Bảo vật quốc gia! Hay bảo vật đảng ta? - Dân Làm Báo

Bảo vật quốc gia! Hay bảo vật đảng ta?

Lê Thiên (Danlambao) - Ngày 08/10/2012, một trong số trên 700 tờ báo thuộc luồng đảng Cộng sản Việt Nam, báo Đất Việt Online (DVO), tung ra bài báo “Cận cảnh những ‘Báu vật quốc gia’ Việt Nam”. Không biết đây có phải là loại tin “xe cán chó” hay không, vì chẳng thấy báo online nào trong luồng hay ngoài luồng thông tin về quyết định “bảo vật quốc gia” này, trừ DVO. Mặc kệ, cũng xin “bình loạn” đôi lời gọi là công hiến bạn đọc vài phút “thư giãn”.

Nhận diện một số “bảo vật quốc gia” ngoại lệ. 

Cận cảnh “Báu vật quốc gia Việt Nam” đầu tiên đập vào mắt người đọc là hình ảnh chiếc xe tăng T54 với khẩu đại bác nòng dài thoòng cùng khẩu đại liên gắn trên xe tăng ấy – đều do Liên Xô chế tạo! 

Xe tăng T54B, số hiệu 843 

Bài báo cho biết Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định ngày 01/10/2012 công nhận 30 hiện vật, nhóm hiện vật quý, độc đáo và có giá trị to lớn về nhiều mặt là “bảo vật Quốc gia” (đợt 1). Điều lạ là Đất Việt dùng từ “Báu vật” cho riêng mình trong khi chỉ giữ lại từ “Bảo vật” trong nội dung bản quyết định. 

Từ điển tiếng Việt định nghĩa: “Bảo vật là vật quý được truyền giữ lại” trong khi “báu vật” chỉ có nghĩa là “vật quý”. Chẳng biết báo Đất Việt có hậu ý gì không, nhưng dùng từ “báu vật” thay cho “bảo vật” là vô tình hay cố ý làm nhẹ ý nghĩa của những “vật quý” được ông Thủ tướng “truyền giữ lại”

Trong số 30 “bảo vật quốc gia Việt Nam” được liệt kê, có vài cổ vật Việt Nam thật sự mang tính văn hóa nghệ thuật hay kiến trúc của các thời đại xa xưa, xứng đáng tầm vóc “bảo vật quốc gia”, như: Trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Hoàng Hạ… tượng Phật A Di Đà, bộ Cửu vị thần công, bộ Cửu đỉnh, tượng Nữ Thần Devi (Hương Quế) (Văn hóa Chăm Pa)…. 

Những món còn lại được gán nhãn “bảo vật quốc gia” gồm mấy tác phẩm của Hồ Chí Minh, như cuốn "Đường Kách mệnh", "Nhật ký trong tù", bản Di chúc. Cuốn “Nhật ký trong tù” đang là cuốn sách gây tranh cãi về tác giả thật của nó… không hẳn là của chính Hồ Chí Minh. Bên cạnh những bảo vật ấy là những hiện vật từ lò Liên Xô và Trung Cộng, như “Pháo cao xạ 37mm, Máy bay Mig 21 F96, Xe tăng T54, Xe tăng T59...” Không biết những “hiện vật” gây chiến là “bảo vật quốc gia” hay “bảo vật đảng ta”đây? 

Máy bay MIG 21F96, số hiệu 5121 

Lẽ nào khí giới do Nga-Tàu chế tạo để đẩy mạnh chiến tranh Việt Nam cho mục đích “xung đột ý thức hệ” gây cảnh nồi da xáo thịt nay bỗng nhiên thành “bảo vật quốc gia”?! 

Thử hỏi, nếu trên quê hương Việt Nam có một kho tàng nào đó chất chứa những món hàng độc hại do Liên Xô hay Trung cộng chế tạo, để giao cho CSVN sử dụng nhân danh lý tưởng cộng sản quốc tế, điên cuồng giết chết hàng triệu dân Việt từ bắc chí nam thì cái kho tàng ấy là “kho tàng bảo vật quốc gia” hay là “kho hàng tích chứa hận thù”? 

Qua “bảo vật” nhận diện thủ phạm gây hận thù. 

Rõ ràng CSVN lạm dụng danh nghĩa “bảo vật quốc gia” chỉ với chủ đích nuôi dưỡng và khoét sâu hận thù dân tộc, gia tăng hiềm khích trong dân mà thôi! Bên cạnh đó loa tuyên truyền Cộng sản cứ oang oang “hòa hợp, hòa giải dân tộc” tạo cho một số người mất cảnh giác với miệng lưỡi cộng sản, mơ hồ đắm say trong ảo tưởng về “thiện chí quên đi quá khứ, xóa bỏ hận thù” phát ra từ môi mép cộng sản! 

Nhà báo Max Boot, biên tập viên báo The Weekly Standard, ngày 08/10/2012 có một bài viết về Việt Nam nhan đề “Where the 1970s Are Ancient History” nhân chuyến đi Việt Nam mới đây của ông. Max Boot nhận xét tinh tế: “Tại dinh tổng thống với phong cách hiện đại nơi các tổng thống Nam Việt Nam từng ở, có những trưng bày ca ngợi những người lính Bắc Việt Nam từng phá đổ những cánh cổng bằng xe tăng của Liên Xô. Chẳng một nhắc nhở nào về hàng triệu người miền Nam sau đấy bị đưa vào những “trại cải tạo” hoặc là những “thuyền nhân” trên những chiếc thuyền thủng đáy.” (Do L.V. chuyển ngữ với nhan đề Việt Nam - nơi thập niên 70 trở thành lịch sử cổ xưa được đăng trên Dân Luận). 

Vậy thì hòa hợp hòa giải ở chỗ nào? 

Thực tế từ hơn một phần ba thế kỷ, CSVN đã có một cử chỉ nào, một động thái nào tạo nên sự “hòa giải” chưa? Hay chỉ là những phát ngôn đầu môi chót lưỡi của các quan lớn ra nước ngoài huênh hoang khoác lác để kiếm viện trợ? Hoặc chỉ là những lời phỉnh dụ chào mời một số trọc phú người Việt hải ngoại mang tiền về nước cung phụng vỗ béo quan chức CS các cấp? 

Họ hòa giải hòa hợp kiểu nào trong tư thế là kẻ chiến thắng? Hay ngược lại, họ phóng đại chiến thắng của họ? 

Hãy xem và nghe cách họ phủ nhận mọi điều ác họ đã giáng xuống đầu nhân dân ắt biết. Chẳng những thế, cái gì xấu tự bản chất của chính họ, họ cũng phủ nhận sạch trơn và đổ lên đầu đối phương, thậm chí đổ tội cho dân, trong khi họ tự phong mình là kẻ ban ơn, tự biến thành một lớp “kiêu đảng” ăn trên ngồi trốc, ngạo mạng giày xéo trên dân mà đi, tự tung tự tác trong mọi lãnh vực, mở những cuộc càn quét đánh vào dân và tài sản của dân bằng khủng bố trắng gieo rắc kinh hoàng khắp nơi trên đất nước. Người dân có miệng nhưng cứ như câm vì bị bịt khóa, có tai vẫn phải làm điếc, có mắt vẫn như mù lòa. 

Hé lộ “bảo vật” đợt 2

Luật Di sản điều 1, khoản 21 của CSVN in bên dưới bài Cận cảnh những ‘Báu vật quốc gia’ Việt Nam có đoạn viết: “Hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước hoặc liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu” đều được công nhận là “bảo vật quốc gia”. Dựa vào điều khoản này, ông Thủ tướng CSVN tôn vinh những “Pháo cao xạ 37mm, Máy bay Míc 21 F96, Xe tăng T54, Xe tăng T59...” và phong cho chúng làm “bảo vật quốc gia” đợt 1. 

Thế thì những hiện vật nào sẽ là “bảo vật quốc gia” đợt 2? 

Có những hiện vật tuy nhỏ về kích thước và về sức sát hại, nhưng được chi viện ồ ạt với khối lượng lớn, những hiện vật ấy có công sức giết người không kém gì những “bảo vật” sát nhân như những Mig và T54 nêu trên. Do vậy, chắc chắn trước sau gì những hiện vật nhỏ cũng sẽ được tôn lên hàng “bảo vật quốc gia”, như những khẩu AK, những loại đạn dược lớn nhỏ cùng những gói lương khô Tàu cộng, những thứ quân trang quân dụng và các loại chi viện quân sự khác từ Nga, Tàu ồ ạt đổ vào Việt Nam tạo cho CS Miền Bắc VN điều kiện thừa thắng xông lên, mở rộng xâm nhập đánh phá Miền Nam Việt Nam, giết hại vô số dân lành… 

Thế nên, chúng tôi không sợ lầm khi quả quyết rằng, không sớm thì muộn, bao lâu Cộng sản còn chiếm độc quyền trị nước, các đợt công nhận “bảo vật quốc gia Việt Nam” sẽ còn tiếp tục. Chẳng hạn, Kế tiếp nhóm “bảo vật” “Đường Kách mệnh", "Nhật ký trong tù", bản Di chúc bác Hồ… chắc chắn sẽ không thể nào thiếu vắng “Những mẫu truyện…” hay “Vừa đi đường vừa kể chuyện” mang tính tâng bốc lãnh tụ hay lãnh tụ tự tâng bốc lố lăng kiểu “Bác khiêm tốn dường ấy”

Biết đâu người ta còn bê cả những tượng đài Mác, Ăng-ghen, Lênin, Stalin và Mao Trạch Đông, trịnh trọng mang chúng đặt vào kho tàng “bảo vật quốc gia” cùng với cái xác sáp của Hồ Chí Minh đang chình ình giữa Ba Đình! Rồi thì mồ chôn lính Tàu cộng và lính Bắc Triều Tiên tại miền Bắc Việt Nam (đã lén lút ẩn nấp dưới nón cối dép râu bác Hồ, cầm súng bắn giết người Việt để cùng với CSVN thực hiện giấc mơ “đại đồng” quốc tế vô sản chuyên chính...) cũng sẽ có ngày lên ngôi ‘bảo vật quốc gia”! 

Dép râu và nón cối vốn đã từng được tuyên dương là “góp phần xứng đáng lập nên những thành quả anh hùng cách mạng” tất nhiên cũng sẽ là “bảo vật quốc gia” thôi! 

Nhưng những “sổ mua hàng”, những “phiếu thực phẩm”, những “tem phiếu” một thời lừng lẫy thì sao? Cũng xứng đáng tranh ngôi “bảo vật quốc gia” lắm đấy chứ! 

Nếu những món hàng giết người của Liên Xô, Tàu Cộng là “bảo vật quốc gia Việt Nam” thì sao không liệt vào nhóm “bảo vật” cái Công hàm 1958 của Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mà Phạm Văn Đồng đã ký tên đóng dấu minh thị? 

Một lần nữa, tôi không gọi cái “công hàm lịch sử 1958”“Công hàm Phạm Văn Đồng”! Ông Đồng chỉ làm cái việc ký tên đóng dấu! Tác giả của Công hàm ấy là Chính phủ nước VNDCCH do Hồ Chí Minh đứng đầu trong hai tư cách: Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước! Cùng với ông Hồ là Bộ Chính trị Trung Ương Đảng cũng do chính Hồ Chí Minh thống lĩnh trách nhiệm hoạch định chính sách cùng định hướng, kiểm soát và quyết định chung cuộc cho mọi đường lối đối nội cũng như đối ngoại. 

Thử “giải mã” “bảo vật” đợt 3, 4… 

Còn nhiều “bảo vật quốc gia” khác nữa có lẽ đang xếp hàng chờ phiên vào những đợt “phong bảo” kế tiếp. Cụ thể như bản sắc phong BỐN TỐT16 CHỮ VÀNG mà Hán triều ban cấp cho bầy tôi là CSVN chắc không thể nào đợi lâu để được công nhận là “bảo vật quốc gia”! 

Còn nữa! Đảng và nhà nước CSVN cũng nên mở chiến dịch cưỡng chế đất đai hầu có đất phục chế các hiện trường đấu tố trong Cải Cách Ruộng Đất thời kỳ 1953-1956 để lưu lại hậu thế những món “bảo vật quốc gia” – “bảo vật đảng ta” thì đúng ơn – đáng giá ngàn vàng về thành tích “đào tận gốc trốc tân rễ” “bọn địa chủ ác ôn” ở Miền Bắc! 

Rồi những mồ chôn tập thể ở Huế hồi Tết Mậu Thân 1968 cũng nên được phong làm “bảo vật đảng ta” cho toàn dân ghi nhớ muôn đời chiến công hiển hách vượt không gian và thời gian của “đảng CS bách chiến bách thắng”! 

Chưa hết! Hiện vẫn còn đó hình ảnh những trại tù khổ sai dựng lên tận chốn rừng sâu núi thẳm khắp cả nước để hành hạ, cưỡng bức lao động những kẻ thua trận với thời gian dài lao tù lên tới hàng chục năm khiến không ít người nếu không ngã gục tại chỗ thì cũng trở về với thân tàn ma dại, với bệnh hoạn tật nguyền từ thể xác đến tâm thần. Những trại trừng giới phát xít ấy chẳng phải là điểm son lịch sử của chế độ CS sao? Ngần ngại gì mà lên danh sách “bảo vật quốc gia” – ồ không! “bảo vật đảng ta” – cho những địa ngục trần gian ấy? 

Cũng vậy, những Vùng Kinh Tế Mới, những Hợp Tác Xã công/nông nghiệp cũng đều là những thành quả xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên cả nước! Chẳng lẽ không được quyền tranh ngôi “bảo vật đảng ta”

“Bảo vật đảng ta” thời hiện tại thì thôi hàng hà sa số, đếm không xuể! Những bản án phi luật pháp hay phản luật pháp, phi nhân bất nghĩa chắc hãy còn lưu trữ. Những hình ảnh vung tay bịt miệng, thẳng chân đạp vào mặt, lôi người xềnh xệch như lôi thú vào lò sát sinh. Những hình ảnh “quần chúng tự phát” kiểu xã hội đen du côn du đãng vừa bạo ngược vừa thô lỗ cũng đều là “bảo vật” vô giá khó mà phi tang với kỹ thuật điện tử tân kỳ thế kỷ 21 này! 

Cuối cùng còn một “bảo vật” nữa khá độc đáo, nói ra lợm giọng lắm, nhưng không thể bỏ qua. Đó là món “tự do cái con c.” Suốt đời người viết rất sợ nghe nói tục và luôn giữ mồm, không hề dám văng tục! Bây giờ xin lỗi! Buộc lòng kẻ hèn này phải nhắc tới nó! “Bảo vật đảng ta” đó! Coi chừng! Cái gã Cớm đã cho văng ra cái “tự do cái c.c.” biết đâu lại nộ khí xung thiên xổ nho chùm “Bảo vật đảng ta cái c.c.” là toi đời… đảng! 

12/10/12



____________________________________

Cận cảnh những Báu vật quốc gia Việt Nam 

Cập nhật lúc :8:46 AM, 08/10/2012
ĐVO - 30 hiện vật, nhóm hiện vật quý, độc đáo và có giá trị to lớn về nhiều mặt đã chính thức được công nhận là “Bảo vật quốc gia” của Việt Nam.

Ngày 1/10, Thủ tướng đã ký quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia (đợt 1) cho 30 hiện vật, nhóm hiện vật.

Các Bảo vật Quốc gia được công nhận lần này gồm:

Trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Hoàng Hạ, thạp đồng Đào Thịnh, tượng đồng hai người cõng nhau thổi khèn, cây đèn đồng hình người quỳ (Văn hóa Đông Sơn); trống đồng Cảnh Thịnh (thời Tây Sơn); ấn đồng "Môn Hạ Sảnh ấn" (thời Trần); bình gốm hoa lam vẽ Thiên Nga (thời Lê Sơ) đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Tượng Phật A Di Đà (thời Lý, lưu giữ tại chùa Phật Tích, Tiên Du, Bắc Ninh); tượng Phật nghìn mắt nghìn tay (thời Lê Trung Hưng, lưu giữ tại chùa Bút Tháp, Thuận Thành, Bắc Ninh); bộ Cửu vị thần công, bộ Cửu đỉnh (thời Nguyễn, hiện lưu tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế - Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế).

Tượng Phật Đồng Dương, tượng Nữ Thần Devi (Hương Quế) (Văn hóa Chăm Pa); tượng Thần Vishnu, tượng Phật Lợi Mỹ, tượng Thần Surya (Văn hóa Óc Eo, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử TP HCM); tượng Bồ tát Tara, đài thờ Mỹ Sơn E1, đài thờ Trà Kiệu (Văn hóa Chăm Pa, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, TP Đà Nẵng).

Bảo vật quốc gia Xe tăng T54B, số hiệu 843 của Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203 Tăng thiết giáp do Trung úy, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy dẫn đầu đội hình thọc sâu của Quân đoàn 2, đánh chiếm Phủ Tổng thống Ngụy Sài Gòn ngày 30/4/1975. Hiện vật hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Cuốn "Đường Kách mệnh", "Nhật ký trong tù", bản thảo "Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến" (Chủ tịch Hồ Chí Minh, lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia); bản thảo "Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước" (văn bản Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trên đài Tiếng nói Việt Nam sáng ngày 17/7/1966, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh); bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (văn bản gốc viết từ ngày 10/5/1965 - 19/5/1969, lưu giữ tại Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng).

Pháo cao xạ 37mm (súng phòng không của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, hiện lưu tại Bảo tàng Phòng không - Không quân); Máy bay Míc 21 F96, số hiệu 5121 (máy bay chiến đấu của Không quân Nhân dân Việt Nam trong trận "Điện Biên Phủ trên không", hiện lưu tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam); sổ trực ban "Chiến dịch Hồ Chí Minh" (chép tay tình hình chiến sự ngày 25/4 - 1/5/1975, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Quân khu 7).

Xe tăng T54B, số hiệu 843 (tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam). Xe tăng T59, số hiệu 390 (tiến vào Dinh Độc Lập vào trưa 30/4/1975, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Tăng thiết giáp).

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các cấp nơi có bảo vật quốc gia, Thủ trưởng Bộ, ngành, người đứng đầu tổ chức được giao quản lý bảo vật quốc gia trong phạm vi quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý đối với bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Hình ảnh một số Bảo vật quốc gia tiêu biểu:

Trống đồng Ngọc Lũ (niên đại khoảng 2.500 năm) là một trong những chiếc trống đồng Đông Sơn có kích thước lớn (đường kính 79 cm, cao 63 cm). Đây là trống điển hình nhất trong hệ trống đồng Việt Nam, đồng thời cũng là tiêu biểu cho đỉnh cao phát triển rực rỡ nhất của nền văn hóa Đông Sơn. Trống đã hội tụ đầy đủ những tri thức khoa học của thời đại cũng như tài năng nghệ thuật và tâm hồn người Việt cổ. Hoa văn trang trí trên trống Ngọc Lũ có thể được coi là một chuẩn mực về sự kết hợp hài hòa những đặc trưng, phong cách nghệ thuật trang trí đồ đồng Đông Sơn.

Tượng Quan Âm Nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) cao 3,7 mét, vành hào quang rộng 2,1 mét, bệ dày 1,15 mét. Tượng được thể hiện trong dáng nữ, khuôn mặt hiền dịu, mắt nhìn xuống, miệng hơi mỉm cười, mũi dọc dừa, dáy tai to dài, hoa tai hình bông sen. Từ khuôn mặt nhìn chính diện ở hai bên có hai khuôn mặt nữa (thể hiện tam thế), và trên mũ còn có ba tầng đầu (ba tầng trời) với tổng cộng tám khuôn mặt khác nhau, trên chóp nơi cao nhất của tượng là bức tượng Phật nhỏ A di đà (cõi Niết bàn). Như vậy là tượng có tới 11 đầu, nhìn sang ba hướng khác nhau. Về phong cách đây là kiểu chế tác có những nét tiếp thu từ nghệ thuật điêu khắc cổ Khmer. 

Tượng Bồ tát Tara (cao 1,14 m) là tượng bằng đồng lớn nhất của nghệ thuật Chăm, thể hiện hóa thân nữ của Bồ tát Avalokitesvara. Tượng có niên đại cuối thế kỷ 9 đầu thế kỷ 10 ở Đồng Dương (Quảng Nam). Tượng khoác sarong hai lớp, từ thắt lưng dài đến mắt cá chân. Bồ tát được thể hiện đứng thẳng, hai tay đưa ra phía trước. Ngoài nét độc đáo của chiếc váy thì nét đẹp ngoại hình của nhân vật khiến cho tác phẩm này đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình. Đó là vẻ đẹp của người phụ nữ có ngoại hình cân đối. Tượng mình trần, cổ cao có ba ngấn đẹp, đôi vai rộng càng làm nổi bật chiếc eo thon nhỏ nâng cặp vú tròn căng đầy sức sống. 

Tác phẩm Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù) của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Cuốn nhật ký bằng thơ này được viết từ ngày 29/8/1932 đến ngày 10/9/1933 trong thời gian Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam và giải khắp 18 nhà giam ở 13 huyện tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Nguyên gốc tập thơ chỉ là quyển sổ tay nhỏ, bìa xanh đã bạc màu, ghi bốn chữ 'Ngục trung nhật ký" kèm theo bốn câu thơ và hình vẽ hai nắm tay bị xích; bên trong gồm 133 bài thơ chữ Hán cùng một số ghi chép. 

Máy bay MIG 21F96, số hiệu 5121 của Trung đoàn 921, Sư đoàn 371 Không quân, bắn rơi 5 máy bay Mỹ trong đó có 1 máy bay B-52 do phi công Phạm Tuân bắn rơi vào đêm ngày 27-12-1972. Hiện vật hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. 


Việc lựa chọn Bảo vật quốc gia được thực hiện theo tiếu chí: là hiện vật gốc độc bản; là hiện vật có hình thức độc đáo; là hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước hoặc liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu; hoặc là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại; hoặc là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định; hoặc là mẫu vật tự nhiên chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển của lịch sử trái đất, lịch sử tự nhiên…” 

(Theo khoản 21 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa)


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo