Giám đốc cầm cố nhà cửa, công nhân màn trời chiếu đất - Dân Làm Báo

Giám đốc cầm cố nhà cửa, công nhân màn trời chiếu đất

Bình Yên (Nguoiduatin.vn) - Mấy chục công nhân Công ty Đường 126 thuộc CIENCO1 Bộ Giao thông Vận tải "bỗng dưng" rơi vào cảnh màn trời chiếu đất sau khi giám đốc của họ cầm cố khu nhà họ ở cho nhà băng.

Cầm cố cả nhà ở của người lao động 

Công ty Đường 126 là đơn vị thành viên của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông I - Bộ Giao thông vận tải. Từ năm 1984, lãnh đạo công ty đã dành hẳn một khu nhà tập thể (hơn 1.000m2) của Xưởng sửa chữa trong phần diện tích 5.400m2 đất thuộc quyền sử dụng của công ty với mục đích phân làm chỗ ở cho các cán bộ công nhân viên có đóng góp tích cực cho công ty và có nhu cầu về chỗ ở. Trong quá trình sinh sống, các gia đình đã bỏ nhiều tiền của, công sức để cải tạo, nâng cấp lại. Do sinh sống ổn định và được thừa nhận là có nhà ở hợp pháp nên đến nay, tất cả đều đã được cấp sổ hộ khẩu. 

Thảm cảnh của nhiều công nhân Cty Đường 126 

Năm 1996, Sở Địa chính TP. Hà Nội quyết định cho Công ty Đường 126 thuê đất thời hạn 20 năm. Ngày 12/7/1996, Sở Địa chính và công ty đã hoàn tất việc ký kết hợp đồng thuê đất, quy định rõ: Trong thời gian thực hiện hợp đồng thuê đất, bên thuê không được chuyển giao quyền sử dụng khu đất cho tập thể hoặc cá nhân khác dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước cho phép. 

Sau đó, lãnh đạo Công ty đường 126 tiếp tục phân nhà tập thể thêm cho một số hộ gia đình là cán bộ công nhân viên của công ty. 

Năm 2004, ông Nguyễn Đại Liêm được bổ nhiệm giám đốc Công ty Đường 126. Tuy quyền sử dụng đất của Công ty chỉ dưới hình thức Nhà nước cho thuê đất, trả tiền hàng năm và chưa được cấp Giấy CNQSDĐ thế nhưng, tháng 6 năm 2004, ông Nguyễn Đại Liêm đã đem toàn bộ 5.400m2 đất Nhà nước cho thuê, trong đó có khu tập thể mà thế hệ lãnh đạo trước đây của Công ty đã xây dựng để phân cho cán bộ công nhân viên làm tài sản đảm bảo cho hợp đồng tín dụng giữa Công ty với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Đông Anh (Vietinbank) để vay 1 tỷ đồng. 

Do đến hạn, Công ty không thanh toán được số tiền đã vay của Ngân hàng nên toàn bộ tài sản đảm bảo đã được Vietinbank phát mại. Theo đó, Vietinbank đã chuyển nhượng toàn bộ tài sản đảm bảo nói trên cho Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp – Bộ Tài chính (DATC). Sau đó, ông Nguyễn Đại Liêm yêu cầu các hộ gia đình phải trả lại nhà chỉ trong vòng 20 ngày để mời DATC vào phát mãi tài sản chi trả khoản vay 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty Đường 126 lại không có quỹ đất tái định cư dành cho cán bộ công nhân viên, không thực hiện chế độ bồi thường hỗ trợ nào theo quy định Nhà nước. 

Vì không biết đi đâu về đâu nên các gia đình vẫn cố gắng bám trụ lại. Kể từ đây, những tai ương bắt đầu ập đến, cuộc sống của những người lao động lâm vào cảnh khốn 

Người lao động liên tiếp bị đe dọa 

Suốt từ năm 2011 đến nay, ông Nguyễn Đại Liêm liên tục yêu cầu các hộ gia đình ra khỏi nhà tập thể. 

Ông Bùi Xuân Hợi, người sống tại khu tập thể cho biết: Sáng 31/7/2012, trong lúc ông đang đi làm thì nhận được điện của hàng xóm nói rằng Công ty Thúy Hùng (chủ sở hữu mới) đang cho đầu gấu vào phá nhà của gia đình ông. Ông đành phải bỏ dở công việc và vội vàng quay về, đến nơi đã thấy toàn bộ gian nhà phía trước bị phá dỡ, gạch ngói vứt ngổn ngang. Quá bất bình, vợ ông đã lập tức làm đơn trình báo lên công an. Buổi chiều cùng ngày, có hai người tự giới thiệu là người của Công an huyện Đông Anh đến điều tra, thế nhưng, đến nay vẫn chưa thấy có thông báo gì. 

Ông Hợi bức xúc: “Kẻ phá hoại nhà tôi đã rõ là ai, vậy tại sao đã mấy tháng trôi qua, công an vẫn chưa tìm ra được thủ phạm? Phải chăng có một thế lực nào đó đang dung túng cho những kẻ côn đồ này?” 

“Cách đây 2 tháng, trong khi cả nhà tôi đang ngủ thì buộc phải thức giấc bởi những thứ mùi rất khó chịu. Khi mở cửa, tôi thấy toàn bộ phía trước nhà là phân trộn lẫn dầu nhớt do ai đó cố tình đổ vào. Sau đó, tối ngày 16/8/2012, trong lúc đang ăn cơm, một chiếc xe tải lùi vào giữa cửa nhà tôi, xả khói mù mịt khiến cả gia đình phải bỏ dở bữa cơm. Mặc dù, tôi đã ra tận nơi nhắc nhở nhưng người lái xe vẫn tiếp tục nổ máy và xả khói vào nhà. Vì hít phải khói xe, con gái tôi đã bị ốm nhiều ngày sau đó”, bà Trần Thanh Bình kể. 

Mới đây, ngày 16/9/2012, lúc bà Bình không có nhà, kẻ lạ đã đập phá và lấy đi một bộ cửa sổ và đổ phân trộn dầu thải, thuốc sâu lên giường, chăn gối và một số vật dụng khác trong nhà. Hiện tại, bà Bình buộc phải đưa 2 con nhỏ sang tá túc nhờ nhà hàng xóm. 


GS. TSKH Đặng Hùng Võ: "Tiếng kêu khẩn thiết của người dân cần phải đưc các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết kịp thời"
Đất thuê của Nhà nước và trả tiền thuê đất hàng năm không được đem đi thế chấp. Hơn nữa, không được thế chấp khu đất ở đã được phân cho cán bộ, công nhân viên làm nhà ở. Trong việc này, người giám đốc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Không những thế, anh ta còn phải chịu trách nhiệm trước tòa án lương tâm. Điều này thể hiện việc không hiểu biết pháp luật, cũng có thể là cố tình, có thể vì tư lợi.

Theo tôi, đây là vấn đề rất lớn. Vụ việc này, có thể gửi lên Thanh tra Chính phủ, thậm chí Thủ tướng Chính phủ vì đây là hiện tượng sai lầm rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Không chỉ ảnh hưởng mà còn khiến người lao động rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”, bơ vơ không nơi nương tựa.

Trong việc này, chắc chắn có trách nhiệm của Bộ Giao thông - Vận tải. Lẽ ra Bộ này phải làm việc với lãnh đạo UBND huyện Đông Anh và TP. Hà Nội để tính chuyện quy hoạch đối với khu ở này để ổn định đời sống cho người lao động.

http://www.nguoiduatin.vn/giam-doc-cam-co-nha-cua-cong-nhan-man-troi-chieu-dat-a57580.html


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo