Ái ngại, bất cập, mơ hồ - Dân Làm Báo

Ái ngại, bất cập, mơ hồ

Đào Tuấn - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã dùng từ “mơ hồ”; Chủ nhiệm UB Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa nói “ái ngại”. Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển thì nói tới “bất cập”. Và sau đó là “chung chung”, “rườm rà”…

Đây là những từ ngữ được các vị đại biểu dùng để chỉ nguyên tắc định giá đất, một trong những nguyên tắc quan trọng nhất, liên quan đến vấn đề gây khiếu kiện nhiều nhất, trong một bộ luật có nhiều văn bản nhất, chồng chéo nhất, dù sát sườn nhất đối với dân chúng.

Trước khi Dự án Luật đất đai (sửa đổi) được đưa ra nghị trường, đã có nhiều tín hiệu lạc quan về một sự chuyển biến để Luật Đất đai không còn là một thứ luật giấy, bất cập, xa lạ với thực tế, gây khổ đau cho nhân dân và cản trở sự phát triển. Chẳng hạn đó là những kỳ vọng về việc bãi bỏ cơ chế giao đất không thu tiền- được xem như một cú cắt ngọt đối với cơ chế xin-cho, mầm mống của tham nhũng. Hay việc nới rộng thời hạn giao đất, kèm theo những nguyên tắc để sau khi hết thời hạn, người sử dụng đất không phải chịu cảnh “Đoàn Văn Vươn”. Và đặc biệt là kỳ vọng về việc giá đất sẽ là giá thị trường- thứ giá bình đẳng cho Nhà nước (khỏi thất thu), nông dân (bớt thiệt thòi), và nhà đầu tư, trong một nhóm lợi ích nào đó không “ăn giày, ăn tất, ăn cả đất xung quanh”.

Nhưng đến hôm qua, ĐBQH Nguyễn Thị Nương rành rọt trước nghị trường khi cho rằng cơ chế giá đất trong Dự án luật sửa đổi lần này: “Chưa giải quyết được vướng mắc hiện nay là Nhà nước thất thu, nông dân thiệt thòi, chỉ có nhà đầu tư hời”, trong một tình trạng “lộn xộn nhiều loại giá gây bất ổn cho thị trường” và “giá đất ở VN đắt ngang ngửa các thủ đô lớn trên thế giới”, trong khi giá đền bù cho người mất đất lại thấp chắc cũng vào loại nhất thế giới.

Những tù mù, chung chung, bất cập, mơ hồ gây nhiều “ái ngại” là hoàn toàn dễ hiễu khi những câu chữ trong dự luật “phù hợp với giá thị trường”, thay thế cho “sát với giá thị trường” khiến ngay cả những người sẽ “bấm nút” cũng chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thậm chí còn rất thẳng thắn cho rằng đây là một nguyên tắc “mơ hồ” và “không thể có nguyên tắc đó được”.

Đã có một tiền lệ về sự mơ hồ chính là luật Đất đai đang được bàn sửa. Hơn 300 văn bản hướng dẫn thi hành thực ra chính là sự chồng chéo, dẫm đạp nhau, và càng nhiều văn bản, càng gây ra nhiều “Hậu quả của sự mơ hồ” trong thực tế. Vụ Cống Rộc, Tiên Lãng có vẻ là một ví dụ điển hình cho sự mơ hồ, khi mà chính quyền có thể hiểu Luật theo ý muốn chủ quan của mình.

70% nguyên nhân các vụ khiếu tố là liên quan đến đất đai mà “Chênh lệch đến phi lý giữa giá đền bù và giá bán ngoài thị trường” một trong những “thủ phạm” chính của khiếu tố, đã được chỉ tên từ cách đây chẵn 10 năm khi Tổng Thanh tra Tạ Hữu Thanh đã nhắc đến việc “phải đền bù theo giá thị trường có định hướng” như là một giải pháp căn cơ để gỡ nóng. “Người dân khó chịu và khiếu kiện nhiều vì anh nói một đường, trả một đường khác, rồi bắt chẹt”- Đây là phát biểu của Chủ tịch QH khi ông yêu cầu nguyên tắc định giá đất phải được sửa rõ ràng, minh bạch.

Sự minh bạch, có lẽ đó là điều kiện cần, đủ và tiên quyết, dù chỉ cho một chữ trong Luật. Bởi Luật còn thiếu sự minh bạch thì làm sao có thể có sự minh bạch trong quá trình thực thi sau đó. Bởi nếu thiếu sự minh bạch, nhất là trong việc xác định nguyên tắc để xác định giá đất, thì Dự án Luật có sửa thế, sửa nữa vẫn chỉ mang lại lợi ích cho thiểu số các nhà đầu tư, trong khi không ai dám quả quyết khiếu tố trong lĩnh vực đất đai sẽ bớt nóng bỏng với sự mơ hồ của Luật.

Đào Tuấn
https://daotuanddk.wordpress.com/2012/09/18/ai-ngai-bat-cap-mo-ho/


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo