Chủ tịch Trịnh Văn Chiến báo cáo Thủ tướng có trung thực? - Dân Làm Báo

Chủ tịch Trịnh Văn Chiến báo cáo Thủ tướng có trung thực?

NNVN - Theo tinh thần chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Nông nghiệp và PTNT xung quanh một số bài viết về tỉnh Thanh Hóa, Báo Nông nghiệp Việt Nam (NNVN) đã tiếp thu, nghiêm túc kiểm điểm cá nhân và Ban Biên tập để xảy ra một số sai sót, đồng thời đã đăng bài đính chính, xin lỗi theo quy định của Luật Báo chí và chấp hành hình thức xử phạt của Thanh tra Bộ Thông tin – Truyền thông. Bên cạnh đó, với tinh thần cầu thị, Báo NNVN đã tăng cường tiếp xúc, tích cực tuyên truyền về Thanh Hóa để mối quan hệ giữa Báo với tỉnh Thanh Hóa ngày càng tốt đẹp hơn lên.

Tuy nhiên, ngày 10/ 9/ 2012, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến lại có Báo cáo hỏa tốc số 121/BC-UBND, báo cáo một số bài viết về tỉnh Thanh Hóa đăng trên báo Nông nghiệp Việt Nam với Thủ tướng Chính phủ; Văn phòng Chính phủ; Bộ Thông tin và truyền thông; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và gửi Chủ tịch, các Phó CT UBND tỉnh. 

Nhận thấy, một số nội dung đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến báo cáo với Thủ tướng về Báo NNVN không đúng với sự thực. Buộc lòng, Báo NNVN phải có đôi điều trao đổi lại xung quanh bản báo cáo này: 

1. Đề cập đến bài viết: “Khi lòng dân chưa yên” đăng trên Báo NNVN số 96, ngày 14/5/2012, tại đầu trang 4, báo cáo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: “Bài viết có nhiều nội dung, tình tiết không đúng với sự thật. Bài báo có đoạn viết: “Dân tiểu thương chợ Bỉm Sơn kéo lên cổng UBND tỉnh biểu tình suốt 3 ngày dưới trời nắng nóng (từ ngày 09 đến ngày 11/5/2012) chỉ mong gặp lãnh đạo tỉnh để giải bày những bức xúc liên quan đến cuộc sống của họ tại chợ Bỉm Sơn, nhưng không có ai ra tiếp kiến với dân, mãi đến chiều ngày 11/5 mới được đồng chí Lê Đình Thọ - PCT thường trực UBND tỉnh ra gặp tại phòng tiếp dân…”. 

Báo Nông nghiệp Việt Nam xin thưa, đoạn văn trên không có trong bài viết “Khi lòng dân chưa yên” cả trên báo giấy và báo điện tử nongnghiep.vn (có kèm hai bài báo và báo cáo số 121 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến để đối chiếu). Và, không có bất kỳ trong bài báo nào mà NNVN đã viết về sự kiện hàng trăm tiểu thương kéo lên cổng UBND tỉnh Thanh Hóa hồi trung tuần tháng 5/2012. Tác giả đã không viết và Báo NNVN cũng không đăng với nội dung như vậy. 

Rõ ràng, đoạn viết trích dẫn bài báo trong báo cáo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến số 121 trên đã được viết theo ý của ông Chủ tịch. Và đặc biệt, để tăng tính nghiêm trọng lên, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến đã thêm từ “biểu tình” vào trong câu: “…biểu tình suốt 3 ngày đêm dưới trời nắng nóng (từ ngày 09 đến ngày 11/05/2012)”. 

Trang 4, báo cáo số 121/BC-UBND tỉnh Thanh Hóa, ngày 10/9/2012 báo cáo Thủ tướng 

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến đưa vào báo cáo, báo cáo Thủ tướng, Bộ TT-TT, Bộ NN-PTNT câu “….biểu tình suốt 3 ngày đêm…” để nói rằng Báo NNVN viết không đúng với sự thật, kích động, có ngụ ý xấu, chủ ý mạt sát, làm ảnh hưởng đến uy tín của Chủ tịch UBND tỉnh… 

Như vậy, chính đồng chí Trịnh Văn Chiến - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo Thủ tướng những điều không phải là sự thật! 

Chúng tôi xin nhắc lại rằng: Bài viết “Khi lòng dân chưa yên” thuộc thể thức bình luận, chạy theo dòng sự kiện. PV chia sẻ với người dân và mong người đứng đầu chính quyền tỉnh sớm giải quyết dứt điểm vụ việc để ổn định tình hình, tránh mất mỹ quan ở khu vực trung tâm thành phố và nơi công sở, cụ thể là ngay cổng trụ sở UBND tỉnh. 

Báo Nông nghiệp Việt Nam, trang 3, số 96, ngày 14/5/2012 
không hề có đoạn viết như Báo cáo văn số 121 của UBND tỉnh Thanh Hóa 

Tác giả đã đưa ra những luận cứ để làm sáng tỏ các luận điểm trong một bài bình luận chạy theo dòng sự kiện. Trong đó có việc dẫn công văn của Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa gửi các cơ quan đơn vị hướng dẫn việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh “về suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị” thông qua một số tác phẩm của Người như “Nâng cao đạo đức Cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” và bản “Di chúc”. 

Nghiền ngẫm công văn của Ban tuyên giáo và chứng kiến cảnh hàng trăm người dân dầm mưa dãi nắng trước cổng UBND tỉnh suốt 3 ngày đêm, không thể không khiến cho dư luận xã hội hoài nghi đến lời nói và hành động của cán bộ nơi đây. Câu hỏi đặt ra là liệu như thế đã xứng đáng làm người công bộc tận tụy của nhân dân hay chưa? 

Cách đó không lâu, báo Thanh Hóa đã đăng toàn văn bài phát biểu nhậm chức của ông Trịnh Văn Chiến khi ông được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Phát biểu trước cán bộ, đảng viên và gần 4 triệu nhân dân tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Chủ tịch Trịnh Văn Chiến nói: “Nhận trọng trách là người đứng đầu cơ quan hành chính cao nhất của tỉnh, tôi tự xác định cần phải nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa, đặc biệt là phong cách gần dân, sát cơ sở, chịu sự giám sát của dân, sẵn sàng lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị của dân; giải quyết công việc nghiêm túc, dứt khoát, minh bạch. Tôi rất mong các ngành, các cấp cùng đồng tâm hiệp lực; tăng cường đoàn kết và nâng cao trách nhiệm trước nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi quan liêu, tham nhũng, lãng phí; khắc phục tình trạng chậm trễ, phiền hà trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp; phấn đấu xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính từ tỉnh đến cơ sở thực sự trong sạch, vững mạnh, có kỷ luật, kỷ cương và điều hành có hiệu lực, hiệu quả cao, hoàn thành tốt nhất chức trách, nhiệm vụ được giao”. (Báo Thanh Hóa điện tử thứ 5 ngày 09/12/2010 đăng toàn văn lời hứa hùng hồn này). 

Nghị quyết T.Ư 4 đề cao vai trò của người đứng đầu. Câu chuyện mà tác giả bàn đến cũng chỉ mong muốn mọi điều tốt đẹp lên, đóng góp tiếng nói để người đứng đầu tỉnh Thanh Hóa thực sự nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa trước nhân dân. 

Dư luận đặt câu hỏi là trước một sự kiện kéo dài 5 tháng trời từ cơ sở và đỉnh điểm là hàng trăm người dân kéo nhau lên cổng UBND tỉnh như thế thì liệu ông Chủ tịch tỉnh đã gần dân hay chưa? Ông Chủ tịch đã sẵn sàng lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị của dân hay chưa? Ông đã nêu cao trách nhiệm trước nhân dân chưa? Ông đã cùng các cấp đồng tâm hiệp lực giải quyết công việc của người dân một cách nhanh chóng, không để chậm trễ, không gây phiền hà cho người dân hay chưa?   

Chúng tôi cho rằng, đã hứa thì làm. Dám đối mặt và đối thoại với nhân dân đó mới là bản lĩnh của người lãnh đạo trước những vấn đề phát sinh của cuộc sống. Nó không chỉ là trách nhiệm của người đứng đầu (không đùn đẩy, né tránh) mà còn là lương tâm của người cán bộ. Hành động được như lời nói thì mới thực sự xứng đáng làm công bộc của nhân dân. 

Báo cáo hỏa tốc 121/BC-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định rằng: “Sự việc trên hoàn toàn sai sự thật, ngay từ ngày 09/5/2012 Chủ tịch UBND tỉnh đã phân công Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Đình Thọ tiếp, giải quyết vụ việc và thực tế Phó Chủ tịch Thường trực Lê Đình Thọ đã tiếp dân, giải quyết vụ việc trên có kết quả tốt; hoàn toàn không đúng như tác giả viết trong nội dung bài báo”. 

Ở đây, chúng tôi không bàn đến chuyện đùn đẩy hay né tránh, nhưng việc Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, ngay từ ngày 09/5/2012 Chủ tịch UBND tỉnh đã phân công PCT Lê Đình Thọ tiếp, giải quyết vụ việc và “Phó Chủ tịch Thường trực Lê Đình Thọ đã tiếp dân, giải quyết vụ việc trên có kết quả tốt” là điều chưa chuẩn xác với thực tế diễn ra lúc bấy giờ. Vì nếu ông Thọ giải quyết vụ việc trên được tốt “ngay từ ngày 09/5/2012” thì người dân đã ra về chứ không phải vẫn tiếp tục cố thủ ăn chực nằm chờ suốt mấy ngày đêm sau đó dưới trời mưa dông và nắng gắt trước sự chứng kiến của người dân thành phố Thanh Hóa và nhiều cơ quan báo chí? 

Và sự thật là, chỉ đến khi đồng chí Mai Văn Ninh - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa từ Hà Nội về trực tiếp tiếp nhân dân Bỉm Sơm, thì người dân mới thấy được ấm lòng và vụ việc trên mới được giải quyết tốt. 

Thêm một lần nữa, đồng chí Trịnh Văn Chiến - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo Thủ tướng không đúng sự thật. 

2. Báo cáo hỏa tốc 121/BC- UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có đề cập đến hai bài viết: “Đói lay lắt miền tây Thanh Hóa” đăng trên NNVN ngày 08/3/2012 và bài “Tan tành rừng phòng hộ sông Chu” đăng ngày 07/11/2011. 

* Đối với bài: “Đói lay lắt miền tây Thanh Hóa”, tác giả và báo NNVN đã có báo cáo bằng văn bản với nội dung nhìn nhận một cách khách quan, nghiêm túc, kịp thời gửi các cơ quan: Ban tuyên giáo Trung ương, Bộ NN- PTNT, Bộ Thông tin- truyền thông, Cục báo chí, Thanh tra Bộ Thông tin- truyền thông. 

Các kiến nghị của UBND tỉnh Thanh Hóa xung quanh bài viết này đều không có văn bản kiến nghị nào gửi trực tiếp cho báo NNVN (kể cả UBND huyện Quan Hóa), trong khi đó, công văn 121 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa lại khẳng định: “Đến nay, đã quá lâu, nhưng báo Nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa có văn bản chính thức trả lời cho huyện Quan Hóa (nơi bài viết đề cập - NNVN), thể hiện sự thiếu tôn trọng cũng như tiếp tục vi phạm quy định pháp luật về thông tin, báo chí” là không đúng với bản chất sự việc. 

Theo quy định của Luật Báo chí, Báo NNVN chỉ buộc phải trả lời đối tượng đề cập đến trong bài viết khi nhận được kiến nghị của đối tượng đó đến Báo NNVN bằng văn bản hoặc khi các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có yêu cầu phải báo cáo (Báo NNVN đã báo cáo đầy đủ các cơ quan quản lý nhà nước như Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ TT-TT, Bộ NN- PTNT khi các cơ quan này yêu cầu). Báo NNVN không nhận được công văn của huyện Quan Hóa, thì lấy căn cứ đâu mà trả lời huyện này? 

Đồng chí Trịnh Văn Chiến - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo Thủ tướng như vậy có đúng sự thật hay không? 

* Đối với bài: “Tan tành rừng phòng hộ sông Chu” đăng trên báo NNVN ngày 07/11/2011. Đây là bài điều tra được tác giả thực hiện công phu và quá trình tác nghiệp có sự tham gia trực tiếp của Phó Chủ tịch UBND xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa và ông Mai Văn Ghi- PGĐ BQL Rừng phòng hộ sông Chu. Quá trình tác nghiệp, tác giả đã chụp được rất nhiều ảnh, ghi được âm và thu thập được nhiều chứng cứ chứng minh việc chặt phá rừng này. 

Bằng chứng là UBND xã Lương Sơn đã nhiều lần phối hợp với Hạt kiểm lâm để kiểm tra xác minh nguồn gốc rừng và đã lập biên bản yêu cầu dừng ngay việc chặt phá rừng của BQL RPH sông Chu. Đồng thời UBND xã Lương Sơn đã có công văn số 19/BC- UBND gửi UBND huyện Thường Xuân ngày 04/8/2011. 

Chủ tịch UBND xã Lương Sơn khẳng định trong báo cáo này như sau: 

Ngày 01/9/2010, UBND xã và BCĐ 12 của xã Lương Sơn đã tiến hành kiểm tra tại tiểu khu 493 khoảnh K2a, K2b do BQL bảo vệ Rừng phòng hộ sông Chu tổ chức phát 44ha (có biên bản kèm theo). 

Ngày 03/8/2011, UBND xã và BCĐ 12 của xã Lương Sơn đã tiến hành kiểm tra tại tiểu khu 493 khoảnh K1a, K2 số diện tích rừng đang phát hiện tại là 20,2ha hiện trạng rừng tái sinh (có biên bản kèm theo). 

Qua kiểm tra thủ tục hồ sơ thuyết minh đối tượng thiết kế, diện tích thiết kế trồng rừng sản xuất năm 2010- 2011 tại xã Lương Sơn trên đất trống không có khả năng phục hồi thành rừng và danh sách người thực hiện trồng rừng là hộ nghèo, nhưng hiện trạng thực tế thì ngược lại. Hiện trạng là rừng đang tái sinh và số hộ tham gia ra trồng rừng không phải là hộ nghèo như thuyết minh, khảo sát, thiết kế trồng rừng”. 

Quá trình tác nghiệp, PV đã liên tục hỏi ông Ghi rằng nơi chúng ta đang đứng là rừng đầu nguồn hay rừng sản xuất, ông Ghi đều ấm ớ và một mực mời PV về cơ quan để trao đổi. PV muốn hỏi kỹ ông Ghi vì nơi đang đứng chỉ cách sông Chu và hồ chứa nước thủy điện Cửa Đạt không xa. Đặc biệt, nơi đó đã có rất nhiều cây gỗ to vừa bị đốn hạ. Cũng tại nơi đó, có một người dân vào đây phát thực bì thuê đã bị lửa thiêu chết cháy. Vị trí này đã được BQL Rừng phòng hộ sông Chu giao cho ông kế toán trưởng của Ban thực hiện “phát quang trồng rừng”. 

Toàn bộ hợp đồng cho thuê đất rừng tái sinh để chặt phá rừng thay thế trồng keo đều là những cán bộ của BQL Rừng phòng hộ sông Chu và ông Bí thư Đoàn xã đứng tên. Tuy nhiên, trong hợp đồng này đã không thể hiện là người của cơ quan hay là cán bộ của xã Lương Sơn mà lại lấy tên theo CMND do Công an tỉnh cấp nên mới có chuyện “những hộ nghèo ở huyện Đông Sơn lên đây nhận đất trồng rừng”. 

Ngay sau khi báo NNVN đăng bài, BQL Rừng phòng hộ sông Chu đã dừng ngay việc chặt phá rừng ở đây. Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Quyền - PCT UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN- PTNT và UBND huyện Thường Xuân tiến hành kiểm tra, báo cáo về UBND tỉnh. 

Về phía báo NNVN, ngay sau khi đăng bài đã nhận được công văn của Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân. Từ nội dung công văn này, báo NNVN đã đăng trên mục hồi âm của trang 7, phát hành thứ 2, ngày 21/11/2011. Công văn của huyện Thường Xuân cảm ơn phản ánh kịp thời của báo NNVN và sẽ cho kiểm tra xử lý. 

Suốt gần 1 năm qua, kể từ ngày đó đến tháng 7/2012, báo NNVN không nhận được thông báo nào về kết quả kiểm tra, xử lý của huyện Thường Xuân xung quanh nội dung bài viết. 

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến báo cáo Thủ tướng khẳng định “UBND huyện Thường Xuân đã có 2 lần gửi văn bản cho Báo Nông nghiệp Việt Nam.. nhưng đến nay vẫn chưa có ý kiến phản hồi”. 

Như vậy, khi Báo nhận công văn tiếp thu phản hồi của UBND huyện Thường Xuân số 1255/UBND-NN ngày 10/11/2011, Báo đã đăng phản hồi trên báo ngày 21/11/2011 lại không phải là phản hồi của Báo với UBND huyện Thường Xuân hay sao? Sau 9 tháng UBND huyện Thường Xuân không có ý kiến gì về phản hồi của Báo NNVN, đến tận cuối tháng 7/2012, UBND huyện Thường Xuân mới có công văn số 873/UBND-NN ngày 24/7/2012 do Chủ tịch UBND huyện Cầm Bá Xuân ký gửi Báo NNVN đề nghị Báo NNVN trả lời bài “Tan tành rừng phòng hộ sông Chu”. Động cơ nào để mãi sau 9 tháng ngày báo đăng, UBND huyện Thường Xuân mới yêu cầu Báo NNVN trả lời? 

Bắt bẻ điều này với Báo NNVN của đồng chí Trịnh Văn Chiến – Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa để báo cáo Thủ tướng có phải là quá nhỏ nhen không? 

Về những sai sót trong việc dùng một số từ ngữ chưa chuẩn với ngôn ngữ báo chí, một số chi tiết không chính xác trong các bài báo này, Bộ Thông tin – Truyền thông đã có kết luận, đã xử phạt, Báo NNVN đã thực hiện tiếp thu, đã thực hiện kiểm điểm một cách nghiêm túc từ phóng viên đến Ban Biên tập báo cáo cơ quan chủ quản là Bộ NN-PTNT, báo cáo cơ quan quản lý báo chí là Ban Tuyên giáo TƯ và Bộ TT-TT và đã đính chính, xin lỗi tỉnh Thanh Hóa trên báo theo quy định của Luật Báo chí. 

Sau đó, Báo NNVN đã thể hiện sự cầu thị, cử phóng viên vào Thanh Hóa tích cực tuyên truyền, đặc biệt trong đợt lũ lụt vừa qua, Báo NNVN đã đăng gần 10 tin, bài phản ánh về tình hình ngập lụt, đời sống nhân dân gặp khó khăn do nhà cửa trôi, lúa hoa màu bị mất trắng, nỗ lực khắc phục hậu quả của chính quyền và nhân dân Thanh Hóa nhằm sớm ổn định cuộc sống cho nhân dân, để người dân cả nước được sẻ chia với những khó khăn của Thanh Hóa. 

Đó là để mối quan hệ tốt đẹp giữa Báo NNVN với nhân dân, với chính quyền các địa phương trong tỉnh, với lãnh đạo Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, các sở ngành của tỉnh Thanh Hóa vốn đã được xây đắp và duy trì từ nhiều năm nay, ngày được một tốt hơn lên. Đó, cũng phần nào nhận thức và thể hiện vị trí của một tờ báo có uy tín sau những sai sót khách quan đáng tiếc xảy ra! Đó, cũng chính là hướng đến mục đích chung, của cả Báo NNVN và tỉnh Thanh Hóa, là làm sao để người dân Thanh Hóa ngày một được ấm no, giàu mạnh, để đất nước Việt Nam được giàu mạnh. 

Vì những điều đó, Báo NNVN sẽ nhất định không đánh đổi mối quan hệ tốt đẹp này bằng một vài sai sót nhỏ, trong một vài bài báo phê bình (phê bình để tốt lên) trong hàng trăm bài báo tuyên truyền về các điển hình, mô hình tiêu biểu, sự hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua. 

Vậy nhưng, với những gì đồng chí Trịnh Văn Chiến - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo Thủ tướng tại Báo cáo số 121/BC-UBND, ngày 10/9/2012, liệu có phải là thể hiện sự cố chấp đối với những sai sót nhỏ đã được khắc phục và sự cay cú của cá nhân đồng chí Chủ tịch đối với Báo NNVN không? 

Nếu viết những điều sai sự thật để úp lên một tờ báo vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nâng cao dân trí nông thôn có uy tín, chắc gì đã là tốt đối với một đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, khi mà đồng chí Chủ tịch hứa trong Báo cáo gửi Thủ tướng Chính Phủ: “Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tính chính xác trong nội dung báo cáo này”?




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo