Dân chủ can trường - Dân Làm Báo

Dân chủ can trường

Cách đây 225 năm, Hiến pháp Hoa Kỳ đã khai sinh kỷ nguyên mới trong lịch sử con người 

16 tháng Chín, 2012 

Thứ hai này đánh dấu 225 năm ngày mở ra bước ngoặt của thế giới- nền tảng lịch sử con người hiện đại.

Vào ngày 16 tháng Chín, 1787, vua, sa hoàng, hồi vương, hoàng thân, hoàng đế, đại hãn, lãnh chúa và tù trưởng thống trị gần như trên toàn các đại lục và dân số của Trái Đất. Chinh chiến và đói kém là chuyện bình thường. Những chuyện như thế đã diễn ra suốt tự bao đời. Các thể chế dân chủ đã tồn tại ở vài nhà nước-thành phố Hy Lạp và Ý xưa, nhưng đa phần những nhà nước cộng hòa trên phạm vi nhỏ này đã lụi tàn từ lâu trước Cách mạng Mỹ. Dù Anh đã có Hạ Viện và hệ thống bồi thẩm có sự tham gia rộng rãi của toàn dân, nhưng vua và quý tộc Anh vẫn nắm giữ quyền lực rất lớn theo kiểu gia truyền. Một số nhỏ điền chủ Thụy sĩ tự quản trị, và nhà nước cộng hòa Hòa Lan đã đến thời kỳ cuối cùng. Vào thời ấy dân chủ trên thế giới chỉ có thế. 

Ngày nay, khoảng độ nửa hành tinh sống dưới thể chế dân chủ nào đấy. Điều gì đã ngẫu nhiên tạo ra sự biến đổi bất ngờ và ngoạn mục trên toàn cầu?

Chuyện là như thế này. Sau một thời gian dài họp kín ở Philadelphia một nhóm nhỏ những người Mỹ danh tiếng đã công bố một đề nghị táo bạo vào ngày 17 tháng Chín, 1787. Bản đề nghị này, được George Washington, Benjamin Franklin và 37 chính khách hàng đầu khác cùng ký, mở đầu như sau: "Chúng tôi Nhân Dân Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ... quyết định ban hành Hiến Pháp này cho Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ." 

Tất nhiên, vào ngày 17 tháng Chín năm ấy, chưa có gì được quyết định hay ban hành. Đề nghị ấy chỉ là tờ giấy. Nhưng những gì đã diễn ra trong suốt năm sau đó, tại các cuộc bầu cử đặc biệt được tổ chức ở tất cả các tiểu bang, đã biến lời mở đầu ấy thành sự thật: Chính chúng tôi, Nhân Dân Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, đã thực sự quyết định và ban hành đề nghị ngày 17 tháng Chín. 

Đây là tin chấn động trên trường thế giới. Trước cuộc Cách mạng Mỹ, chưa từng có chế độ nào trong lịch sử - không phải Athens cổ đại, không phải La Mã cộng hòa, không phải Florence cũng không phải Thụy Sĩ cũng không phải Hòa Lan cũng không phải Anh-đã thông qua thành công văn bản hiến pháp bằng cuộc phổ thông đầu phiếu đặc biệt. 

Nước Mỹ vào năm 1776 cũng không được như vậy. Tuyên ngôn Độc lập được thông qua không phải bằng phổ thông đầu phiếu, và tất cả các hiến pháp tiểu bang được thông qua vào năm đó cũng không phải bằng phổ thông đầu phiếu. Năm 1780, nhân dân Massachusetts đã ban hành bản hiến pháp tiểu bang dựa trên cuộc phổ thông đầu phiếu đặc biệt, rồi đến năm 1784, New Hampshire làm theo. Vào ngày 17 tháng Chín, 1787 bản Hiến Pháp Hòa Kỳ được đề xuất đã nâng ý tưởng mới này lên theo tỷ lệ tương xứng, mời những người Mỹ trên khắp nước xem xét kỹ lưỡng và bỏ phiếu về cách họ và con cháu họ nên được trị vì. 

Trong một loạt những cuộc bỏ phiếu đặc biệt chưa từng có này, hầu hết các tiểu bang đều giảm hay bỏ các yêu cầu bình thường về tài sản. Chưa bao giờ trong lịch sử loài người lại có rất nhiều người có cơ hội bỏ phiếu về những nguyên tắc hoạt động căn bản của xã hội. 

Đúng ra, xét theo tiêu chuẩn của năm 2012, những cuộc bầu cử phê chuẩn hiến pháp năm 1787-88 có vẻ không đầy đủ: thế còn phụ nữ và nô lệ thì sao? Nhưng phụ nữ và nô lệ đã chưa từng bao giờ bỏ phiếu ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới vào trước năm 1787. Xét theo tiêu chuẩn thời đó, mức độ tham gia gia dân chủ là phi thường - làm thay đổi cả xã hội. 

Mức độ sâu sắc của sự tham gia dân chủ lại càng phi thường không kém. Trong những cuộc bầu cử phê chuẩn hiến pháp năm 1787-88, khắp nơi trên nước Mỹ mọi người đều bàn bạc rất tự do. Cả người ủng hộ lẫn kẻ phản đối dự thảo Hiến pháp tháng Chín ai ai cũng tự do bày tỏ ý kiến mà hầu như chẳng sợ bị truy bức về pháp lý hay chính trị. Những người đứng đầu ở cả hai phe trong cuộc Đại Tranh luận trong năm 1787-88 về sau được giữ những chức vụ rất vinh dự - như những tổng thống, phó tổng thống và chánh án Tòa án Tối cao - dưới chế độ mới. 

Cuộc thảo luận ở nước Mỹ vào năm 1776 ít công khai hơn. Chiến tranh đã bắt đầu từ lâu trước khi độc lập được tuyên bố, và hầu như tất cả những ai chống lại độc lập vào năm 1776 đều bị lâm vào cảnh lưu vong chính trị. Về sau hầu như chẳng có ai trong số họ từng giữ được bất kỳ chức vụ đáng chú ý nào trong chính quyền Mỹ. 

Ngay sau khi nhân dân tập hợp lại trong năm 1787-88 để tuyên bố "Đồng ý, chúng tôi phê chuẩn," nhân dân Mỹ đã tạo ra Bộ Luật Dân Quyền (Bill of Rights) để sửa những khiếm khuyết trong bản Hiến Pháp ban đầu. Thực ra, bộ luật này có sự đóng góp ý kiến của chính nhân dân. Cho nên không có gì lạ, nhóm từ xuất hiện thường xuyên nhất trong Bộ Luật Dân Quyền là nhóm từ "nhân dân". Về sau các tu chính án hiến pháp tiếp tục đà dân chủ này, thường xuyên mở rộng nhưng hầu như không bao giờ giới hạn tự do và bình đẳng, và rồi cuối cùng hoan nghênh những người da đen, phụ nữ, thanh niên và những người Mỹ không có tài sản như là những người tham gia dân chủ bình đẳng. 

Tóm lại, đà dân chủ phi thường được tạo ra từ lá phiếu và tiếng nói của nhân dân trong năm 1787-88 đã tiếp tục đẩy nước Mỹ tiến lên trong suốt những thập niên và những thế kỷ sau đó. 

Và không chỉ nước Mỹ. Thế giới ngày nay càng dân chủ hơn bao giờ hết, phần lớn nhờ sự thành công về ý thức hệ, kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ, điều này chứng tỏ rằng dân chủ có thể thành công trên phạm vi địa lý và dân số mà trước đây con người không bao giờ tưởng có thể xảy ra. 

Tại sao chúng ta quan tâm đến sự lan truyền của dân chủ? Trước tiên, bởi vì không có nền dân chủ lâu đời đáng kính trọng nào trong kỷ nguyên hiện đại lại chuyển sang chế độ độc tài. Các nền dân chủ chín chắn hiện đại đều không tiến hành chiến tranh chống lại lẫn nhau hay trải qua nạn đói trầm trọng. 

Thế giới vẫn còn non trẻ này, thực sự, đã ra đời ở Hoa Kỳ, và cuộc sinh thành kỳ diệu này đã bắt đầu đúng cách đây 225 năm. Chúc mừng Sinh nhật, nước Mỹ. Chúc mừng Sinh nhật, thế giới. 


Akhil Reed Amar dạy luật và chính trị ở Yale 

Nguồn: Los Angeles Times 16/9/2012 



Bản tiếng Việt:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo