Văn học trọng thương - Hội chứng bè đảng - Dân Làm Báo

Văn học trọng thương - Hội chứng bè đảng

Hoàng Đức Doanh (Danlambao) - Hàng ngày đọc báo, báo in cũng như báo điện tử phải chứng kiến biết bao điều nhức nhối, bao nhiêu xấu xa được phơi bày, bị lên án cùng với hệ luỵ của những xấu xa đó. Ngay đến lĩnh vực Văn học luôn được người đời trọng vọng, xã hội đề cao mà cũng không tránh được.

Tôi có một thời kỳ là hội viện H.V.H.N.T tỉnh Hà Nam Ninh khoảng chừng gần một năm. Đến khi tách tỉnh tôi không sinh hoạt Hội nữa. Tự giới thiệu vậy để quý vị biết tôi cũng đã từng được đắp cái chăn gọi là Văn học nên tôi cũng biết trong chăn có rận từ lâu, lại còn phân biệt rận và rệp khác nhau. Vì thế có một câu vè tôi tin là chưa in trên sách báo, chỉ là câu đùa khi trà dư, tửu hậu nhưng nó đã dính chặt vào người. Xin phép các vị hoạt động văn nghệ chân chính và quý vị độc giả, tôi được phép ra đây: 

Ghét nhau chung chiếu không ngồi 
Chung chăn không đắp, chung nồi không ăn. 
Chỉ trừ có hội nhà văn 
Ghét nhau như chó vẫn lăn xả vào. 

Lúc đầu tôi cũng tự ái, coi như câu lộng ngôn của kẻ phàm nên không chấp, nhưng nó cứ canh cánh trong lòng. Sau ngẫm thấy đúng, rồi gần đây mới nhận ra rằng: Câu vè này nó phản ánh hội chứng bè đảng trong giới văn học đương đại. 

Trong bài viết nhỏ này tôi xin phép nhà phê bình văn học Trần Mạnh Hảo có mượn vài ý trong những bài viết gần đây làm ví dụ để tự thanh minh tôi không cố ý xúc phạm đến nghề Văn, Thơ cao quý mà chỉ muốn nói lên thực trạng văn học nước nhà. 

Trong nghề viết phải lấy con chữ làm phương tiện để diễn đạt cho nên ai cũng phải kiêng kỵ những cụm từ chói tai độc giả, nhưng đến bây giờ giới phê bình không còn kiêng kỵ nữa, đã quăng tất cả lên văn đàn. 

Nhiều độc giả chưa quen tai, nhất là những nhà giáo vốn mang bản tính nghề nghiệp mô phạm, luôn giữ thái độ nhẹ nhàng, lịch sự nên có những phản ứng với bài viết của ông Hảo, phê bình ông Hảo dùng từ ngữ đao to búa lớn, có thái độ nóng nảy. Nếu chỉ tính từ khi có bài văn điểm 10 của một nữ sinh làm xôn xao dư luận. Ông Hảo đã viết bài, kèm theo nhận xét nảy lửa: Bộ giáo dục & đào tạo đã giết chết môn văn trong nhà trường. 

Nhận xét vậy mà ngành giáo dục vẫn làm ngơ, số độc giả hưởng ứng cũng quá ít, chỉ vài năm sau, năm học 2011 - 2012 trên mạng lại xuất hiện một bài văn khác gây ấn tượng cũng của một nữ sinh viết về chủ đề Thần tượng, em đã chọn thần tượng Thánh Gióng để viết. Bài văn vào đề khá tự nhiên nhưng đến đoạn thân bài thì đột nhiên ông Gióng biến thành anh Gióng, đến cuối bài thì anh Gióng có chiều hướng biến thành bạn trai của tác giả. Kết quả cô giáo cho điểm 0 cùng với lời phê: Lạc đề, ý thức có vấn đề, phụ huynh của em cần quan tâm. 

Một bài văn điểm 10 và một bài văn điểm 0 minh chứng cho nhận xét và tiên liệu của ông Hảo là đúng. Lại càng chính xác hơn khi nhà văn Nguyễn Quang Thiều và nhà thơ Hoàng Quang Thuận công khai những tác phẩm của mình. 

Không riêng gì ông Hảo, còn có nhiều người khác viết bài phê bình, mỗi người cung cấp một ít, hóa ra tác giả đã ăn cắp ý của người khác, đôi chỗ còn bê nguyên văn thơ của người khác thành câu thơ của mình. Thế là thời kỳ thơ ăn cắp, thơ chẳng đáng thơ được ca ngợi, được hội thảo, tha hồ mà tụng ca tràn lan trên nhiều mặt báo. 

Tên tuổi hai tác giả được nổi như cồn, thu hút dư luận, chê cũng có mà khen thì khỏi phải nói, kính thưa các loại văn nịnh trên đời được khai thác gần như cạn kiệt để bốc thơm tác giả. Nếu ai rỗi hơi bấm vào tìm kiếm Google thì sẽ có hàng loạt kết quả tán dương và tâng bốc, rồi sẽ được biết thêm những cụm từ mới lạ như: Trạng nguyên Thơ, Cường quốc Thơ, Nô ben Thơ, chưa hết, một đêm viết được hơn trăm bài thơ, có phải thánh, thần trợ giúp chứ người phàm làm sao viết được! Ôi cha, mẹ ơi! Chưa từng có ở đâu và bao giờ? Thảo nào nhà báo Trương Duy Nhất nói thẳng: Tôi sợ nhất là nhà thơ, thứ hai là sợ cán bộ đoàn. 

Bộ giáo dục & đào tạo đã hiệp thông với ông Hữu Thỉnh chủ tịch hội nhà văn 3 khóa liền tạo dựng một nền văn học hiện đại, mang tính nhân văn là thế đấy. Nhưng xem ra số người lên án chỉ đếm trên đầu ngón tay, một số người vẫn duy trì tính kiên nhẫn khen một tý, phê bình một tẹo, dĩ hòa vĩ quý như thường. 

Ăn cắp là xấu xa, tự khoe có thần mách bảo là lừa dối, hai hành vi ai cũng tránh từ xa nếu là người bình thường huống hồ hai tác giả trên ngực, trên cổ mang đầy những danh hiệu cao quý mà lòng tham thì không dấu nổi một ai! 

Thời đại bây giờ đang phát sinh nhiều vấn nạn. Tham nhũng đã kịch phát thành quốc nạn ung thư, nhiêu vấn nạn đang trở thành nhức nhối mà người đời gọi là Hội chứng, ví dụ như: Hội chứng ngôi sao - có quá nhiều ngôi sao thành ra tiêu chí dẽ dãi, làm biến dạng truyền thống tu nhân, tích đức của dân tộc; Hội chứng lễ hội - có quá nhiều lễ hội nên không kiểm soát được, có nguy cơ biến thành xã hội mê tín; Hội chứng nhà thơ - nhan nhản đâu cũng thấy nhà thơ, do tự phong hoặc dùng tiền, quyền mua chuộc; Hội chứng đám đông - không cần phân biệt đúng, sai cứ lấy số đông áp đảo. Hiện tượng này gọi là hội chứng đám đông xem ra chưa thỏa đáng mà phải gọi là Hội chứng bè đảng sẽ chính xác hơn. Hiện tượng bốc thơm Văn, Thơ của hai ông Nguyễn Quang Thiều và Hoàng Quang Thuận là minh chứng. 

Một xã hội mà mỗi người dân chưa tự phân biệt được thật giả, chưa tôn trọng và bảo vệ sự đúng, chưa dám lên án sự sai, cứ hùa theo bè đảng thì hậu quả sẽ khó lường! Liệu ai dám nói trước, Chờ xem? 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo