Tư Ngộ (Người Việt) - HÀ NỘI (NV) - Ông Nguyễn Tấn Dũng rất có thể sẽ mất ghế thủ tướng sau khi đảng CSVN kết thúc hội nghị trung ương lần thứ 6 đang diễn ra tại Hà Nội từ ngày 1 đến 15 tháng 10.
Hội nghị này được nói là chỉnh đốn đảng với 175 ủy viên trung ương tham dự và được họp bí mật nhưng lại gây sự chú ý đặc biệt trong dư luận tại Việt Nam.
Trong nhiều ngày qua hàng loạt các tin đồn về thay đổi nhân sự chóp bu trong nội bộ đảng CSVN xuất hiện trên các trang mạng ‘lề trái’, trên blog và facebook, cụ thể là ông Nguyễn Tấn Dũng, đương kim thủ tướng.
Nguồn tin xuất hiện trên trang điểm tin Ba Sàm hôm 11 tháng 10 cho hay, “chỉ có 40 trong số 175 đại biểu chính thức, tham dự Hội nghị lần thứ 6, bỏ phiếu tán thành việc Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể tiếp tục đảm nhiệm vai trò thủ tướng”.
Một nguồn tin khác, trang Quan Làm Báo, nói rằng, “ông Dũng chỉ nhận được 4 phiếu tín nhiệm trong tổng số 14 ủy viên Bộ Chính Trị,” cho thấy ông Dũng có thể ‘phải ra đi’.
Một số nguồn tin trên facebook và trên blog dự đoán, Nguyễn Tấn Dũng sẽ ra đi, Nguyễn Sinh Hùng (chủ tịch Quốc Hội) lên thay, và bà Nguyễn Thị Kim Ngân (phó chủ tịch Quốc Hội) sẽ thay Nguyễn Sinh Hùng.
Nguồn tin khác lại nói, Phùng Quang Thanh (bộ trưởng quốc phòng) sẽ thay Trương Tấn Sang làm chủ tịch nước, Trương Tấn Sang sẽ thay Nguyễn Sinh Hùng làm chủ tịch Quốc Hội và Nguyễn Sinh Hùng sẽ thay Nguyễn Tấn Dũng.
Nhiều tin đồn Nguyễn Tấn Dũng sẽ mất chức sau khi hội nghị trung ương 6 kết thúc vào ngày 15 tháng 10, 2012. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/GettyImages)
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của đài BBC, ông Nguyễn Minh Thuyết, cựu đại biểu Quốc Hội nói rằng, ‘khả năng thay đổi thủ tướng là rất lớn’.
Nhưng với nhiều người, thì ai thay Nguyễn Tấn Dũng thì thể chế chính trị tại Việt Nam cũng chẳng có gì tốt hơn, vẫn là độc tài đảng trị.
Hội nghị Trung Ương Ðảng CSVN kỳ 6 chỉ thấy guồng máy tuyên truyền chính thức của chế độ Hà Nội phổ biến bài diễn văn khai mạc của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Ngoài ra không ai biết gì ngoài những lời đồn đoán và các tin tức vỉa hè giật gân.
Cuộc họp này diễn ra trong hoàn cảnh chẳng có gì tốt đẹp để ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo với đảng. Nền kinh tế khó khăn với hàng chục ngàn công ty lớn nhỏ “chết lâm sàng”. Hệ thống ngân hàng thì ngập đầu với nợ xấu. Hết Vinashin lại tới Vinalines.
Nhưng những chuyện đó được giới bình luận trên thế giới ảo coi đó chỉ là những biểu hiện của cuộc đấu đá cung đình giữa hai phe.
Gần đây, có những vụ bắt giữ mà nếu không có những bức thư của bà cựu đại biểu Quốc Hội Ðặng Thị Hoàng Yến và ông em hiện vẫn là đại biểu Quốc Hội Ðặng Thành Tâm, thì người ta vẫn chỉ tưởng là những vị bắt giữ những kẻ “phản động”, hay “vi phạm pháp luật” bình thường.
Lời phản đối trên hai bức thư gửi tới những kẻ quyền lực cao nhất của chế độ tố cáo gián tiếp hành động bắt người bất hợp pháp của công an CSVN do động lực chính trị nằm đằng sau của kẻ nào đó. Không ai nói ra, nhưng rất dễ nhận thấy đó là hành động của phe đảng ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Những bài viết tố cáo bôi đen chị em bà Ðặng Thị Hoàng Yến được một số báo trong nước (được coi như thân cận với ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang) khai thác tận tình có vẻ như ăn miếng trả miếng cho hành động bắt giữ và truy tố từ Bầu Kiên, Lý Xuân Hải, Trần Xuân Giá, v.v... được coi như phe cánh ông thủ tướng.
Nhiều người tin rằng đất nước Việt Nam hiện đang bị điều hành bởi những nhóm lợi ích cấu kết với nhau, hoặc kình chống nhau chứ không phải vì quyền lợi quốc gia dân tộc gì cả.
Một đảng viên cao cấp tiết lộ với hãng thông tấn AFP mới đây là “chưa bao giờ có một ông thủ tướng bị đả kích dữ dội về khó khăn kinh tế và tham nhũng” như ông Nguyễn Tấn Dũng.
Nhưng bứng nổi ông này ra khỏi cái ghế thủ tướng hay không lại là vấn đề của sự vật lộn giữa hai phe cánh đấu đá lẫn nhau. Một số nhà quan sát quốc tế không tin là ông Dũng sẽ bị hất cẳng sớm.
Theo một bài viết trên Blog Cầu Nhật Tân viết nghiêm trang “như thật” làm nhiều người hiểu lầm thì, trong cuộc họp Trung Ương Ðảng đang diễn ra, một ủy viên Bộ Chính Trị không thấy nêu tên (nhưng có vẻ để được hiểu ngầm là Nguyễn Tấn Dũng) “có biểu hiện dung túng người thân, vi phạm kỷ luật đảng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, phai nhạt lý tưởng Cộng Sản”.
Bản tin “như thật” của blog Cầu Nhật Tân nói rằng cái ông ủy viên Bộ Chính Trị đó bị “Ban Chấp Hành đề nghị Bộ Chính Trị ra kết luận cuối cùng và đưa ra hình thức kỷ luật, xử lý đối với đồng chí đó”. Kết luận cuối cùng “sẽ được trình bày trước toàn thể Ban Chấp Hành Trung Ương trước khi bế mạc hội nghị đồng thời thông tri tới các đảng bộ cơ sở”.
Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu đại sứ CSVN tại Bắc Kinh suốt một thời gian dài, đã đòi “xử lý dứt điểm vấn đề Nguyễn Tấn Dũng” ngay trong Hội nghị trung ương 6. Ông Vĩnh cho rằng từ thời Nông Ðức Mạnh lên làm tổng bí thư đảng CSVN cho đến nay, càng ngày càng thấy Bắc Kinh chen vào vấn đề nhân sự nội bộ cấp cao ở Việt Nam. Càng ngày, nhà cầm quyền CSVN càng để cho Bắc Kinh ép mọi mặt, đặc biệt là chủ quyền lãnh thổ.
Ông thủ tướng “y tá vườn” Nguyễn Tấn Dũng đã phải chống đỡ khá khó khăn với những lời chỉ trích về sự thua lỗ của hệ thống quốc doanh, tình trạng tham nhũng tràn lan vì cái lối điều hành đất nước dựa trên bè đảng. Nhưng ông vẫn ngồi vững vàng trên cái ghế ấy.
Từ trước tới nay, chưa có tiền lệ một thủ tướng, một chủ tịch nước hay một tổng bí thư đảng CSVN bị cưa mất ghế ngay giữa nhiệm kỳ.
Nếu chuyện này diễn ra vào kỳ họp Quốc Hội dự trù khai mạc ngày 22 tháng 10, 2012 tức chỉ một tuần lễ sau khi Trung Ương Ðảng chấm dứt họp, nó sẽ là một biến cố đặc biệt, “một cuộc đảo chánh”.
Tư Ngộ/Người Việt