Bút Lông - Tại cuộc hội thảo tại ĐH Quốc gia Hà Nội về sửa đổi Hiến pháp vừa diễn ra, nhiều đề xuất cho việc tăng quyền lực thực chất cho chức danh Chủ tịch nước được xem là khá thực tiễn.
Đầu năm trước, Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã đưa thêm khái niệm “kiểm soát quyền lực” vào chung cụm từ “phân công, phối hợp” quen thuộc đã nhiều năm về quan hệ giữa các nhánh lập pháp - hành pháp - tư pháp. Với yêu cầu “kiểm soát quyền lực” này, nhiều học giả đã chỉ ra rằng những quy định hiện hành của Hiến pháp về chức trách, nhiệm vụ người đứng đầu đất nước của chức danh Chủ tịch nước “rất hạn chế, chỉ mang tính hình thức”. Trong khi đó, theo các học giả, Hiến pháp lại trao cho chức danh người đứng đầu Chính phủ rất nhiều quyền, điều mà người dân lo ngại “nếu không có cơ chế để kiểm soát quyền lực hữu hiệu sẽ dễ dẫn đến tình trạng tùy tiện, thiếu trách nhiệm của bộ máy hành pháp”.
Còn nhớ gần hai năm trước khi sắp rời vị trí Chủ tịch nước, ông Nguyễn Minh Triết có kể khi nhậm chức có về thăm thầy giáo cũ hồi kháng chiến, được thầy căn dặn: “Em ra Hà Nội, tôi kỳ vọng ở em lắm. Em hồi nhỏ giỏi toán. Làm Chủ tịch nước có một bài toán khó, em phải góp phần giải cho tốt”. Ông Triết có hỏi đó là bài toán gì, thầy giáo nói: “Chống tham nhũng”. Để rồi khi sắp xong nhiệm kỳ, nguyên Chủ tịch nước tự kiểm: “Tôi tự thấy chưa làm xong nhiệm vụ đó…”.
Do đó dễ hiểu vì sao các học giả lại khẳng định Chủ tịch nước là chức vụ cao nhất của Nhà nước, thống lĩnh các lực lượng vũ trang thì chức danh này phải được nắm các bộ công lực gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao; còn Thủ tướng Chính phủ nắm những bộ còn lại và quản lý chính quyền địa phương. Có ý kiến còn đề xuất thiết chế Chủ tịch nước nên là người đứng đầu cơ quan hành pháp nhưng có tính độc lập tương đối đối với Thủ tướng và các thành viên Chính phủ.
Từ khi giành được độc lập đến nay, Nhà nước Việt Nam luôn nêu cao và theo đuổi mục tiêu là nhà nước “của dân, do dân và vì dân”. Có lẽ vì thế, một khi đã tăng quyền lực thực chất cho chức danh Chủ tịch nước, một số học giả đã yêu cầu Hiến pháp sửa đổi cần theo hướng nhân dân sẽ bỏ phiếu bầu trực tiếp chức danh này.
Đó mới là điều kiện cần và đủ cho những người như ông Triết có điều kiện giải bài toán của thầy giáo cũ và đó mới thực sự là “kiểm soát quyền lực” như Đại hội XI mong muốn.
Bút Lông