Tin Hội nghị TƯ 6 - Dân Làm Báo

Tin Hội nghị TƯ 6


BBC - Trung ương Đảng 'thay đổi nhân sự lớn'? 

Cựu đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết nhận định có nhiều khả năng sẽ có thay đổi nhân sự sau Hội nghị Trung ương trong lúc có ý kiến từ bên ngoài cho rằng 'ai làm đúng tinh thần Nghị quyễt 4 thì ở lại, ai sai thì phải đi'. 

Trả lời câu hỏi của BBC về chuyện liệu các đồn đoán hiện nay về khả năng thậm chí có cả thay đổi ở vị trí thủ tướng, Giáo sư Thuyết nói:

"Tôi nghĩ là khả năng cũng lớn đấy," 

"Bởi vì chỉ riêng cái việc phải chịu trách nhiệm về những vụ việc lớn như Vinashin, Vinalines và các tập đoàn khác, về cái việc để cho ngân hàng bị lũng đoạn, rồi về những sự yếu kém của nền kinh tế, sự xuống cấp của văn hóa, xã hội... thì khả năng thay đổi chắc là phải có." 

Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cũng đánh giá lịch trình của thay đổi nếu xảy ra: 

"Chắc chắn là nếu như có thay đổi thì ngay sau Hội nghị này là người ta thay đổi rồi," 

"Các kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào ngày kết thúc Hội nghị, theo dự kiến là ngày 15/10." 

GS Thuyết nói về khả năng thay đổi nhân sự - Cựu Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết nói có khả năng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ ra đi.

Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.

'Bão lớn'


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (trái), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (phải)
Giáo sư Thuyết cho rằng có nhiều khả năng có thay đổi nhân sự

Giáo sư Thuyết nói tình thế hiện nay buộc Hội nghị Trung ương phải có "đột phá" vì "nếu không có đột phá cũng không được" vì người dân đang có nhiều bức xúc trong khi Nghị quyết Trung ương 4 cũng đã hứa hẹn sẽ có những thay đổi căn bản.

Vị cựu Đại biểu Quốc hội cũng nhắc tới chuyện cuộc họp được triệu tập sớm 15 ngày bên cạnh chuyện bảo vệ bí mật cho hội nghị dài tới hơn hai tuần và nói Đảng sẽ không có những bước đi như vậy nếu đây chỉ là một hội nghị bình thường. 

Mặc dù vậy ông cũng nói mọi chuyện còn tùy thuộc vào "ý kiến thực tế" của các Ủy viên Trung ương và kết luận điều tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng. 

Khi được hỏi liệu Bộ Chính trị liệu có phải chịu trách nhiệm tập thể khi mà Đảng đóng vai trò lãnh đạo tối cao, Giáo sư Thuyết nói ông biết có những trường hợp cả một Thường vụ Tỉnh ủy đã phải kiểm điểm nhưng điều này chưa xảy ra ở cấp cao hơn. 

Hai nhà quan sát Việt Nam khác không muốn nêu tên cũng có suy nghĩ như Giáo sư Thuyết và một người nói bóng gió rằng hiện đang có "bão lớn".

Một trong hai vị nói tình hình kinh tế Việt Nam chưa bao giờ bấp bênh như hiện nay kể từ khi tiến trình Đổi Mới bắt đầu hồi năm 1986. 

'Người đi, người về'

Bình luận từ Singapore, nhà nghiên cứu Việt Nam David Koh từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á lại cho rằng có hai luồng ý kiến khác nhau về những gì được bàn kín tại Hội nghị Trung ương 4 trong đó vấn đề chỉnh đốn Đảng được chú trọng:

"Ví dụ là có một cách nói của một số người bảo rằng Nghị quyết đó 'là chỉ "đổi việc chứ không đổi người,' ông Koh trả lời bằng tiếng Việt. 

Thể chế ở Việt Nam là Đảng lãnh đạo
và người dân 'chỉ được đi theo'
"Nếu mà lấy tinh thần đấy làm chính thì mọi người mong muốn là một số người được thay thế nào đó thì... chắc là việc này không có đâu. 

"Còn nếu tinh thần Hội nghị Trung ương 4 là... ai sai thì phải đi, ai đúng ở lại thì theo tinh thần đó sẽ có người đi người về thôi," ông Koh nói.

Ông Koh, người nói ông không có thông tin từ bên trong cuộc họp hiện nay, cũng nhắc lại rằng các vị trí chủ chốt trong chính quyền hiện nay xuất phát từ các đánh giá tại Đại hội XI của Đảng Cộng sản hồi tháng 1/2011 và từ đó tới nay thời gian chưa phải là dài. 

Trước câu hỏi liệu việc Đảng họp kín trong suốt hai tuần có đi trái với tuyên bố của họ về chuyện "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" hay không, Tiến sỹ Koh nói: 

"...Sau khi Đảng quyết định xong rồi thì 'dân biết, dân làm, dân kiểm tra'." 

"Ý của Đảng Cộng sản Việt Nam không phải là dân hãy biết mọi điều, mặc dù có một điều thực chất dân mà biết thì chưa chắc là hay đâu," 

"Dân cũng hiểu rằng hệ thống chính trị ở Việt Nam là Đảng đi trước, dân đi theo. Còn nó có tốt hay không tốt thì lại là chuyện khác." 

Cần 'đột phá'

Tiến sỹ Koh nói Việt Nam hiện đang cần có những thay đổi lớn nhưng cũng cảnh báo sự cải thiện sẽ không tới nhanh.

"Thì rõ ràng tình hình trong nước đã đến giai đoạn phải có sự đột phá. 

"Còn sự đột phá thì như tôi vừa ngồi với anh em chiều nay cũng bàn tới chuyện này thì bọn tôi cũng nghĩ rằng là dọn một nhóm người đi thì chưa chắc là cái cần phải thay đổi sẽ đến ngay. 

"Mọi việc thời này thì nó không phải như thế đâu, nó sẽ đi ngoắt ngoéo, lúc trầm, lúc thăng nên mọi người hãy bình tĩnh. 

"Thay lãnh đạo có lẽ rất quan trọng, có thể là việc đầu tiên phải làm, nhưng không có nghĩa là con người này sẽ có thể sửa hệ thống này để mọi người có thể đi theo một đường tốt hơn trong một vài năm thôi. 

"Tôi nghĩ là đường đi còn dài, mọi người không nên sốt ruột và cứ phải xem là đi cái đường nào và cho hệ thống này một chút thời gian để nó tự điều chỉnh.

"Tôi nghĩ là trong giới lãnh đạo thực ra cũng có nhiều người nhận ra tất cả những vấn đề dân đã biết và dân muốn được làm nhưng để thay đổi một hệ thống nó ăn sâu vào tâm trí, thói quen của những người cầm quyền ở trên thì nó cần thời gian lâu hơn. 

Ông cũng nói với BBC Việt Nam đã có 4.000 năm lịch sử thì chuyện đợi chờ thêm 10 năm nữa để có thay đổi cũng không phải là chuyện gì lớn. 

Theo Tiến sỹ Koh, ở Việt Nam các chính trị gia có thể chuyển từ bảo thủ sang cải cách và ngược lại tùy nhận định của họ về sự cần thiết cũng như lợi ích mà các thay đổi mang lại. 

Trong khi đó một người từng cùng là phó Thủ tướng với ông Nguyễn Tấn Dũng hồi đầu những năm 2000 mới đây cũng lên tiếng về chuyện ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những sai phạm kinh tế vừa qua. 

Ông Vũ Khoan nói Việt Nam đang đứng trước các thách thức kinh tế mà "đã lâu rồi không gặp phải" trong khi đang có "sự phân tâm, lo lắng trong xã hội" và những thách thức đối ngoại cũng rất lớn. 

Ông Khoan từng được cho là một trong những đối thủ của ông Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc đua vào ghế thủ tướng nhưng ông đã rút lui.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/10/121012_party_meeting_outcome.shtml

*

RFA - Hội nghị Trung ương 6 sẽ không có một kết quả thực sự 

2012-10-12 

Khác với những Hội nghị Trung ương những lần trước, Hội nghị Trung ương 6 lần này được sự quan tâm đặc biệt của nhiều người vì những dấu hiệu có tính chất đấu đá nội bộ hiện ra khá rõ. 

AFP photo - Từ trái qua: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong phiên bế mạc Đại hội toàn quốc ĐCS VN lần thứ 11 tại Hà Nội vào ngày 19 tháng 1 năm 2011.

Reuters vào cuộc

Một bài viết của tác giả Stuart Grudgings thuộc hãng tin Reuters xuất hiện vào ngày 9 tháng 10 làm cho những nguồn tin về chuyện đấu đá nội bộ trong đảng cộng sản Việt Nam rõ hơn dưới cái nhìn của một ký giả ngoại quốc. Tác giả bắt đầu từ chuyện nổi lên của trang mạng Quan Làm Báo sau khi bầu Kiên bị bắt và những tố giác của nó đã thúc đẩy câu chuyện khó xảy ra trong nội tình đảng cộng sản Việt Nam trở nên sáng tỏ. 

Câu chuyện đấu đá giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang liên minh lại để phê phán các hành vi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong Hội nghị Trung ương 6 không còn là chuyện rỉ tai, đồn đoán khi báo chí ngoại quốc vào cuộc. Sự tình ngày một trầm trọng hơn khi trang mạng nổi tiếng Quan Làm Báo bị hacker thay đổi đường dẫn tới một trang khác đưa những hình ảnh riêng tư của gia đình bà cựu đại biểu Quốc Hội Đặng Thị Hoàng Yến người được cho là thân cận với chủ tịch nước Trương Tấn Sang với những lời nhắn rất vô học gây phẫn nộ dư luận. 

Mặc dù tất cả 700 tờ báo trong nước hoàn toàn không có một mẩu tin dù rất nhỏ về những gì đang xảy ra nhưng bất cứ việc lớn nhỏ nào cũng được hàng trăm trang blog cá nhân theo dõi rất kỹ. Những thông tin từ các trang blog tuy rời rạc nhưng lại là một chuỗi xuyên suốt về tất cả những nguyên nhân, dữ kiện khiến cuộc chiến âm ỉ này trở thành chiến trường ngay trong bàn Hội nghị Trung ương 6. 

Càng gần ngày bế mạc tin đồn càng nhiều. Viễn ảnh về sự ra đi của Thủ tướng không còn mờ nhạt như khi Hội nghị mới khai mac. Dù vậy vẫn có rất nhiều người không tin rằng đảng cộng sản Việt Nam lại chấp nhận cắt bỏ một phần thân thể của mình mặc dù cuộc chiến tranh giành quyền lực đã đến hồi phải kết thúc. 

Đấu đá nội bộ 

Ông Mai Thái Lĩnh, nguyên Phó Chủ tịch HĐND thành phố Đà Lạt từ năm 1989 tới 1994 đưa ra nhận xét: 

Theo tôi thì những chuyện trong nội bộ mâu thuẫn với nhau thì tôi nghĩ là có. Căn cứ vào nhiều dấu hiệu bên ngoài thì thấy như vậy, nhưng vì những vấn đề đó không được giải quyết công khai mà xảy ra trong Hội nghị kín của Ban chấp hành Trung ương và Bộ chính trị cho nên rất khó biết được độ chính xác của nó. 

Nhiều anh em đảng viên có những người đặt tin tưởng rằng sẽ có một kết quả nào đó tốt hơn nhưng riêng bản thân tôi và một số anh em khác qua kinh nghiệm sống lâu dưới chế độ này thì tôi không tin lắm vào kết quả cuối cùng. Bởi vì những vấn đề quốc gia đại sự đáng lẽ phải được diễn ra công khai trong diễn đàn quốc hội, hoặc trên báo chí cho mọi người được biết, chứ còn kết quả diễn ra trong nội bộ thường thì theo kinh nghiệm chúng tôi thấy nó cũng có thỏa hiệp bên trong và kết quả cuối cùng mà mình biết bên ngoài cũng sẽ không chính xác. 

Đảng cộng sản thường hay che dấu mâu thuẫn nội bộ của mình vì vậy cho nên rất nhiều sự thực mà nhiều năm sau, có khi hàng chục năm sau chúng ta mới biết. Chẳng hạn như Hội nghị Thành Đô giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1990 chẳng hạn, sau khi nó diễn ra thì hàng chục năm sau do những tài liệu, những tiết lộ nội bộ của những người trong đảng thì mới biết được phần nào. Cho nên tôi nghĩ chuyện này có thể kết quả bên trong là một phần nhưng mà công khai ra ngoài thì nó lại khác đi vì vậy cũng khó biết lắm. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. AFP photo 

Tiến Sĩ Hà Sĩ Phu, một đảng viên bất đồng chính kiến nổi tiếng đã chia sẻ với chúng tôi những suy nghĩ của ông trước hiện tượng này:

Thật ra chúng ta cũng đã biết là hội nghị uýnh nhau giữa hai phe trong đảng. Mặc dù ngôn ngữ chính thống thì các vị ấy vẫn muốn duy trì ngôn ngữ nội bộ nhưng thật ra bên trong ai cũng biết có sự đấu tranh rất nặng nề giữa hai phe, tuy nhiên đối với tôi thì nó không có gì mới cả. 

Khi viết bài “Chia tay ý thức hệ” tôi đã phân tích: kinh tế thị trường nhưng định hướng xã hội chủ nghĩa thì tự nó đã phải đánh nhau. Nó sinh ra hai phía, một phía làm kinh tế thị trường thì đương nhiên được lợi nhuận rất nhiều. Nhiều tiền, nhiều đô la. Còn phía giữ kiên định xã hội chủ nghĩa, làm chính trị thì đương nhiên không có lợi lộc gì bao nhiêu. Một anh phải gác cổng để anh kia vơ tiền thì tất nhiên hai cái nửa này phải đánh nhau thôi.

Phe ông Trọng, ông Sang là phe giữ cái định hướng. Phe làm kinh tế thị trường là phe ông Dũng. Quả thật sau gần hai mươi năm đúng như ý của tôi đã viết thì không có gì ngạc nhiên cả. 

Thực ra dân bây giờ người ta cũng không hy vọng gì nhiều vào cái hội nghị này đâu bởi vì dù là có mâu thuẫn với nhau đến mức nào chăng nữa thì cả hai phe cũng giống nhau rất căn bản. Thứ nhất là phải giữ được đảng. Giữ được độc quyền rồi thì phía nào cũng có thể tồn tại và làm ăn được. Thứ hai, đã thế thì phải chống dân chủ, tức là không để cho nhân dân có quyền phê phán. Thứ ba là anh nào muốn giữ thế thượng phong thì đều phải dựa vào Tàu, tức là cũng phải thân Tàu. Mức độ có thể khác nhau nhưng bản chất thì rất giống nhau. 

Về căn bản đã giống nhau thì họ phải thỏa hiệp. Phải nói rằng so với trước thì đây là một hiện tượng chưa từng có. Trước đây nếu có mâu thuẫn nội bộ thì họ giữ kín lắm, nhưng bây giờ không giữ đựơc nữa phải khui ra thì đấy là một bước đi xuống rất rõ. Thế nhưng người dân dù không biết gì cả nhưng vẫn đoán ra đựơc là các ông ấy phải thỏa hiệp với nhau. 

Sẽ không giải quyết được gì 

Nguyên nhân mà TS Hà Sĩ Phu đưa ra có thể sáng tỏ hơn bởi tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc. Ông là người cảnh báo hội nghị 6 phải rút kinh nghiệm bài học Thành Đô và đối với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ông không ngại gì khi tố cáo: 

Toàn dân người ta đã biết ông Thủ tướng không có năng lực quản lý xã hội, quản lý kinh tế cho nên chưa bao giờ kinh tế của chúng ta nó sa sút như bây giờ. Sự không có năng lực của ông ấy là đã rõ. Mặt khác các tập đoàn kinh tế nào là Vinashin, Vinalines rồi còn bao nhiêu tập đoàn kinh tế khác mà ông Thủ tướng trực tiếp quản lý đã thất thoát hàng ngàn tỷ của nhân dân, thiệt hại quá lớn. Vì vậy nếu ông ấy cứ tiếp tục thì thiệt hại lớn lắm. Kinh tế sẽ còn sa sút và các tập đoàn kinh tế sẽ còn thất thoát đến đâu nữa, như vậy thì còn gì nguy hại hơn nữa? 

Mặt khác ông ấy lại độc đoán, độc tài vì vậy nếu còn nắm quyền thì ông ấy còn làm bao nhiêu thứ khác chỉ có hại cho đất nước.

Nhà báo quân đội, Đại tá Phạm Đình Trọng, tác giả bài viết nổi tiếng "Ăn mày dĩ vãng: thực chất cuộc vận động tư tưởng Hồ Chí Minh" cho biết nhận xét của ông về Hội nghị 6 lần này: 

Tôi nghĩ là họ không giải quyết được gì. Họ sẽ không dứt điểm được bởi vì cái mà họ đặt quan trọng nhất là sự tồn tại của đảng và họ sẽ thỏa hiệp với nhau để đảng tiếp tục tồn tại. Luật pháp lớn nhất của Việt Nam là điều 4 hiến pháp, tức là sự tồn tại của đảng, thành ra khi họ làm gì thì họ phải bảo đảm sự tồn tại của đảng. Việt Nam không có luật pháp cho dân. Nếu theo luật thì ông Nguyễn Tấn Dũng phải được đưa ra quốc hội và quốc hội phải xử lý chứ không phải xử lý trong đảng. 

Cuộc họp vẫn đang diễn ra tại Hà Nội và dự kiến sẽ có kết quả cụ thể trong ngày bế mạc vào thứ Hai ngày 15 tháng 10 sắp tới. Thế nhưng khó kỳ vọng vào cuộc họp tuy dưới danh nghĩa là phê bình kiểm điểm nhưng thực chất là chia sẻ bớt quyền lực trong nội bộ đảng. Dư luận cho rằng nhân dân vẫn là người thiệt hại nhất vì dân chủ là thứ quyền lực ít ỏi mà họ đang có sẽ ngày càng càng teo tóp lại bởi thứ mà nhà nước rất cần là "Sự thống trị của đảng cộng sản Việt Nam" lại đối nghịch hoàn toàn với ước mơ dân chủ của người dân.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo