Lê Chân Nhân (Dân trí) - Phòng chống tham nhũng là đụng tới quan chức, vì vậy làm thì không thể nửa vời, qua loa, dè dặt. Nếu chỉ quật mấy con mèo ăn vụng mỡ mà cho đó là diệt trừ tham nhũng thì làm sao dẹp được quan nạn
Tổ chức minh bạch quốc tế đánh giá Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước tham nhũng nghiêm trọng, hơn cả Trung Quốc, Indonesia… Có ý kiến cho rằng, tham nhũng là “quan nạn”, không phải là “quốc nạn”. Bởi vì chỉ người có chức vụ, quyền hạn mới tham nhũng được, còn người dân, cán bộ công chức bình thường không thể tham nhũng. Lý lẽ này trúng phóc, bởi vì tham nhũng thuộc nhóm tội phạm có chức vụ.
Ngày 9- 8 – 2012, Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội thảo nhằm chuẩn bị sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng. Nhiều đại biểu tỏ ra khẩn trương vì tham nhũng đã tràn lan, công khai, trắng trợn. Người dân thấy tham nhũng mà hoảng sợ, cán bộ công chức trong các cơ quan cũng thế, biết rõ mười mươi ông tham nhũng nhưng phải im miệng vì sợ mang vạ. Dân gian có câu chuyện ví von về tham nhũng rất hay: Con mèo ăn vụng cục mỡ thì bị chủ quật cho đến chết, nhưng con hổ bắt con trâu để ăn thì cả làng trốn sạch. Thời buổi này, “hổ rừng” thì ít nhưng “hổ” trong chốn quan trường thì không ít tí nào.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
GS-TS Đinh Văn Mậu, chuyên gia cao cấp của Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng phòng chống tham nhũng mà chỉ nhằm tới cá nhân người thực hiện hành vi tham nhũng là chưa đủ. Và sẽ không thể phát hiện ra tham nhũng nếu không coi vợ/chồng, con cái, người thân của quan chức là đối tượng phải giám sát. Ý kiến này quá đúng bụng dân, bởi vì, vợ con của các ông quan sống xa hoa, hưởng lạc rõ rành rành nhưng chẳng hề hấn gì. Có ai dám hỏi các “hổ phụ” và “hổ tử” lấy đâu ra lắm tiền để đi xe hơi sang trọng, ở nhà biệt thự lộng lẫy, có tiền tỉ để tham gia góp vốn, mua cổ phần ở các doanh nghiệp. Nếu hỏi cho tới nơi, e nhiều người không trả lời được nguồn gốc số tiền họ có. Thôi, không cần phải khai dân cũng biết chắc, tiền bạc vố số đó có từ nguồn tham nhũng của quan bố.
Chính vì thế nên việc minh bạch tài sản bắt buộc phải kê khai và công khai cả tài sản vợ, chồng, con cái, cha mẹ, của quan chức là chủ thể kê khai. Có ông quan nào lại dại dột đứng tên hàng lô nhà đất, đứng tên cổ phần và vốn góp trong các nhóm lợi ích ngân hàng, tài chính, bất động sản hay các doanh nghiệp, tập đoàn, họ phải đẩy cho người thân của họ. Vậy tại sao không mời con cái họ ra hỏi một câu cho ra nhẽ: Quý vị mới tí tuổi đầu làm gì có ngần này tiền để mua biệt thự hoặc góp vốn cổ đông ở các doanh nghiệp? Trả lời không được là cái chắc.
Phòng chống tham nhũng là đụng tới quan chức, vì vậy làm thì không thể nửa vời, qua loa, dè dặt. Nếu chỉ quật mấy con mèo ăn vụng mỡ mà cho đó là diệt trừ tham nhũng thì làm sao dẹp được “quan nạn”.
Lê Chân Nhân