TTO - “Thế giới hôm nay kết nối mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Việc hiểu các nền văn hóa, con người là lý do tôi có mặt ở Việt Nam. Tôi tin rằng tương lai Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước quan trọng nhất thế giới”.
Cựu thủ tướng Anh Tony Blair mở đầu bài nói chuyện với các giảng viên và sinh viên Học viện Ngoại giao Việt Nam sáng 15-10 tại Hà Nội.
Cựu thủ tướng Anh Tony Blair trong sự chào đón nồng nhiệt của các sinh viên tại Học viện Ngoại giao - Ảnh: Việt Dũng
Ông Blair đánh giá Việt Nam đã thay đổi vị trí nhanh chóng kể từ khi mở cửa hội nhập và giờ đây mọi người nhìn vào Việt Nam bằng con mắt quan tâm và tôn trọng. Thông điệp ông gửi tới các bạn trẻ Việt Nam được gói gọn bằng từ “cởi mở”.
Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu phần lược trích hỏi đáp giữa các giảng viên và sinh viên Học viện Ngoại giao Việt Nam với cựu thủ tướng Tony Blair:
* Xin ông chia sẻ bí quyết để trở thành người diễn thuyết tuyệt vời như ông?
- Khi còn là một thanh niên mới gia nhập chính trường, tôi phải mất nhiều ngày liền để chuẩn bị cho bài diễn thuyết đầu tiên và rất hồi hộp. Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên phải diễn thuyết trong một hội trường có mấy ngàn người, và khi bước vào chỉ có 6 người ngồi ở hàng ghế khán giả. Vì không có kinh nghiệm nên tôi đã đọc bài diễn văn chuẩn bị sẵn. Một lúc sau, một trong sáu khán giả đó ngủ gật. Sau lần đó, tôi quyết định phải học. Khi còn trẻ, bạn chỉ học được nhờ sai lầm và tôi đã có rất nhiều sai lầm (cười). Nếu bạn muốn gia nhập ngành ngoại giao hay chính trị, bạn phải thích thú và quan tâm tới con người.
Sự khác biệt giữa một chính trị gia tốt và một chính trị gia tồi là ở việc giao tiếp, nói chuyện và hiểu mọi người. Bạn hãy tìm hiểu xem những người bạn đang cùng nói chuyện quan tâm tới điều gì, lo lắng về cái gì… Hãy quan tâm tới con người trước rồi thứ hai mới là chính trị.
* Phẩm chất của nhà lãnh đạo là gì và làm thế nào để đạt được phẩm chất đó?
- Đầu tiên, bạn phải muốn dẫn dắt. Tất cả những hình thức lãnh đạo, dù là ở cấp độ một đất nước, một cộng đồng, một học viện… thì người lãnh đạo đều cần phải chuẩn bị sẵn sàng để nhận trách nhiệm và ra quyết định. Có hai kiểu người: người nói và người làm, người lãnh đạo phải là người làm, người quyết định và người sẵn sàng chấp nhận chỉ trích.
Đừng trở thành nhà lãnh đạo nếu bạn không thích sự phê bình. Bạn phải nỗ lực làm những gì mình cho là đúng. Lãnh đạo là điều có thể học được và tôi đã mất rất nhiều thời gian để học điều đó. Nói chung, người lãnh đạo thường là những người mà khi người khác lùi lại thì họ bước tiếp về phía trước.
Trong phần giao lưu, ông đã chia sẻ với sinh viên về những phẩm chất của người lãnh đạo, bí quyết để trở thành người diễn thuyết giỏi, bài học từ Liên minh châu Âu (EU) cho ASEAN, nhiệm vụ của ông là đặc phái viên của bộ tứ Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ và Nga tại Trung Đông, vai trò của trao đổi giáo dục... - Ảnh: Việt Dũng
*
* Nhiều thế kỷ qua, chúng ta đều thấy các cường quốc chính là các nước phương Tây. Trong thế kỷ 21, chúng ta thấy sự nổi lên của châu Á. Với quan điểm cởi mở, ông nhìn nhận thế nào về thay đổi này và thế giới sẽ vận hành khác với trước kia như thế nào?
- Như tôi đã đề cập, vì thế giới kết nối mạnh mẽ với nhau và vì sự trỗi dậy của phương Đông, chúng ta cần học cách làm việc với nhau. Phương Tây phải chia sẻ quyền lực. Làm thế nào để điều đó diễn ra một cách hài hòa chứ không tạo xung đột, làm thế nào để Đông - Tây xích lại gần nhau, theo tôi, cần xem xét ở cả ba cấp độ: chính trị, kinh tế và mối liên hệ văn hóa giữa người dân với nhau. Tôi không còn là thủ tướng nữa và khi có điều kiện thăm thú và tìm hiểu các nước khác nhau, nền văn hóa khác nhau, tôi thấy con người nói chung ở đâu cũng giống nhau.
Cho dù khác biệt về ngôn ngữ, ẩm thực, cách sống,… nhưng tựu trung đều mong muốn hòa bình, thịnh vượng, có khả năng nuôi sống gia đình, được đảm bảo những quy định mà người ta có thể lường trước được, có thể chăm sóc những người không có khả năng tự chăm sóc… Bởi vậy, sẽ không có cách nào khác ngoài việc Đông - Tây phải chia sẻ quyền lực.
* Ông có thể chia sẻ về vai trò là đặc phái viên của bộ tứ Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ và Nga tại Trung Đông?
- Tuần tới sẽ là lần thứ 89 tôi có mặt ở Palestine và Israel. Tôi đã nói về các nền văn hóa khác nhau. Israel có chủ yếu là người Do Thái được bao quanh bởi các nước Ả Rập mà cơ bản là người Hồi giáo. Xung đột lãnh thổ giữa Palestine và Israel đã bắt nguồn sâu xa từ hàng bao thế kỷ qua xoay quanh các mặt chính trị, dầu mỏ, địa lý, và ở khía cạnh nào đó là nơi nằm giữa phương Đông và phương Tây. Việc đạt được hòa bình ở Trung Đông không chỉ quan trọng với chính khu vực đó mà còn có ý nghĩa với phần còn lại của thế giới. Nếu không giải quyết được xung đột, xung đột sẽ lan ra nhiều nước khác.
Sinh viên chào đón cựu thủ tướng Anh - Ảnh: Việt Dũng
Ngay sau khi kết thúc buổi nói chuyện, ông gặp gỡ các nhà báo - Ảnh: Việt Dũng
Trước bốn chủ đề giám đốc học viện Đặng Đình Quý “đặt hàng” bao gồm khủng hoảng Eurozone, sự trỗi dậy của Trung Quốc, vai trò của Mỹ ở châu Á và quan hệ song phương Việt - Anh, cựu thủ tướng Anh đã nhanh chóng tóm gọn vấn đề bằng cách giải thích dễ hiểu và ngắn gọn nhất có thể để dành thời gian cho phần hỏi đáp.
Theo ông, khó khăn của Eurozone cũng mang lại các thách thức về chính trị, cải cách phúc lợi và lương hưu, thị trường lao động… Nhưng về dài hạn, vai trò của EU cũng vẫn mạnh mẽ: đây sẽ tiếp tục là liên minh chính trị lớn nhất thế giới, thị trường thương mại lớn nhất thế giới.
Với sự trỗi dậy của Trung Quốc, ông cho rằng việc nước này tiếp tục lớn mạnh thành cường quốc kinh tế, kéo theo đó là cường quốc chính trị là điều “không thể tránh”. Cách tốt nhất là cả Trung Quốc và các đối tác đều tìm cách quan hệ hài hòa với nhau vì hòa bình, thịnh vượng và ổn định chung.
Với Mỹ, ông Blair cho rằng sự quan tâm của Mỹ tới khu vực châu Á là dễ hiểu vì đây là khu vực tăng trưởng mạnh mẽ; và để sự hiện diện của Mỹ và tăng trưởng của Trung Quốc không trở thành đối đầu, ông cho rằng quan hệ “hài hòa và hợp lý” là lựa chọn tốt nhất.
HƯƠNG GIANG ghi