Nguyên Hằng (Thanh Niên) - Không chỉ kết thúc bằng chuyện gạo, rau, thịt cộng thêm chi phí vận chuyển, cước vận tải thêm chi phí nhiên liệu, chuyện xăng tăng giá lần này còn mở ra nhiều vấn đề khiến chúng ta phải suy ngẫm.
Đầu tiên là hiện tượng găm hàng. Thông thường, các cây xăng, đại lý chỉ "hết hàng" tới đúng giờ xăng được điều chỉnh tăng giá sẽ hoạt động bình thường trở lại. Nhưng lần này, lác đác vẫn có cây xăng nghỉ sửa chữa bán cầm chừng. Tại sao họ không mở bán để "thu hoạch" khi mục tiêu chờ giá cao đã đạt được? Không khó để đoán ra "tâm bệnh" của những cây xăng này. Đó là họ đang "đón xa" cơ hội giá tăng lần nữa bởi mức tăng lần vừa rồi chưa bằng một nửa so với đề xuất của các doanh nghiệp (DN) đầu mối. Nếu giá xăng đi đúng dự báo, lại thêm một lần thu lợi.
Thứ 2 là chuyện các DN đầu mối có thể vẫn đang thu lợi lớn ngay tại thời điểm căng thẳng giá xăng dầu. Logic mà lâu nay chúng ta vẫn được nghe mỗi lần tăng giá xăng dầu là giá thế giới tăng, đầu mối nhập khẩu đang lỗ nên phải điều chỉnh giá bán để "hài hòa" lợi ích của DN, nhà nước và người dân. Lần tăng giá này cũng không ngoại lệ. Thực ra, cái mà người dân bức xúc là sự thiếu minh bạch trong cơ chế tính giá cơ sở, việc thiếu sòng phẳng tăng nhanh, giảm chậm, chuyện găm hàng đón giá, cơ chế độc quyền... của ngành này. Tuy nhiên, ngoài những chuyện mập mờ nói trên, việc lách cơ chế tạm nhập tái xuất để hưởng mức chênh lệch thuế mới được "khui" ra cho thấy, các DN đầu mối không lỗ như họ kêu. Thậm chí, họ hoàn toàn có thể đang thu lợi trong khi vẫn kêu lỗ để "đòi" tăng giá xăng.
Thứ 3 là chuyện thiếu nhất quán trong vấn đề không giảm thuế xăng dầu giữa 2 cơ quan điều hành, quản lý ngành này. Trong cuộc họp báo tăng giá xăng ngày 28.8, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa khẳng định, nhà nước tăng giá thay vì giảm thuế bởi ngân sách năm nay còn phải cân đối nhiều nguồn chi. Nhưng chỉ 3 ngày sau, cũng trong cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, dù có tăng hay giảm thuế nhập khẩu xăng dầu cũng không ảnh hưởng tới nhiệm vụ thu ngân sách trong 2012. Chưa bàn tới chuyện ai đúng, ai sai nhưng rõ ràng, tại thời điểm sức mua yếu, chuyện tăng lương còn nằm trên bàn nghị sự, sản xuất đình đốn, DN sống dở chết dở thì việc giảm thuế xăng dầu để không tăng giá, giảm chi phí, bớt gánh nặng cho người dân, DN là chuyện nên làm.
Chuyện cuối cùng là vấn đề chất lượng xăng dầu. Về nguyên tắc, giá tăng thì chất lượng, dịch vụ phải tăng. Nhưng xăng dầu của chúng ta lại đứng ngoài nguyên tắc thị trường tất yếu này. Giá tăng liên tục nhưng không thấy DN nào nói đến chuyện bảo đảm chất lượng xăng dầu chứ chưa nói đến nâng cao. Từ vụ pha chế xăng dầu "bẩn" do Báo Thanh Niên "khui" ra cuối năm 2011 đến nay vẫn tiếp tục có những điểm pha chế xăng dầu bẩn được phát hiện nhưng trách nhiệm của DN, của cơ quan quản lý thế nào không được nhắc đến. Việc điều tra những cá nhân, DN, cây xăng tham gia liên minh này để xử lý triệt để vẫn bỏ ngỏ. Người dân, không chỉ phải chấp nhận tăng giá mà còn sống trong hoang mang, sợ hãi khi không biết lúc nào mua phải xăng dầu dỏm.
Tại sao bắt người dân phải chấp nhận "giá xăng theo cơ chế thị trường" khi mà xăng dầu đang hoạt động kinh doanh theo cơ chế độc quyền với đầy những khuất tất và thiếu minh bạch như nói trên?
Nguyên Hằng