàn năm bị Bắc thuộc mà người phương Bắc vẫn không đồng hoá nổi nòi giống này… nay vì sao mà nguy cơ mất Biển lại lù lù xuất hiện? Việt Nam vừa thông qua Luật Biển, họ lập tức giáng trả bằng ra đời “Thành Phố Tam Sa!”, bằng “Đấu thầu 9 điểm ngay trong vùng biển VN!”, “Là 4 tầu chiến của họ lùa 1 tầu CS biển VN”, “Là 30 tầu cá TQ ngang nhiên vào đánh cá trong vùng biển Trường Sa!”… 

Nỗi đau là quá lớn, là không chịu nổi, là bảo nhau phải xuống đường thôi. Người tự trọng, người yêu nước nào cũng làm thế, dân tộc nào trên thế giới này cũng phản ứng như thế. Thể chế nào, đảng phái nào, cá nhân nào vì lợi ích của cá nhân, của phe nhóm mà cấm nỗi đau này, xuyên tạc nỗi đau này…thì đó là những kẻ đã vong bản, lịch sử sẽ đời đời nguyền rủa họ. 

Lịch sử phát triển chung của nhân loại chỉ ra rằng, ngộ nhận và sai lầm không chỉ dành cho riêng một chủng tộc nào, một chính phủ nào. Chính phủ Úc đã từng dám xin lỗi thổ dân của lục điạ này, chính phủ Nhật Bản cũng đã dám xin lỗi người Nhật Bản, người Triều Tiên, người Trung Quốc… vì những lỗi lầm của họ trong chiến tranh 2… thì người cộng sản Việt Nam có gì đâu mà cố tỏ ra mình là một ngoại lệ! Trong rất nhiều điều mà người cộng sản Việt Nam sẽ phải xin lỗi nhân dân Việt Nam… chắc chắn phải có lời xin lỗi về công hàm 1958 mà bài viết này đã nói tới. 

Những chuyện này, xét cho cùng cũng là chuyện đã rồi, những người đắc tội với tiền nhân năm đó, nay cũng đã cát bụi hết rồi. Những người hôm nay đang đắc tội với ông bà tiên tổ rồi cũng chẳng thoát khỏi con đường bụi cát. Ở bên kia thế giới không biết lương tâm họ có chút cắn rứt, dằn vặt nào không… khi lớp lớp thế hệ người Việt Nam tiếp nối đã, đang và sẽ còn phải trả giá qúa đắt, quá đau cho nước cờ sai lầm này của họ./. 

Hà Đông một ngày tháng 7 – 2012. 

Nhà Báo Nguyễn Thượng Long 

- Nơi ở: Văn La – Phú La – Hà Đông – Hà nội. 
- ĐT 01652323836. 
- Email: nguyenthuonglong571@gmail.com 

Đón đọc: “Còn đâu bờ cát trắng” - (NTL) 


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo