Vì sao người giàu Trung Quốc “không yêu nước”? (P.2) - Dân Làm Báo

Vì sao người giàu Trung Quốc “không yêu nước”? (P.2)

Viết Lê Quân (Doanh Nhân Sài Gòn) - Theo chuyên gia kinh tế Nouriel Roubini, kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với một “cơn bão toàn diện” vào năm 2014. Và rất có thể đây là một “chất kích thích” quyết định sự ra đi không ngoái lại của lớp người giàu và quan chức Trung Quốc.


“Nước nghèo giàu có”


Hơn một năm chịu đựng tình trạng gần như đóng băng giao dịch đã khiến cho các công ty kinh doanh bất động sản Trung Quốc trở nên "khó thở"

Trong bối cảnh lớp người giàu và quan chức ôm tiền di cư ra nước ngoài, hệ quả kinh tế trong nước sẽ ra sao?

Trước mắt, Trung Quốc có vẻ vẫn là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, nếu chỉ xét riêng về GDP. Nhưng Trung Quốc cũng là một dạng “nước nghèo giàu có” mà dễ làm cho người ta hình dung ra trạng thái bong bóng tài sản.

Bong bóng đó không chỉ tồn tại ở mặt bằng giá nhà đất đã tăng quá cao tại 70 thành phố lớn của Trung Quốc, mà còn liên quan đến hệ thống ngân hàng - nơi có mối quan hệ mật thiết với các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc với các khoản vay mượn khổng lồ.

Hẳn là thế! Từ đầu tháng 10/2011 đến nay, thị trường bất động sản của Trung Quốc bắt đầu lộ rõ tính hậu quả trầm kha của nó. Hơn một năm chịu đựng tình trạng gần như đóng băng giao dịch đã khiến cho các công ty kinh doanh bất động sản lớn nhất ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Thẩm Quyến trở nên khó thở. Nhiều doanh nghiệp nhỏ khác đã phải rúc vào bình oxy.

Còn tại thành phố Ôn Châu, trận dịch tín dụng đen bất động sản đã buộc ít nhất hai giám đốc phải tự nguyện tìm đến sự giải thoát mãi mãi - quyên sinh.

Ai cũng biết rằng một thị trường dù có mặt bằng giá sản phẩm cao nhưng thanh khoản thấp thì hãy coi chừng. Bất động sản là một thị trường đặc thù, rất đặc thù. Rất không khác với thị trường bất động sản ở Việt Nam, làn sóng đầu tư ở Trung Quốc cũng diễn biến theo kiểu “tin đồn” cùng hình ảnh tâm lý bầy đàn phổ biến. Cũng tương tự như ở Việt Nam, việc nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc sử dụng đòn bẩy tài chính được xem là vô tôi vạ và không có luật pháp nào can thiệp được.

Chính vì chuyện vay mượn ngân hàng và đòn bẩy tài chính mà đã dẫn tới hậu quả về con số nợ ít nhất 1.600 tỷ USD (theo số công bố của Ngân hàng trung ương Trung Quốc) hay 2.200 tỷ USD (theo ước tính của hãng phân tích tài chính Credit Suisse của Thụy Sĩ) mà các chính quyền địa phương còn nợ chính quyền trung ương.

Nhưng làm thế nào để trả được món nợ khổng lồ trên? Nếu vào năm 2010 luôn có khoảng 70 thành phố ở Trung Quốc dẫn đầu về sóng bất động sản, thì nay có đến phân nửa trong số đó đã chịu cảnh giảm giá, và gần hết trong số 70 thành phố chịu cảnh đóng băng toàn diện các phân khúc đất dự án và căn hộ trung - cao cấp.

Đó là câu trả lời!

Cơn bão toàn diện

Từng vài lần trong năm 2011, tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập Fitch Ratings dự báo có đến 60% khả năng Trung Quốc phải đương đầu với cuộc khủng hoảng ngân hàng vào giữa năm 2013. Tất nhiên Fitch phải xác lập những cơ sở tối thiểu và cũng phải chịu trách nhiệm cho dự báo này. Chúng ta cũng có thể liên tưởng ngay đến hệ thống doanh nghiệp bất động sản với quá nhiều căn hộ còn tồn kho và những món vay dài hạn.

Với tư cách nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, Trung Quốc cũng đương nhiên phải chịu những tác động ngược nếu Mỹ và châu Âu không thể dàn xếp ổn thỏa vấn đề nợ công xuyên lục địa. Khi đó, hiển nhiên sự khó khăn của hệ thống ngân hàng Trung Quốc cũng kéo theo tình cảnh ngân hàng phải siết nợ hàng loạt doanh nghiệp bất động sản thiếu khả năng thanh toán.

Cũng khi đó, vốn đã tích tụ sẵn nhiều mầm mống về bất công thu nhập và bất công xã hội, hậu quả về kinh tế hoàn toàn có thể trở thành giọt nước tràn ly đối với tầng lớp người nghèo ở Trung Quốc, biến thành những biến động chính trị.

“Chính phủ Trung Quốc cần phải đẩy mạnh cải tổ tài chính để ứng phó với vấn đề suy thoái” - vào đầu năm 2012, Phó thủ tướng Vương Kỳ Sơn của quốc gia này đã phải bộc lộ một phát biểu chưa có tiền lệ.

Phó thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn từng thú nhận: “Chính phủ Trung Quốc cần phải đẩy mạnh cải tổ tài chính để ứng phó với vấn đề suy thoái”

Trong con mắt của giới phân tích phương Tây, phát biểu của ông Vương là dự đoán bi quan nhất về kinh tế toàn cầu mà giới lãnh đạo Trung Quốc nêu ra từ trước đến nay.

Nhưng cải tổ như thế nào cho khu vực tài chính, khi không thể giải quyết cái gốc rễ của nó là thị trường bất động sản đóng băng và hoàn toàn thất thu?

Lời thú nhận trên của Vương Kỳ Sơn có vẻ như khá trái ngược với một tuyên bố ồn ào của chính phủ Trung Quốc vào nửa cuối năm 2011, khi khu vực Eurozone chìm đắm trong nỗi lo sợ về cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị ở Hy Lạp. Khi đó, Trung Quốc đã mạnh miệng sẽ “giải cứu châu Âu” bằng cách cho vay tiền trong số hơn 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối của quốc gia này.

Tuy nhiên sau động thái giải cứu bằng miệng trên, đã chẳng có một động tác nào xảy ra tiếp theo. Một số tờ báo của Trung Quốc còn nêu ra sự hoài nghi rằng “liệu tiền của chúng ta đổ vào châu Âu có trở về với chúng ta hay không?”. Thái độ lấp lửng và có phần quay quắt như thế đã khiến báo chí phương Tây bực bội. Có tờ báo ở Anh còn gọi Trung Quốc là “gã nhà giàu ích kỷ”.

Còn giờ đây, tự thân “gã nhà giàu ích kỷ” đang phải đối diện với những hệ quả chẳng tốt đẹp gì hơn cơn khủng hoảng nợ công đang se sắt ở châu Âu.

Từ cuối năm 2011, nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu sụt giảm thấy rõ, biểu hiện ở tốc độ tăng trưởng GDP, chỉ số xuất khẩu và những tiền đề cho cơn khủng hoảng nhà đất không biết bao giờ mới chấm dứt. Trong số đó, nợ công quốc gia - có thể còn vượt hơn cả 2.200 tỷ USD - được xem là một vấn nạn ma quái.

Trong một bài phát biểu với hãng tin CNBC tại hội nghị SALT thảo luận về xu hướng kinh tế thế giới vào tháng 5/2012, Nouriel Roubini - người từ lâu đã được ví là “chuyên gia tận thế”, một lần nữa dự báo kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với một “cơn bão toàn diện” với kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trở lại và khu vực Eurozone bắt đầu tan rã.

Từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2007, giới chuyên gia và đầu tư đã không còn dám coi thường những nhận định “điên loạn” của Roubini. Lần này, ông xác quyết: bốn nhân tố chủ chốt sẽ cùng xảy ra một lúc, bao gồm những vấn đề của Mỹ và châu Âu, xung đột vũ trang ở Iran và sự suy thoái của các thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc - sẽ tạo thành cơn bão này.

VIẾT LÊ QUÂN


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo