Trần Hoàng Lan (Danlambao) - Gần đây, khi xem phần dự báo thời tiết biển ở Hoàng Sa của VTV1 tôi thường tự hỏi: Sắp tới liệu nó có còn cần thiết nữa hay không? Khi toàn bộ quần đảo này Trung Quốc đã chiếm giữ. Khi ngư dân Việt Nam tới đây đánh cá thì cứ ngày một ít dần và tương lai là sẽ không còn. Hình ảnh sóng biển nhấp nhô, bồng bềnh, khi cao, khi thấp trong chương trình gợi suy nghĩ về số phận nổi chìm của họ, về một quần đảo đã mất.
Ở Việt Nam đi biển đánh cá là một nghề nguy hiểm vì thường xuyên phải đối mặt với sóng to, gió lớn, bão tố. Bởi vậy tiễn người thân đi biển luôn là những cuộc chia ly. Tiếp theo là chờ đợi, lo âu, cầu mong họ trở về của người ở lại. Trở về là gặp mặt, là chia ly vĩnh viễn với những người nằm lại trong lòng biển. Trong cái vòng tuần hoàn đó có không ít những cuộc chờ đợi vô vọng của người vợ đã trở thành sự tích các "hòn vọng phu" hiện nằm rải rác dọc theo bờ biển từ Bắc vào Nam.
Ngày nay với các phương tiện đánh cá, truyền thông hiện đại, thảm họa của thiên nhiên gây ra cho ngư dân đã giảm thiểu đáng kể. Nhưng thật bất hạnh, bớt được thảm họa này họ lại phải chịu thêm một thảm họa do chính con người gây ra. Loại "thảm họa nhân tạo" này mức độ thiệt hại còn vượt xa loại do thiên nhiên gây ra cho ngư dân. Bởi thủ phạm của nó:
Luôn bí mật, bất ngờ tiếp cận tàu của các ngư dân trong các vụ "tàu ngư dân bị tàu lạ đâm chìm" khiến người bị nạn không biết đâu mà phòng tránh.
Sử dụng vũ khí giết người trong các vụ "hải quân Trung Quốc bắn giết ngư dân Việt Nam".
Bắt giữ, đánh đập, tịch thu ngư cụ, hải sản của ngư dân hệt như cướp biển.
Bắt giam các ngư dân làm con tin để đòi tiền chuộc quy mô hơn cả các tổ chức khủng bố quốc tế. Khác là, các con tin này chẳng được ai giải cứu ngoài gia đình của họ phải mang tiền tới chuộc.
Hành xử một cách man rợ, trái đạo lý khi xua đuổi những ngư dân gặp hoạn nạn cầu cứu để được tránh bão ở Hoàng Sa.
Bất chấp luật pháp quốc tế khi đơn phương ban hành lệnh cấm đánh cá trên biển đông từ trung tuần tháng 5 đến tháng 8 hàng năm...
Tủi thêm cho các ngư dân là dù các tin tức bị đâm chìm tàu, bị bắt bớ,... đăng tải hàng ngày trên các phương tiện thông tin nhưng thỉnh thoảng mới được người phát ngôn bộ ngoại giao an ủi bằng câu tuyên bố lặp đi lặp lại mà mức độ "đanh thép" chỉ dừng lại ở các cụm từ "lấy làm tiếc", "tránh nọ", "tránh kia" tựa như gãi ghẻ cho thủ phạm. Còn các lãnh đạo cấp cao vẫn không ngừng tung hô các khẩu hiệu "4 tốt, 16 chữ vàng", vẫn tay bắt mặt mừng chúc tụng tình hữu nghị trong các gặp gỡ, vẫn liên tục tổ chức các hội nghị biết ơn, vẫn ký kết các hiệp ước để thắt chặt tình hữu nghị với Trung Quốc. Chưa có một thông kê chính thức thiệt hại về người và tài sản của ngư dân do loại thảm họa này gây ra. Nhưng chắc chắn là sẽ rất lớn. Thảm họa trên làm rất nhiều ngư dân lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, phải bỏ nghề. Nhiều ngư dân đã nói thẳng "đi biển gặp bão tố không sợ chỉ sợ gặp phải tàu của Trung Quốc". Nó là nguyên nhân khiến cho ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa ngày càng trở nên vắng bóng các ngư dân Việt Nam.
Không mấy khó khăn để nhận ra: Tịch thu tàu thuyền, ngư cụ, hải sản, đòi tiền chuộc các ngư dân chỉ là phụ, mục đích chính mà Trung Quốc muốn nhằm tới là qua các hành động đó khẳng định chủ quyền của họ ở hai quần đảo đã chiếm đóng trái phép tiến tới độc chiếm toàn bộ biển Đông. Như vậy để chấm dứt những "thảm họa nhân tạo" cho ngư dân, ngăn cản tham vọng độc chiếm biển Đông của Trung Quốc thì không còn cách nào khác Việt Nam phải đòi lại được hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nhất là Hoàng Sa. Không ai ngoài nhân dân Việt Nam và tất nhiên chính quyền cộng sản với vai trò quản lý nhà nước phải có trách nhiệm làm điều này. Để làm được, điều kiện tiên quyết là phải có thiện chí tức là phải có thực tâm. Vậy họ có thực tâm không? Từ 1954 theo hiệp định Geneve Việt Nam tồn tại hai nhà nước là VNDCCH (tiền thân của nhà nước cộng sản ngày nay) ở miền Bắc và VNCH ở miền Nam. Vì hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nằm ở phía nam vĩ tuyến 17 nên theo hiệp định chúng được giao cho VNCH quản lý. Cùng nhận là hai chính quyền hợp pháp của Việt Nam nhưng quan điểm, hành động để thể hiện chủ quyền đối với hai quần đảo này (một phần lãnh thổ của Việt Nam) lại hoàn toàn trái ngược nhau. Trong khi VNCH luôn khẳng đinh Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam qua hàng loạt các động thái:
"Tháng 4 năm 1956: VNCH kế thừa chính quyền Bảo Đại quản lý quần đảo Hoàng Sa theo đúng công pháp quốc tế. Riêng hai đảo lớn nhất là Phú Lâm và Linh Côn đã bị Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đưa quân ra đóng trước khi quân đội Việt Nam Cộng hòa ra đóng quân. Việt Nam Cộng hòa đã đảm nhiệm việc quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa theo đúng trách nhiệm mà Hiệp định Geneve năm 1954 quy định.
Trong thời gian này, chính phủ Việt Nam cộng hòa đã luôn khẳng định và duy trì các quyền chủ quyền của mình một cách liên tục và hòa bình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các hoạt động nhà nước.
Ngày 1 tháng 6 năm 1956: Ngoại trưởng Việt Nam Cộng hòa Vũ Văn Mẫu xác nhận lại chủ quyền của Việt Nam trên cả hai quần đảo.
Ngày 22 tháng 8 năm 1956: Một đơn vị hải quân Việt Nam Cộng hòa cắm cờ trên quần đảo Trường Sa và dựng bia đá.
Ngày 13 tháng 7 năm 1961: Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm ban hành sắc lệnh số 174 NV, trong đó ấn định: "Quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam. Một đơn vị hành chánh xã bao gồm trọn quần đảo này được thành lập và lấy danh hiệu là xã Định Hải trực thuộc quận Hòa Vang. Xã Định Hải đặt dưới quyền một phái viên hành chánh".
Ngày 21 tháng 10 năm 1969: Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Cộng hòa ký nghị định số 709-BNV/HCĐP để "Sáp nhập xã Định Hải thuộc quận Hòa Vang tỉnh Quảng Nam vào xã Hòa Long cùng quận".
CHND Trung Hoa chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ ngày 19 tháng 1 năm 1974 khi quân đội của họ tấn công quân đồn trú Việt Nam Cộng hòa và chiếm các đảo phía tây trong trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974.
Ngày 14 tháng 2 năm 1974: VNCH ra tuyên cáo xác định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Năm 1975: Bộ Ngoại giao VNCH công bố một bạch thư (sách trắng) trình bày những chứng cớ lịch sử và xác định chủ quyền pháp lý của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa". (Wikipedia tiếng Việt) thì Ngày 14 tháng 9 năm 1958, Thủ tướng VNDCCH Phạm Văn Đồng gửi công hàm cho Thủ tướng Chu Ân Lai với nội dung: "Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc" (Wikipedia tiếng Việt)
Công hàm trên được gọi là "công hàm bán nước" vì nó cùng với các bài viết trên báo nhân dân thời gian này, SGK môn địa lý, các loại bản đồ của VNDCCH phát hành trước 1975 công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc. Năm 1974 khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa VNDCCH đã im hơi lặng tiếng và đùn đẩy cho tay sai là chính phủ cách mạng lâm thời công hòa Miền Nam Việt Nam phản đối qua loa với mục đích lấy lòng dư luận.
Như vậy một thực tế hiển nhiên là trong khoảng thời gian từ 1954 đến 1975 chính quyền VNDCCH đã coi quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc lãnh thổ Việt Nam là của Trung Quốc.
Sau 1975 khi đã thôn tính xong VNCH để "giang sơn thu về một mối" nhà nước cộng sản Việt Nam đã có các tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo, viết lại SGK địa lý, in lại các bản đồ,... và gần đây là ban hành luật biển. Nhưng khi Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu sụp đổ để duy trì chế độ, nhà nước cộng sản Việt Nam buộc phải dựa vào Trung Quốc. Với bản chất bá quyền, bành trướng, thâm độc cộng sản Trung Quốc đã lợi dụng cơ hội để đưa cộng sản Việt Nam vào vòng lệ thuộc. Các hiệp ước, thỏa thuận ngầm với Trung Quốc với thua thiệt mà nhân dân Việt Nam phải chịu như hiệp định biên giới trên đất liền, thỏa thuận khai thác bauxite ở Tây Nguyên là những bằng chứng cho sự lệ thuộc đó. Những năm gần đây sự lệ thuộc đó ngày càng toàn diện. Và đến khi thực hiện hàng loạt các hành động đàn áp, bắt bớ người yêu nước biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược chiếm đóng Hoàng Sa, Trường Sa tập đoàn cộng sản Việt Nam đã lộ nguyên hình là tay sai, chư hầu của bè lũ bá quyền Bắc Kinh. Một quá khứ như vậy, lại giữ thân phận tay sai, chư hầu, sợ mất đảng hơn mất nước, hèn với giặc ác với dân thì rất khó có thể tin vào thiện chí của nhà nước cộng sản trong việc đòi lại Hoàng Sa, Trường Sa.
Còn nếu họ có thiện chí?
Đòi lại bằng vũ lực. Tương quan quân sự giữa hai nước là quá chênh lệch và nguyên tắc quốc tế trong giải quyết các tranh chấp cản trở giải pháp này. Hơn nữa nhìn vẻ mặt bạc nhược, bộ dạng khúm núm, miệng thì luôn mồm ca ngợi, biết ơn khi gặp gỡ các lãnh đạo Trung Quốc của những người đứng đầu quân đội của Việt Nam người ta cũng không thể tin những kẻ này lại chỉ huy cuộc chiến lấy lại Hoàng sa.
Đàm phán để đòi lại thì cũng có nhiều kiểu.
Đòi lại bằng cách đưa tranh chấp ra tòa án quốc tế. Đây là cách đòi lại được đánh giá là có hiệu quả. Nhưng với yêu cầu nhà nước cộng sản Việt Nam sẽ phải đưa ra các chứng cớ pháp lý của mình về chủ quyền đối với hai quần đảo này. Không còn cách nào khác họ buộc phải nhờ tới các chứng cớ pháp lý của chính quyền VNCH. Một chính quyền mà họ đã vu cho là tay sai bán nước để đánh đổ điều này đồng nghĩa với việc thú nhận tội lỗi. Phía Trung Quốc cũng sẽ triệt để khai thác các sai lầm của nhà nước công sản Việt Nam trong ngoại giao và sự thật của những hiệp ước ký kết ngầm giữa Việt Nam, Trung Quốc đang bị giấu kín có thể sẽ được công khai. Chắc chắn sẽ có nhiều chi tiết gây chấn động. Ngoài bàn đàm phán, vì đã "cạn tàu ráo máng" Trung Quốc sẽ không ngần ngại lật các "lá bài tẩy" của các chóp bu nhà nước cộng sản. Có thể chấn động còn to hơn. Không loại trừ sự trừng phạt đủ các loại của "thiên triều" dành cho "tay sai, chư hầu". Tất cả đều là các hệ lụy đe dọa vai trò lãnh đạo của đảng. Dĩ nhiên là những kẻ thà mất nước chứ không chịu mất đảng không thích kiểu đòi lại này.
Đàm phán song phương không có bên thứ ba xen vào. Hiện thời Trung Quốc không công nhận tồn tại tranh chấp chủ quyền ở Hoàng Sa do đó không chịu đưa vấn đề Hoàng Sa vào đàm phán. Nhưng nếu có thì cũng như các cuộc đàm phán khác về biển Đông nhà nước cộng sản Việt Nam đã đồng ý tuân theo các nguyên tắc “Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị”," xử lý thỏa đáng các vấn đề còn tồn tại hay mới nảy sinh giữa hai nước, là phù hợp với lợi ích căn bản và lâu dài của hai Đảng", hoặc "Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển, hai bên đẩy mạnh đàm phán vấn đề trên biển, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, đồng thời tích cực trao đổi" tìm kiếm giải pháp có tính quá độ, tạm thời, không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và trao đổi về vấn đề hợp tác cùng phát triển". Rõ ràng khi Trung Quốc đang ở thế mạnh, hiện chiếm trọn Hoàng Sa và không có biểu hiện muốn trả lại, khi quan hệ giữa Bắc Kinh- Hà Nội đang là quan hệ chủ - tớ, mà đàm phán theo các nguyên tắc trên thì không thể đòi lại được Hoàng Sa. Biết vậy nên nhà nước thỉnh thoảng vẫn vỗ về những người chờ lâu sốt ruột bằng câu vô thưởng vô phạt: "Lấy lại Hoàng Sa là quá trình lâu dài đòi hỏi phải kiên trì".
8/2012