Chờ Mồng 2 tháng 9 - Dân Làm Báo

Chờ Mồng 2 tháng 9

Hàn Lệ Nhân (Danlambao) - Tôi biết rõ có một nơi, còn sót lại trên mặt đất, một người chết tiếp tục thống trị hàng trăm triệu người sống. Dù muốn dù không, dù trụ ở bất kỳ góc độ nào, không ai có thể phủ nhận người khuất mặt đó thuộc thành phần ngoại hạng, đáng mệnh danh là danh nhân (vì có vô số người biết tới), tuy rằng có hạng danh nhân mà điều được lưu danh nhất thực chất lại chỉ là lớp hào nhoáng do đám thợ sơn khéo tay toa rập quết thành, chẳng khác gì "có những cuốn sách mà phần tốt đẹp nhất là cái bià trước", thậm chí vỏn vẹn cái tựa.

"Chân lý là nền tảng và duyên do của sự hoàn hảo và cái đẹp: Một sự việc, dưới bất kỳ trạng thái nào, chỉ có thể hoàn hảo đẹp nếu quả thật nó là tất cả những gì nó có thể là, và nếu nó có thể có tất cả những gì nó có thể có" (theo La Rochefoucauld). Tôi trộm nghĩ, xưa nay và mãi mãi sau này, có những điều tốt đẹp, chỉ thực sự tốt đẹp khi bản thân nó không tự hoặc được hay bị âm mưu phù phép thành toàn bích. Cái trâm mạ vàng được dùng nhiều, vụng về đánh bóng hoài chóng chầy cũng lộ bản lai diện mục.

Gác lại những quan điểm, định kiến, lỗi lầm, ân oán (nếu có), chỉ bình tâm giữ lại cương vị con người trần trụi cùng chung huyết thống máu đỏ da vàng, theo tôi, người khuất mặt kia gẫm cho cùng thật đáng thương vô vàn trong tình huống kẻ nâng thì như nâng trứng, người bứng thì như bứng cây. Vả lại "người chết vốn câm" cho nên Người ấy:

1/ hoàn toàn mất khả năng thụ hưởng những lời tâng bốc đương sự tận mây xanh, thăng hoa đương sự thành thần, thành thánh, thành Đấng Tối Cao (nghĩa là tẩy hết chất phàm nhân) chi phối nhất cử nhất động của mỗi tín đồ và của cả tuyệt đại đa số phi tín đồ:

Con quỳ trước Bác mênh mông,
Tội nhiều chưa dám ngẩng trông cha già !

(Xuân Diệu, 19/05/1953)

2/ cũng như mất khả năng phản biện những lời biếm xiểm, vạch lá tìm sâu... cố lôi "thần thánh" xuống mặt đất để "thần thánh" phải và buộc phải là dúm đất như mọi dúm đất trên cõi ô trọc này:

Thần tượng giả xèo xèo phi hành mỡ
Ợ lên thum thủm cả tim gan !

(Nguyễn Duy, 5/1989)

3/ hoặc giả hoàn toàn bất lực đối với ước nguyện sau cùng nhưng bất thành của "thần thánh", chỉ mong khi qua đời được hoả thiêu thành dúm tro, chia đều cho ba miền đất nước. (*)

Tôi không phủ nhận bản thân tôi là một trong vô số phàm nhân có tâm ý kéo "thần thánh giả cầy” xuống mặt đất, trả lại bản lai diện mục "phàm nhân" cho "thần thánh". Trong sử xanh nước nhà, chưa bao giờ có hiện tượng kỳ quái như vậy. Cùng một không gian, cùng một thời điểm “vĩ đại” mà kẻ cười, người khóc. Cùng một ngày “lịch sử trọng đại” mà người người vừa buộc phải khóc (Quốc tang) vừa buộc phải cười (Quốc Khánh). Tiền định hay hậu oán? Và trong phong tục tập quán của tộc Kinh di lưu trên dải đất hình chữ S, theo chỗ tôi biết, "chết mà chẳng được chôn" thật là điềm gỡ, thật là ngoại lệ. Mong sao đây chỉ là ngoại lệ duy nhất. Hay biết đâu chẳng là bước đầu của một tục mới với cái đuôi xạo hết chỗ nói?

Một đất nước gồm 54 bộ tộc, nghe nói đều tinh (r) anh, gộp thành trên dưới 90 triệu con người, thế mà do đâu lại đành đăng đẳng gục mặt dưới cái ách của dúm bộ-tộc-tổng-hợp thứ 55, núp sau tấm bình phong ngoại hạng và cái phong cách vốn không có thực – bị tùy tiện óp ép thành Tư Tưởng, thành "Giáo Lý ", sau khi thiên đường đỏ hoàn toàn sụp đổ trong thập niên 90 thế kỷ trước? Ta phải lý giải, bóc tách ra sao sự chông chênh kỳ quặc giữa bề dày văn hiến và đời thường, giữa quá khứ và hiện tại, giữa thần thánh thời chiến và quỷ ma thời bình? Phường tuồng cởi cái ách cũ để vác cái ách mới - mỗi thời mỗi nặng hơn - sao nó cứ đeo đẳng dân tộc mình không thôi? Chẳng lẽ tạo hoá đặc ban cho con dân Tiên Rồng cái nghề làm cách mạng bằng chính xác chết không có không được của đồng bào mình? Chứ liếc qua Đông Âu, sao họ vất bỏ cái kim cô Đan Mạch "bách chiến bách thắng" nhẹ nhàng đến thế ! Ngó lại nước Đức, nhìn sang Triều Tiên, cũng là người trần mắt thịt mà họ có anh hùng quyết tử, bất cộng đái thiên giữa họ thế đâu; có ác với dân , hèn với giặc thế đâu.

─ Họ chỉ giỏi đánh giặc mồm !
─ Vâng, nên họ chẳng có thằng cu, con hĩm nào bị / được “Giải⬄phóng” cả !

*

Khi cái rìu đi vào rừng, cây cối trông thấy, bảo nhau:

"Cán nó vốn là đồng bào của chúng mình đấy" (thành ngữ Thổ nhĩ kỳ).

Cái rìu đỏ mặt trả lời:

─ Nhưng "nếu quí vị đóng chặt cửa đối với mọi nhầm lẫn thì sự thật sẽ mãi đứng ngoài cửa" (Rabindranath Tagore).

─ Còn nếu đằng ấy khư khư tiếp tay cho mọi nhầm lẫn thì đừng trách bọn tớ không biết im lặng, dù im lặng có nặng tới 16…chữ vàng !

─ Tôi cũng là nạn nhân bị bứng trước quí vị thôi. Bây giờ bị gán chặt vào miếng sắt nên có tên là cái rìu. Tranh luận kiểu chúng mình là tranh luận giữa hai đối tượng "ảo", nhắm sai thủ phạm, tổ chết dần chết mòn. Trăm sự cũng tại mấy lão-người-tiều-phu-mình-đầy-sâu. Chính các lão mới là đối tượng "thực" để chúng mình đối kháng !

Hàn Lệ Nhân

(*) Thông báo số 151-TB/TW ngày 19 tháng 8 năm 1989 của Bộ Chính Trị tiết lộ: [«Sở dĩ trước đây chưa công bố đoạn Bác viết về yêu cầu hoả thiêu là vì thể theo nguyện vọng và tình cảm của nhân dân (?), Bộ Chính Trị, Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng (khoá III) thấy cần thiết phải giữ gìn lâu dài thi hài của Bác để sau này đồng bào cả nước, nhất là đồng bào miền Nam và hải ngoại, bè bạn quốc tế, có điều kiện tới viếng Bác, thể hiện tình cảm sâu đậm đối với Bác. Vậy là chuyện sửa đổi, cắt sén bản di chúc của Bác đã là sự thật, không chối cãi được nữa.»] (Nguyễn Thi: Lịch sử Việt Nam, trang 472 – Nxb Sudestasie, 1992).


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo