Ông cựu Bộ trưởng và chuyện nhân thế! - Dân Làm Báo

Ông cựu Bộ trưởng và chuyện nhân thế!

Kỳ Duyên (TuanVietnam) - Nhưng vị đắng "thanh danh" của cuộc đời lúc xế chiều ở số phận ông, lại để lại cho nhân thế dư âm ngậm ngùi, nghiền ngẫm về cái cách chọn lựa bến đỗ, ngẫm nghĩ thêm về hai chữ biết dừng. Là đủ! 

Không hề lãng mạn, ngược lại, luôn đầy ắp vụ việc gây "sốc", xã hội những ngày này, hệt cuốn tiểu thuyết diễn nghĩa hiện đại, mà mỗi nhân vật trung tâm, mỗi vụ việc của từng chương, từng hồi khiến những người lao động bình thường nhất, cũng phải lắng tai "đọc".

Khoa học và "ngụy khoa học"? 

Sáng 3/10, hàng triệu cư dân của các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng, Ninh, Hải Dương, một phen hoảng sợ khi cảm giác gặp ...động đất, với hiện tượng chóng mặt, đồ đạc rung lắc. 

Ngay sau đó, Viện Vật lý Địa cầu xác định, đã xảy ra động đất 4,4 độ Richter ở Kiến An (Hải Phòng). 

Trận hoảng loạn qua đi, mới càng thương cảm cho số phận của hơn 40 nghìn người dân khu vực thủy điện Sông Tranh 2 luôn buộc phải chơi "ú òa" kinh hoàng và khốn khổ, trong trò chơi bất đắc dĩ- động đất. Trước đó, lúc 2 giờ sáng, nhà cửa người dân xã Trà Bui (Bắc Trà My, Quảng Nam) lại rung lắc, kèm theo những tiếng nổ lớn. Động đất dồn dập khiến hơn 300 ngôi nhà dân ngay khu tái định cư lại tiếp tục bị hư hỏng. 

Người ta còn chưa quên, hơn nửa năm trước đây, vào ngày 28/3, tại cuộc họp báo, vị Thứ trưởng Bộ Công thương còn khẳng định chắc như... chất lượng đập ST2, rằng: Tôi chịu trách nhiệm khi nói thủy điện ST 2 an toàn (?) 

Giờ thấy cái an toàn đó thật "không an toàn", thì tại cuộc họp giao ban báo chí mới đây, chiều 1/10, đúng hơn nửa năm sau, người ta lại chứng kiến cuộc "giao trách nhiệm" rất quyết liệt của Bộ Công thương sang ... Bộ Tài Nguyên & Môi trường, khi đại diện của bộ này nói: 

Việc xây dựng ĐTM (báo cáo đánh giá tác động môi trường) của ST 2 đã được Bộ TNMT thẩm định và phê duyệt. Cơ quan nào xây dựng ĐTM để sai sót như báo chí nêu sẽ phải chịu trách nhiệm. 

Trả lời chất vấn của báo chí về sự "cóp nhặt" báo cáo của TS Lê Trần Chấn, chuyên gia địa lý sinh vật- về đông đất kích thích của ST2, ông Cao Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục kỹ thuật an toàn môi trường (Bộ Công thương) lý giải, thời điểm xây dựng thủy điện ST 2- năm 2005- những thông tin về động đất kích thích rất hạn chế, nên việc phải tổng hợp thông tin động đất của ông Lê Trần Chấn là giải pháp cuối cùng! 

Trong khi đó, những trả lời phỏng vấn của ông Lê Trần Chấn với báo Tuổi trẻ, Tiền Phong cho thấy có 2 điểm "dối trá" rất cụ thể của EVN: 

- Nội dung tài liệu Hướng dẫn đánh giá tác động môi trường của các công trình thủy điện, của ông Lê Trần Chấn xây dựng dựa trên thông tin từ các nguồn tài liệu của nước ngoài, chủ yếu là Malaysia và Canada, chứ không phải trên cơ sở nghiên cứu thực địa VN, cho việc xây dựng các công trình thủy điện như ST2. 

- Thời điểm xây dựng báo cáo của ông Lê Trần Chấn là từ những năm 1996-1998, trong khi ST2 xây dựng 2005, gần 10 năm sau. Một sự cóp nhặt để lập báo cáo ĐTM không chỉ trắng trợn, mà còn vô trách nhiệm, trước số phận con người. Khiến cho TS Lê Trần Chấn đã phải nói rằng, không chỉ sao chép, không có sự đồng ý ông, EVN còn thêm bớt, làm méo mó nội dung! 

Thủy điện Sông Tranh 2 

Nhưng chắc chắn dư luận xã hội, và hàng nghìn người dân ở khu vực ST2 còn kinh hoàng hơn, khi nghe chính các nhà khoa học, các chuyên gia cho rằng, họ không bất ngờ về bản báo cáo ĐTM, vì cái Cách làm cẩu thả là... phổ biến (Dân Việt, ngày 4/10). 

Chị Vân Anh, cán bộ Viện Địa lý (Viện Khoa học và Công nghệ VN) nhận xét: Đây chỉ là một cái đập thuỷ điện- ST2 có sự cố- nên lộ ra thôi chứ còn rất nhiều cái đập như vậy ở Tây Nguyên, các tỉnh miền Trung và Tây Bắc cũng chưa chắc đảm bảo an toàn, do lỗi của các nhà nghiên cứu. 

Một bản báo cáo ĐMT cho một công trình thuỷ điện có thể được copy, cắt dán cho... nhiều công trình khác, chỉ thay đổi địa danh (mà có khi còn không thay hết, thành ra đầu Ngô mình Sở), còn điều kiện địa chất, thổ nhưỡng, thực vật... để nguyên. 

Và mới đây, ngày 4/10, báo Tuổi trẻ có hẳn một bài về "Công nghệ" sao chép, mà điển hình là trường hợp báo cáo ĐTM của dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A, nằm ở khu vực Vườn QG Cát Tiên (Lầm Đồng). 

Có nghĩa là ĐTM của ST2 không phải là sản phẩm copy đầu tiên, càng không phải sản phẩm copy cuối cùng. Đọc mà ù tai, nhức óc, từ chính những "dư chấn khoa học" dối trá kiểu này. 

Người viết bài xin lỗi những nhà khoa học chân chính. Nhưng khoa học và "ngụy khoa học" giờ đây, khó phân biệt quá. Nó lẫn lộn, bùng nhùng, giả thực giả chân trong các những báo cáo nhân danh khoa học. 

Nếu các nhà khoa học luôn kêu gọi: Khoa học là động lực phát triển của xã hội, mà cái hiện tượng "ngụy khoa học" lại không hiếm, thì xã hội sẽ đi về đâu? Liệu các nhà "ngụy khoa học" có phải bị truy tố trách nhiệm trước pháp luật không? 

Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phải thốt lên: Liên quan đến tính mạng của nhân dân, tài sản của Nhà nước, mà làm như thế thì đúng là thảm họa! 

Thảm họa ST 2 bắt đầu từ đâu? Hay còn được bắt đầu từ cách Chọn địa điểm xây ST2 là sai lầm? Như kết luận của GS Cao Đình Triều cùng nhóm các nhà khoa học phản biện độc lập được đưa ra trước Hội Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật VN- VUSTA mới đây, ngày 3/10? 

Xây dựng thủy điện Sông Tranh 2 trên nền đá granite là một sai lầm. Cấu trúc nền móng với thành phần tạo đá là granite và bị cà nát bởi nhiều hệ thống đứt gãy đang hoạt động là điểm yếu nhất của công trình này, bởi khả năng tự hủy hoại là rất lớn, kể cả khi không có động đất. 

Ôi chao. Cái bến đỗ của ST2! Dù về kỹ thuật, "số phận" các đập thủy điện luôn xây dựng ngay trên những đới đứt gẫy. 

Vị đắng "thanh danh" 

Và những ngày này, nhân vật trung tâm của một vụ việc đầy kịch tính, gây ồn ào dư luận xã hội, là chuyện của một vị cựu Bộ trưởng, nguyên là Chủ tịch HĐQT của một ngân hàng lớn, vừa bị cơ quan chức năng có quyết định khởi tố, cùng ba người cộng sự khác, đều nguyên là Phó Chủ tịch HĐQT. 

Ồn ào, bởi ông là người quá nổi tiếng. Là Tiến sĩ kinh tế (ở Liên Xô cũ), từng kinh qua các chức vụ quan trọng của Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế. Đặc biệt, trong cuộc đời sôi nổi của một chính khách- chuyên gia cao cấp, người ta đánh giá rất cao vai trò và những đóng góp của ông, thậm chí ông được coi như "cha đẻ" của Luật Doanh nghiệp 2005. 

Từng ấy vị trí, cho thấy ông không chỉ là nhà chính khách già dặn trên chính trường, mà còn là chuyên gia kinh tế già đời trong kinh tế thị trường VN. 

Có vậy, nên sau khi giã từ chính trường, ông đã lập tức được ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn này mời làm việc, với chức vụ Chủ tịch HĐQT. 

Với ông, công việc mới, vị trí quản lý, điều hành mới- Chủ tịch HĐQT một ngân hàng lớn, vừa là niềm vui được làm việc, vừa thấy mình vẫn gắn bó với cộng đồng, xã hội, tạo nên sự thăng bằng tâm lý và sức khỏe. 

Cái danh, với quan chức hay với mỗi thường dân ở xứ ta, nó đều quan trọng vô cùng. Chả thế, Nguyễn Công Trứ, nhà kinh tế trong lịch sử VN cận đại từng thốt lên: Làm trai đứng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông. 

Với người giỏi, người đời gọi là thực danh. Với kẻ kém cỏi, bị gọi là háo danh

Nói cho công bằng, nếu không có cú vấp cay đắng cuối đời này, ông- một nhà kinh tế hiện đại- đã sống không hổ thẹn, với câu thơ của nhà kinh tế cận đại Nguyễn Công Trứ 

Với ngân hàng thương mại cổ phần, mời được ông, một vị cựu Bộ trưởng kiêm chuyên gia kinh tế già đời, chứng tỏ ngân hàng này có con mắt xanh tinh đời, già dơ, biết dựa vào những chính khách có nhiều mối quan hệ lợi hại. Lợi cả đôi đường. 

Ấy vậy mà rút cục, cả một bộ sậu tên tuổi của ngân hàng thương mại cổ phần lớn, người bị bắt, người bị khởi tố, trong đó có ông, vì đã cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ Luật Hình sự

Nói theo cách nói tâm linh, người tính không bằng Trời tính! 

Đáng chú ý, ngay sau sự ồn ào của xã hội, trên các trang mạng, người ta thấy có những bài viết về ông, nuối tiếc, nhắc tới ông với sự quý mến. Về tính cách điềm đạm, tử tế của một quan chức- làm chức vụ cao mà vẫn dễ gần, cởi mở với mọi người, và trong mắt ông, không có ai là người kém cỏi... 

Điều đó, hẳn ít nhiều an ủi ông, khi mà tuổi già, cùng căn bệnh nan y đang hành hạ, thì "tai tiếng" bỗng dưng ập đến, họa vô đơn chí... 


Nghiền ngẫm về cái cách chọn lựa bến đỗ, ngẫm nghĩ thêm về hai chữ biết dừng 

Vốn là người dày dạn kinh nghiệm sống, kinh nghiệm chính trường, ông đã trả lời báo chí, ngay sau khi vụ việc khởi tố xảy ra, ông có "bảo bối" để tự bảo vệ mình. Đó là theo Luật DN 2005, cái mà pháp luật không có quy định, không cấm thì doanh nghiệp và người dân được làm. 

Nhưng cũng cần thấy, các văn bản luật được ra đời liên tục bởi sự hối thúc của đất nước trên hành trình hội nhập. Vì thế mà rất nhiều văn bản luật chưa hoàn thiện. Cũng vì vậy, nếu tận dụng sự sơ hở, nhân danh "luật không cấm", để phục vụ cho một nhóm lợi ích nào đó có liên quan, thì quả là...tệ hại. 

Nó phải gọi đích thực là sự lợi dụng sơ hở của luật pháp, của những người có hiểu biết về kinh tế. Nhất là giữa lúc kinh tế tài chính đất nước đang có quá nhiều thương tổn. 

Cũng theo cơ quan điều tra xác định, ông đã vi phạm quy định tại điều 106 Luật các Tổ chức tín dụng và Thông tư só 02/ 2011/ TT- NHNN ngày 3/3/2011 của Ngân hàng Nhà nước. Sai phạm này gây hậu quả đặc biệt lớn, ảnh hưởng đến tình hình an ninh tiền tệ, gây bất ổn đến chính sách tiền tệ của Chính phủ, trực tiếp gây thiệt hại cho ngân hàng này 718 tỉ đồng. 

Một câu hỏi nữa cần đặt ra: Nếu như "ông bầu" bóng đá, Phó CT Hội đồng sáng lập của ngân hàng thương mại cổ phần này không bị bắt, liệu ông có từ nhiệm? Vì mục đích con người xưa nay là khó đoán định nhất. Có lẽ, chỉ riêng ông mới trả lời được chính với lòng mình, mà thôi. 

Trả lời phỏng vấn xung quanh vụ việc của vị cựu Bộ trưởng, bà Phạm Chi Lan, một trong những chuyên gia kinh tế hàng đầu, cho rằng, "sở hữu chéo" là một trong những vấn đề lớn nhất của hệ thống ngân hàng VN hiện nay. 

Nó có thể dẫn đến tình trạng một số cá nhân móc ngoặc với nhau, thậm chí giữa một số tổ chức để tạo nên những giao dịch ảo, chỉ mang lợi cho một số ít người lạm dụng, nhưng nó gây hại chung cho cả hệ thống ngân hàng. 

Vậy quản lý Nhà nước ở lĩnh vực nghiệp vụ của mình, để xảy ra những rủi ro lớn- thâu tóm ngân hàng, nợ xấu và tăng vốn ảo, xuất phát từ "sở hữu chéo" trong hoạt động ngân hàng, dẫn đến hệ lụy đe dọa hoạt động của cả hệ thống ngân hàng, mà không được kiểm soát kịp thời, và có giải pháp điều chỉnh, điều tiết. Thì quản lý Nhà nước liệu có lỏng lẻo, có lỗ hổng lớn gì không? 

Câu chuyện về vị cựu Bộ trưởng chưa có hồi kết. Vẫn mong công, tội, hay, dở xoay quanh vụ việc rồi sẽ rõ ràng, công bằng, công tâm. Bởi không ai có thể cầm đèn chạy trước... pháp luật. 

Nhưng vị đắng "thanh danh" của cuộc đời lúc xế chiều ở số phận ông, lại để lại cho nhân thế dư âm ngậm ngùi, nghiền ngẫm về cái cách chọn lựa bến đỗ, ngẫm nghĩ thêm về hai chữ biết dừng. Là đủ! 

Chuyện ông cựu Bộ trưởng và chuyện ST2 khác nhau hoàn toàn về bản chất vấn đề, về không gian, nhưng lại giống nhau ở bến đỗ không phù hợp? 

Nhưng xét cho cùng, cái bến đỗ không có lỗi. Lỗi vẫn do sự chủ động của con người, do trí não, lương tâm và nhân cách con người điều khiển. 

Luật nhân- quả là để răn đe con người khi sai trái. Nhưng có khi, người dân lại bị hứng chịu "nhân- quả" trước tiên, dù người dân đâu có lỗi! 

Chả lẽ, đó là chuyện nhân thế? 

Mọi việc, xin để hồi sau sẽ rõ... 



__________________________________

Tham khảo



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo