Khánh Ly, con chim đầu đàn 'Sơn Ca 7' - Dân Làm Báo

Khánh Ly, con chim đầu đàn 'Sơn Ca 7'

Đinh Phương (Danlambao) - Khánh Ly, người nữ ca sĩ rất đặc biệt với công chúng người Việt Nam. Chị trưởng thành và nổi tiếng từ thời Việt Nam Cộng Hòa của miền Nam, di tản vào dịp 30 tháng tư năm 1975 sang Mỹ và ở đó cho đến nay. Trong thế giới âm nhạc Việt Nam, chị cùng với nhạc Trịnh Công Sơn đứng ở một cõi riêng biệt, không chung đụng với dòng nhạc nào, cũng chẳng lẫn lộn với người khác, từ giọng hát đến cá tính…, và rất gần gũi với sinh viên và trí thức.

Sau năm 1975, người miền bắc biết đến danh ca Khánh Ly qua cuốn băng cassette "Sơn Ca 7", chứa đựng một loại nhạc được gọi là "vàng", bị cho là ủy mị và đồi trụy, bị cấm lưu hành và chỉ được phổ biến "chui". Từ đó người miền bắc gọi ca sĩ Khánh Ly một cách thân quen là "Sơn ca 7".

Từ phía nhà nước Việt Nam, thông qua văn bản mà ông Nguyễn Ngọc Sơn, chủ phòng trà ca nhạc Đồng Dao đã công khai, thì ca sĩ Khánh Ly đã được cấp phép về Việt Nam hát. Ông Vương Duy Biên, thứ trưởng Bộ Văn Hóa, người cấp giấy phép ngày 24.09.2012, nói rõ là giấy phép được cấp sau khi đã xem xét và nghiên cứu kỹ. Chính thức là trước đó, vào tuần đầu tháng 8, cục quản lý nghệ sĩ A83 đã nhất trí đề xuất việc cấp phép cho Khánh Ly về biểu diễn ở Việt Nam. Ông Nguyễn Thành Nhân, trưởng phòng Quản lý biểu diễn và băng đĩa của Cục Nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam nói: "Chúng tôi muốn thể hiện chính sách cởi mở của Nhà nước, tạo điều kiện cho những nghệ sĩ nay muốn hướng về Tổ quốc, có thể trở về biểu diễn cho đồng bào mình, ngay trên quê hương".

Sau 37 năm, nhà nước Việt Nam vừa có chủ trương để cho danh ca Khánh Ly về hát!

Khánh Ly "Sơn ca 7" - Nguồn hình: BBC.co.uk

Khác với tất cả các ca sĩ khác - ngay cả với ca sĩ vượt biên Chế Linh - mọi người có thể về Việt Nam hát mà thủ tục cấp phép không rườm rà từ bộ phận nọ qua cơ quan kia. Trường hợp của ca sĩ Khánh Ly hết sức đặc biệt, cuối cùng thì trong "sổ bìa đen" ghi tên những nghệ sĩ hải ngoại chỉ còn trật lại một mình chị ấy, nữ danh ca Khánh Ly.

Ngoài xã hội, ca sĩ Khánh Ly là người ít nói, nhưng luôn thể hiện quan điểm chính trị của mình một cách rất rõ ràng. Chị yêu chuộng tự do và hòa bình, luôn đề cao nhân bản và quyền con người. Những người gần gũi với chị đều biết chị không phải là người chống cộng cực đoan, nhưng lại rất dứt khoát với sự độc đoán và áp đặt. Ảnh hưởng của Khánh Ly cũng theo hơi thở của chị đi sâu vào trong giới nghệ sĩ nói riêng, và ở ngoài công chúng nói chung, không đơn thuần "xướng ca vô loài". Cũng chính vì những điều này mà lý lịch của chị bị nhà nước khoanh tròn, bị qui vào đối tượng phải được "quản lý chặt". Việc bây giờ nhà nước mới cấp phép cho chị vào Việt Nam biểu diễn nhưng thời gian bị giới hạn (chỉ đến hết tháng 12) là minh chứng cho điều này.

Khánh Ly có (nên) về hát hay không?

Dè dặt và cân nhắc cũng là bản tính của người nghệ sĩ này. Khánh Ly dễ nhân nhượng và hòa đồng nhưng chắc chắn không cầu toàn như ông Nguyễn Ngọc Sơn nói, chị không chấp nhận sự việc bằng mọi giá. Hơn nữa Khánh Ly là người có khí tiết. Người viết hoàn toàn không ngạc nhiên về sự im lặng của chị trong lúc này, thay vì tuyên bố nhăng nhít.

Trong suốt quá trình lưu vong - và cũng vừa mới đây – Khánh Ly luôn nhấn mạnh rằng "rất lấy làm tiếc (vì chưa xảy ra) và rất muốn làm điều đó (về Việt Nam biểu diễn)". Người viết tin rằng Khánh Ly nói điều này từ trong đáy lòng nói ra. Dù nhìn từ góc độ nào đi nữa, đây là một ước nguyện mang tính nhân bản, hướng về cội nguồn của một người nghệ sĩ đối với dân tộc của mình. Còn những ai nắm quyền hành, họ có cho phép hay không, và với điều kiện nào được đặt ra, thì đấy là quyền của họ. Nhưng, ở mức độ nào, và chấp nhận được hay không? lại là quyền của người nghệ sĩ. Trong trường hợp này là của ca sĩ Khánh Ly.

Là một con người có nhân cách, trong quá khứ, Khánh Ly đã từng từ chối lời mời trong tình trạng điều kiện ở quá mức có thể chấp nhận được. Ngược lại, Khánh Ly lại là ca sĩ hải ngoại đầu tiên công diễn ở Đông Âu. Vào năm 1990, khi bức tường Bá Linh vừa sụp đổ, mặc dù nước Đức chưa thống nhất, chính phủ Cộng Hoà Dân chủ Đức vẫn còn tồn tại, một cách độc lập, Khánh Ly đã cùng với ca sĩ Thanh Tuyền lưu diễn ở Đông Đức (Đông Berlin và Plauen) với khán giả hoàn toàn là những người miền Bắc đi lao động hợp tác, và sau đó lần lượt ở các nước lân cận như Tiệp Khắc, Balan… .

Trong bài phỏng vấn [*] của BBC ngày 24/9 vừa qua, người ta nhìn thấy nỗi niềm và sự băn khoăn thật lòng - nói đúng hơn là nỗi buồn thực thể - của chị, chứ không phải những lời "Ỡm à… Tản mạn" [**] được mò rồi phỏng đoán. Có gì là lố bịch khi vào nhà người ta phải ý tứ một cách cần thiết? Có gì là xấu xa trong tình huống - dù không do mình tạo ra - mỗi người nhường nhau một bước?

Người ta bảo rằng Khánh Ly đang đòn phép với dư luận để rồi âm thầm và đột xuất về Việt Nam hát. Quả thật là quá ấu trĩ! Những người này chắc chắn chưa từng gặp Khánh Ly ngoài đời thật nên không biết gì về con người của chị ấy cả. Chính ngay cả ông chủ phòng trà ca nhạc Đồng Dao Nguyễn Ngọc Sơn cũng hớ hênh và không biết mình đang đứng ở chỗ nào, xác nhận đi xác nhận lại, thông báo lui thông báo tới cái chuyện giấy phép liên quan với ca sĩ Khánh Ly (dù đã trắng đen) - trong khi khả năng là chị ấy còn phải xem xét lại - thì có phải là trống đánh xuôi kèn thổi ngược không? Đâu có ai đặt vấn đề giả-thật của cái giấy phép ấy. Người viết cũng không thể hiểu nổi khi ông Sơn nói ca sĩ Khánh Ly muốn thực hiện chương trình kỷ niệm 50 năm đời ca hát ở tại Việt nam. Thực tình người viết cũng không biết ca sĩ Khánh Ly sẽ nói gì hát gì và diễn gì với chương trình kỷ niệm 50 năm này ở trong Việt Nam, khi mà cái nhìn của một số quan chức nhà nước còn hạn hẹp, khi mà quá trình 50 ca hát của chị ở trong vùng bị coi là "nhạy cảm" (chế độ VNCH cũ và ở Cộng đồng hải ngoại).

Lại còn cái chuyện một người nào đó hậu đậu - tự xưng là "thân với chị như em gái" - phát biểu thiếu cẩn trọng. Ca sĩ Khánh Ly còn sờ sờ ra đấy, chị ấy chưa (không) phát biểu thì thôi, cắc cớ nói nhảm rùm beng làm rối ren tình huống, phương hại lẫn nhau. Cái tin Khánh Ly sẽ âm thầm về hát cứ như là chuyện Khánh Ly về Việt Nam đánh du kích bất chấp tổn thương và hậu quả. Chuyện buồn cười của đám trẻ con. Vừa ngu vừa nhiệt tình cộng lại thành phá hoại! (Tục ngữ dân gian của người miền bắc). Đúng là nhanh nhẩu đoảng.

Bây giờ, sau khi nhà nước đã cấp phép, thì việc còn lại: Hát hay không hát là tùy thuộc vào quyết định riêng của con chim đầu đàn "Sơn Ca 7" Khánh Ly, hay nói đúng hơn là tùy thuộc vào sự tuyên bố và điều kiện mà nhà nước cùng cơ quan quản lý có liên quan đặt ra với chị(?!). Xin nhắc lại: Khánh Ly là một người tôn trọng nhân cách. Đặt thêm trường hợp có về hát: Còn những áp lực nào mà danh ca Khánh Ly còn phải đối mặt nữa đây?!

(Sẽ hát ở Việt Nam? - Nguồn hình: Tienphong.vn)

Phạm trù "Hòa hợp - Hoà giải" người viết không (dám) đặt ra ở đây. Có lẽ một môi trường thành thật nhất, thực sự phù hợp với "sự thể hiện chính sách cởi mở" của nhà nước nhất, "bằng chứng hùng hồn" nhất của "chính sách đại đoàn kết dân tộc", và cũng thực sự phù hợp với tinh thần của ca sĩ Khánh Ly nhất, là đừng ôm đồm gì cả, kể cả các ông các bà quan chức ở các bộ ngành có liên quan. Hãy bình lặng để cho ca sĩ Khánh Ly về Việt Nam với khán thính giả của chị ấy (như chị ấy đã từng mong mỏi) và hát những bài tình ca, phục vụ quần chúng, không mang mầu sắc chính trị, không phục vụ cho một thế lực nào, bất chấp những sự kích động của các phe nhóm cực đoan, từ mọi phía. Như vậy có hợp lý và tình người hơn không?!


_________________________________




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo