Miệng lưỡi đa sự ký (2) - Dân Làm Báo

Miệng lưỡi đa sự ký (2)

“Chủ nghĩa nào, chế độ nào rồi cũng phải đi qua, duy dân tộc và quê hương là còn đứng lại mãi.” 

Hàn Lệ Nhân (Danlambao) - Ngày ngày tôi chịu khó đọc tin tức. Đôi khi mới đọc nửa chừng đã khó chịu đã tức. Đọc xong đã không tin mà vẫn tức chỉ muốn băm bài báo cho đã tức, nhưng tôi chỉ đã tức cười khi nghe mấy bài báo miệng bảo rằng Việt kiều (VK) nào đã du lịch Việt Nam mà còn cự lại Đảng & Nhà nước Cộng sản Việt Nam (Đ&NN-CSVN) tức tự mâu thuẫn.

- Chắc tại hoảng họ nuốt liều liều thuốc yêu nước là (phải) yêu xã hội chủ nghĩa mà Đ&NN-CSVN hàm ý đồng bóng một đảng phái với một quốc gia, một chế độ với một dân tộc. Trong một giai đoạn nào đó, chế độ có thẩm quyền đồng ý hay không đồng ý cho một số thành phần kiều dân về nước. Đã đồng ý cho về đồng nghĩa với tiền trao cháo múc, sòng phẳng. Phải sòng phẳng. Thử trả thiếu tí tiền xin Visa coi, họ có ký Cho về không? Do đó, không bên nào chịu "ơn" bên nào cả, hai chữ Xin-Cho trong cuộc "bán mua chính trị" này không nằm trong tự điển phổ thông. 

- Nhưng lỡ chế độ trụ được Muôn Năm như định hướng thì tổ quốc, quê hương hẳn là sở hữu của chế độ chứ! 

- Lấy ví dụ VK bọn nị về thăm Việt Nam. VK về Việt Nam là về quê hương của non 90 triệu người Việt Nam, chứ Việt Nam đâu phải là hương hỏa của riêng chế độ nào. Chủ nghĩa nào, chế độ nào rồi cũng phải đi qua, duy dân tộc và quê hương là còn đứng lại mãi. Nị tổ khoái đọc lịch sử xứ ngộ, có chế độ nào trụ mãi đâu. Bọn ngộ ngoạm bọn nị cả ngàn năm mà nuốt không trôi, rồi cũng phải nhả, riêng văn hóa nói chung là còn trốn ở lại, cụ thể là trong bếp! Gia chánh ẩm thực là văn hóa, dễ tiêu dễ hóa hơn mọi thứ hóa phẩm khác. 

- Lời tiên sinh làm tôi trực nhớ lại chuyện trước 1975: Bao nhiêu người cả đời ăn cơm Sài Gòn nhưng đi ngoài Hà Nội! Mà chẳng ai múa lưỡi quy họ tự mâu thuẫn.Và họ lại được lãnh bằng Anh Hùng Cách Mạng! 

- Thiếu gì người tị nạn cộng sản nhưng vẫn thờ ông Mao, ông Hồ. Bởi vậy VK bọn nị về nhưng vẫn cự lại chế độ là hai phạm trù tách biệt, với tí suy nghĩ tẹo liêm sỉ không ai ngụy biện thành mâu thuẫn, để cả vú lấp miệng... mình. Mà chế độ có làm sao mới có chuyện chống đối chứ. Đọc sách hay đọc / nghe tin tức mà không động não còn hại hơn là ăn mà không nhai. Hôm nay ăn mà không nhai, tức bụng, nội ngày mai là xả được, có điều hại về đường ruột, đường bao tử chỉ hại cho mỗi bản thân. Chứ đọc sách, nhất là đọc / nghe tin tức “lề đảng” mà vội tin tức chưa biết cách đọc / nghe, cho đó là sự thật từ Nxb Sự Thật, chuyên môn là nói láo, chủ quan mở miệng phát tán nguyên si ra, trong nhiều trường hợp, cái hại không thể tính đếm. Cần hướng dẫn lại cho họ cách đọc / il faut leur réapprendre à lire (Mallarmé). 

- Đâu phải ai cũng chịu khó vậy, thưa tiên sinh. 

- Đành rằng không phải ai cũng chịu khó như nị nói, nhưng có người bâng quơ: đôi khi không phải tại cái giếng sâu mà do sợi dây không đủ dài. Tóm lại nên thông cảm và thương họ. Vả, có bao giờ nị tự vấn: Đất nước dân tộc nị thịt da mùi vị ra sao mà thiên hạ ai cũng muốn ăn thử, vì là tiên là rồng nên khẩu vị các nị chắc siêu lắm mới thường bất chấp thủ đoạn để sực nhau? Xin lỗi, tổ tiên bọn nị ăn thế nào mà con cháu uống hoài vẫn chưa đã khát? 

- Chỉ muốn ăn nhau chứ có uống nhau đâu mà đã khát. Câu hỏi của tiên sinh, xin khất lại, để tôi hỏi bề trên… trên Internet. 

- Ngộ chờ. Chỉ tụi da trắng mới mắc cái bệnh khoa học, như nhìn con cá, họ thường thắc mắc viển vông cá này ăn gì để sống...; nhìn con nhím, họ nhíu mày bóp trán: loài nhím có công dụng gì, tại sao da nó lại dựng đứng cả lên khi bị kích động. Người Tàu ngộ và người Việt nị thì khác: Nhìn con cá, con nhím là thấy ngay cái bếp, cái nồi rồi cái miệng, cái lưỡi. (1) Nếu con mắt không muốn khóc mà lệ cứ rơi rơi, thì miệng lưỡi có khạc nhổ gì đâu mà dãi cứ rỉ rỉ? Chỉ cổ nhân người Việt mới lỡ miệng ăn nói dại miếng ăn là miếng tồi tàn... 

- Cũng tương đối thôi, thưa tiên sinh. Nếu quả miếng ăn là miếng tồi tàn sao các bà mẹ lại dạy con gái “muốn chiếm được lòng đàn ông thì nên theo con đường từ bao tử của họ đi lên”. Tôi xin thêm: Muốn nắm được ông chồng phải từ cái lưỡi của họ đi vào! 

- Còn muốn nắm được bà vợ thì sao? 

- … cái lưỡi cần từ cái lưỡi đi xuống! 

- Ý hội, ý hội... bất khả ngôn từ. Trường đại học Saga bên Nhật có công bố kết quả nghiên cứu rằng lưỡi nữ giới có độ nhạy cảm hơn lưỡi nam giới. 

- Vậy tiên sinh hiểu sao về câu thành ngữ “lưỡi đàn bà như lưỡi mèo, lưỡi đàn ông như lưỡi chó”? 

- Diễn đạt đen-trắng kiểu nào cũng sai, cũng sẽ bị 2 phương 4 hướng tập kích. Thôi thà nói không biết, lại được nhận không hai chữ thông thái: Biết thì nói là biết, không biết thì nói không biết, ấy là biết vậy / Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã - Luận ngữ, Khổng Tử. Cẩn tắc vô áy náy. Và tuy xưa nay trong mọi cuộc thi về đứng bếp, thi về nếm rượu đàn ông thường chiếm giải quán quân nhưng nị đừng quên đàn bà vốn được không biết ai đó khải thị làm nội tướng và cũng là chúa thích ăn ngon, uống ngon. 

- Tiên sinh nói đúng. Ai chẳng mong cầu được ăn ngon, uống ngon. Lưỡi Đức Jésus chắc chẳng bao giờ được nếm cao lương mỹ vị như Đức Phật thời ngài còn là Thái tử. 

- Riêng Đức Khổng nước ngộ nghèo mà có lối ẩm thực chi li: Thực bất yếm tinh, khoái bất yếm tế (gạo phải thật trắng, thịt phải vằm thật nhỏ), bất đắc kỳ tương bất thực (thịt không có thứ nước tương / nước chấm thích hợp: không ăn); sắc ác bất thực, xú ác bất thực (sắc không tươi: không ăn, mùi có hơi nặng cũng không ăn). Thánh ông tri rõ mười mươi cái lụy “doanh dưỡng” nhưng khi ăn uống lại hành thánh bà quá thể, thánh bà chịu không ngạ nên thánh ông mất vợ đâu có gì lạ, đáng đời! 

- Trên là tuế toá về cái ăn của các bậc siêu nhân phi Việt. Bây giờ tôi thử lõm bõm lược trình tiên sinh trình độ ăn uống của phàm nhân mít đặc. Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu và Nguyễn Tuân có vài điểm giống nhau: Bình đẳng, vì hai cụ đều nghèo rớt mồng tơi, ngông và kiêu bạc. Tương đồng, vì cả hai đều nổi danh ở Việt Nam, đều là tiên: Cụ Hiếu, Bạch tữu tiên, cụ Tuân, Hắc phạn tiên và nghe nói cả hai đều ngộ đạo ăn. 

Tản Đà quan niệm “Đồ ăn ngon, chỗ ngồi ăn không ngon, người ngồi ăn không ngon: không ngon! Đồ ăn ngon, chỗ ngồi ăn ngon, người ngồi ăn không ngon: không ngon! Đồ ăn ngon, người ngồi ăn ngon, chỗ ngồi ăn không ngon: không ngon...”

- Ngộ xin thêm: Cách trình bày không ngon, người bán không ngon: không ngon. 

- Tôi chịu phần bổ túc của tiên sinh hơn. Ai chẳng biết câu ăn bằng mắt. Đặc biệt người Việt chúng tôi cần học và hành hạ thật kỹ 2 nguyên tắc abc này. Lại xin lấy tô phở làm ví dụ: Nhìn cái mặt như tối qua không được ai ấy hay ấy ai, nhìn cách đặt tô phở trước mặt mình như vất khúc xương trơ xương cho con kiki, nhìn tô phở như mới dọn nhà mà mình vẫn an nhiên tự tại giải phóng nó thì phải gọi cuộc giải phóng đó là hốc, đớp, tọng, táp… chứ còn chút tự trọng, hừ, không có quyền miệng lưỡi làm nhục chữ Ăn… mày mà phải trả tiền! 

Trở lại chuyện cụ ông Tản Đà. Ăn thịt cá, rau cỏ chán chê, Tản Đà quay qua tự biến chế các loài hoa thành món đưa cay, đơn cử Nộm hoa sứ, Canh hoa cúc đại đóa… 

- Ông này ăn uống kể là ngông, nhưng xứng với từ nghệ sĩ sáng tạo. Dám ép hoa lấy nồi. Nghe nói thơ văn ông ta nghênh ngang lắm, ngộ có nghe mấy câu thú vị: 

Ai đã hay đâu tớ chán đời, 
Đời chưa chán tớ, tớ còn chơi. 
Chơi cho thật chán, cho đời chán, 
Đời chán nhau rồi, tớ sẽ thôi. 

Nói thế, can gì tớ phải thôi, 
Đời đương có tớ, tớ còn chơi. 
Người ta chơi đã già đời cả, 
Như tớ năm nay mới nửa đời. 
(Còn chơi, Tản Đà vận văn 2) 

- Cụ ấy chỉ khoái chơi nhưng chịu khó hiểu là chơi ít, ăn nhiều vì tiếng Việt có chữ kép Ăn chơi: Ăn trước chơi sau. Ăn rồi chơi chơi rồi ăn. Ăn sau lấy sức đâu mà chơi. Chơi xong còn sức đâu mà ăn. Ăn chơi chơi mà chơi chơi được lăm hơi. Vừa chơi vừa ăn, nói chơi thì được. Vừa ăn vừa chơi phí hơi. Ngày lại ngày Ăn mất nhiều thời giờ hơn Chơi, trừ chơi văn: 

Nửa đời chính độ tớ đương chơi, 
Chơi muốn như sao thật sướng đời. 
Người đời ai có chơi như tớ, 
Chơi cứ bằng văn mãi chửa thôi. 

Chơi văn sướng đến thế thì thôi, 
Một mảnh trăng non chiếu cõi đời. 
Vận hạn nước nhà đương đổi mới, 
Như trăng mới mọc, tớ còn chơi. 
(nhại lời TĐ, như trên) 

- Ăn chơi có qua có lại. Lại bằng hữu đãi ngộ ngộ đãi lại ngày xưa ngộ ngộ lắm, cả tin lắm, cả quyết cả tin văn cả tin thơ là cao cả, ngộ cả gan chơi văn là nhờ có cả thảy hai vợ, vợ cả vợ hai thương ngộ cả vì ngộ cả nể cả hai, thương đều cả hai, coi cả hai đều là vợ cả. Cả ba ra đường gặp ông cả bà cả, cả tiếng mời đi đây đi đó là cả cười đi cả thể thù tạc chén cô chén bác cả đêm. Cả huyện không ai như cả nhà ngộ cả. Chứ chơi văn kiểu nị tổ phí thời giờ, hao bạc mà cao lắm cũng chỉ là con mẽ trong cái chén mẽ, khoe mẽ gì. Cả nị cả ngộ cũng hiểu, chơi văn như chơi Anh túc. Mê, mệt lắm. Nhưng thời ngộ khác, thời nị khác. Thời nị tất cả đã khác cả rồi, thời nị là thời cả trăm facture (bill) đua nở. Thời nị là thời đôđô, mêtrô, bulô để cả ăn cả nhảy, cướp lại cả thời gian đã mất thuở chưa đổi đời. Ngay cả chung quanh nị hầu như đều thế cả. Còn nị, xin lỗi bá ngọ cả quỷnh. Làm lụng về chỉ cú rú ở nhà, cả ngày thả sách với bút ôm máy, buông máy cầm bút với sách. Xách cả đống tiền đốt thành cả rừng giấy cháo lòng. Nị mà là chắt chút chít rể ngộ, ngộ chút chít chắt chút chít ngộ từ từ từ bỏ nị từ tám hoánh. Ngộ mà là vợ nị, ngộ phết nị theo Khổng Tử từ canh năm phết. Tao ngộ nị cả tháng nay, Hàn điệt à, ngộ biết nị cả thẹn cả quẫy song ngộ cả nghĩ ngộ cảm thương Hàn điệt nên cả lời khuyên hoãn hoãn mê sách say văn đi. Đừng nghĩ ngộ già cả rồi ta đây kẻ cả nhưng cả vóc cả keo, hiền điệt ạ. 

- Dạ, đa tạ tiên sinh đã cả lo mà dạy bảo. Tôi biết cả đấy, nhưng tiên sinh ơi: 

Những lúc say sưa cũng muốn chừa 
Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa 
Hay ưa nên nỗi không chừa được 
Chừa được thì... tôi cũng... đếch chừa! 
(Nguyễn Khuyến) 

Cho nên cả lời khuyên của tiên sinh thật khó nghe theo. 

- Thằng này ung thư văn cấp 2 rồi! 

- Tiên sinh nói quá. Cổ nhân truyền: Con ăn mất, người ăn còn. Tôi đạt: Tiền ăn nhảy mới mất, tiền chơi sách cũ còn. Tuy giá cả sách cũ bây giờ như diều ăn gió cả. Vả, lợi điểm của lối chơi văn cả quỹnh như tôi biết đâu tôi chẳng đã thành thần tượng của cả thế giới mà cả tôi không biết gì cả. 

- Lợi điểm của thần tượng là gì? 

-!!! 

- Là tên tuổi được tung hê bởi cái mồm của cả lũ đần độn! (Jules Barbey d’Aurevilly). Còn ông Nguyễn Tuân? 

- Không như cụ Tản Đà đã có góp phần nâng miếng ăn là miếng tồi tàn thành nghệ thuật tàn gia bại sản bằng miệng lưỡi tồi bại, cụ Nguyễn Tuân, hình như không để lại "châm ngôn" nào về ẩm thực. Tuy sống chết với chủ nghĩa duy vật chất, cụ chỉ gắn bó với mỗi món ăn cơ bản là cơm đen; có góp vài tùy bút về phở, giò lụa, bánh dẻo, cốm… và dăm giai thoại về cách điều khiển cái lưỡi của cụ, chẳng hạn, trước khi "tự lột xác", cụ “uống cạn chén rượu là đập tan cốc” (2); nguyên con chim bồ câu quay cụ chỉ nhởn nhơ nhót nhoét hai cái cẳng. Về giai thoại này “Mẹ tôi công khai bĩu môi, ẩm thực gia Bắc Hà toàn những thằng nói phét, nhất là cái lão Nguyễn Tuân. Ăn chim bồ câu quay mà chỉ ăn cẳng chân thì là ngu chứ tinh tế gì. Miếng ăn miếng uống vào mồm là cả một sự khôn dại chứ đừng có diễn.»(3) 

- Bu nị văng chữ ngần ấy ăn thua gì. Ăn chim quay lập dị như thế mà nị cho là ngộ đạo ăn thì ngộ thật. Ăn chim quay là phải chơi nguyên con, cái đầu cái cổ là nhất. 

- [“ Cuối năm 1968, Hội Nhà Văn Việt Nam có tổ chức một hội nghị sáng tác về đề tài công nghiệp ở Bãi Cháy (Quảng Ninh). Bữa cơm chiều tại khách sạn Vườn Đào, mâm nào cũng có một đĩa tôm he 6 con rất hấp dẫn. Bỗng nhà văn Nguyễn Tuân nhón từ trong hộp nhựa của mình ra đủ 6 hạt tiêu sọ cho mỗi mâm và nói với thực khách: 

- Món tôm mà thiếu cái “anh này” thì hơi phí, các bác ạ!”]

- Đó là cách ăn đúng điệu. Nhờ mấy hạt tiêu sọ này mà lời bu nị trên kia hóa ra tương đối, đối tượng được trừ nửa phần ngu, bù nửa phần tinh tế. Gỡ được nỗi oan Thị-Mầu. 

- Riêng bài Phở rất nổi tiếng của cụ ấy viết năm 1957, tôi đọc đi đọc lại cũng trên chục lần, rằng hay thì quả có hay nhưng ăn Phở lối cụ như ăn chay chùa nghèo. Đọc thì được, ăn như thế nhất định không, hơn nữa với bằng cấp PGS-TS ès-phở của tôi, tôi cho là kém ngon hơn bài Phở bò của cụ Vũ Bằng trong Miếng Ngon Hà Nội. Đã đành trời sinh mỗi cái lưỡi mỗi độ nhạy, thông thường không nên so bì, ngoại trừ trong các cuộc đua tài về miệng lưỡi. Tôi ăn bằng mắt rất kỹ bát Phở bắc "trung nông" của cụ, chẳng là phở gà, phở bò kho, phở ngầu píng tôi không mấy quen, nó đoảng đoảng thế nào. Nói bát phở của cụ Tuân thuộc giai cấp trung nông, ý rằng nó có thịt vừa phải chứ không là “bát phở con nhà nghèo, nhiều khi lại không cần thịt mà căn bản bát phở nhi đồng vẫn là bánh và nước dùng thôi” hay “bát phở công nhân, bát phở ấu trĩ chưa biết đau khổ, chưa cần phức tạp, không cần hành hăng, chanh chua, ớt cay” như lời cụ tả trong sách. Tôi thắc mắc: Lạ, có thứ đất nào trồng được hành cho phở không hăng, chanh không chua, ớt không cay? Vả, có thứ phở nào chịu phí đời ăn nằm với mấy thứ không hăng, không chua, không cay? Tôi hoàn toàn đồng ý với cụ rằng “hương vị phở vẫn như xa xưa, nhưng cái tâm hồn người ăn phở ngày nay đã sáng sủa và lành mạnh hơn nhiều.” Đúng vậy, thưa cụ. “Tâm hồn người ăn phở ngày nay” ở trong và ngoài nước khác xa thời Phở của cụ, chẳng hạn bên Pháp ăn phở bằng tô, bên Mỹ họ ăn bằng tô tổ chảng, và đã qua rồi thời kỳ đưa gì ăn nấy mà lại chỉ được độc quyền khen ngon, chê là bị treo mõm một xó. Cho nên bát phở của cụ rõ ràng là bát phở ăn dằn bụng, ăn để có ăn; ăn để sống, sống để khắc khoải định hướng ngày được thoải mái ăn, ngon: Khen, dở: Chê! “Bây giờ có ngay một gánh phở đỗ bên hồ này, thì tớ đả luôn năm sáu bát”, thèm nhớ quá nên nói hoảng chứ ăn phở để no – nứt bụng, là lối phàm ăn, là cái no thông tục của các “liệt sĩ” đã được hy sinh cho ta làm thành phở bắc, dẫu có là phở bắc xhcn. Miệng lưỡi ngày nay không thể chịu bát phở của cụ là ngon được. Riêng cá nhân tôi, ăn phở bắc mà thiếu ngò gai, húng quế - xin lỗi, thèm vào: “Thà ta nhịn đói cho dòng máu thơm”! 

- Mấy cái đuôi trên kia có lẽ thừa nhỉ. Nghe nị đòi bằng được ngò gai, húng quế khi ăn phở bắc làm ngộ thèm nhớ Bún bò Huế quá chời. Có điều, nị hẳn đồng ý là tô Bún bò Huế mà thiếu bắp chuối tươi thái mỏng thì có trút cả lọ mắm tôm vào vẫn cứ nhạt. Mà đầy đủ lễ bộ như thế ăn mới thấy ngon, mới vừa lòng cái lưỡi. Đầy đủ lễ bộ thì dẫu đã ăn đâu vậy mà đã đã. Nị à, trong cái gọi là nghệ thuật nói chung, đôi câu chúc tết như “sỏi xát vào tai” (5), có tí kiến thức tẹo máu Ví giặm ai cũng dư xăng khẩu chiếm. Miếng ăn cho ra hồn không phải ai cũng sáng tác được. Trước một vệ nữ cao kỳ duyên dáng thịt thừa vải thiếu ai cũng có thể - nhắm mắt - tịnh tâm làm Từ Hải. Trước miếng ăn ngon không phải ai cũng trân mình tịnh khẩu được. Bởi vậy, ngộ thấy tịnh khẩu thiệt hơn tịnh tâm.

- Tôi cũng ngộ vậy. Cho nên tôi rất thông cảm những vị với bề dài nâu sòng đạm bạc mút mắt, theo lẽ đã đắc - phần nào - trong công án tu lòng (giảm thị dục lớn thứ hai, nên mới có đạo vị cao) nhưng vẫn đọa trong công án tu lưỡi, hệt bá tánh phàm phu ngụp trong bể khổ “doanh dưỡng” như tôi, nhất là sành ăn cỡ tiên sinh. Đắc tu lòng, đọa tu lưỡi nên mới có câu “khẩu chay tâm mặn” và “Tu lòng tu lưỡi nam mô, trường chay giả mặn heo bò mím chi”. 

- Đọa lưỡi sao đắc lòng được? Khi nói, cái trí cái tâm điều khiển cái miệng cái lưỡi. Khi ăn, cái miệng cái lưỡi (và con mắt – ăn bằng mắt) điều khiển cái tâm, cái trí. Đạo vị càng cao, khẩu vị càng cao; khẩu vị càng cao, càng thích ăn ngon. Thích đủ thứ. Mà có thích đủ thứ, có sành sỏi đủ thứ vị đời mới cụ thể vị đạo mà vị nhân sinh được, đúng không? Huống hồ đây chỉ là vấn đề mùi vị Nhạt-Mặn. Với tinh thần vị đạo nị cho rằng khẩu vị đè bẹp đạo vị, ngộ không nói khác nhưng vị tất đã đúng. Vả, địa vị ta thì thấp ta đứng ở vị thế, vị trí nào để ý vị đa sự về các vị ấy mà khỏi mang tiếng thiên vị vì vị lợi vị ngã? 

- Nói tới, nói lui cũng chỉ vị thành nhưng, tiên sinh miễn lỗi cho, lòng vị nể vị tha của tiên sinh vị chi vô vị. 

- Sao vô vị được. Nị không buồn cười sao khi bị nghe một người chưa từng được chết nói về sau cái chết? 

- Đó là họ vẹt theo sách như... tôi, hay theo học tập chỉ thị như đoàn két. 

- Nị có tịnh khẩu được không khi nghe một người chưa từng sơ múi mùi vị vợ chồng giảng về đạo phu thê, đạo phòng the? 

- Đó là đương sự noi gương ai đó “vận dụng sáng tạo” từ Nhục Bồ Đoàn của tiên sinh, hoặc diễn thành lời theo tài liệu thính thị đì-mô vờ-sơn trên Internet. 

- Ủa, chính nị là thủ phạm của tư tưởng Văn Hóa Nước Biển, rằng “Ai cũng biết nước biển mặn nhưng thực sự muốn biết chất mặn đó như thế nào, cần phải xuống biển, vốc nếm. Một oan khiên, một tội ác có thể trở nên chính xác, nếu chính người gây ra oan khiên, tội ác - hay ít ra thân nhân họ - phải một lần hứng chịu oan khiên, tội ác. "Đoạn trường ai có qua cầu mới hay"...” kia mà!

- Văn hóa nước biển hàm ý về nhân văn xã hội, còn ở đây chúng ta nói riêng về 1 giới luật Ăn trong 1 không gian nhất định. Tiên sinh khiên cưỡng gí tới nơi kiểu này, dù ức, tôi vẫn chịu lãnh án. Đi tù ngay bây giờ. 

- Khoan, chớ có tửng. Nị tưởng muốn được ngồi tù Tây dễ lắm sao? Ngoại trừ những nơi chủ trương đa nguyên xã hội chủ nghĩa như xứ ngộ xứ nị ra, đâu nước nào chịu chứa loại tù tự nguyện mà không phạm pháp. Chỉ có phạm pháp xong tự thú rồi vô ngồi tù. Hoặc cố ý phạm pháp vặt để vô tù hầu tránh bị đồng bọn thủ tiêu vì tội phản phúc. Còn cách bóc lịch đơn giản nhất là cứ ra đường la toáng lên Trường Sa – Hoàng sa là của Việt Nam; chống Tàu phù xâm lược...


- Đó là Con người mới XHCN-VN! Sáng tạo, sáng tạo… theo Tư Tưởng HCM! Nhưng tôi thuộc dạng tù lạm dụng tự do ngôn luận của Hiến pháp-1992 (bổ sung năm 2001) như linh mục Nguyễn Văn Lý..., như 2 em Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, như Nguyễn Tiến Trung, Vi Đức Hồi; như Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày, AnhBaSG, Tạ Phong Tần mà. Có điều trước khi diện bích sám-hỷ trong tù… 

- Sám-hỷ là cái quái gì? 

- Là sám-hối và hỷ-xả. Nhưng… 

- Nhưng nhị gì nữa! 

- Xin được nói trước, trong tù tôi chỉ sám mà không hối, hỷ mà không xả. 

- Nghĩa là sao? Thằng nhỏ này rắc rối quá! 

- Dạ, sám có phải là ăn năn nhận lỗi, hối có phải là hối hận, nguyện hối cải không tái phạm? 

- Không sai. 

- Hỷ là vui vẻ, xả là thứ tha, buông bỏ? Vậy hỷ xả là vui vẻ tha thứ và quan trọng nhất là phải vui vẻ quên đứt đuôi thằn lằn những lỗi lầm của người khác. Tôi nhấn mạnh, đứt đuôi thằn lằn chứ không phải đứt đuôi nòng nọc vì nòng nọc đứt đuôi là thành ếch. 

- Đúng vậy, và theo nghĩa trong kinh phải là như vậy. Rồi sao nữa? 

- Nhà văn Dương Thu Hương đã tự nhận “tôi là phật tử theo cách của riêng tôi”. Đó là lời thành thật. Tôi cũng tự nhận tôi có cách quy y của riêng tôi: Tôi là phật tử quy y nhị bảo, cho nên khi tôi nói tôi chỉ sám và hỷ là tôi thành thật với tôi, thành thật với Đức Phật, thành thật với mọi người vì, ở trong tù, để khỏi bị / được hóa non do buồn rỗi, ăn không ngồi rồi tôi không thể không cùng lúc viết hồi ký và nhật ký trong tù... bằng tiếng Pháp. 

- Ha ha ha... Lưu bút “sử xanh” kiểu nầy thì diện bích ngàn năm cũng rứa rứa. Viết hồi ký là phải ghi lại hết, thất tình lục dục, ân đền oán trả. Mọi sự việc còn nguyên trên giấy, hối-xả cái nỗi gì. Còn lọc hồi ký như lọc cà-phê thì phải gọi "lược ký". Sám mà không hối, hỷ mà không xả… Ố là là!

- Thì bởi. Nhưng đó là tôi thành thật với tôi, thành thật với Đức Phật, thành thật với mọi người mà. Duy có chút khác biệt. Nhờ tấm gương lưu xú vạn niên của tiền nhân còn mới toanh toanh, và do trí nhớ vốn tệ để có thể ghi nguồn ghi gốc ý văn, ý thơ vay mượn rặt ròi, hồi và nhật ký của tôi sẽ không ghi tên tác giả, hậu thế sẽ bổ túc bằng hai chữ Vô Danh hay Ẩn Sĩ gì đó. 

- Hoặc cũng "có nguy cơ" nị bị thăng trước khi được giảm án hay trả hết án hạn, người vào sau trưng dụng chỗ nị, bắt gặp bản thảo hồi và nhật ký, ký tên nó vào đem bán thì sao? 

- Đâu sao. Tiên sinh từng nghe người chết nói à? Đó là chuyện của người sống. Người sống với chút tinh tế sẽ tự hỏi "tác giả" hai tập hồi và nhật ký đó trình độ Pháp văn ra sao; trước khi cho xuất bản hồi và nhật ký, "tác giả" có chơi văn Tây không? Và sau khi đã thành danh, vì lý do nào "tác giả" thôi chơi Pháp văn, và nếu thông thạo nhiều ngoại ngữ, tại sao không nhín chút thời giờ đích thân dịch "tác phẩm" của mình ra tiếng mẹ đẻ? Là lòi tẩy sất ra ngay. (5) 

- Nị bị tù về tội chơi văn ba láp thôi nên theo lẽ đâu ai cấm nị viết hồi ký mà phải giấu bản thảo. Riêng về nhật ký trong tù, ở Pháp tù sướng bá ngọ luôn, tê-lê, thể thao, thư viện… Hầy, chỉ sợ nị giỏi phét về cái khổ, chứ tán thật mỏng về cái sướng thì được mấy hàng. Với cuốn Nhập Bồ Đoàn, ngộ đủ tư cách để "nói thẳng nói thật" nị thua mút mùa lệ thủy các văn tài mít đặc trị văn con nợn noạn nuân trên Internet. Còn lâu nị mới bị liệt là tù chính trị do đó ít có cơ may được cho đi du lịch qua nhiều cảnh tù. Theo ngộ biết, tù chính trị thường bị rình, bị lục kỹ lắm, thay đổi chỗ giam như chong chóng. Vậy mà nghe nói có người tù chính trị loại nguy hiểm đã đưa tập nhật ký tả các cảnh tù thường ngày của ông ta qua mặt trót lọt ban kiểm tra của những 13 nhà tù khắc nghiệt. Kể là siêu… 

- ... Xạo. Trừ trường hợp người ấy từng là bạn tù của Henri Charrière-Steve McQueen. 

- Henri Charrière-Steve McQueen là gì vậy? 

- Là Papillon, con bươm bướm. 

- Hạo a, đeo theo cánh bướm bay chuyển từ nhà giam này qua nhà giam khác thì bố ai túm được. Đó là món Trang Tử và Mộng Điệp tân biên. Khuya lắm rồi, ngộ đi ngủ, nị đi tù. Mai tiếp tục từ trong đó. 

(Còn tiếp)



________________________________


Chú thích: 

(1) Theo Lâm Ngữ Đường và Nguyễn Hiến Lê, Sđd trong MLĐSK [1]

(2) Hoàng Văn Chí: Nguyễn Tuân, Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, trang 202 – Nxb Sudasie, Paris 1983. 

(3) Nguyễn Việt Hà: Khải huyền muộn

(4) TBT Trường Chinh Đặng Xuân Khu phê bài Đường Núi, lối thơ tự do của Nguyễn Đình Thi. 

(5) [Chuyện thứ nhất: Năm 1919, các nước thắng trận trong Thế chiến có một cuộc họp ở Versailles của nước Pháp để bàn chuyện tương lai của thế giới. Tổng thống của Hoa Kỳ lúc đó mang đến hoà hội một chính sách trong đó hứa hẹn quan tâm đến lợi ích của các nước nhược tiểu. Nước ta lúc đó là thuộc địa của Pháp cũng nằm trong số các nước nhược tiểu. Do vậy một nhóm các nhà ái quốc Việt Nam sống ở Pháp đứng đầu là cụ Phan Châu Trinh và trẻ tuổi là Nguyễn Tất Thành cùng viết một văn bản gửi Hoà hội Versailles đưa ra "những yêu sách của người An Nam" và được ký bằng cái tên chung là "Nguyễn Ái Quốc".] 

Bổ túc: 

Bút danh Nguyễn Ái Quốc gồm 5 người: Phan Văn Trường, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Tất Thành. Xưa nay ở Việt Nam vẫn được / bị học thuộc lòng rằng bản Yêu sách 8 điểm (Revendications du peuple Annamite) là tác phẩm chính trị đầu tay của riêng (hề hề) Chủ tịch Hồ Chí Minh! 

[ Libéré de prison en juillet 1915, en même temps que son compagnon, Phan van Truong est envoyé comme interprète à l'arsenal de Toulouse, ce qui le met en contact avec des coolies, des tirailleurs annamites “importés» en France pour trimer dans les usines de munitions ou être envoyés au front. Il y est sous surveillance permanente. En 1919, il (Phan van Truong) rédige le Mémorandum des revendications du peuple annamite, adressé à la Conférence de paix à Versailles, dont Nguyen ai Quôc - le futur Hô chi Minh - revendiquera la paternité.] 

Muốn có chi tiết, chỉ việc vô Google gõ trong ngoặc kép: "Revendications du peuple annamite". 


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo